HUỲNH BẢO TUÂN

CHIẾN LƯỢC NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN (RESEARCH & DEVELOPMENT – R&D STRATEGY) CHO DOANH NGHIỆP VIỆT

Nói đến hai chữ R&D với các doanh nghiệp Việt thường nhận được cái lắc đầu “xa vời lắm, chưa đâu, từ từ…”. Cái “từ từ” đó có thể bị trì hoãn 5-10 năm hoặc hơn thế nữa! Cách suy nghĩ này cũng không quá khó hiểu, bởi hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp nghĩ đến hai chữ R&D là nghĩ đến Tiền & Rủi ro. Kiểu như, dư giả chút đỉnh đi rồi tính, còn bây giờ chiến đấu để sinh tồn cái đã, thời giờ đâu mà tính mấy chuyện xa vời như vậy.
Đúng vậy, doanh nghiệp Việt bận dữ lắm, bận chiến đấu sinh tồn với “ông PCCC ổng quầng tối ngày, chị thuế lâu lâu ghé thăm bảo sai rồi chuẩn bị đi tù đi, bác chính sách thì viết ra như thể ai đó kêu viết dùm tớ mấy chữ, đại ca ngân hàng cho vay buôn đất bị giựt xoay qua bóp cổ thím bán chuối chiên bù lỗ…”. Hết sức rối ren là vậy, nên doanh nghiệp Việt nào tồn tại được trên 10 năm thì cũng coi như là bản lĩnh thần kỳ kiểu như “Bill Gates có sống ở VN thì cũng chỉ là ông thầy giáo thôi chứ gầy dựng được doanh nghiệp như tao, tao làm con mầy”. Cái bản lãnh gầy dựng sự nghiệp ở VN nó khác với ở Mỹ là như vậy.
Nhưng thôi, trà dư tửu hậu than vãn cho xả stress chứ cuộc sống thì cũng phải tìm đường vươn lên, đâu ai được chọn nơi mình sinh ra, bàn cái thứ không thay đổi được gì thì bàn chi cho mất thời gian vô bổ. Bài viết này chỉ mong gợi một chút suy nghĩ kiểu mấy ông nông dân hay hỏi “có thể làm R&D giá rẻ hông, ít rủi ro mà lời khá khá chút được hông”. Câu trả lời là được, nhưng phải có chiến lược!
Chiến lược R&D có hai hướng chính Công nghệ Đẩy (Technology Push) và Thị trường Kéo (Market Pull)
>>> Hướng Technology Push
Doanh nghiệp Việt thường nhầm lẫn nghiên cứu hàn lâm công bố khoa học và Nghiên cứu ứng dụng, triển khai. Có lẻ cái từ Nghiên cứu và các loại nghiên cứu chưa được phân biệt một cách rõ ràng trong các chương trình đào tạo. Ngay cả trong các trường đại học, Viện nghiên cứu của VN cũng rất rối ren mấy chuyện này, đừng nói chi doanh nghiệp.
Mục đích của Nghiên cứu Hàn lâm (Academic Research) là lấp đầy tri thức nhân loại. Các nhà nghiên cứu Hàn lâm như sống trong những tháp ngà đắm chìm trong đam mê và sự tò mò thế giới xung quanh. Họ giải thích nó, làm rõ về nó và tìm kiếm các quy luật xung quanh nó – đó gọi là Lý thuyết. Có lý thuyết “to” có lý thuyết “nhỏ”, nói chung có đóng góp là được. Những nhà nghiên cứu Hàn lâm đúng nghĩa làm nghiên cứu để thỏa mãn sự tò mò, chả ai làm nghiên cứu vì danh lợi. Nên họ rất đáng được tôn quý và trân trọng. Tiếc rằng không thể nghiên cứu mà không có tiền, nên những người cầm tiền và cấp tiền tạo ra một cuộc chơi danh lợi để điều khiển họ, từ đó tạo ra sự méo mó không ít trong giới khoa học. Đương nhiên, doanh nghiệp không thể rót tiền vào dạng nghiên cứu này để tạo ra các lý thuyết về lượng tử, hay sự hiểu biết về cấu trúc DNA,…Có chăng chỉ dừng lại ở dạng các quỹ nghiên cứu của các tỷ phú theo dạng “tiền nhiều để làm gì, trả lại bớt cho đời, chết có mang theo được gì đâu”.
Với doanh nghiệp, bài toán công nghệ là bài toán đầu tư. Từ những lý thuyết khoa học gì đó, với doanh nghiệp là những cơ hội kinh doanh, đầu tư để triển khai thành các ứng dụng cụ thể trong đời sống con người. Ví dụ như từ các lý thuyết đột phá về DNA, doanh nghiêp nghĩ đến làm sao có thể tạo ra công nghệ điều chỉnh gen để trị ung thư máu. Vậy thì nếu đầu tư vào đây 3 tỷ USD, sau 5 năm, có tiềm năng thu về 15 tỷ USD nếu nó thành công. Để làm được nghiên cứu triển khai từ khoa học cơ bản, vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm là cực kỳ quan trọng, không có doanh nghiệp nào đủ vốn để đầu tư dạng này. Với dạng nghiên cứu triển khai từ từ khoa học cơ bản này sẽ tạo ra các loại công nghệ gốc, công nghệ nguồn, công nghệ đột phá (radical technology), doanh nghiệp Việt gần như không thể chạm tới được. Bất cứ quốc gia nào trên trái đất này cũng mơ ước đạt được đến trình độ nghiên cứu này, nhưng đến lúc này có thể nói chỉ gói gọn trong G7+3 mà thôi.
Có chăng doanh nghiệp Việt có thể tham gia cải tiến các công nghệ hiện có nào đó để công nghệ đó tốt hơn (Incremental technology). Kiều như chúng ta không phát minh ra công nghệ led, nhưng chúng ta có thể nghiên cứu để cải tiến làm cho bóng đèn led sáng hơn, tiết kiệm điện hơn, tuổi thọ cao hơn để tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Và đây là con đường sống còn của các quốc gia đang phát triển, nếu chúng ta không làm được, mãi mãi chúng ta chỉ dừng lại ở thu nhập trung bình! Nghĩa là mãi mãi dừng lại ở mức gia công giá trị thấp cho thế giới. Mà hưởng cái phần giá trị thấp thì lấy đâu ra tiền để đầu tư làm cái gì khác được.
Con đường thịnh vượng của các quốc gia Đông Á (Nhật, Hàn, Đài, Trung, Thái…) thông thường bắt đầu từ làm gia công cho người khác, trong quá trình gia công sẽ học hỏi và cải tiến quy trình, cải tiến công nghệ, và cuối cùng mới đến sáng tạo công nghệ mới. Nói nghe đơn giản nhưng nó cần rất nhiều nỗ lực làm chứ không ngủ một đêm là có được. Sau 30 năm gia công, Nhật đã làm ra cái máy nghe nhạc đầu tiên (Sony Walkman); Hàn, chiếc xe ô tô đầu tiên (Kia pride). Người Việt cũng đã gia công hơn 30 năm, nhưng vẫn chia làm ra được cái gì là của mình đúng nghĩa. Hiếm hoi một vài lĩnh vực ví dụ như, thế giới phát minh đầu tiên ra công nghệ thu tinh trong ống nghiệm (IVF), nhưng VN hiện nay là quốc gia đang dẫn đầu về lĩnh vực này trên toàn thế giới, sở hữu những công nghệ tốt nhất trong lĩnh vực này, đó là một niềm tự hào thật sự cho người Việt.
Cải tiến công nghệ sẵn có cũng phải có chiến lược, cải tiến để dẫn đầu chi phí, nghĩa là tập trung vào công nghệ để tạo ra sản phẩm dịch vụ rẻ hơn và rẻ hơn nữa, làm ra một sản phẩm có giá thành mà không ai có thể làm ra được như vậy. Hay là tập trung vào công nghệ để tạo ra sản phẩm dịch vụ mang tính khác biệt vượt trội về tính năng, chức năng kiểu như làm bóng đèn led chống cháy nổ, bóng đèn dùng trong phòng lạnh âm, bóng đèn led trên tàu biển…. Với bối cảnh của VN, nằm cạnh người anh em thiện lành TQ thì con đường chi phí thấp rất khóc liệt, ngoại trừ những lĩnh vực mà hàng TQ bị kỳ thị (dược phẩm, mỹ phẩm…). VN chỉ có thể làm ở con đường nhắm vào những sản phẩm dịch vụ có tính năng chức năng đặc biệt, nhu cầu ngách mà mấy ông lớn bỏ qua để làm trước.
>>> Hướng Market Pull
Đây là hướng phù hợp với mọi loại doanh nghiệp. Cuộc sống con người luôn tạo ra vô số nhu cầu mới. Có những nhu cầu hiện rõ dễ phát hiện, nhưng có những nhu cầu tiềm ẩn cần phải được khai phá. Một doanh nghiệp chịu khó dấn thân vào không gian sinh sống của người dùng, phát hiện ra những nhu cầu tiềm ẩn trong cuộc sống của họ, đánh giá độ lớn của nhu cầu và đi tìm những công nghệ có sẵn, rẻ, phổ biến, ứng dụng nó để đáp ứng những nhu cầu mới đó.
Tài xế lái xe ngủ gục gây tai nạn. Nếu như có một camera ghi nhận hình ảnh mi mắt tài xế so sánh với những biểu hiện sụp mi khi buồn ngủ. Khi phát hiện tài xế buồn ngủ thì rung cái vô lăng để cảnh cáo. Độ lớn của nhu cầu là có, công nghệ không quá phức tạp, tính khả thi cao. Vấn đề là nếu chúng ta đi hỏi ông tài xế ổng cần cái gì thì có lẻ ông tài xế không nói ra được. Chúng ta chỉ có thể phát hiện đi điều đó khi chúng ta quan sát, dấn thân vào cuộc sống của anh tài xế. Làm ra công nghệ phát hiện ngủ gục này chúng ta có thể làm ra sản phẩm cuối cùng để đem bán với thương hiệu của mình (start-up) hay đem bán cho mấy hang xe đang có để họ tích hợp vào gia tăng giá trị cho xe họ (licensing). Đường nào cũng được, miễn chúng ta hiểu được những gì chúng ta sẽ đối diện và sẵn sàng vượt qua.
Taxi truyền thống hoạt động theo cơ chế phát tín hiệu radio. Mỗi khi một khách hàng gọi xe, khoảng 4-5 chiếc taxi chạy tới, trong đó chỉ có một chiếc đón được khách, 3-4 chiếc khác xách xe chạy không và chửi bới rùm trời! Các hãng taxi thống kê mức độ xách xe chạy không đó, khoảng 30%, và cấu trúc nó vào giá thành cước xe phân bổ cho khách hàng gánh! Nghĩa là nếu 1km – 15.000 thì trong đó hết 5.000 khách hàng chi trả để bù đắp cho việc xách xe chạy không (thường khách hàng không biết chuyện này). Các hãng taxi ngồi lại thỏa thuận mức giá sàn để chứa đựng tất cả những lãng phí đó! Mặc cho người dùng gánh oan. Tác hại của sự độc quyền nhóm là nuôi dưỡng lợi ích nhóm, nuôi dưỡng sự ỷ lại, triệt tiêu sáng tạo.
Uber, Grab,…đã phá vỡ sự độc quyền phí lý này, mang đến lợi ích cho người dùng khi áp dụng công nghệ GPS vào việc gọi xe. Khi ai đó gọi xe, các app Grab sẽ định vị xem chiếc xe nào gần nhất và hỏi xem chiếc xe gần nhất đó bắt khách không, nêu không thì mới chuyển cho xe khác. Khi chúng ta thay đổi một công nghệ khá phổ biến như GPS, ngay lập tức 30% lãng phí do xách xe chạy lòng vòng của taxi truyền thống sẽ không còn. Công nghệ GPS đã hủy diệt công nghệ song radio trên taxi nhưng thế giới sẽ xanh hơn rất nhiều do giảm được một lượng lớn xăng dầu do xách xe chạy lòng vòng kiểu taxi truyền thống đó gây ra.
Xét về gốc độ công nghệ, Grab, Uber không phải phát minh ra radical technology gì ghê gớm, công nghệ họ dùng ai cũng có thể chạm tới được. Cái hay của Grab, Uber là khả năng quan sát thực tế vận hành, quan sát cuộc sống và thấu hiểu nỗi đau của con người (trả tiền cho sự lãng phí mà các liên minh taxi gây ra). App gọi xe đã hủy diệt taxi truyền thống, nhưng sự hủy diệt đó mang đến lợi ích cho triệu người, nên nó được chấp nhận một cách dễ dàng.
>>> Vài lời cuối
Nghiên cứu & Phát triển là con đường mà tất cả các doanh nghiệp ở mọi quy mô, ở mọi nguồn lực có thể làm được, và không thể không làm nếu muốn gia tăng tỷ suất lợi nhuận, để gia tăng tích lũy để đầu tư phát triển. Nguồn lực lớn làm kiểu khác, nguồn lực ít hơn làm kiểu khác. Miễn chúng ta vạch ra con đường phù hợp với nguồn lực của mình.
Con đường Radical Technology là không thể với các doanh nghiệp Việt ở giai đoạn hiện nay, nhưng con đường Incremental Technology là hoàn toàn khả thi và không thể không làm. VN cần có nhiều hơn những doanh nghiệp như lĩnh vực IVF thì đó mới là hồng phúc của dân tộc. Hy vọng vài năm tới, ngành y VN sẽ có doanh nghiệp tạo ra được Radical Technology cho thế giới. Kỳ vọng này dựa trên cơ sở năng lực trí tuệ của nhân lực y khoa VN và 100 triệu dân là một môi trường thuận lợi cho các thực nghiệm lâm sàng. Đã đến lúc người Việt bớt tự ti về năng lực trí tuệ của mình. Ấn Độ đã tạo ra một nền công nghiệp dược dựa trên sức mạnh của quốc gia có dân số lớn nhất thế giới là như vậy. Chi phí R&D ngành dược thực hiện tại Ấn Độ là thấp nhất thế giới.
Con đường dành cho mọi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là con đường Market Pull. Bởi đó là con đường ít rủi ro nhất, ít tiền cũng làm được, miễn chúng ta có khả năng thấu hiểu con người, mà muốn có khả năng này thì phải chịu khó nhúng mình vào không gian sống của khách hàng mục tiêu. Người không có học hành bằng cấp cao vẫn có thể làm ra một doanh nghiệp vĩ đại nhờ vào khả năng quan sát cuộc sống và thấu hiểu nhân tình.
Muốn làm được việc này, người Việt phải bỏ thói quan liêu, quan quyền ngự trị trăm năm trong nền văn hóa của dân tộc. Thói quen liêu đó không phải chỉ có trong quan trường, mà đầy khắp hang cùng ngỏ hẹp trong doanh nghiệp hiện tại, ngay cả với doang nghiệp tư nhân. Có doanh nghiệp kinh doanh hơn 10 năm, và chưa từng tìm hiểu thử xem người dùng cuối của mình là ai, họ sử dụng sản phẩm dịch vụ của mình như thế nào, họ đang có những nhu cầu tiềm ẩn gì…nghe rất hoang đường đúng không, nhưng đó hoàn toàn là sự thật của không ít doanh nghiệp!
Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Bốn + ba bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *