HUỲNH BẢO TUÂN

GIÀ vs TRẺ, BẢN LĨNH VÀ NĂNG LỰC

Mỗi thế hệ lớn lên trong mỗi hoàn cảnh lịch sử đất nước khác nhau, đối diện với những vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Thế hệ 5X, 6X đối diện với chiến tranh, cái đói, sự lạc hậu, được cái ăn, được cái học, được cuộc sống không bom đạn là niềm mơ ước. Thế hệ 7X, 8X đối diện với những thay đổi về thể chế và sự giao thoa mạnh mẽ về văn hóa và trí thức, họ không đối diện với đạn bom, nhưng họ đối diện với sự vươn lên trong một xã hội bắt đầu cạnh tranh gay gắt (ganh đua nhiều hơn, ích kỷ hơn). Thế hệ 9X, 10X đối diện với sự bùng nổ thông tin, bùng nổ tri thức, đồng thời cũng bùng nổ cám dỗ, và suy giảm lòng tin giữa người với người, sự vị kỷ ngày càng lên ngôi trong một xã hội ngày càng hiện đại, là một thách thức không nhỏ với nhân loại ngày nay.

5X, 6X có cái ăn là vui mừng khôn xiết, nhưng 9X, 10X ăn đến mức béo phì đi không nỗi. Cái khó của việc tìm kiếm cái ăn, với cái khó của việc ăn nữa sẽ chết, không thể so sánh cái khó nào hơn cái khó nào. 7X, 8X học được kiến thức phương Tây như mở cánh cửa vào đời và đổi đời, nhưng 9X, 10X bấn loạn vì không biết học cái gì và liệu lao vào học theo phương Tây có thể đảm bảo một tương lai tốt đẹp không thì chưa chắc. 5X, 6X, 7X, 8X cầm quyển Cô giáo Thảo chép tay lén lút chui toilet ngồi coi đầy hổ thẹn, trong khi 9X, 10X gặp cảnh cởi quần cởi áo dễ hơn gặp cha gặp mẹ, và chả có gì để gọi là thẹn thùng. Giữa cái thời không có gì để chơi, chỉ có đá banh, uống café với cái thời có quá nhiều cái chơi thì thời nào dễ sa ngã hơn thì chưa biết. Chả phải có quá trời cha chú vì không chịu nỗi cám dỗ đang ngồi đầy trong tù đó sao. Tỷ lệ ngồi tù vì tiền vì gái (vì trai) của cha chú (thím, mợ) đang nhiều hơn hay ít hơn giới trẻ, chưa thể phân định được!
Sức phản kháng với cám dỗ có vẻ không có mối liên hệ với tuổi tác, nó có quan hệ nhiều đến nền tảng giáo dục, tư tưởng, môi trường tiểu văn hóa xung quanh,…những thứ hình thành nên đạo đức con người hơn. Vậy thì nếu người lớn tuổi nhưng sống trong cái môi trường tiểu văn hóa súc vật đội lốt người mà rao giảng dạy dỗ về lối sống cho giới trẻ thì đích thật là đạo đức giả. Tương tự tuổi trẻ mà sống trong môi trường chân thật là xa xỉ thì cũng nhanh chóng thành con quỷ đột lốt người. Đó mới có lẻ là lý do cốt lõi của nhiều gia đình muốn con cái ra nước ngoài du học, chứ không phải là ham danh lợi, khoe của hay ở nước ngoài thì học giỏi hơn,…
Người nhiều tuổi hơn thường nghĩ mình có kinh nghiệm nhiều hơn người ít tuổi hơn. Đây lại tiếp tục là một sai lầm về năng lực! Kinh nghiệm con người có được thông qua trải nghiệm và tự thân đúc kết thành những bài học, người từng trải và va chạm nhiều thường tích lũy nhiều bài học. Tuy nhiên, thế giới này mọi thứ đang diễn ra quá nhanh, có những bài học phù hợp giai đoạn này không thể dùng tiếp cho thời đoạn tiếp. Thậm chí bài học kinh nghiệm không chỉ không giúp ích được gì mà còn cản trở con người cởi mở để thích nghi với những cái mới (hình thành định kiến, sự bảo thủ…). Hay nói cách khác già hay trẻ gì cũng phải học cái mới để thích ứng với cuộc sống mới đang ở phía trước. Thế giới ở tương lai có quá ít thứ từ quá khứ mang theo mà dùng được nữa. Nên già hay trẻ cũng đang ở cùng một vạch xuất phát cho tương lai, xét vì mặt năng lực hay trí lưc.
Năng lực trí tuệ của con người không có mối tương quan đến tuổi tác. Năng lực trí tuệ chỉ tương quan đến nỗ lực học hỏi, chất lượng của mạng lưới xung quanh của một con người. Thế giới có quá nhiều người 20-30 tuổi làm nên những chuyện kinh bang tế thế bằng năng lực vượt trội của họ. Già nhưng không nỗ lực học hỏi, già nhưng xung quanh chất lượng mối quan hệ kém, già nhưng dừng lại về trí não vì nghĩ nhiêu trí tuệ đó đủ xài rồi thì đồng nghĩa tự dìm mình vào quá khứ.
Truyền thống văn hóa Á Đông, trọng tôn ti trật tự, trọng người lớn tuổi, người lớn luôn luôn đúng… đó là nét văn hóa ngàn năm, nên cũng chỉ phù hợp với xã hội trăm ngàn năm trước. Xã hội hiện đại với bối cảnh tăng tốc độ phi mã của tri thức nhân loại, cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp, nếu không bất lợi nhiều hơn ích lợi. Con người không đọc suy nghĩ, ý tưởng của nhau mà làm việc, mà cứ nhìn mặt già trẻ, địa vị cao thấp mà làm việc thì xã hội sẽ tự làm suy giảm trí lực và tự nhân tác nhân cản trở nhiều hơn. Đó là lý do vì sao người lớn tuổi cần điều chỉnh thói quen với câu của miệng “giới trẻ bây giờ,…” đó là một sự phán xét đầy thiển cận, ít sự đồng cảm và thấu cảm, không đặt mình vào bối cảnh, hoàn cảnh của người khác.
Cuối cùng, tuổi tác, già trẻ chỉ còn lại ở ý nghĩa về mặt sinh lý, sức khỏe. Tất cả những thứ còn lại, già hay trẻ đều cùng trên một mặt bằng bản lĩnh và trí lực. Việc chúng ta cần làm là tôn trọng nhau, chia sẻ và trao đổi, lắng nghe với nhau nhiều hơn để hiểu nhau, hướng dẫn nhau, học hỏi cùng nhau về những thách thức phía trước, một cách ngang hàng và bình đẳng.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *