HUỲNH BẢO TUÂN

Y TẾ, NGƯỜI GIÀU VÀ NGƯỜI NGHÈO.

Trong xã hội, không thể không có sự phân tầng giàu nghèo. Ngày xưa Pol Pot từng không chịu chuyện này nên đã đẩy 2.5 triệu người dân Campuchia xuống mồ trong vòng chưa tới 10 năm, gây nên trận thảm sát đau thương nhất trong lịch sử nhân loại. Các công xã, gõ cái beng thức dậy ra đồng, gõ cái beng leo lên giường ngủ, gõ cái beng giao hợp, đích thực là các trại súc vật.

Trong công nghiệp, đất nước Volga xinh đẹp từng mơ ước phân phối cho mỗi người dân một chiếc ô tô mang tên dòng sông thơ mộng của họ với mức giá bằng giá thành sản xuất, bởi lấy lời là bốc lột, lấy lời là tội ác. Kết cuộc, có người chờ đến chết vẫn chưa tới lượt mình được phân phối chiếc xe ước mơ để đi. Ai muốn có xe trước khi chết thì chịu khó “chợ đen, chợ đỏ”, những chuyện hãi hùng này không người dân VN nào cầu mong nó trở lại. Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta phải chấp nhận một “giải pháp phân phối” người giàu được dùng trước những ưu việt, để các nhà công nghiệp có tích lũy đầu tư, thì sau đó người nghèo mới có cái tương tự mà dùng. 20 năm trước, điện thoại di động là xa xỉ mới mức giá 20tr/cái, nhưng nay 3 tr cũng có smartphone dùng tốt rồi. Đó là do “nhà giàu dùng trước” mà ra. Nếu chúng ta không chấp nhận chuyện này, tất cả không ai được cái gì cả, mà chỉ có “chợ đỏ chợ đen” được nhiều nhất.
Trong y tế. Vâng, khi nói đến y tế. Bất cứ nơi đầu trên trái đất này, người ta cũng sẽ dùng cái câu ngụy biện kinh điển để phủi hết tất cả sự giúp sức của các lĩnh vực khoa học khác “y tế nó khác “– đó cũng là sự cao ngạo kinh điển của ngành y. Vâng, không gì quý hơn mạng người, nên nó phải khác. Vậy y tế sẽ khác cái gì?
Trước hết, y tế phải là một ngành khoa học. Nếu y tế không là ngành khoa học thì lang băm thổi lỗ tai sẽ lộng hành, loài người sẽ cúng bái thần linh phù hộ cho sức khỏe như các bộ tộc còn sót lại trong rừng già Amazon. Y tế không chỉ là một ngành khoa học mà còn là một ngành khoa học liên ngành cực kỳ tốn kém, bởi tất cả các nghiên cứu trong y khoa điều đòi hỏi sự thẩm tra, tuân chuẩn nghiêm ngặt ở mức độ cao nhất trong tất cá các lĩnh vực khoa học. Tiền ở đâu ra để làm chuyện này. Giả sử đó là tiền nhà nước cấp toàn bộ, thì bản chất cũng là tiền thuế của dân. Giữa người giàu và người nghèo ai đóng thuế nhiều hơn. Vậy chả phải người giàu gián tiếp tài trợ nhiều hơn cho nghiên cứu y khoa sao.
Giới khoa học hàn lâm thường sống trong một giả định cực kỳ ảo tưởng. Nhiệm vụ của tui là nghiên cứu mang đến tri thức cho loài người, ai đó phải lo tiền cho tui, đó là nhiệm vụ của các người. Ủa mà người đó là ai vậy? Giới khoa học nên nhớ rằng, cái kiếm đâu ra tiền cho các người nghiên cứu mới thực sự là cái khó nhất của loài người. Nên, cả thế giới này, nghiên cứu cũng phải định hướng “đồng tiền”, nghĩa là phải dựa trên nhu cầu của cuộc sống, để còn có khả năng thương mại hóa cái nghiên cứu đó mà tích lũy vốn để nghiên cứu tiếp. Nên, chốt lại, nghiên cứu ngày nay bản chất là một quá trình đầu tư “tiền sinh ra tiền”. Việc chúng ta có thể làm là vận động các nhà đầu tư khi đầu tư vào nghiên cứu trong y tế đừng kỳ vọng quá mức về lợi nhuận, đừng biến cái trung tâm nghiên cứu y khoa thành cổ máy cào tiền cho cổ đông. Cả UN, WHO… lâu lâu cũng phải thỉnh các công ty dược, trang thiết bị y tế tới ngồi trò chuyện lay động lương tri. Túm lại, nhà khoa học nào không chấp nhận chuyện nghiên cứu là một quá trình đầu tư xin mời lên sao Hỏa sống, thần tiên trên đó sẽ trợ giúp cho chúng ta.
Chúng ta phải chấp nhập một hiện thực rằng không có quốc gia nào có đủ tiền nuôi hết, nuôi tất, nuôi từ A đến Z ngành y. Và cũng không nên làm chuyện đó nếu có tiền, bởi thực chất tiền cũng không đi được đến chổ mà nó cần, không có tiền thì than trời, có tiền rồi cũng không ngồi bàn để làm mà bàn để chia là chính. Nên chúng ta phải chấp nhận cái chuyện Y tế như một service business, chúng ta phải chấp nhận đưa cuộc chơi cạnh tranh lành mạnh vào để điều chỉnh hành vi kinh doanh, dùng cạnh tranh để thúc đẩy các tổ chức phải làm tốt hơn, nếu không phải dẹp tiệm, hình phạt phá sản là hình phạt duy nhất trên trái đất này buộc con người ta tự nguyện lao động đến mức chết trên bàn làm việc. Nhưng, tính chất dịch vụ của y tế là professional service, knowledge – intensive service, chứ không phải là hedonic service (dịch vụ mua vui, vui chơi giải trí, tiêu dùng, mua sắm,…bla bla, bỏ tiền ra cho sướng cái tấm thân, thỏa mãn cái tôi, thích người khác hầu hạ, xưng tụng…). Làm ơn phân biệt cho rõ cái chuyện này.
Trong một bệnh viện có 2 lớp dịch vụ:
– Core service là medical service mang tính knowledge – intensive service. Đây là thứ có thứ tự ưu tiên cho người nguy cấp nhất, bệnh khó nhất, nguy hiểm nhất. Vào khoa cấp cứu không phải quăng tiền ra là được ưu tiên. Vào bệnh viện không phải quăng tiền ra là gặp được giáo sư (vậy hóa ra giáo sư là con lân múa vui à! tiền lì xì càng nhiều múa càng hăng). Ai, chính chúng ta, những nhà quản lý bệnh viện tài ba đã tạo ra điều ngang trái này chứ ai! Với core service, trật tự và thứ tự được quyết định bởi mệnh lệnh của khoa học y tế, bởi trình tự chuyên môn. Chứ không phải quăng tiền ra là mổ trước, bệnh của đại ca lãnh đạo được mổ trước, bất chấp ai đang nguy kịch phải chờ đợi, nhường phòng mổ cho người quăng tiền vào đó rữa móng chân…Chính chúng ta, những nhà quản trị y tế tài ba đã dạy cho xã hội này vào bệnh viện quăng tiền là được sống, không tiền thì hên xui, chứ ai khác bây giờ.
– Value-added service hay non-medical service chính là các dịch vụ mang tính hedonic (phục vụ cái sự sung sướng tấm thân). Massage vai gáy, nằm phòng tổng thống, xe riêng đưa đón, hành lang lối đi riêng bảo mật, đầu bếp tiêu chuẩn 5 sao,…bla bla…Với những dịch vụ non-medical này thì tiền nhiều sẽ được hưởng nhiều, và không có giới hạn, tùy vào khả năng chi trả. Tiền ít thì phải chịu khó đi tàu hỏa, xe đò. Tiền ít thì phải chịu khó ngồi ghế economy. Tiền ít mà đngồi business class thì đó mới là trái với quy luật.
Tôi thường khuyên các giám đốc bệnh viện rằng, đừng tập trung tăng tỷ suất lợi nhuận vào medical service quá, vì nó rất dễ đẩy chúng ta vào vi phạm y đức (lạm dụng xét nghiệm, cận lâm sàng, chỉ định mổ khi chưa cần chỉ định…lạm dụng những thứ này bệnh viện được 1, nhà sản xuất hóa chất được 3, nên giống như chúng ta đang mang uy tín của mình đi làm mọi cho ngoại bang vậy), hãy tập trung tăng tỷ suất lợi nhuận vào non-medical service, thứ này thì không cần “tiết kiệm” cho nhà giàu (tiền họ nhiều lắm, hãy cho họ lý do để dùng). Chúng ta cần làm non-medical service cho tốt trong bệnh viện để từ đó có tiền đầu tư cho con người, cho nghiên cứu, cho nâng cao năng lực chuyên môn.
Năng lực chuyên môn y tế VN hoàn toàn có khả năng “xuất khẩu tại chỗ” nghĩa là mời bệnh nhân các nước đến VN vừa du lịch vừa chữa trị. Ví dụ như ngành nha, IVF, mắt, thẩm mỹ, da liễu, huyết học…có chuyên môn hoàn toàn ở tầm châu lục. Nhưng cái mà các bệnh viện thiếu là cơ chế và sự chuyên nghiệp trong làm dịch vụ y tế. Tháo được nút thắt này thì y tế sẽ mang ngoại tệ “ròng” về cho đất nước không thu bất cứ lĩnh vực công – nông nghiệp nào khác. Trước hết là 50-60 ngàn chuyên gia, người lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại VN, họ hàng năm phải bay về nước khám bệnh, tốn kém chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Chỉ riêng nhóm này thôi cũng là một thị trường có độ lớn không dưới 200 triệu USD cho các bệnh viện VN rồi. Mang tư duy kinh doanh vào trong y tế không có tội. Dùng quyền sanh sát để buộc người khác đưa tiền, đó mới là tội. Cần phải khuyến khích làm ra tiền chính đáng chứ không phải khó quá thôi cấm đi cho nó lành.
Thách thức lớn nhất trong y khoa là làm gì để có tiền để còn tái đầu tư và phát triển. Để làm điều đó, đầu tiên phải là cho y khoa “có lời”, nhưng không phải có lời rồi nhà đầu tư đem chia nhau hưởng thụ. Mà có lời thì mới đầu tư tiếp được. Càng làm càng lỗ, càng cụt vốn thì phá sản mất rồi lấy đâu mà phát triển được. Mà muốn có lời thì phải chấp nhập chức năng NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN (R&D) trong bệnh viện. Nghiên cứu cái gì, phát triển cái gì để còn vượt lên phía trước, để còn tạo ra lợi thế cạnh tranh, để còn “thu hút nhà giàu trả tiền trải nghiệm trước, rồi từ từ nhà nghèo sẽ có”.. 30 năm trước cận thị được xem như là bệnh mãn tính. Nhờ nhà giàu chịu chi vài trăm triệu mổ Lasik trước nên bây giờ nghèo nghèo cũng bỏ ra vài chục triệu mổ được. Công nghệ ra đời cần người trả tiền để tái đầu tư, cái gì cũng đi phát hết thì có cào hết ngân sách nhà nước ra tài trợ cũng không đủ. Ai không chấp nhận được chuyện này thì xác định đời đời ăn bám ngân sách mới tồn tại được.
Bảo hiểm y tế. Trong xã hội, người bệnh nhiều bệnh ít, bệnh nan y, bệnh thông thường…không phụ thuộc vào giai tầng, gia cấp gì cả…bản chất đó là một sự thiếu may mắn. Xã hội cần có trách nhiệm chia sẻ với những người này. Ai ít bệnh hơn chia sẻ cho người bệnh tật nhiều hơn. Có người đóng bảo hiểm y tế 20-30 năm chưa dùng đồng nào, những người này sẽ trợ giúp cho những người suốt ngày ăn cơm bệnh viện. Việc mà BHYT cần làm là xây dựng một cơ chế để điều tiết chuyện này. Xây dựng một cái ngưỡng và một tỷ lệ chi trả phù hợp cho những người thực sự cần chi trả. Và thuyết phục đám đông rằng, đời các anh rất may khi không phải dùng đến đồng tiền BHYT mà mấy anh đã đóng, không dùng nó mấy anh không có thiệt thòi gì cả. Chứ không phải cứ có đóng tiền vào BHYT là cứ tìm cách đi lấy lại cho bằng được để đỡ thiệt thòi. Đó là sự trục lợi bất lương, sự trục lợi đó sẽ làm mất đi cơ hội được sống cho nhiều người khác chẳng may bệnh nặng.
BHYT bản chất là một ngành khoa học y khoa, nơi cần được các nhà khoa học nghiên cứu độc lập đưa ra tiêu chí phân loại để quyết định cái gì là bệnh nặng, cái gì là bệnh nhẹ, cái gì là cần trợ giúp tài chính, cái gì là không? Nhấn mạnh rằng, nó phải được hội đồng KHOA HỌC Y KHOA độc lập xem xét. Chứ không phải là một vài chuyên viên y khoa của BHYT ngồi biên soạn cái danh mục phán bệnh gì phải điều trị cái gì cho tất tần tật mọi loại bệnh tật trên đời. Thế thì khác nào mời các chuyên viên y tế này làm giám đốc chuyên môn cho hết tất cả các bệnh viện luôn cho nó gọn. Không ai trên đất này làm cái chuyện lạ lùng này như VN.
An sinh xã hội. Người nghèo trong một xã hội cần được trợ giúp một phần nào đó cho qua cơn bĩ cực. Không một quốc gia nào mà người dân đóng thuế chịu nuôi một đám người ngồi nhậu nhẹt be bét rồi giơ tay xin tiền trợ cấp. An sinh xã hội là một ngành khoa học xã hội nghiên cứu việc xây dựng cơ chế, cách thức đánh giá thực sự một ai đó cần được trợ giúp cho qua cơn bĩ cực hay không. Tính khoa học đòi hỏi một đội ngũ chuyên viên chuyên nghiệp, một cơ chế minh bạch có sự giám sát gắt gao của toàn xã hội. Người nghèo không may mang bệnh nặng là nỗi đau, nỗi bất hạnh rất đáng được cứu giúp trong bất kỳ quốc gia nào. Những người này họ cần được 2 sự trợ giúp từ BHYT và các chính sách an sinh xã hội.
>>> Vài lời cuối
Mọi sự rối ren trên đời cần được bóc tách để nhìn chi rõ chân tướng sự việc. Từ đó mới có cách giải quyết và mới có thể giải quyết được. Làm quản lý là giải quyết vấn đề không phải làm cho vấn đề rối như canh hẹ thêm.
Ngành y VN cần bóc tách từng vấn đề để giải quyết, đừng trộn tất cả: y khoa, an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, chính trị…vào trong một cái bệnh viện. Làm cho nó ngày càng ngạt thở và trở thành cái chổ CẦN PHẢI CẤP CỨU NHẤT. Bệnh viện tốt nhất là nơi thuần túy là y khoa và các dịch vụ y khoa để có nguồn tiền tích lũy để phát triển. Hãy tách những chuyện khác ra khỏi bệnh viện để có đơn vị chuyên nghiệp hơn để lo. Cần rành mạch rằng:
– Bệnh viện không phân biệt công tư, đều phải được chi trả một cách đúng bản chất. Chi trả bởi BHYT – thay mặt người đóng BHYT, bởi cơ quan an sinh xã hội – thay mặt người đóng thuế trợ giúp người khó khăn,…và chi trả trên tinh thần cạnh tranh, các cơ quan nhà nước cũng phải đi tìm nơi nào cạnh tranh hơn để chi trả.
– Bệnh viên công bản chất là do nhà nước đầu tư, là từ tiền thuế của dân, thì cũng phải tính đúng tính đủ để lấy lại tiền đầu tư, để còn đi đầu tư nơi khác. Không phải đầu tư là tan biến đâu đó không biết, thế thì biết bao nhiêu tiền đầu tư cho đủ.
Đừng gộp hết tất cả mọi thứ và nhét vào bệnh viện để rồi hành hạ nhân viên y tế nữa. Trả lại môi trường làm việc khoa học, trả lại niềm đam mê y học cho nhân viên y tế, đừng cuốn họ vào những thứ vô bổ và không phải là bổn phận của họ nữa. Đừng tiếp tục bóp méo mọi quy luật để rồi phải dùng luật rừng để giải quyết, hậu quả cuối cùng là người dân gánh tất cả sự duy ý chí của chính những người suốt ngày hô hào do dân vì dân.
Tôi viết bài này, cũng xác định làm phiền lòng nhiều lãnh đạo không ưng những quan điểm thế này và càng không muốn nó lan truyền ra xã hội. Nhưng xin lỗi, lời thật thường mất lòng, tôi không còn cách khác.
Xin lượng thứ.
Trân trọng cám ơn.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Bốn + ba bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *