HUỲNH BẢO TUÂN

Y TẾ VÀ CHIẾN LƯỢC VỀ CON NGƯỜI

Có lần trao đổi với một chuyên gia y tế rất được kính trọng trong ngành, đang được các tập đoàn y tế tư nhân mới nổi săn đón, chị ấy nói với tôi một câu “chị không quan tâm họ có đầu tư y tế thật hay không, chị không quan tâm tiền ở đâu họ có để làm y tế, chị chỉ quan tâm họ chịu chi để chị có thể làm được việc chị muốn.”

Câu nói này làm tôi suy nghĩ rất nhiều về việc làm sao để có thể xây dựng được một chiến lược phát triển con người trong nhiều bối cảnh bệnh viện khác nhau (công, tư, tư giàu có, công giàu có, tư đủ ăn, công lây lất…). Và chẳng lẽ phải có thật nhiều tiền mới có thể làm được y tế. Nếu vậy, tương lai y tế sẽ thuộc về những tập đoàn đa ngành hùng mạnh, lấy tiền chỗ khác đầu tư vào y tế mới làm được. Bản thân tự ngành y không thể nuôi dưỡng nổi sự phát triển của mình.!?
Bệnh viện công tạo ra nhiều chuyên gia y tế hàng đầu cả nước và tầm cỡ thế giới. Đó là do sự đầu tư gần 50 năm của một quốc gia. Giai đoạn 1990-2010, y tế sử dụng 5-7% GDP của quốc gia, nguồn lực đầu tư vào y tế là rất lớn nếu so với những ngành khác trong cùng một quốc gia (đừng so con số tuyệt đối với quốc gia khác). Đến giờ này, sau 20 năm xã hội hóa, vẫn chưa ghi nhận được một chuyên gia nào trưởng thành và có nhiều thành tựu được nuôi dưỡng từ môi trường y tế tư nhân. Chẳng lẽ, đúng như nhiệm vụ chính trị đã an bài, y tế tư chỉ có thể làm một chút dịch vụ gì đó để giảm tải cho y tế công. Đào tạo và phát triển nhân tài vẫn là “chuyện từ từ mới tính” ở bệnh viện tư. Còn với một bệnh viện công đang sống lây lất thì nhân tài càng là chuyện xa xỉ!?
>>> Các chiến thuật về con người thường thấy ở các bệnh viện tư:
(1) Khai thác năng lượng đang còn rất nhiều ở các nhân viên y tế đến tuổi về hưu. Thật ra ai cũng biết, 50-60 tuổi với một bác sĩ, điều dưỡng, còn rất nhiều khả năng để làm việc, thậm chí xuất sắc và chín muồi. Nên, đây là món quà quý giá mà các bệnh viện công tặng không cho các bệnh viện tư, không cần làm gì vẫn có rất nhiều chuyên gia giỏi sẵn sàng làm việc.
(2) Khai thác được hoài bão nhưng không được sự đầu tư. Rất nhiều bác sĩ chuyên gia có nhiều ý tưởng và hoài bão muốn phát triển lĩnh vực của mình. Tuy nhiên do nhiều lý do, nơi họ làm việc, bệnh viện công, không thể giúp họ làm được việc họ muốn. Trong khi đó, bệnh viện tư nhân thì đang rất cần những chuyên gia có hoài bão này.
(3) Giải phóng cho những người muốn thoát khỏi sự đè nén của môi trường công. Chúng ta đều biết hiếm có môi trường công nào mà con người có thể làm việc thoải mái vui vẻ, toàn tâm toàn ý. Đa phần môi trường quản trị công “tình hình chính trị nội bộ rất phức tạp”. Vì vậy, nó lấy đi rất nhiều năng lượng làm việc của con người. Nghĩa là thay vì tôi dành tâm trí cho chuyên môn, cho công việc, thì phải dành tâm trí cho đối phó đủ thứ chuyện “tào lao mía lau” do môi trường thể chế công mang lại.(Nhưng có người thì thích thú những chuyện như vậy, và hầu hết họ là những tri thức cơ hội).
Xét ở góc độ cạnh tranh tích cực, những chiến thuật này của bệnh viện tư đóng góp rất lớn vào việc nâng tầm giá trị tri thức, nó làm cho bệnh viện công phải suy nghĩ là về môi trường làm việc của mình, cải cách thể chế, trân quý trí tuệ, giảm bớt những việc “không thực chất”, dồn sức đầu tư cho con người. Tuy nhiên, tất cả những việc đó là hên xui tùy vào người lãnh đạo, nhưng đa phần với phong cách quan liêu sẵn có của hệ thống công thì ban hành quy định hành chánh trói buộc cho nó nhanh, cấm cấm và cấm. Họ quên rằng dây mềm mới buộc chặt, còn càng cấm thì càng mất người. Nhưng không sao, làm cho một đơn vị quan liêu suy yếu, suy cho cùng cũng là tốt cho xã hội.
Tuy nhiên, các chiến thuật này chỉ thích hợp cho các bệnh viện tư nhà giàu, vì đơn giản là phải có nhiều tiền mới làm được. Còn các bệnh viện nhà nghèo thì sao, chẳng lẽ nghèo thì không làm được gì. Nên nhớ 80% bác sĩ của chúng ta xuất thân từ con nhà nghèo, nếu chỉ có con nhà giàu mới học được y khoa thì e rằng VN không có bao nhiêu bác sĩ.
Giàu hay nghèo đều có thể học thành bác sĩ. Nhưng cách học của người giàu có thể sẽ khác cách của người nghèo. Nên, đừng đừng núi này trông núi nọ và than vãn cho thân phận. Quan trọng là tìm được một con đường cho mình, đó là chiến lược.
>>> Nguồn lực vô giá, nguồn lực cho mọi nguồn lực là BỆNH NHÂN.
60% người dân VN, nếu vướng vào bệnh tật là coi như cuộc đời và gia đình rơi vào cảnh khốn cùng. Họ luôn cần chúng ta giải quyết được bệnh tật cho họ với chi phí thấp nhất có thể. Họ sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi, họ không la ó trách mắng, họ chịu cho chúng ta “trial & error” mà không đi thưa kiện, họ coi chúng ta như bồ tát mỗi khi chúng ta làm cho họ hết đau đớn, đó là niềm khích lệ để chúng ta lao vào học tập và nghiên cứu.
Nếu chúng ta có thể vận hành với chi phí thấp hơn để có thể thu hút được bệnh nhân ít có khả năng chi trả hơn, thì đổi lại ta được tri thức y tế tốt hơn từ họ, hai bên cùng có lợi. Mô hình y tế chi phí thấp mới thực sự là mô hình tạo sinh tri thức hiệu quả cho y tế (chi phí cho tri thức y tế là thấp nhất). Và khi chúng ta có tri thức rồi thì chúng ta mới tính được một cách sòng phẳng với các phân khúc “sẵn sàng chi trả nhưng cũng sẵn sàng thưa kiện”.
Chiến thuật học nhanh hơn người khác. Tuyển dụng bác sĩ trẻ chịu khó, chịu học, có hoài bão + bác sĩ cố vấn có tâm (mentor) cho từng nhóm chuyên ngành + bệnh nhân đông = tri thức tổ chức tạo sinh nhanh và hiệu quả. Xây dựng văn hóa tri thức và các quy trình quản trị lâm sàng chặt chẽ chuyên nghiệp. Những năng lực quan trọng cho chiến thuật này là khả năng tuyển dụng các sĩ trẻ tiềm năng, và tạo được mạng lưới với các bác sĩ cố vấn. Với bác sĩ trẻ, cơ hội cọ xát lâm sàng và được làm việc với các bác sĩ đầu ngành là mơ ước và là cơ hội không dễ mà có. Một bác sĩ trẻ mất 20 năm để thành chuyên gia hay 10 năm là ở những cơ hội này.
Chiến lược “một quốc gia hai chế độ”. Song hành trong cùng một bệnh viện, có đơn vị chi phí thấp thu hút bệnh nhân không có điều kiện chi trả cao, thì cũng có đơn vị dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng những nhu cầu đẳng cấp. Tri thức y tế được tạo sinh từ người nghèo, nhưng nó cũng vừa được dùng để phục vụ người giàu. Người giàu chi trả cao hơn, nuôi được bác sĩ, nuôi được đầu tư, từ đó giúp người nghèo tiếp cận được y tế mà không phải trả giá bằng sản nghiệp. Đó là nguyên lý cơ bản cho sự phát triển bền vững của một đơn vị y tế. Phát triển trên nền tảng tri thức nhưng vẫn nuôi được sự phát triển. Đặc biệt là giải quyết được những oán thán của y tế trong xã hội.
Điều cuối cùng của một bác sĩ là cần gì: kiếm được nhiều tiền dựa trên tri thức của mình, và một môi trường có thể phát triển được tri thức, được khuyến khích phát triển tri thức, được tạo điều kiện để phát triển tri thức, mà không phải trông chờ vào vận may ai đó mang đến cho mình. Nghĩa là được độc lập, tự chủ cho chính cuộc đời mình.
>>> Hãy quên đi khác niệm “thiên tài”, tất cả là do chúng ta tạo ra.
Người có năng lực không tự trên trời rơi xuống, tất cả là nhờ môi trường nuôi dưỡng + nỗ lực bản thân (cũng có tác động từ môi trường như sự động viên, khích lệ). Không một bác sĩ nào có thể giỏi được nếu không có sự trợ giúp của môi trường lâm sàng (mặt bệnh) và những đồng nghiệp sẳn sàng chia sẻ tri thức, kinh nghiệm. Không một bác sĩ nào có thể đọc hết tất cả các quyển sách và bỗng một ngày đẹp trời đứng ta tuyên bố tui làm được hết rồi, mấy anh tránh qua một bên xem đi. Tri thức của một tổ chức và tri thức của cá nhân được phát triển dự trên nguyên lý “network synergy”, không tuyến tính như ta thường nghĩ, mà tăng trưởng theo cách tương tự như Corona virus.
“Thương hiệu” của một cá nhân là do tổ chức xây dựng. Đó là cả một công nghệ lăng xê. Đừng ai vỗ ngực tự cho mình có thể nổi tiếng bất chấp tổ chức. Việc promote thương hiệu cá nhân hiện nay cần phải được xem như một phần của chiến lược về con người. Y tế không thể không có hình ảnh chuyên gia. Và chuyên gia càng không thể không có bệ đỡ từ tổ chức. Nghiệp vụ PR cá nhân cũng không quá khó, cái khó là các bác sĩ không thông về chuyện này.
Tìm kiếm những con người muốn “giàu bền vững” và hãy để những người muốn “giàu nhanh” cho nơi khác dùng. Giàu bền vững là giàu dựa trên tri thức và dựa trên giá trị, giàu nhanh là giàu dựa trên chiêu trò mánh khóe. Y tế là lĩnh vực bất đối xứng thông tin, chiêu trò thì vô biên, không thể chế nào kiểm soát nổi, chỉ có tâm người có muốn làm hay không.
Vấn đề là, những nơi nào chứa những khát khao giàu nhanh cho kịp chuyến tàu thì nơi đó khó lòng mà yên ổn để phát triển, sớm muộn gì cũng lụi tàn. Trong khi những nơi quy tụ được những con người muốn giàu bền vững, thì họ sẽ chú trọng đến xây dựng văn hóa nội bộ, văn hóa học tập, văn hóa tri thức.
Cho nên, cốt lõi của chiến lược về con người trong môi trường y tế (công và tư) là kiến tạo một văn hóa tổ chức mà ở đó sàng lọc được người đến kiếm ăn nhanh, nuôi dưỡng được người muốn kiếm ăn lâu dài. Đơn giản vậy thôi.
Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *