Đi làm việc một tuần, xin nghỉ một tuần để chữa lành; em không đi công tác xa được, em nhớ con em lắm; mỗi lần vào họp với sếp, tim em đập ành ạch, khó thở; mỗi lần đồng nghiệp nói gì đó chê bai em, em cảm thấy chán nản và không muốn đi làm; dự án này mới quá, khó quá em không làm được, thôi cho em xin ra; em ko muốn làm gì, người lúc nào cũng buồn bả, mệt mỏi, chỉ muốn tìm nơi xa nào đó…để ngủ…

Suốt nhiều năm nay, có lẻ công việc nhọc nhằn nhất của tôi là nói chuyện với các cô nàng hay anh chàng 9X về việc “em ơi, anh phải làm sao em mới chịu làm việc đây”.
Cuộc sống này, áp lực không phải do lãnh đạo công ty tạo ra, không ai khùng điên sáng hứng lên kêu nhân viên lên chửi rồi nạt nộ hành hạ nhau, hay nữa đêm nhắn tin kêu làm gì đó…tất cả là áp lực của cạnh tranh, sinh tồn, và phát triển.
Phía sau một doanh nghiệp, một tổ chức là hàng trăm hàng ngàn gia đình. Trên vai của người lãnh đạo, quản lý là hàng chục những cam kết cho đời sống nhân viên: chúng ta phải trả lương đúng ngày, chúng ta phải tăng lương cho nhân viên để chống lạm phát, chúng ta phải đào tạo nhân viên để không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta không thể chậm trễ hay lãng phí một giây một phút nào vì đó là trách nhiệm của chúng ta với tổ chức.
Thế hệ gì cũng được, 7X-8X-9X. gì đi nữa. Học thuyết gì cũng được, Phật cũng được, Chúa cũng được, Thánh cũng được…nhưng cái học thuyết đó trước hết phải dạy cho con người sống có trách nhiệm với người khác, với tổ chức, sống có kỷ luật với bản thân, sống có bản lĩnh mà đối diện với khó khăn. Áp lực là một phần của cuộc sống, nếu không có áp lực, con người cơ bản là không tiến hóa được.
Muốn mọi thứ xung quanh như mình nghĩ, như mình muốn, đó là cái muốn của sự ích kỷ, cái muốn của sự ngụy biện,…là cái muốn đó là hậu quả của sự nuôi dưỡng giáo dục kiểu “công tử, tiểu thư, cậu ấm cô chiêu”. “Tính tiểu thư” không phải chỉ có con nhà giàu mới có, mà nó có ở cả những người lớn lên trong cơ hàn, khó khăn,…nhưng ko được rèn luyện để trở nên có bản lĩnh.
Tổ chức nào cũng cần người là việc, nhưng nếu con người sống ích kỷ, lười biếng và yếu đuối, người ta sẽ đi dạy cái máy để thay thế con người. Sự phân hóa giàu nghèo sẽ mãnh liệt hơn trong tương lai khi AI Agents ra đời với những đơn đặt hàng từ doanh nghiệp để thay thế cho ai đó suốt ngày làm việc không tập trung chỉ lo kiếm cớ đi chữa lành.
Công việc giản đơn bị cướp bởi AI là hiện hữu, nếu vẫn tiếp tục thái độ sống “tìm lý do nhiều hơn tìm giải pháp” thì vị trí của bạn sẽ là ở tầng đáy của xã hội. Ngược lại, ai thoát ra được thái độ đó, người đó sẽ định vị ở tầm cao hơn và ngồi trên mà đày AI bắt nó làm việc cho mình.
Hãy mạnh mẽ lên mà biến AI làm con ở cho mình chứ không phải là đối thủ cướp việc của mình.

Chúc thành công.