HUỲNH BẢO TUÂN

PHÂN TÍCH MÔ HÌNH KINH DOANH CỦA MỘT TRUNG TÂM XUẤT SẮC (Center-of- Excellence Business Model) VÀ MỘT VÀI LIÊN HỆ ĐẾN LĨNH VỰC Y KHOA

Trung tâm xuất sắc là gì, nó vận hành như thế nào, đầu vào của nó là gì, sản phẩm đầu ra là gì, làm sao nó có tiền để phát triển, nó định vị ở đâu trong hệ thống y khoa, làm sao để nó tồn tại và phát triển bền vững…là những câu hỏi quan trọng cần phải làm rỏ. Trả lời những câu hỏi này là việc phân tích và xây dựng một mô hình kinh doanh (business model).

  1. Vai trò của một Center of Excellence (CoE)

Khoa học trong một chuyên ngành nào đó là một hành trình qua nhiều giai đoạn, thường được chia thành 3 giai đoạn chính: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai, và nghiên cứu ứng dụng.

– Mục tiêu của nghiên cứu cơ bản là “khám phá và giải thích” giúp cho con người hiểu biết nhiều hơn về thế giới tự nhiên, xã hội. Kết quả đầu ra của nghiên cứu cơ bản chỉ là những phát hiện mới gì đó mà trước đó chưa ai biết, và thường là trong một phạm vi khá hẹp. Những ai làm nghiên cứu sinh chắc thấu hiểu nổi khổ của việc làm literature review, trong hàng ngàn hàng vạn nghiên cứu, làm sao hệ thống hóa nó lại và phát hiện ra cái thứ người ta chưa làm (để làm việc này tốn không dưới 3 năm cho 1 người làm việc cật lực).

Nghiên cứu cơ bản không thể tạo ra tiền ngay lập tức, do đó nó thường phải được tài trợ để nghiên cứu, và kiến thức của nghiên cứu cơ bản là miễn phí cho loài người. Bất cứ ai cũng có thể vào các tạp chí khoa học đem bài về đọc (chỉ trả 1 chút phí cho việc vận hành tạp chí, chứ không có trả tiền cho người làm ra kiến thức). Nghiên cứu cơ bản là công việc của các trường đại học dạng nghiên cứu, do đó giảng viên đại học ở những nơi này là người phải có khả năng đi xin tiền để làm nghiên cứu, và đương nhiên ai có thành tích nghiên cứu tốt hơn thì cơ hội được tài trợ nhiều hơn, đó là sự cạnh tranh, và không phải ai cũng thích nghi được.

– Mục tiêu của nghiên cứu triển khai là “giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó của con người – tạo giá trị cho cuộc sống con người” dựa trên các hiểu biết của nghiên cứu cơ bản. Đương nhiên, vì nó tạo ra giá trị trực tiếp cho con người, nên con người muốn dùng nó phải trả tiền. Do đó mục tiêu của nghiên cứu triển khai là làm ra được cái gì đó để có thể bán được (thương mại hóa – commercialization).

Nhà nước thường không tài trợ cho nghiên cứu triển khai vì nó có thể – nói theo kiểu của Việt Nam – “xã hội hóa”, nghĩa là nó có thể cho tư nhân, các quỹ đầu tư tham gia với mục đích và động cơ là “vụ lợi” (xin hiểu từ này ở góc nhìn tích cực). Vì nghiên cứu triển khai khá là rủi ro (nghiên cứu không ra, hoặc nghiên cứu ra nhưng không ai dùng, hoặc còn lâu lắm mới phù hợp để dùng) nên thường được rót vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital). Trong đầu tư mạo hiểm, đầu tư 10 trúng 1 là một thành công to lớn rồi, và thế giới này thật sự phải cám ơn các quỹ đầu tư này, nếu không ta không có những thành tựu ứng dụng vào cuộc sống như ngày hôm nay.

Kết quả đầu ra của nghiên cứu phát triển là các “technological rules” như kỹ thuật điều trị, phát đồ, giải pháp kỹ thuật, bí quyết công nghệ (know-how), hay các phát minh (patent), hay quyền tác giả (copyright)…tất cả gọi chung là quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual properties – IP), nó được bảo hộ và được mua bán như một “món hàng”. Và các hình thức mua bán món hàng đặc biệt này rất đa dạng: mua đứt bán đoạn, chuyển giao trọn gói – transferring; cấp quyền sử dụng – licensing; góp tài sản trí tuệ vào cổ phần doanh nghiệp – sharing …(thế giới tài chính sáng tạo ra rất nhiều loại hình mua bán IP, nên có nhiều thứ phức tạp đến nỗi không thể hiểu nổi !).

– Mục tiêu của nghiên cứu ứng dụng là “tối ưu hóa để cạnh tranh” trên nền tảng các IP của giai đoạn nghiên cứu triển khai. Các IP này vẫn còn nhiều tiềm năng để tối ưu hóa trong từng điều kiện cụ thể để giảm chi phí, để tăng hiệu quả với mục tiêu gia tăng năng lực cạnh tranh (làm tốt hơn người khác). Kết quả của giai đoạn nghiên cứu ứng dụng vẫn có giá trị như IP nhưng nó thường nhỏ hơn, hẹp hơn,đôi khi khó đóng gói lại để đăng ký bảo hộ và bán trọn gói được, nó thường được chuyển giao dưới dạng “cầm tay chỉ việc”(on-job training), các khóa huấn luyện chuyên sâu. Các hoạt động CME hay chỉ đạo tuyến của ngành y là minh họa cho việc này. Các kết quả nghiên cứu ứng dụng dần dần bồi tụ cho tri thức tổ chức, nó lồng ghép vào trong các quy trình, SOP, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng…. Do đó chúng ta phải biết cách quản lý những tri thức này để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện khan hiếm nguồn lực như hiện nay.

Trong y khoa, là ngành cứu người, cộng với bối cảnh y tế công. Nên các kết quả nghiên cứu ở giai đoạn triển khai và ứng dụng gần như miễn phí, và mọi người trong ngành y đã quen với việc miễn phí này. Điều này tồn tại một thách thức lớn giữa động lực nghiên cứu (kiếm tiền) và các vấn đề nhân đạo. Do đó tư nhân không thể dể tìm một cái ngách để có thể phát triển một trung tâm xuất sắc. Vì nếu chọn nhầm một lĩnh vực mà buộc phải miễn phí thì coi như toi, ví dụ như nhi khoa.

– Trung tâm xuất sắc y khoa và vai trò của nó trong sự phát triển của y tế VN

Nhà nước không bao giờ đủ tiền để nuôi nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu triển khai và ứng dụng. Nhà nước chỉ tập trung ngân sách vào nghiên cứu cơ bản, nơi tư nhân không có động lực đầu tư.

Trước đây, khi VN còn được xem như là một nước nghèo, nguồn tiền quốc tế tài trợ cho nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới, kỹ thuật mới, bí quyết…khá tốt. Họ mang những IP gần lỗi thời (đã có cái khác hay hơn thay thế) chuyển giao cho VN gần như là cho không, dưới danh nghĩa tài trợ nhân đạo. Nhưng từ khi VN trở thành một nước thu nhập trung bình, thế giới giảm dần tài trợ và buộc chúng ta phải mua nhiều hơn. Đương nhiên, khi ta không đủ khả năng để làm ra IP thì không ai dại gì bán cho ta giá rẻ. Họ nhìn mặt ta mà bán. Cuộc chơi là do họ làm chủ.

Chi phí cho y tế VN sẽ không bao giờ giảm được khi phải đi mua IP từ nước ngoài. Trong những kỹ thuật điều trị hiện đại tại VN thì chi phí cho việc mua IP từ nước ngoài là bao nhiêu ? Tôi chưa đọc được báo cáo phân tích nào trong ngành y, nhưng tôi nghĩ nó không dưới 50%, dưới nhiều dạng thức biến hóa tài chính khác nhau (mua hóa chất, dụng cụ đặc biệt đi theo công nghệ cũng là một dạng gián tiếp chi trả cho IP).

Trong điều kiện các bệnh viện hiện nay, cùng lắm chúng ta chỉ có thể làm nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu lâm sàng để tối ưu hóa các kỹ thuật điều trị hiện có, chứ bệnh viện không đủ khả năng để làm các nghiên cứu triển khai, nghĩa là không thể phát triển và sáng tạo ra các kỹ thuật điều trị mới mang tính tiên phong.

Nền khoa học công nghệ VN, không chỉ trong y khoa, mà tất cả, thiếu hẳn những đơn vị trung gian làm nhiệm vụ nghiên cứu triển khai, phát triển và sáng tạo ra IP mới, làm nghiên cứu ứng dụng để tối ưu hóa các kỹ thuật điều trị, can thiệp… – đó là vai trò của các TRUNG TÂM XUẤT SẮC.

Vài đặc điểm của một Trung tâm xuất sắc

– Không nghiên cứu tràn lan, nghiên cứu trong phạm vi một lĩnh vực chuyên môn hẹp nào đó. Tập trung vào tạo ra IP để bán.

– Không dùng ngân sách nhà nước để nghiên cứu. Phải huy động được nguồn lực từ xã hội, đặc biệt là từ quỹ đầu tư. Phải sống được bằng IP mình làm ra – phải chịu một áp lực là phải nghiên cứu một cách có hiệu quả. Trong y khoa, nếu nhà nước thấy IP nào có ích lợi lớn cho đa số người dân, sẽ đứng ra mua lại và chia sẻ ra rộng rải cho các bệnh viện khác chứ không tài trợ tiền để nghiên cứu.

– Một CoE thành công khi bán được IP, huy động được nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu.

  1. Năng lực lõi (Core competence) của một CoE

Năng lực lõi là những năng lực chủ đạo, quan trọng mà một CoE phải có nếu muốn tồn tại và phát triển. Phân tích năng lực lõi giúp ta tập trung nguồn lực và bồi tụ nguồn lực.

– Năng lực xây dựng chiến lược nghiên cứu, và vai trò của giám đốc khoa học: trong nghiên cứu, có rất nhiều vấn đề để làm, hàng ngàn thứ chuyện để nghiên cứu. Nghiên cứu là một quá trình đầu tư, đòi hỏi thời gian và tiền bạc. Cần phải tập trung vào cái gì trong ngắn hạn, và định hướng dài hạn ra sao là một quá trình xây dựng chiến lược. Giám đốc khoa học của một CoE là người phải tiên đoán được viễn cảnh trong tương lai gần và xa của lĩnh vực khoa học của mình. Và vạch ra được lộ trình cụ thể để nghiên cứu.

– Thúc đẩy hiệu suất nghiên cứu: nhà khoa học thường không điều khiển được cảm hứng của mình theo một định hướng nghiên cứu đã vạch ra. Đôi khi vô tình họ phát hiện ra những thứ không nằm trong chiến lược, trong khi đó thứ cần thì không nghĩ ra được. Giám đốc khoa học là người phải biết cách tạo ra môi trường và tạo ra các tác động cần thiết để các nhà khoa học nghĩ ra được thứ chúng ta cần.

– Xây dựng tinh thần intrapreneurship cho nhà khoa học: thuật ngữ intrapreneurship khó dịch ra tiếng Việt. Nói nôm na, ta cần làm cho các nhà khoa học một tinh thần khao khát khám phá ra cái mới và biến nó thành những kết quả có thể KIẾM TIỀN được. Nhà khoa học làm việc trong một CoE khác với làm việc trong một trường đại học chổ này. Nhà khoa học tại trường đại học thường thích nghiên cứu một cách tự do và hướng đến càng nhiều công bố càng tốt.

– Khả năng mời gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm tài trợ các dự án nghiên cứu. Tại VN, những người có tiền thường thích bỏ tiền vào bất động sản hơn là đầu tư vào các dự án nghiên cứu. Một phần vì không quen, nhưng phần nhiều là vì thiếu lòng tin. Trong lĩnh vực này, xây dựng lòng tin cho nhà đầu tư là cực kỳ quan trọng, làm sao để nhà đầu tư tin là ta dùng tiền của họ để nghiên cứu chứ không phải lừa đảo lấy tiền làm chuyện khác.

– Marketing và bán IP: đóng gói kết quả nghiên cứu – IP, đặt thương hiệu cho IP, làm truyền thông và bán IP một cách chuyên nghiệp là một nghiệp vụ khá là xa lạ với các nhà khoa học. Nhiều nơi làm ra IP hay nhưng không biết cách làm marketing và bán nó. B2B marketing hay technology marketing là những lĩnh vực khá hẹp nên ít nơi đào tạo, đa phần thứ chúng ta đang học là B2C marketing.

  1. Từ R&D đến C&D và Phát triển hệ sinh thái dịch vụ trong y khoa (medical service ecosystem)

Mô hình nghiên cứu & phát triển (R&D – research & development) trước giờ thường được hiểu là một tổ chức nghiên cứu nào đó “tự đóng cửa để nghiên cứu ra cái mới, và tự làm tất cả (closed innovation)”. Mô hình R&D bộc lộ nhược điểm quan trọng là kết quả nghiên cứu rất bất định, khó tiên đoán khi nào nghiên cứu ra, khi nào không. Do đó, các CoE trên thế giới hiện nay đang dịch chuyển sang mô hình “open innovation” là C&D (connect & develop) – kết nối và phát triển.

Diễn đạt nôm na mô hình C&D như thế này:

Các CoE vẫn hoạch định các chiến lược nghiên cứu. Nhưng họ tăng cường kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu, hay các CoE khác để trao đổi và mua bán IP mà họ cần. Vì mỗi CoE có chiến lược nghiên cứu khác nhau, nên việc mua bán IP giữa các CoE vẫn có thể xảy ra. Trong cạnh tranh có hợp tác, trong hợp tác có cạnh tranh là như vậy.

– Hệ sinh thái dịch vụ

Ý tưởng này trong kinh doanh đến từ sự bắt chước hệ sinh thái sinh học. Không một cá thể nào có thể tồn tại độc lập mà không cần có một hệ sinh thái cho nó. Trong hệ sinh thái, các thực thể (Entities) khác nhau đóng góp vào hệ sinh thái một nhiệm vụ khác nhau. Các thực thể này không thể thiếu nhau được, chúng bổ sung cho nhau, cộng sinh với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Hệ sinh thái lớn lên thì các thực thể bên trong cũng lớn lên.

Trong hệ sinh thái vẫn có thể tồn tại sự cạnh tranh và công tác đang xem với nhau. Một sinh thái mạnh làm cho các thành viên trong đó mạnh lên và chống chọi được với sự tấn công từ bên ngoài.

Một ví dụ về hệ sinh thái trong lĩnh vực sinh sản.

Trong hệ sinh thái này các thành viên liên kết chặt chẻ với nhau xoay quanh mục đích đảm bảo tốt nhất chức năng sinh sản, mang đến hạnh phúc hôn nhân cho các gia đình. Nó bao gồm các thành viên hay các thực thể như sau:

– Trung tâm xuất sắc IFV

– Trung tâm xuất sắc về nam khoa

– Bệnh viện sản, nhi

– Trung tâm xuất sắc về ung bướu liên quan đến chức năng sinh sản nam/nữ

– Trung tâm xuất sắc bệnh phụ khoa, tiền mãn kinh, mãn kinh

– Trung tâm xuất sắc sinh sản tiền hôn nhân và di truyền học.

– Trung tâm xuất sắc nhi sơ sinh

– Các phòng khám sản phụ khoa, nam khoa, nhi khoa. Phòng khám gia đình.

– Trung tâm xuất sắc về thẩm mỹ nam/nữ.

– Trung tâm xuất sắc về chuẩn đoán hình ảnh (chuyên cho sinh sản)

– Trung tâm xuất sắc về tâm lý sinh sản, tâm lý nhi.

– …

Các trung tâm, bệnh viện, phòng khám này là những đơn vị khác nhau, liên kết lại với nhau. Mỗi thành viên trong hệ sinh thái chuyên sâu, rất sâu một lĩnh vực, phân công nhiệm vụ với nhau.

Sự liên kết thể hiện qua:

– Chia sẻ thông tin dữ liệu

– Tạo điều kiện triển khai các nghiên cứu

– Hợp tác nghiên cứu chia sẽ lợi ích từ nghiên cứu (sở hữu 1 phần IP)

– Mua bán IP trong và ngoài hệ sinh thái.

– Huấn luyện đào tạo chuyên sâu lẫn nhau.

Trong hệ sinh thái, không một thành viên nào đủ lực để làm tất cả các lĩnh vực. Và ta cũng đừng bao giờ nghĩ đến chuyện này trong thời buổi hiện nay.

Nhưng trong một hệ sinh thái cần một “nhạc trưởng” để đều phối các thành viên (ràng buộc mềm, không ràng buộc cứng) – thông thường nên là các bệnh viện sản nhi lớn có uy tín.

Sự cạnh tranh này hôm nay không phải là cạnh tranh giữa các thành viên, mà là cạnh tranh giữa các hệ sinh thái với nhau. Ví dụ, hệ sinh thái sinh sản Sài Gòn- VN , cạnh tranh với hệ sinh thái sinh sản Băng Cốc Thái Lan hay Hà Nội – VN chẳng hạn. (xin hiểu hai từ cạnh tranh ở gốc nhìn tích cực).

  1. Tiềm năng cho các CoE tại Việt Nam

“Thị trường y tế VN” có độ lớn đủ để làm động lực đầu tư. (Xin lỗi vì đã dùng thuật ngữ độ lớn thị trường ở đây, nhưng chưa tìm ra được từ thích hợp).

Mô hình bệnh tật, đặc điểm bệnh tật phụ thuộc vào điều kiện sống, môi trường…do đó có những lĩnh vực chuyên môn không dùng được IP từ nước ngoài, mà phải “Người Việt nghiên cứu cho người Việt”.

Nhân lực trình độ cao trong y tế khá nhiều (theo tôi nghĩ tỷ lệ cao hơn những ngành khác). Sử dụng tri thức của họ để làm ra tri thức và để bán tri thức (kinh tế tri thức) là khả thi trong điều kiện VN, và mang đến thu nhập cao chính đáng cho người tri thức. Nó thúc đẩy người ta lấy học hàm học vị là vì mong muốn mở mang tri thức để làm ra tri thức và bán tri thức kiếm tiền, chứ không phải lấy học vị để làm quan.

  1. Vượt qua những trở lực

– Thẩm định và cấp phép IP của cơ quan chức năng

IP trong y tế khác với lĩnh vực khác chính là chổ này. Vì nó ảnh hưởng đến tính mạng con người nên nó phải được một cơ quan nào đó thẩm định và phê duyệt trước khi triển khai.

Do đó, đôi khi có những IP rất mới, mang tính tiên phong. Việc cơ quan thẩm định không đủ năng lực để thẩm định là chuyện không phải là hiếm.

Tôi có biết một vài nghiên cứu không xin phép được đăng ký tại VN . Do đó phải vòng ra nước ngoài đăng ký (đăng ký pháp nhân tại nước ngoài) và do đó các IP lại bị mang QUỐC TỊCH NƯỚC NGOÀI.

Do đó, để thúc đẩy các CoE trong y tế, theo tôi, Bộ Y tế nên lưu ý đến điểm nghẽn này.

– Hình thành hệ sinh thái

Người Việt chúng ta vẫn chưa chịu “liên kết để phát triển”. Suy diễn này của tôi có thể võ đoán. Nhưng tập quán kinh doanh của người Việt vẫn thích “một mình một chợ” hơn là những gì tôi thường quan sát được.

Trong bối cảnh cạnh tranh bằng “hệ sinh thái” hiện nay, không ai có thể làm gì đó một mình nếu không liên kết được với nhau.

Một hệ sinh thái muốn thành công, trước hết, các thành viên trong hệ sinh thái phải có niềm tin với nhau. Kế đến là có một đơn vị đủ uy tín để làm nhạc trưởng điều phối và thỏa hiệp với các thành viên trong hệ sinh thái này.

Thật sự tôi chưa quan sát được một hệ sinh thái đúng nghĩa tại VN đến giờ phút này.

– Nguồn vốn đầu tư

Thuyết phục người có tiền đầu tư vào khoa học thực sự là một thách thức khi bỏ tiền vào bất động sản “ngon ăn hơn”.

Cá nhân tôi không ít lần đi gõ cửa các đại gia để kêu gọi đầu tư vào các dự án nghiên cứu phát triển. Nhưng đến giờ này tôi vẫn chỉ thuyết phục được vài dự án nhỏ nhỏ.

Nhiều đại gia tài sản bất động sản rất nhiều, tôi nói “anh chỉ cần bán 1 miếng đất nhỏ trong hàng chục miếng đất của anh để đầu tư là đủ rồi, nhưng người ta vẫn không đủ niềm tin”.

Đó là lý do vì sao, các dự án nghiên cứu phát triển của VN tiềm năng, cuối cùng lại được rót vốn bởi các nhà đầu tư nước ngoài, và do đó nó đều bị THAY ĐỔI QUỐC TỊCH. Và đương nhiên, không ai dùng cụm từ “nó từng được nghiên cứu phát triển tại VN” ra làm PR cả. Cuối cùng, các nhà khoa học VN bị mang tiếng là vô tích sự.

Thật sự, nếu ở trong ngành, quý vị sẽ thấy các nhà khoa học VN không có vô tích sự đâu. Họ làm ra IP rất nhiều, nhưng hầu hết đều bị “bán lúa non”, và trí tuệ họ làm ra lại đóng góp vào nền kinh tế của quốc gia khác là không ít.

>>> LỜI KẾT

Viết ra những đều này, như là những trải nghiệm nho nhỏ trong việc phát triển một CoE . Hy vọng, trong y tế sẽ có nhiều CoE trong tương lai.

Hy vọng các nghiên cứu của các nhà khoa học trong ngành y được triển khai và phát triển thành các IP chứ không đem cất vào ngăn kéo như nhiều lĩnh vực khác.

Sự thành công sẽ đến với ai có thể vượt qua được những trở lực và gắn kết được với một hệ sinh thái.

Trân trọng

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *