HUỲNH BẢO TUÂN

QUALITATIVE HAY QUANTITATIVE, CÁI NÀO PHÙ HỢP HƠN VỚI NGƯỜI LÀM KINH DOANH.

Tạm dịch cặp từ “Qualitative – Quantitative” là “Định tính – Định lượng”, vì cách chuyển ngữ này chưa thật sự phản ánh tốt bản chất của thuật ngữ, từ đó có nhiều hiểu nhầm. Qualitative là một quá trình quy nạp từ thế giới thực bởi những quan sát của chúng ta với các dữ liệu mà ta có thể chạm tới được. Quá trình quy nạp này dưới nhiều lăng kính khác nhau nên cùng một bức tranh người này nhìn ra cái này, người kia nhìn ra cái nọ là chuyện rất bình thường. Người làm nghiên cứu dạng qualitative phải rất vững về lý thuyết nền thì mới làm được.
Quantitative là quá trình đặt giả thuyết suy diễn dựa trên những hiểu biết trước đó và kiểm tra các giả thuyết đó bằng dữ liệu. Thường trong nghiên cứu, người ta hay chọn tiếp cận Quantitative vì nó dễ công bố hơn, đặc biệt là các nghiên cứu sinh tiến sĩ lần đầu tiếp cận nghiên cứu. Cũng chính vì vậy mà quantitative dần trở thành vượt trội hơn trong các trường đại học quản trị kinh doanh, và do đó nó trở nên ngự trị trong tâm trí sinh viên như một cái gì đó chuẩn tắc, và họ mang nó vào đời sống xã hội sau khi ra trường. Đây là vấn đề! Trường đại học vô tình tạo nên khuôn mẫu cứng nhắc cho xã hội.
Trọng tâm của Qualitative là pattern recognition/discovery/exploration – nhận dạng, phát hiện, khám phá những dạng thức mới ẩn sau các lớp dữ liệu (hành vi, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, ký tự,….). Do vậy “THINKING QUALITATIVELY” rất quan trọng mới người làm kinh doanh, bởi trọng tâm của kinh doanh là khám phá ra cái mới để đổi mới (explore hidden pattern of innovation). Nói nôm na, ai nhìn ra được những quy luật gì đó ẩn sâu trong đời sống con người và biến nó thành ý tưởng kinh doanh được, thì người đó sẽ có cơ hội kiếm tiền cao hơn. Người làm kinh doanh phải có tâm thế khám phá cái mới để kiếm tiền, và kiến tạo xã hội (constructivism) chứ không phải đi chứng minh cho xã hội cái điều gì đó đúng sai, đó là nhiệm vụ của nhà khoa học thực chứng (positivism).
Người làm kinh doanh thực sự như là nhà nhân chủng học (ethnographer). Dùng khả năng quan sát, nhúng mình vào bối cảnh, hoàn cảnh của khách hàng. Đồng cảm và thấu hiểu họ để đọc ra những vấn đề mới mà họ đối diện, bật ra ý tưởng sản phẩm dịch vụ mới mẻ để giải quyết những vấn đề mới đó, từ đó khách hàng trả tiền cho mình. Mỗi nhà kinh doanh sẽ quan sát xã hội ở một lăng kính nào đó của mình, ở một khía cạnh nào đó trong đời sống xã hội và do vậy tạo ra những thứ đa dạng và khác biệt cho đời sống xã hội và con người. Nếu một nhà kinh doanh mang tư duy “statistically significant”, đợi cho thiên hạ làm rần rần cho nó “có đủ số mẫu có ý nghĩa thống kê” thì nhà kinh doanh đó chỉ mãi mãi là người đến sau thôi ạ.
Trong những thời điểm kinh doanh càng khó khăn, người làm kinh doanh cần phải tĩnh tâm dành sự tập trung vào khách hàng để nhìn ra những vấn đề mới để từ đó tạo ra sản phẩm dịch vụ mới để trở mình. Khó khăn, nhu cầu suy giảm chứ nó không có bằng không, khó khăn khách hàng cần những giải pháp thay thế gì đó hơn bao giờ hết. Trớ trêu thay, càng rối ren càng loạn, càng khó càng … xa rời khách hàng để chạy theo …ngân hàng! Trong đầu của hầu hết lãnh đạo trong khó khăn là kiếm tiền cầm cự, nhưng khổ nỗi họ thường nghĩ khách hàng thì sao có tiền, nên họ dành nỗ lực đi vuốt ve ngân hàng nhiều hơn. Càng say ngân hàng càng nghiện, nghiện đến lúc nào đó trao thân cho ngân hàng luôn không phải là chuyện hiếm.
Thần chú (mantra) giúp cho người làm kinh doanh vượt ra mọi khó khăn và vươn lên phía trước là Empathy: đặt mình vào đời sống khách hàng, quan sát họ, gắn kế với họ, đọc ra những vấn đề của họ, làm cái gì đó cho họ. Từ từ tiền sẽ tới.
Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *