HUỲNH BẢO TUÂN

BÀI TOÁN LẬP KẾ HOẠCH (PLANNING) TRONG BỐI CẢNH WHITE WATER ENVIRONMENT

Một buổi tối thứ bảy muộn, chúng tôi cùng nhau thảo luận làm sao để lập kế hoạch cho thời gian tới – 2021.

Chúng ta đang sống trong thời buổi không phải là dò đá qua sông, cũng không phải giông thuyền ra biển lớn, mà là chèo thuyền vượt thác. Phía trước là trắng xóa, không biết nơi nào là đá, chỉ cần tít tắt dừng cuộc chơi. Tất cả phải phản ứng cực nhanh và phối hợp cực kỳ nhịp nhàng.
Trước giờ làm kế hoạch, chúng ta có một giả định ngầm, những gì trong quá khứ sẽ lặp lại và ta luôn cầu mong sự lặp lại một cách ổn định. Chính vì sự giả định đó mà ta hay lập kế hoạch theo phương pháp Ấn – Độ (ấn ấn độ độ theo con số cùng kỳ). Các kỹ thuật dự báo cũng dựa trên những giả định đó, những quy luật trong quá khứ sẽ lặp lại.
Tuy nhiên, những giả định này xem ra đã bắt đầu lung lay. Và những người bảo thủ nhất đã bắt đầu thừa nhận, ta không thể nhìn về tương lai bằng cách suy diễn từ quá khứ.
Nhưng một tổ chức không thể không lập kế hoạch, không thể ngồi chờ, tới đâu thì tới. Chả lẽ mỗi doanh nghiệp phải mời một ông thầy bói về ngồi bói xem sắp tới sẽ ra sao sao?
Thay vì ngồi đó cố đoán về tương lai, ta nên tập trung cải thiện năng lực ứng biến của một tổ chức, cũng như kỹ năng của những người chơi trò white water rafting phải luyện tập.
1. Chuẩn bị một tâm thế không ngồi đó kỳ vọng sự ổn định, chấp nhận sự bất ổn sẽ đến và sẵn sàng đón nhận.
2. Quan sát tập trung, nhạy bén hơn với những tín hiệu thay đổi. Nhận diện sớm nhất có thể những xu hướng đang còn mờ mờ ở đâu đó.
3. Cải thiện quy trình ra quyết định hướng đến khả năng linh hoạt nhất có thể.
4. Module hóa, mạng lưới hóa các quá trình để có thể linh hoạt dừng – chạy, mà không gây ra sự xáo trộn mang tính dây chuyền.
5. Tinh gọn để linh hoạt. Tinh gọn để giảm tổn thất khi thay đổi xảy ra nhanh. Tinh gọn để triển khai nhanh khi cơ hội tới nhanh và đi nhanh.
6. Học hỏi nhanh những năng lực mới khi cần, thậm chí với những thứ chưa từng thành thạo trong quá khứ. Đồng thời đừng luyến tiếc những năng lực đã lỗi thời.
7. Tập quên nhanh những hào quang trong quá khứ, cũng như đừng cố níu giữ những gì đã giúp chúng ta thành công trong quá khứ, nó đã không còn giá trị gì cho tương lai, mà chỉ đóng góp vào sự ì ạch ỷ lại của chúng ta.
Đừng cố vẽ một con đường cho tương lai, để rồi rơi vào vòng xoáy kỳ vọng – thất vọng. Đừng luyến tiếc quá khứ để rồi trách cứ cay cú giá như. Hãy tập trung vào từng khoảnh khắc của hiện tại để sáng suốt nhận diện sớm những tín hiệu thay đổi khi nó còn rất yếu.
Chúng tôi gọi đó là Mindful Planning.
Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1 + 1 bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *