HUỲNH BẢO TUÂN

NGHỈ VIỆC, CÓ BAO NHIÊU LOẠI NGHỈ VIỆC, VÀ TỔ CHỨC NÊN LÀM GÌ?

>>> Nghỉ việc vì hoàn cảnh cá nhân: gia đình, sức khỏe, học…
Chuyển đổi nơi sinh sống, gia đình cần người chăm sóc, sinh con chăm con, bệnh tật bất thường…loại nghỉ việc này khi rời xa tổ chức là rời xa trong nước mắt, rời xa một nơi từng gắn bó, rời xa gia đình thứ hai. Tổ chức cần giữ kết nối, và giữ trọn tình người với những loại nghỉ việc này.
Bước ra khỏi công ty không có nghĩa là giữa chúng ta chấm hết, chúng ta vẫn còn sống trong bầu trời này, chúng ta cần giữ với nhau một mối liên kết của tình người. Tổ chức rất cần giữ liên lạc, thăm hỏi, gửi thư chúc sinh nhật, gửi thư chúc mừng thôi nôi đầy tháng, và rất cần thăm viếng nếu chẳng may gặp điều bất hạnh trong cuộc sống. Tất cả những thứ này không tốn quá nhiều tiền, nó chỉ tốn chút thời gian và tâm trí. Nhưng giá trị xã hội của tổ chức sẽ nâng cao. Có giá trị xã hội là có nền tảng quan trọng cho sự trường tồn.
>>> Nghỉ việc vì có cơ hội mới, ra làm ăn riêng, khởi nghiệp
Mỗi người có một năng lực, chí hướng, giá trị riêng cho cuộc sống này. Tổ chức cũng có những giá trị riêng, đường lối, định hướng phát triển riêng của nó. Nếu chúng ta không còn chung giá trị, không còn chung con đường thì hãy vui vẻ chia tay.
Nhưng chia tay không có nghĩa là cắt đứt. Tổ chức rất cần giữ kết nối với những cá nhân này vì ngày mai chúng ta có thể là đối tác hay đối thủ của nhau. Đối tác hay đối thủ gì cũng cho nhau năng lượng để phát triển. Lễ kỹ niệm hàng năm, lễ công bố dự án mới, sự kiện quan trọng gì đó,…tổ chức rất cần liên kết với những con người này. Trong kinh doanh vốn xã hội: vốn mạng lưới liên kết, vốn quan hệ, … thậm chí sự đe dọa cũng là một nguồn vốn! Biết sử dụng loại vốn xã hội này cũng là một loại năng lực mà nhà quản lý cần lưu tâm.
>>> Nghỉ việc vì stress với áp lực công việc
Mỗi người có một xuất phát điểm về năng lực. Hôm nay họ đáp ứng được yêu cầu tổ chức, nhưng ngày mai có thể không còn nữa. Tổ chức muốn tồn tại và phát triển phải liên tục học hỏi năng lực mới. Một tổ chức “vắt chanh bỏ vỏ” là tổ chức không có chính sách ưu tiên phát triển năng lực con người trong nội tại mà chỉ lo bắt người mới khi cần năng lực mới. Thường đó là những công ty “ăn xổi” dựng lên để bán (built to sell).
Một tổ chức được dựng lên để trường tồn (built to last) luôn có chính sách dành sự tập trung vào phát triển năng lực con người nội tại để theo kịp yêu cầu phát triển của tổ chức, để không ai bị bỏ lại phía sau. Để có người làm nhưng vẫn ổn định được văn hóa, triết lý sống mà tổ chức đã dày công gầy dựng. Một tổ chức nhân sự ra vào như cái chợ, năng lực mới dung nạp có phát huy được hay không thì chưa biết, nhưng xáo trộn văn hóa, xáo trộn mục đích cho sự trường tồn là có thể đoán được. Thông thường những tổ chức dạng built-to-last, mỗi năm con người ra vào thường dưới 5%.
Với một công ty được xây lên với mong muốn trường tồn, một trong những lời khuyên là thường xuyên đo lường mức độ stress của nhân viên. Nhưng không phải là để giảm áp lực công việc cho họ, mà là để huấn luyện họ, kềm cặp họ, hướng dẫn họ. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà không thể có ít việc hơn, không thể có việc đơn giản hơn, không thể ngồi đó mong chờ mọi thứ sự yên ổn hơn. Công việc ngày càng phức tạp, việc chưa có tiền lệ ngày càng nhiều, nó đòi hỏi những năng lực mới để xử lý. Do đó, cách duy nhất để chúng ta tồn tại là phải luôn tiếp nhận cái mới và bồi tụ năng lực mới để sẵn sàng đối diện với áp lực mới. Khi có đủ năng lực để dối diện, chúng ta sẽ không còn stress nữa! Con người stress thì tổ chức cũng stress.
>>> Nghỉ việc vì môi trường độc hại
Môi trường độc hại là môi trường mà ở đó chiêu trò đấu đá chốn văn phòng nhiều vô kể: chả ai làm gì, rình coi ai làm được gì nhào vào cướp; thấy có vẻ không làm được đạp phát cho mầy chết luôn và ngồi lên đầu nó; họp hội chả phát biểu gì đóng góp, đợi thiên hạ nói hết kiếm đường quật để tỏ vẻ trên cơ; ngồi nghe ngóng coi nhóm nào sắp chiếm ưu thế đu theo nhóm đó; ngoài mặt ok ok nhưng sau lưng gươm giáo luôn mài sẵn, thà phụ cả thiên hạ chỉ cần nịnh được một người là đủ…Nói chung dạng môi trường này ngồi kể 3 ngày không hết chuyện, nhưng tựu chung có vài đặc điểm: tổ chức đó không có tầm nhìn sứ mệnh, mục đích, giá trị cái gì ráo; tồn tại và phát triển được chủ yế nhờ dựa hơi thế lực chính trị, hoặc cấu kết chính trị để bòn rút của công, tài nguyên quốc gia. Năng lực cốt lõi của dạng tổ chức này là lobby để điều chỉnh chính sách viết ra sao cho họ có lợi nhất. Và thường tổ chức dạng này hô khẩu hiệu rất dữ dội, nhằm để dọn đường cho chính sách mà họ mướn viết.
Môi trường làm việc là một hệ sinh thái nuôi dưỡng con người. Nhưng nuôi ra hổ báo xà tinh hay tinh anh là do mức độ độc hại hay mức độ trong lành của nó quyết định. Mỗi người có một quyền lựa chọn. Có người “mèo trắng mèo đen kệ mẹ nó miễn kiếm được tiền”; có người kiếm tiền một cách có giá trị để ăn ngon ngủ yên; có người chịu làm chốt thí, con cờ trên bàn cờ quyền lực, có người không…tất cả là sự chấp nhận của mỗi người chúng ta. Nước Mỹ hùng mạnh, chả phải làm gì, chỉ làm mỗi việc tạo ra một môi trường mà ở đó con người khắp nơi trên thế giới ai muốn mở rộng năng lực trí tuệ, khát khao cống hiến cho xã hội đến đó, được tạo điều kiện để cống hiến, được ghi nhận và được bảo vệ, và hình như ai cũng rất giàu nếu tạo ra được giá trị cho xã hội!
Một tổ chức muốn hùng mạnh chỉ cần nhà quản trị chịu dành tâm trí kiến tạo ra một môi trường làm việc trong sáng, minh bạch, tôn trọng các giá trị của sự chân thật. Chỉ có sự chân thật, thẳng thắn mới giúp được tổ chức có chi phí thấp nhất, tất cả những thứ giả dối, xảo trá chỉ là cho tổ chức phát sinh thêm rất nhiều và rất nhiều chi phí. Làm được những việc này tự khắc người có năng lực, người muốn luôn muốn phát triển năng lực, người có thiện tâm ở đâu đó gom về phụng sự mà không mất quá nhiều công sức đi tìm kiếm. Ngược lại, một tổ chức có môi trường xấu độc, cuối cùng rồi cũng chỉ còn lại những kẻ cơ hội, tranh thủ kiếm ăn, hổ báo, xà tinh kéo tới xâu xé là chính chứ chả làm gì cho nó phát triển. Và đương nhiên, xâu xé hết lộc thì họ bỏ đi chứ ở lại đó để làm gì, chìm xuồng chết chung sao.
>>> Vài lời cuối.
Tôi có cảm hứng để viết bài này vì vô tình nghe được một câu chuyện. Có một tập đoàn đa quốc gia, một trăm năm nay rất ít nhân viên xin nghỉ việc, chỉ có người muốn tới. Chỉ có người ra đi vì những lý do cá nhân, họ luôn ra đi trong nuối tiếc, không ai ra đi vì môi trường tồi tệ, càng không có ai bị đuổi việc vì năng lực không đạt yêu cầu. Nghe như chuyện cổ tích, nhưng tập đoàn đó đang ở có mặt ở VN, và đang thâu tóm kha khá doanh nghiệp Việt.
Một lời khuyên chân tình với các nhà quản trị. Khi có nhiều nhân viên nghỉ việc vì môi trường làm việc xấu độc. Chúng ta cần dẹp bỏ tự ái, cần nghiêm túc nhìn lại mình, và cần một chương trình thải độc quyết tâm trước khi quá muộn. Có vẻ những giá trị chân chính ngày càng xa rời môi trường sống của chúng ta đến mức nhiều người đọc bài này sẽ cảm giác rất hoang đường. Và cũng chính điều đó doanh nghiệp Việt càng ngày càng phải bán mình nhiều hơn. Chúng ta không giữ được sự chân chính thì bán thân cho người khác dạy dỗ cho chúng ta sự chân chính chứ biết sao giờ.
Kính chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1 + 1 bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *