HUỲNH BẢO TUÂN

HỌC TẬP TỔ CHỨC (Organizational Learning) trong bối cảnh Việt Nam

Nhớ lúc nhỏ má hay dặn “ráng học cho xong mấy cái bằng rồi đi làm cho nó khỏe nha con”; vào làm việc hay xin đi học thêm này nọ thường bị sếp chửi “muốn học thì về trường mà học, nơi đây (doanh nghiệp) là nơi làm chứ không phải là nơi để học”; vợ hay nói với chồng “anh ráng cho em học hết mấy cái bằng rồi hả sinh con, sau này con cái đùm đề khó học lắm”…

Cách nghĩ về việc học được lưu truyền từ thời phong kiến rất đặc trưng VN đã để lại nhiều vấn đề mà các tổ chức hiện đại cần chấn chỉnh, nếu muốn xây dựng một nội lực cạnh tranh dựa trên tri thức.

–          Đánh đồng tri thức và bằng cấp. Luôn nghĩ ở đâu có bằng cấp nơi đó mới có tri thức, luôn dùng bằng cấp là thước đo của tri thức, đó là những suy nghĩ cần uốn nắn. Văn hóa khoa bảng ngàn năm rốt cuộc không làm cho con người ta ham học hỏi những điều gì mới mẻ phục vụ sự phát triển mà chủ yếu là chạy theo cái bằng để hù người khác, kiếm chác và lợi lộc dựa trên cái bằng. Một văn hóa tôn sùng bằng cấp nhưng không trận trọng tri thức thì chả ích lợi gì, thậm chí gây hại. Cứ tiến sĩ là phải lương cao hơn người khác cho dù chả biết tiến sĩ đó làm việc gì và làm việc ra sao. Đó là chưa kể TS cho lắm vào rồi ngồi đó ganh tị chích chọt nạnh hẹ chả ai chịu làm gì và cũng không biết gì để làm thì cả một xã hội cứ phải gồng lên mà chịu trận cho những cái bằng cấp đó. Khoa cử để làm quan phụ mẫu, mấy ngàn năm lưu truyền là cái nọc độc phong kiến cần phải được loại trừ nếu muốn phát triển. Ít nhất là nó phải dừng lại trước cửa của tổ chức chúng ta.

–          Neo mọi thứ vào bằng cấp là phụng sự cho những kẻ mua bán bằng. Trong xã hội, trừ những ngành nghề buộc phải được thẩm tra trước khi làm (cần phải có chứng chỉ hành nghề) như: ngành y, phi công, lái tàu…thì bằng cấp (mức độ tri thức tối thiểu để hành nghề) thực sự rất cần thiết, vì cái sai của những người này khi độc lập xử lý công việc trực tiếp ảnh hưởng đến tánh mạng của nhiều người. Còn lại tất cả không nhất phải có cái bằng để làm gì, nhất là làm kinh doanh, chính trị, miễn có đủ kiến thức để làm, và đám đông có quyền định đoạn ai đó có được làm hay không là được. Làm kinh doanh mà không có tri thức thì làm ra sản phẩm dịch vụ chả ai mua, phá sản trốn nợ, tự khắc con người vì cái sợ trốn nợ nên phải học tối ngày. Làm chính trị nói ra ai cũng thấy ngu, chả biết gì thì lá phiếu trên tay họ sẽ gạch bỏ thẳng tay, nên vì sợ loại khỏi chính trường nên phải học. Tước đoạn cái quyền trực tiếp của đám đông, vịn vào bằng cấp để tiến cử, vừa làm méo mó quan hệ xã hội, vừa làm cho con người ỷ lại, vừa tạo môi trường cho mua bán bằng cấp.

–          Học một lần và xài cả đời, thích bằng cấp nhưng lại sợ học! Chúng ta ai cũng biết khoa học công nghệ thay đổi từng ngày. Rất nhiều cái mới sinh ra và hủy diệt cái cũ. Và đương nhiên cái mới sinh ra phải có lý do độc đáo nào đó mới cho phép người ta hủy diệt cái cũ. Nên nếu bạn không chấp nhận cái mới, đồng nghĩa bạn làm người cản trở hơn là đóng góp. Vấn đề là không ai tự nhận mình là người cản trở. Cuối cùng, cái sức ỳ của tri thức lỗi thời tạo ra một cuộc chiến âm ỉ trong rất nhiều tổ chức suốt một thời gian dài. Bản chất là do con người luôn xem học hành cực khổ lắm, đổ công đổ sức học một lần, mệt lắm rồi, không học nữa đâu. Nên có cái gì mới là chống trước cái đã, bản chất của sự chống chẳng qua là sợ học cái mới!

–          Tôn sùng tri thức hàn lâm một cách thái hóa. Cái gì trường dạy, sách dạy là luôn luôn đúng, là thánh kinh, là không thể chối cãi. Tri thức ở trong trường, tri thức của những bậc học hàm học vị mới là chân kinh còn lại là tào lao ba sàm. Nghĩa là người ta nhìn vào cái mác để phán xét tri thức, chứ không phân tích nỗi nội hàm của tri thức để mà bình luận và phản biện. Nghe theo và nói leo thì giỏi chứ tư duy phản biện gần như không có, nên chắc ăn nhất là nói leo các bậc thượng thừa là chắc cú nhất. Hậu quả là nói như robot sắp chữ, lựa hết những từ thời thượng lắp vào câu nói như sợ người khác nói hết của mình, nhưng kỳ thực không hiểu mấy chữ đó nó nói cái gì.

–          Thứ bậc giai cấp vẫn còn nặng nề và làm lãng phí nguồn lực xã hội. Phàm, bất cứ chuyện đời gì, thỉnh một ông GS.TS ngồi đó phán thì cả xã hội sẽ coi như chân kinh, xong! Chả ai dám phản biện gì, vì chỉ có GSTS phản biện nhau, chứ ThS biết mẹ gì mà phản biện cây đa cây đề. Một lần nữa cái nọc phong kiến lại ám xã hội chúng ta khi trọng tôn ti trật tự, thứ bậc bề trên kẻ dưới, phân cách tinh hoa và phàm phu tục tử, cái đám quần chúng, bần nông, khố rách áo ôm biết gì mà nói. Thấp cổ bé họng là phải cúi đầu thuần phục như cái thời của “Trần Minh khố chuối”. Hệ lụy của việc này là làm lãng phí và tê liệt trí tuệ của đám đông. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, những ý tưởng sáng tạo, 80%, đến từ những người trực tiếp làm việc (first line worker), đa phần là những người không có học hàm học vị gì!

  1. Tri thức Hàn lâm (Academic Knowledge).

Tri thức hàn lâm là một sự khái quát hóa và hệ thống hóa những hiểu biết của loài người về thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh chúng ta. Sự khái quát hóa và hệ thống hóa đó LUÔN LUÔN HỮU HẠN và luôn luôn ĐI SAU so với những gì đang diễn ra trong thế giới thực tại này. Bởi nhà khoa học chỉ là người QUAN SÁT khách quan và QUY NẠP những gì mình đang quan sát được thông qua các lăng kính tri thức trước đó, do hàng vạn người khác đúc kết. Túm lại một điều là Tri thức hàn lâm chỉ có giá trị duy nhất là để DẠY HỌC, để giúp cho một ai đó trong một thời gian ngắn nhất có thể tiếp nhận một cách nhanh nhất tri thức của hàng vạn người khác để lại, mà không phải mò mẫm lại từ đầu. Xã hội muốn phát triển thì người sau phải đứng trên vai người trước. Sai lầm nhất trong xã hội khoa bảng là xem người người hàn lâm có học hàm học vị là “cái gì cũng biết, biết tất, biết tuốt”. Có thể những người học hành nhiều có kỹ năng đọc tốt và đọc nhiều nên có kiến thức sâu và rộng, nhưng chúng ta nên nhớ rằng một người làm Tiến sĩ chỉ đào sâu một phạm vi kiến thức rất hẹp (chứ không phải là biết rộng). Có cái bằng Tiến sĩ cho xong và không đọc, không nghiên cứu gì nữa cả thì cũng chẳng có tri thức gì mà sâu và rộng cả, vì ngoài cái chuyện anh biết rất hạn hẹp, anh chả biết cái gì khác hết.

 Tri thức hàn lâm về nguyên lý, ai cũng có thể học được và tiếp cận được, một nền giáo dục tốt là nền giáo dục mà ở đó không để bất kỳ ai vì hoàn cảnh nào đó mà không có cơ hội tiếp cận với cái kho tàng tri thức nhân loại này. Sự phân hóa giàu nghèo đang vô tình phân hóa luôn cơ hội tiếp cận tri thức của loài người, có người ngồi phòng máy lạnh học nhưng xem tri thức như cỏ rác, trong khi có người lượm rác ngoài cổng trường ngó vào nhưng thèm khác tri thức thì xã hội đó cho dù được vận hành bởi chế độ hoa mỹ ngôn từ nào đi nữa, cũng là sự vận hành yếu kém.

Nhà khoa học đi giải quyết vấn đề của khoa học (academic problem), còn chúng ta hằng ngày sống trong cơm áo gạo tiền và sự tồn vong của tổ chức, chúng ta phải giải quyết các vấn đề của thế giới thực (real world problem). Thế giới Khoa học là thế giới của sự khái quát hóa và ánh xạ của thực tiễn xung quanh chúng ta. Sự khái quát hóa hình thành cái khái niệm trừu tượng ánh xạ thế giới thực. Thường sự ánh xạ có nhiều trường phái khác nhau nên ai có cùng chung cái bộ lạc hàn lâm mới hiểu và mới bàn được. Thế giới hàn lâm luôn luôn nhỏ hơn thế giới thực. Nhưng thế giới thực cần thế giới hàn lâm để “đứng trên vai người khổng lồ”, nghĩa là đời sau sinh ra học hỏi kế thừa sự hiểu biết nhanh và nhiều gấp trăm ngàn lần đời trước. Nhưng ai ở thế giới thực mà “lợi dụng” (utilization) được thế giới hàn lâm thì người đó sẽ đi nhanh, đi xa, đi khác, đi hiệu quả hơn người khác vì không phải trả giá cho việc mày mò những sai lầm. Nhà khoa học kiếm sống được là nhờ sự lợi dụng của thế giới thực, ai đó không ai lợi dụng được, chết đói ráng chịu. Hãy lợi dụng lẫn nhau, đừng ngần ngại chi cả, vì đó là sự lợi dụng để cùng phát triển.

  1. Tri thức Tổ chức (Organizational Knowledge)

Tuy nhiên, tri thức hàn lâm không có đủ để tạo ra NĂNG LỰC CẠNH TRANH và khả năng kiếm tiền cho doanh nghiệp. Tổ hợp một nhóm người trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó sản sinh ra những “bí kiếp” (know-how; know-why; know-what) mà thông qua đó tạo ra những lợi thế đặc biệt cho sản phẩm và dịch vụ hay mô hình kinh doanh của họ – đó chính là TRI THỨC TỔ CHỨC. Cái hiểu biết (knowing) này sẽ không bao giờ có được nếu không có cái Tổ chức đó! (Organizational Knowing). Giữa con người và tổ chức là một sự cộng sinh không thể tách rời. Chính cái tổ chức đó ươm tạo, hun đúc, sản sinh ra cái tri thức độc đáo đó, mà không nơi nào có thể kiến tạo ra được, ngay cả các viện nghiên cứu hay trường đại học.

Lấy ví dụ đơn giản để hình dung. Sinh viên kỹ thuật ôtô nào cũng được học nguyên lý về động cơ đốt trong đủ loại. Nhưng để tạo ra một động cơ đốt trong có hiệu năng cao nhất thế giới thì chỉ có ngồi tại Toyota hay BMW thì mới biết được, chứ không phải là ngồi trong trường đại học! Kiến thức trong trường đại học chỉ đủ để kiếm việc làm, chứ chưa đủ để giàu có! Muốn giàu có phải có một TỔ CHỨC đóng vai trò là cái nôi ươm tạo sản sinh ra tri thức phục vụ CẠNH TRANH.

Một bác sĩ có thể đọc rất nhiều sách, xem rất nhiều ca mổ của các bậc tiền bối, nhưng anh ta không thể nào có được tri thức nếu như không có một tổ chức chấp nhận cho anh đích thân cầm con dao rạch da bệnh nhân, moi nội tạng của bệnh nhân ra và nhìn bằng chính con mắt, sờ bằng chính đôi tay của mình. Một bệnh viện càng có nhiều ca bệnh nặng, với bác sĩ chính là cơ hội quan trọng để tích lũy tri thức. Đó là lý do vì sao, những bệnh viện như Chợ Rẫy, cho dù có vào làm việc không lương vài năm, cũng có rất nhiều người xếp hàng chờ đợi. Mặt bệnh cũng là một “nguồn lực” của cạnh tranh, nhưng rất nhiều bệnh viện tặng không cho Chợ Rẫy, nên Chợ Rẫy ngày càng lớn mạnh cũng có sự góp sức không nhỏ của các bệnh viện “yếu tim”. Sai lầm của hầu hết các bệnh viện trong cạnh tranh là “dành” làm dịch vụ nhẹ nhàng nhiều tiền, bệnh khó “xương” đẩy đi nơi khác, đó là cách nghĩ rất ăn xổi, mà không chú trọng sự phát triển bền vững lâu dài dựa trên phát triển năng lực chuyên môn nội tại. Khi anh xây dựng văn hóa ăn xổi thì anh cũng sẽ tự rước thành phần ăn xổi đến hòa hợp với anh, thì anh đừng ngồi đó mà than khóc sao mà mình làm hoài không lớn lên được.

Vấn đề nghiệm trọng nhất trong các doanh nghiệp Việt hiện nay đó là không nhận biết, bảo vệ, kế thừa, phát triển được tri thức tổ chức của mình. Một cách hiểu về tri thức tổ chức đơn giản nhất để thực hành là tất cả những hiểu biết gì mà tổ chức của bạn tạo ra, có khả năng giúp cho tổ chức cạnh tranh vượt lên được so với đối thủ, đều là những tài sản tri thức cần được bảo vệ, kế thừa và phát triển. Nó có thể những hiểu biết về hành vi, thói quen của khách hàng; tập quán kinh doanh vùng miền, văn hóa kinh doanh của hệ thống phân phối trong lĩnh vực đặc thù; một ý tưởng thiết kế sáng tạo giúp sản phẩm an toàn hơn; các quy trình vận hành đã được tối ưu hóa; các cách để kiểm soát nguyên liệu đầu vào độc đáo; …rất nhiều tri thức cần được sắp xếp, tập hợp, kế thừa và phát triển như một bộ nhớ (Organizational Memory) mà con người có thể “come and go” nhưng tri thức phải ở lại – đó là nội hàm quan trọng của Quản lý tri thức trong tổ chức. Cách làm thì không có khó, nhưng chỉ những tổ chức trọng sự phát triển bền vững mới quan tâm, còn ăn xổi ở thì quan tâm chuyện khác.

  1. Học tập tổ chức (Organizational Learning).

Tri thức về nguyên lý có thể là một loại hàng hóa đặc biệt có thể mua bán. Rất nhiều người nghĩ rằng cần gì phải nghiên cứu cho nó rủi ro, cần thì vác tiền đi mua, quan trọng là biết cách mua, biết chổ mua và biết các khai thác hiệu qủa. Đó là lý do vì sao một thời gian dài người ta bàn nhiều về khái niệm chuyển giao tri thức, hấp thụ tri thức, tiếp nhận tri thức…Tuy nhiên, câu hỏi rất đơn giản là ai cũng đi mua thì ai sẽ làm (phát minh ra cái gì đó), chỉ có người mua lầm chứ người bán không có lầm. Và thường người mua mua được thứ đã sắp lỗi thời, nghĩa là đã có cái khác hay hơn để thay thế. Hoặc mua thứ đang thời thượng thịnh hành thì giá cao quá sao cạnh tranh nỗi. Các nước phát triển thường vác tiền đi mua rác là vậy. Bởi mới với mình nhưng đã rất cũ với người khác. Và như thế thì đời nào mới ngốc đầu lên nỗi. Đời nào mới vượt lên được phía trước. Đời nào mới cạnh tranh được trong thế giới này.

Mua tri thức chỉ là một giải pháp tạm thời, ngắn hạn. Về lâu dài bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải sáng tạo ra tri thức của riêng mình như là một nguồn lực độc đáo tạo ra năng lực cạnh tranh độc đáo. Muốn làm điều đó cần làm gì.

Hoạch định một chiến lược tích lũy tri thức một cách rõ ràng cụ thể. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta cần phải hiểu biết và thành thạo về chuyện gì một cách vượt trội hơn người khác để luôn ở lại trong cạnh tranh. Biển trời tri thức mênh mông, chúng ta không thể cái gì cũng muốn học, cái gì cũng dành tâm sức để nghiên cứu, nên phải có chiến lược để dành sự tập trung. Muốn biết tri thức gì cần tập trung cần phải phân tích được năng lực cốt lõi, năng lực tạo sự khác biệt của chúng ta cần phải có là gì. Hầu hết các doanh nghiệp không tự đọc ra được những tri thức gì tạo dựng được năng lực cốt lõi và năng lực khác biệt cho mình. Việc này càng mơ hồ chung chung, càng dẫn đến tiêu tốn nguồn lực – chưa đi đến chợ đã hết tiền.

Mở một chuỗi cung cấp bán lẻ dược phẩm, làm một chuỗi thương mại điện tử về đồ cưới và dịch vụ cưới, làm chiến xe gắn máy điện, làm cái đồng hồ đeo tay đo chỉ số sinh học cơ thể, làm một chuỗi bán canh thuốc bồi bổ sức khỏe,… cần năng lực cốt lõi và năng lực khác biệt gì? ở hiện tại và ở tương lai? Ngày nào còn chưa trả lời được ngày đó hoặc là bạn đừng khởi nghiệp, hoặc là bạn còn chưa nhìn ra được con đường phát triển bền vững cho tổ chức của mình.

Nói về việc học, một trong những cách làm phổ biến hiện nay là doanh nghiệp có bộ phận huấn luyện đào tạo, hay bộ phận LD (Learning Development), hoặc OD (Organizational Development). Tuy nhiên các bộ phận này chỉ dừng lại ở mức độ hành chánh, tổ chức các khóa đào tạo nội bộ, hay các hội thảo chuyên đề…chứ chưa làm nỗi cái việc trọng tâm là đọc ra được những tri thức gì mà tổ chức mình phải bồi tụ để làm chủ được năng lực cạnh tranh cho tương lai. Một số đơn vị cũng xây dựng tự điển năng lực, nhưng đó là những năng lực cơ bản dùng để đánh giá tuyển dụng hay đánh giá để ứng cử đề bạt hơn là phục vụ cho sự cạnh tranh ở tương lại. Nói ngắn gọn, OD trong một công ty hiện nay không làm nỗi việc nhìn ra năng lực ở tương lai tương ứng với chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa giải quyết vấn đề dựa trên tri thức. Khi con người đối diện với khó khắn, thứ mà họ tìm kiếm là một sự trợ giúp của các đấng thần linh. Càng trong gian khổ con người càng mơ ước ông bụt xuất hiện để hóa giả tất cả. Những câu chuyện thần thoại cổ tích kiểu Tấm Cám, Thánh Gióng,…ngự trị trong tiềm thức con người từ tấm bé và ở mãi trong đó không chịu ra. Ước mơ lớn nhất của các ông chủ doanh nghiệp là có một quỹ đầu tư thiên thần nào đó rót cho mình vốn và không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Ngủ một đêm thức dậy khách hàng rần rần kéo tới và nộp tiền ầm ầm vào tài khoản chúng ta. Hoặc ước gì đối thủ cạnh tranh tất cả ngã lăn ngã đùng ra sùi bọt mép chết hết còn lại ta một mình một chợ bán cho nó đã. Càng nhiều mộng ước hoang đường, càng dấn thân vào con đường tâm linh, càng tin vào những đấng cứu thế. Khó khăn là bản chất cốt lõi của kinh doanh, cạnh tranh là một phần hiển nhiên của cuộc sống, giải quyết vấn đề là công việc của loài người. Lời giải của vấn đề nằm ở tri thức, ngày nào chúng ta chưa giải quyết được vấ đề, nghĩa là tri thức chúng ta còn chưa đủ, cần phải học hỏi và tìm kiếm liên tục. Sau một quá trình giải quyết những vấn đề khó khan, bỗng một ngày ngẫm lại bạn sẽ thấy trí não của mình thông tuệ hơn gấp bội phần, kiến thức của tổ chức cũng nâng lên nhiều tầng mới.

Xây dựng một văn hóa học tập liên tục và có sự tập trung. Sự học muốn hiệu quả phải được đặt dưới những câu hỏi mang tính thách thức, khơi gợi sự tò mò và tìm kiếm. Sự học sẽ ỳ ạch mệt mỏi đối phó khi nó được được dưới sự trả bài, học không biết để làm gì, áp lực thi cử đáng ghét. Cho nên muốn học tập tổ chức hiệu quả, người quản lý phải đặt ra các chủ đề trọng tâm, có liên quan mật thiết đến năng lực cạnh tranh cốt lõi, có tính sứ mệnh, có tính thách thức vượt qua chính mình, có tính thành tựu nếu cho chúng ta giải quyết được vấn đề gì đó. Học không phải chỉ có lên lớp, học thông qua giải quyết vấn đề, học thông qua sự tò mò tìm kiếm thông tin, học là vì sự tự trọng, để được đóng góp như người khác, học bởi muốn tạo ra cái gì đó mới mẻ và khác biệt, và học là vì nhiệm vụ giải quyết vấn đề cho khách hàng, … Chúng ta nên nhớ rằng, chỉ một thời gian ngắn chúng ta không tích lũy thêm kiến thức gì mới, đồng nghĩa chúng ta đang tạo cơ hội cho đối thủ cạnh tranh vượt lên phía trước. Học đơn giản là vì không muốn bị bỏ lại phía sau, bị đào thải khỏi cuộc chơi.

Xây dựng văn hóa tự do tư tưởng, tự do phản biện, giải phóng sự suy nghĩ của con người ra khỏi bất cứ rào cản rang buộc gì. Một tổ chức mà ở đó bất kỳ ai cũng có quyền nói lên chính kiến, suy nghĩ, cách nghĩ, ý tưởng để giải quyết chuyện gì đó, mà không bị bất cứ sự chụp mũ nào, miễn là nó không đi ngược lại lợi ích chúng, đó mới là một tổ chức hùng mạnh. Tuy nhiên, tự do tư tưởng chứ không phải tự do trong hành vi. Chúng ta có thể nghĩ bất cứ thứ gì trong đầu cho đến khi chúng ta phải làm một cái gì đó và nó bắt đầu gây ra tác động đến người khác, đến đám đông. Hành vi lên người khác thì không thể tùy tiện. Bạn có thể chỉ trích lý thuyết Five Forces của Michael Porter là sai lầm (suy nghĩ trong đầu), nhưng bạn không thể không mặc đồ lót khi đi họp, vì bạn sẽ làm bấn loạn tâm trí người khác. Chỉ trích một lý thuyết lớn của thế giới, não bộ của bạn tăng thêm vài trăm tỷ nởron, nhưng nhìn ai đó không mặc đồ lót não của bạn sẽ chết đi vào trăm triệu tế bào. Nên xin đừng vì thỏa mãn sự hấp dẫn của mình mà làm hại người khác.

Tạo điều kiện để làm thực nghiệm trong một phạm vị chấp nhận được. Phàm những kiến thức mới được tạo ra không cùng với những điều kiện mà chúng ta đã biết trước đó. Nên người ta hay gán hai chữ rủi ro cho những gì chúng ta chưa biết. Chính các bộ máy quan liêu trong một tổ chức loại bỏ gần hết tất cả những gì họ “không biết” (cho yên cái ghế) để rồi loại bỏ luôn cái cơ hội tích lũy kiến thức mới cho tổ chức của mình, nhưng đồng thời lại tạo cơ hội cho những tổ chức khác “điếc không sợ súng”. Đây là nguyên nhân hàng đầu lý giải vì sao các công ty lớn, quy mô toàn cầu lại dễ dàng bị tàn lụi và phá sản. Gói gọn trong bốn chữ “bộ máy quan liêu”. Càng lớn càng quan lieu, càng có bề dày thành tích trong quá khứ càng quan liêu. Nên, lối thoát để không bị mất cơ hội vào tay đối thủ đó chính là cởi mở với cái sai trong phạm vi chấp nhận được – đó là chấp nhận cho những nhóm nghiên cứu thực nghiệm để tìm tòi kiến thức mới. Đó là một thể chế cần được xây dựng bên trong các tổ chức ngày nay.

>>> Vài lời tận đáy lòng với các tổ chức kinh doanh Việt

Lịch sử đã tạo ra tầng lớp người Việt nhìn kinh doanh như là “buôn chuyến”, “buôn lậu”, “chạy áp phe”, “chạy mánh”, “đánh dự án”, “lòn khe”, “lùa gà, úp sọt”… một thời gian quá dài và đã ăn sâu vào cốt tủy. Rất nhiều người muốn làm giàu bằng cách “buôn được một dự án, sống ba đời không hết”, nên thực sự thứ họ dốc tâm sức để tìm kiếm là mánh khóe để lọt luồng lách vào các tầng nấc quyền lực để được cưỡng đoạt đặc quyền đặc lợi hơn người khác. Đó là lý do vì sao sự móc ngoặc giữa gian thương và quan chức hủ bại luôn tồn tại dai dẳng trong nền kinh tế. Càng ngày càng làm bại liệt năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy những doanh nghiệp làm ăn chân chính vào đường cùng. Nên ai cũng vì “miếng cơm manh áo” mà chấp nhận “thích nghi” với lòn lách luồng cho nó lành.

Trong môi trường kinh doanh Việt, thật sự có quá ít doanh nhân kinh doanh như là gầy dựng một sự nghiệp trường tồn trên nền tảng của trí tuệ. Nên bàn chuyện quản lý tri thức hay học tập tổ chức trong doanh nghiệp rất dễ làm cho người ta nhếch mép khinh bỉ là nói chuyện tầm phào, dở hơi, “thiếu thực tế”. Từ đó dẫn đến hậu quả doanh nghiệp Việt càng ngày càng bị các tập đoàn đa quốc gia chuyên làm cái chuyện “tầm phào” thôn tính gần hết. Cái gì cũng có nhân và có quả, gieo cái gì gặt cái đó. Không nuôi dưỡng năng lực cạnh tranh thì bị hủy diệt. Thích ăn xổi ở thì sân sau bòn rút thì cũng rất bạo phát bạo tàn, lên voi xuống chó trong tích tắc.

Khoa học quản trị sinh ra không thể và không có mục đích phụng sự sự nghiệp ăn xổi ở thì. Nên khoảng 80% các lý thuyết của nó không dùng được gì trong môi trường kinh doanh “buôn dự án kiếm tiền áp phe sống cả đời không hết”. Chợ trời, ma cô, đầu gấu, thế giới mafia có lẽ có nhiều lý thuyết phù hợp hơn, tới đó mà học cho nó nhanh.

 Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Bốn + ba bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *