HUỲNH BẢO TUÂN

ORGANIZATIONAL MINDFULNESS

Chánh niệm tổ chức.

Khắp nơi, các doanh nghiệp, đang ngồi chờ “hết dịch”. Tháng 12 nhưng kế hoạch năm 2022 không có, nhận định tình hình không có, định hướng không có, mục tiêu không có, những việc gì cần phải làm không có… và đương nhiên tiền đâu để trả lương cũng sẽ không biết, tới đâu tính tới đó…
Tâm trí con người ngồi nghe ngóng mong đợi, trì hoãn mọi việc đều liên quan đến nỗi sợ. Nhân viên văn phòng ngày ngày online đọc tin tức đếm số ca nhiễm, ca chết, biến thể gì mới, kiếm đường chích ngừa cho mình và gia đình, săn hàng sale, đi chợ thực phẩm online, canh con học online ở nhà,…còn công việc thì tới đâu tính tới đó.
Cho về nhà WFH thì mỗi lần kêu họp thảo luận chuyện gì đó thì quần áo xốc xếch quấn vội cái chăn lên người như vừa đánh trận xong, tay chân thì dính đầy bột, khói bếp thì nghi ngút, khi thì ngoài chợ, khi thì nóc nhà tưới rau…đủ kiểu.
Bão Covid âm thầm tác động vào trạng thái tâm thần, tâm trí con người dữ dội hơn bao giờ hết, và tổ chức cũng là một nơi hội tụ những con người. Từ đó trạng thái tâm trí của tổ chức cũng bấn loạn như con người. Tâm trí mà bấn loạn không suy nghĩ được cái gì. Cũng như trong gia đình, cha mẹ không lo nghĩ thì con cái khổ, tổ chức không ai lo nghĩ gì thì chắc chắn sẽ đi đến ngõ cục phá sản.
CHÁNH NIỆM – MINDFULNESS
Nhận biết một cách rõ ràng những gì diễn ra, nhưng không để ảnh hưởng đến tâm trí của mình.
Khi tâm tịnh thì trí mới sáng. Khi trí sáng thì mới nhìn thấu diễn biến tương lai, nghĩa là tăng khả năng phán đoán, từ đó tăng khả năng ứng biến.
Giống như một bác sĩ cấp cứu nhìn thấy bệnh nhân vào shock nặng thập tử nhất sinh, nhưng không hề bấn loạn mà bình tĩnh xử trí cứu mạng bệnh nhân. Ta nhìn vào người bác sĩ này ta có cảm giác như ông ấy là một người lạnh lùng vô cảm nhưng thật sự đó mới là một tâm trí cần giữ cho những giây phút kịch liệt cần sự phán đoán và quyết đoán.
Rất nhiều người hiểu sai về Mindfulness trở thành bàng quan, chuyện gì xảy ra mặc kệ nó đừng quan tâm, sống nay biết nay đừng nghĩ gì ngày mai cho mệt…từ đó trở nên vô tâm, vô cảm, và vô trách nhiệm. Chánh niệm không phải là vô tâm vô cảm, mà ngược lại người tập chánh niệm càng dạt dào tình yêu thương và thấu hiểu cảm xúc của người khác, và có khả năng phán đoán tốt hơn những gì đang diễn ra và sắp diễn ra từ đó có khả năng ứng biến tốt hơn.
CHÁNH NIỆM TỔ CHỨC – ORGANIZATIONAL MINDFULNESS
Trước hết là vai trò của lãnh đạo, cần sự thiền định để tịnh tâm sáng trí từ đó truyền đi những năng lực tích cực cho tổ chức. Ở đâu có mình, ở đó có niềm tin, và sự tin cậy sẽ vượt qua khó khăn. Nó cho thấy một sự chắc chắn có giải pháp trong tay. Chứ không phải ở đâu có mình chổ đó bấn loạn rối ren thêm.
Chúng ta điều biến cảm xúc có tính chất lây truyền. Nơi có cảm xúc tính cực hứng khởi, tràn đầy niềm tin sẽ làm cho mọi người phấn chấn bớt rầu lo. Nhưng tuyệt đối không lạm dụng để u mê ru ngủ, vì nó sẽ tạo ra tác dụng ngược phản kháng mạnh mẽ từ đó dẫn đến sự suy sụp nhanh hơn.
Hơn lúc nào hết vai trò dẫn dắt của người lãnh đạo rất quan trọng trong giai đoạn này. Dẫn dắt không có nghĩa là ra lệnh ai đó phải làm gì. Mà khơi gợi những hướng đi, khơi gợi những ý tưởng. Đặt lại các vấn đề trong công việc. Kế những câu chuyện ở đâu đó để thay đổi cục diện kinh doanh trong bão táp phong ba Covid thế nào để kích thích sự tìm tòi mở đường thoát cho doanh nghiệp. Dành tâm trí cho công việc cũng là cách để xua bớt đi nỗi sợ chung. Ví dụ, trong lúc này mà rủ nhau ngồi phát triển sản phẩm mới sáng tạo cũng là cách để làm cho con người ta vơi bớt nỗi âu lo…
Hơn lúc nào hết, vai trò của truyền thông nội bộ lúc này là cực kỳ quan trọng. Lãnh đạo cần viết những lá thư thông báo tình hình, cho mọi người cảm nhận được công ty chúng ta đã nhận diện đầy đủ các bối cảnh phức tạp và khó khăn, và chúng ta cũng đã có những giải pháp ứng phó phù hợp, chúng ta vẫn kiên cường lèo lái con thuyền để không ai bị văng khỏi thuyền bất cứ hoàn cảnh nào.
Hơn lúc nào hết vai trò của phòng nhân sự là rất quan trọng trong việc tạo ra các hoạt động để tạo cho con người làm việc trong tổ chức có cảm giác chúng ta không bỏ rơi nhau, chúng ta luôn nghĩ về nhau, và chúng ta cùng nhau vượt qua được tất cả.
Giáo dục cho những con người bên trong một tổ chức hiểu rằng Covid đã là một phần của cuộc sống. Chúng ta đừng ngồi đây mong chờ nó biến đi nữa. Chúng ta biết có sự hiện hiện của nó, nhưng cuộc sống rồi cũng phải sống và làm việc. Hãy bản lãnh mà đối diện khó khăn, đừng tìm đường chạy trốn nữa.
Kính chúc thân tâm trí an yên và sáng suốt.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Bốn + ba bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *