HUỲNH BẢO TUÂN

INNOVATION – PHẦN MỘT, BÀN VỀ SỰ MỚI (NOVELTY)

Áp lực trong kinh doanh ngày nay là phải liên tục nghĩ ra cái mới. Hàng triệu người đang kinh doanh, đang kiếm được tiền ngày hôm nay, nhưng ngày mai có còn dựa vào những gì mình đang có kiếm được tiền nữa không, là “nỗi lo thường trực” ám ảnh những nhà lãnh đạo. Sự thay đổi quá nhanh của xã hội, của công nghệ, của thể chế…càng làm cho những phán đoán về tương lai trở nên ngắn hơn bao giờ hết, và “bất thình lình” “đột ngột” hơn bao giờ hết.
Ở đâu đó, trong ngóc ngách nào đó, cũng đang có hàng triệu người “ủ mưu” tạo ra một cái gì mới để “lật đổ” những cái đang hiện hữu, để thay thế, để mở ra một tiềm năng kiếm tiền mới.
Khát khao làm ra cái gì đó mới hơn, hữu ích hơn để thế chổ người khác và kiếm tiền nhiều hơn là một giá trị văn hóa cần nuôi dưỡng trong một xã hội. Có như vậy, con người mới có động lực học tập nghiên cứu. “Tham vọng” (tham lam + vọng tưởng), trong văn hóa Á Đông có ý nghĩa không tích cực, nhưng “Ambition” trong văn hóa phương Tây rất là được khuyến khích. Đó là vấn đề mà xã hội VN cần cởi mở hơn để khuyến khích sự sáng tạo.
CÁC CẤP ĐỘ CỦA SỰ MỚI
– Cải tiến, phát triển thêm tính năng, chức năng mới cho sản phẩm dịch vụ.
Nếu sản phẩm dịch vụ không được phát triển liên tục, khả năng bị đào thải rất cao. Cho nên, việc này chỉ mới đủ để giữ thị phần, giữ những gì mình đang có. Ngày xưa, vòng đời 1 model ô tô có thể lên đến 5 năm, bây giờ chỉ còn 1 năm. Kinh doanh dịch vụ cũng khắc nghiệt không kém, một nhà hàng tiệc cưới, một quán cà phê, một khu vui chơi giải trí, một resort…phải có cái gì đó mới mới mỗi lần khách quay lại. Đổi mới trải nghiệm người dùng đang ngày càng là một năng lực cạnh tranh then chốt với những thương hiệu lâu năm, truyền thống.
– Tạo ra một thị trường mới, một phân khúc khách hàng mới.
Trong kinh doanh, nếu làm theo những thứ người khác đã làm, thì mức độ “lấy trứng chọi đá” khá cao, đòi hỏi sự chuẩn bị nguồn lực kỹ càng, kiểu như người ta bán trà sữa bạn cũng bán trà sữa thì bạn phải có đủ nguồn lực để có độ phủ, sự nhận diện, sự độc đáo khác biệt hơn người khác thì mới mong có chổ đứng trên giang hồ. Và thường kiểu phát triển đó chỉ phù hợp với những tập đoàn lớn khi họ mở rộng lĩnh vực kinh doanh.
Nếu nguồn lực ít hơn, chúng ta nên tìm cách tạo ra một sản phẩm dịch vụ với concept hoàn toàn mới, nó có khả năng tạo ra một phân khúc mới và một thị trường mới (đại dương xanh), tạo ra một trào lưu mới. Tuy nhiên, với tốc độ kinh doanh ngày nay, đại dương xanh sẽ rất nhanh là đại dương đỏ, nếu như chúng ta không sở hữu một bí quyết gì đó rất khó có ai học được (và cái này lại càng khó hơn!).
Trường đại học và viện nghiên cứu là cái nôi của khoa học và công nghệ, nếu các nhà khoa học và các cấp sinh viên (đại học, cao học, nghiên cứu sinh) có business mind và market-orientation thinking, thì sẽ có rất nhiều ý tưởng xuất phát từ sự tiến bộ của khoa học công nghệ có thể tạo nên những concept sản phẩm dịch vụ hoàn toàn mới. Ví dụ: thịt từ thực vật (khẩu vị và dinh dưỡng giống trên 95% thịt động vật), robot làm việc nhà, AI osin…
Trong tình huống này, ý tưởng là một phần nhỏ, xã hội cần một hệ sinh thái hoạt động thực chất để nâng đỡ và nuôi dưỡng những ý tưởng, thì mới biến nó thành hiện thực được. Tiền là quan trọng, nhưng dùng tiền hiệu quả quan trọng hơn gấp ngàn lần, nếu không thì có núi núi tiền cũng không đủ.
Một hệ sinh thái khẩu hiệu-khua chiêng giống trống thì nhiều, nhưng thực chất thì rất ít, cuối cùng cũng sẽ tạo ra bản báo cáo thành tích hơn là cái gì đó có lợi ích thực sự. Và đương nhiên, nó sẽ rất nhanh trở thành phong trào trôi vào quên lãng, rồi ta lại đi gầy phong trào mới, và rồi suốt ngày làm phong trào, ai hát gì ta hát đó, nhưng không tạo nên một kết quả gì cụ thể.
– Giải quyết vấn đề CŨ của khách hàng bằng những phương cách MỚI

Sản phẩm và dịch vụ là phương tiện để con người giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của họ. Kinh doanh là quá trình đồng tạo sinh giá trị (value co-creation). Các vấn đề của con người từ những thứ cơ bản, ngàn năm như: an toàn, sức khỏe, ăn uống, di chuyển, tình dục…đến những vấn đề thuộc về đời sống tinh thần nâng cao: du lịch, chia sẻ, kết nối, cộng đồng…là bất tận.
Ngày nào còn con người tồn tại trên trái đất này, ngày đó các vấn đề họ cần giải quyết là vô cùng, vô cùng lớn. Nếu chúng ta có thể cung cấp cho họ những giải pháp mới, tốt hơn, hiệu quả hơn để giải quyết các vấn đề mà họ đối diện trong cuộc sống thì không lý gì họ không mang tiền đến cho ta. “Tập trung vào khách hàng mà tạo ra giá trị (giải quyết vấn đề của họ một cách hiệu quả) thì tiền sẽ tới”, khó mà nghèo được.
Xe ôm là concept trên 50 năm ở đất Việt, nhưng Xe ôm công nghệ thì mới có vài năm, và nó giúp con người giải quyết vấn đề rất rất cũ bằng một phương cách mới tiện lợi hơn.
Có rất rất nhiều vấn đề, từ an toàn thực phẩm, vấn nạn bắt cóc trẻ em, đến stress, theo dỏi sức khỏe, phát hiện sớm bệnh tật, học hành… các vấn đề không mới, nhưng đang cần những bộ óc ưu tú nghĩ ra các thức giải quyết mới tốt hơn, hiệu quả hơn.
Lịch sử các công ty vĩ đại trên thế giới ghi nhận, những nhà sáng lập là những con người có khả năng EMPATHY VÀ INSIGHT (thấu cảm và thấu hiểu) con người xuất sắc. Khởi điểm kinh doanh của họ xuất phát từ sự trăn trở những nổi đau và vấn đề con người đối diện, từ đó lao vào nghiên cứu tìm tòi những giải pháp giải quyết nó. Đặc biệt là, khi họ làm việc đó, trong đầu họ không có nghĩ về tiền trước, mà nghĩ làm cách nào tạo ra giải pháp tốt nhất trước.
Nestle nhìn thấy rất nhiều đứa trẻ chết vì suy dinh dưỡng trong thế chiến thứ 2, ông đã phát minh ra sữa công thức. Và hàng tỷ đứa trẻ đã được cứu.
Bill Gates nhìn thấy người dùng vất vả với việc dùng máy tính bằng những câu lệnh khô khan khó nhớ (DOS), đã nghĩ ra một giao diện trực quang hơn, Windows đã giúp hàng tỷ con người tiếp cận máy tính dễ dàng hơn.
Anh em nhà Donald nhìn thấy các tài xế lái xe đường dài mất thời gian ăn uống, đã nghĩ ra concept hamburger và drive-through để cung cấp bữa ăn đủ dinh dưỡng và không mất thời gian cho tài xế.
Rất nhiều những ví dụ kinh doanh thành công từ những con người biết quan sát cuộc sống và biết thấu hiểu người khác. Lấy khách hàng làm trung tâm, không phải là một khẩu hiệu mụ mị, không làm được việc đó, đừng mơ kinh doanh thành công (nếu có, chẳng qua là đi cướp cái gì đó, nhưng đó chỉ là nhất thời).
– Giải quyết những vấn đề MỚI với phương cách chưa từng có trước đó
Cuộc sống và xã hội không ngừng phát triển, không ngừng vận động, và với tốc độ thay đổi ngày càng nhanh hơn. Nhanh đến mức rất khó để có thể nhận định được chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lại một cách rõ ràng.
Thời đại ngày nay, là thời đại của những nhà tiên tri. Nhận định chuyện gì sẽ đến, và con người sẽ đối diện với những vấn đề mới gì, và chuẩn bị cho họ những giải pháp mới để giải quyết những vấn đề mới trước khi họ kịp nhận ra vấn đề mà họ sắp và sẽ đối diện. Đó là năng lực Foresight.
Nếu như bạn đặt câu hỏi “trẻ con trong thời gian tới sẽ đối mặt với những vấn đề gì, và ba mẹ của nó cần gì để giúp con họ tránh những điều tiêu cực”. Nghiền ngẫm câu hỏi này, chúng ta sẽ có hàng chục ý tưởng kinh doanh mới.
Đặt những câu hỏi cốt lõi cho những đối tượng trung tâm của hệ sinh thái, chính là cách luyện tập năng lực foresight, một loại năng lực mới cho thời đại kinh doanh mới. “viễn cảnh tương lai của bà nội trợ sẽ là gì?”; “việc học hành trong tương lai sẽ ra sao?”; “con người sẽ làm cách nào để nhận biết sớm những bệnh nguy hiểm (ung thư, tim mạch…)”.
Thậm chí tập đặt những câu hỏi đi ngược đám đông, biết đâu tìm kiếm được thứ gì đó thú vị “hút thuốc, uống rượu là nguồn gốc bệnh tật. Hiển nhiên rồi, vì nó chứa rất nhiều chất độc. Vậy nếu thuốc lá, rượu ít độc hại hơn thì sao?”.
Suy nghĩ không có mất tiền, kiến thức cũng ngày càng rẻ và dễ tiếp cận hơn. Bớt giáo điều, tăng cường thấu cảm và tập tư duy tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề cho con người. Suy nghĩ khác thường, khác biệt cần được khuyến khích (chỉ có hành vi khác thường ảnh hưởng người khác mới không được khuyến khích), vì đó mới là tiền đề cho quá trình nghiệm ra cái mới. Và có cái mới (giải pháp mới) thì đời sống con người mới tốt hơn.
Ví dụ: trẻ con thời nay khác với trẻ con thời xưa. Trẻ con thời xưa đi học về là ra xóm chơi nhảy dây, cò chẹp, tán lon, thả diều…suốt ngày vận động, rất ít có chuyện béo phì. Trẻ con ngày nay suốt ngày nhốt vào cái hộp (nhà phố, chung cư, nhà trọ), nằm coi tivi, lăn ra ăn…10 đứa béo phì hết 5. Nổi lo, nổi đau của cha mẹ là chổ này. Nếu chúng ta suốt ngày giáo điều (trẻ con phải thế này thế kia), chỉ làm căng thẳng thêm cho cha mẹ, nhưng nếu chúng ta cung cấp cho cha mẹ giải pháp như trại hè, sinh hoạt tập thể, vườn khoa học thực nghiệm, dã ngoại sinh thái…với một chi phí chấp nhận được thì đó mới là tư duy của người làm kinh doanh – tư duy thực tế, tư duy giải quyết vấn đề.
ở đâu có vấn đề cần giải quyết, ở đó có tiềm năng kinh doanh.
– Mô hình kinh doanh mới, phương cách kinh doanh mới
Có thể tính mới trong sản phẩm, dịch vụ không nhiều, nhưng cách thức chúng ta tạo ra sản xuất dịch vụ, cách thức chúng ta kiếm tiền từ sản phẩm dịch vụ khác lúc trước. Đặc biệt là phương cách chúng ta vận hành một doanh nghiệp khác hẳn truyền thống.
Thật ra đổi mới mô hình kinh doanh không phải là câu chuyện mới. Tuy nhiên, ngày xưa phương tiện và giải pháp vận hành không khả thi. Ngày nay, cách mạng thông tin đã giải quyết được chuyện này một cách dễ dàng, đặc biệt là nó kéo theo một cuộc cách mạng về chi phí. Cho nên, hầu như việc thay đổi mô hình kinh doanh đều dựa trên nền tảng số hóa. Hay nói ngược lại, chính cách mạng số hóa đã mang đến nhiều mô hình kinh doanh mới và hiện thực hóa nhiều mô hình kinh doanh mà ngày xưa chỉ xem như là chuyện viễn tưởng.
Amazon, Dell, IKEA …là những cái tên đã đi vào sách giáo khoa cho những tiên phong của họ trong việc thay đổi cách thức kinh doanh, thay đổi cách thức vận hành truyền thống, và tạo ra những cuộc cách mạng về chi phí, cách mạng về cá nhân hóa tiêu dùng.
Không dừng lại đó, ngày càng nhiều những mô hình kinh doanh “không dễ hiểu tí nào”, bởi thứ họ bán là gì, cách họ kiếm tiền thế nào, “mắt thường” không nhìn thấy được. Kinh doanh nền tảng (platform business) thực sự là những mô hình kinh doanh đầy quyền lực, mở ra một trang sử mới trong kinh doanh, thay đổi hoàn toàn cách thức chơi trong cuộc chơi, thông qua việc tạo ra những thứ luật lệ mới trong một hệ sinh thái mà ở đó người kiến tạo ra hệ sinh thái đó có quyền lực lớn hơn bất cứ quốc gia nào trên trái đất này.
Việc kiến tạo một hệ sinh thái ngày nay không còn là chuyện của kinh doanh, mà là của kinh tế và chính trị. Chưa bao giờ sự trộn lẫn không phân biệt được đâu là kinh doanh đâu là chính trị như ngày nay. Các hệ sinh thái ánh xạ hoàn toàn nền chính trị của một quốc gia vào đó, và quyền lực chí phối chính trị cũng là quyền lực của hệ sinh thái. Thậm chí, sẽ dẫn chiến tranh giữa các hệ sinh thái trong tương lai khi các quốc gia gia tăng sự ảnh hưởng chính trị lên các hệ sinh thái này.
Chiến tranh trong thế kỷ 20 là xâm chiếm lãnh thổ, chiến tranh trên không gian mạng ngày nay là sự xâm lấn của hệ sinh thái có nguồn gốc (bị chi phối) của quốc gia nào đó. Nếu vẽ một bản đồ dựa trên độ trải rộng của hệ sinh thái thì Mỹ là quốc gia bao trùm hơn 2/3 thế giới này.
– Khai thác nguồn lực mà chưa ai khai thác được
Giống như nhà vật lý đi tìm kiếm nguồn năng lượng mới sạch hơn, rẻ hơn cho nhân loại. Nhà kinh doanh cũng đi tìm những nguồn lực mới và khai thác được chúng một cách hiệu quả.
Ví dụ như nhà vật lý thấy rằng: năng lượng sinh ra từ việc va đập của các phương tiện giao thông lên mặt đường (trong thành phố), đủ cho nhu cầu năng lượng của cư dân sống dọc trên con đường đó. Tuy nhiên, việc thu gom năng lượng này và chuyển nó thành điện cho tiêu dùng là quá tốn kém, dẫn đến giá thành điện làm ra không cạnh tranh với điện truyền thống – Biết có năng lượng đấy nhưng chưa có giải pháp để khai thác hiệu quả. Và đương nhiên là tiếp tục nghiên cứu!
Người làm kinh doanh cũng vậy. Họ nhìn thấy hàng vạn phương tiện giao thông di chuyển rỗng, hàng vạn căn nhà có phòng trống, hàng tỷ tỷ số dư tiền gửi nhỏ không dùng tới trong tài khoản ngân hàng…họ biết đó là nguồn lực, nhưng làm sao huy động được nguồn lực này để tạo ra tiền là chưa có giải pháp khả thi (trước đây). Nhưng chính công nghệ thông tin phát triển đã cho doanh nhân những giải pháp rẻ không ngờ để khai thác nó, những UBER, Airbnb, Fintech…ra đời, và nhanh chóng được sự hưởng ứng mạnh mẽ của xã hội vì nó giải phóng được một nguồn lực to lớn, nhàn rỗi, kết nối những nguồn lực nhỏ bé thành nguồn lực lớn và chuyển nó thành tiền một cách nhanh chóng.
Nguồn lực nhàn rỗi là rất lớn trong xã hội, nên các mô hình sharing sẽ nhanh chóng nở rộ, nó thách thức ngược lại các mô hình kinh doanh truyền thống, nó tạo ra sự đột phá lớn về chi phí, do đó nó sẽ là một thế lực kinh doanh quyền lực trong tương lai.
– Tạo ra những nguồn lực mới không ai ngờ tới.
Khác với nguồn lực nhỏ, ai cũng nhìn thấy nhưng cần những giải pháp thu gom hiệu quả. Có những thứ không ai nhìn ra đó là nguồn lực. Nó như một dạng năng lượng ẩn chưa được các nhà vật lý khám phá ra. Giống như ngày xưa không ai tưởng tượng được năng lượng nguyên tử kinh khủng như thế nào.
Điều thú vị nhất trong kinh doanh là nhìn ra những thứ nguồn lực mà ít người (không ai càng tốt) có thể nhận ra.
Ví dụ chỉ một ít người (ban đầu) sớm nhận ra hành vi tương tác trên mạng xã hội là một nguồn lực. Và những người tiên phong đó, phần thưởng đến với họ không hề nhỏ, và thường là họ thuộc vào những nhóm người làm thay đổi thế giới.
Hay như người Hàn, người Nhật sớm nhận ra văn hóa là một nguồn lực vô hình nhưng cực mạnh, và không ai biến nguồn lực văn hóa thành kinh doanh thành tiền giỏi như người Hàn, người Nhật.
Nghĩ ra đầu tiên mới khó, người khác nghĩ ra rồi, mình ăn theo trào lưu thì cũng sống được nhưng không thể là nhà tiên phong ghi danh sử sách.
Tạo thói quen suy nghĩ tích cực, sẽ giúp chúng ta phát hiện nhiều hơn những nguồn lực ẩn. Và biết đâu ta sẽ phát hiện ra những nguồn lực mới làm thay đổi thế giới này.
CON ĐƯỜNG KINH DOANH
Không ai có thể cấm được suy nghĩ của con người, càng không thể bắt nhốt được suy nghĩ. Suy nghĩ là thứ tự do nhất.
Nếu như một ngày nào đó bạn nghĩ ra được cách thức gì đó có thể làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn. Đó là lúc bạn nên nghĩ đến con đường kinh doanh, con đường biến những ý tưởng đó thành hiện thực, và bắt đầu khát khao cái hiện thực đó.
Động lực mỗi ngày giúp cho chúng ta vượt qua khó khăn là khát khao hiện thực được ý tưởng để mang đến cho con người nhiều lợi ích hơn. Thực sự những người làm thay đổi thế giới này đều làm việc với động lực đó. Còn nếu bạn làm việc với động lực khát khao sự nổi tiếng, khát khao có nhiều chân dài vây quanh, khát khao nhiều tiền để mua siêu xe, thì cẩn thận coi chừng tù tội sẽ đến với bạn vì nó sẽ dẫn dắt bạn làm giàu bằng cách đi cướp người khác cho nó nhanh.
Vai trò của doanh nhân trong xã hội là người mang khoa học công nghệ đến với đời sống con người. Nếu không có doanh nhân khoa học công nghệ chỉ quanh quẩn các tháp ngà hàn lâm.
Vai trò của doanh nhân là thay đổi cuộc sống con người làm cho nó tốt đẹp hơn thông qua sản phẩm dịch vụ mà họ làm ra chứa đựng trong đó là những giải pháp hiệu quả giúp cho con người.
Nếu không có doanh nhân, nhà khoa học không có động lực làm việc, vì không ai đánh giá được cái họ làm ra có đáng giá hay không.
Nếu không có những cuộc “cạnh tranh” giữa các doanh nhân thì cái mới không thể xuất hiện, và loài người không thể tiến hóa.
Mời đón xem tiếp phần hai
INNOVATION – PHẦN HAI, BÀN VỀ SỰ THAY ĐỔI (CHANGE)

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *