HUỲNH BẢO TUÂN

Y TẾ VÀ NHỮNG GÓC NHÌN

1. Góc nhìn của an sinh xã hội
Đây là góc nhìn cổ xưa nhất của ngành y. Mấy ngàn năm con người luôn xem y tế là phụng sự xã hội một cách toàn tâm toàn ý trong bất cứ hoàn cảnh nào. Mạng người là vô giá, sức khỏe là không thể trả giá. Người làm ngành y phải xem sứ mệnh cứu giúp con người là hàng đầu. Ai không có đức tâm thật sự không thể và không nên dấn thân vào y tế.
Góc nhìn an sinh đạo đức xã hội không có gì để phản bác, bởi mấy ngàn năm nay chả ai phản bác được chân lý, đạo đức lý (con cãi cha mẹ trăm đường con hư). Một triệu hay một tỷ người nghe, ai cũng cảm thấy không thể sai được, chỉ có người nói khác chân lý mới là người sai. Thế nên hàng triệu người sẽ có cùng một cách nói – một cách an toàn, cũng không có gì lạ!
Tuy nhiên, cuộc sống này không phải ngồi đó nói không sai là có được điều mình muốn. Muốn giấc mơ thành hiện thực phải có năng lực và phải nuôi dưỡng, bồi tụ, phát triển năng lực. Thế nên cả ngàn người mơ màng, dăm ba người làm được chút đỉnh cái gì đó gọi là hiện thực.
2. Y tế dưới góc nhìn của công nghệ
Công nghệ mới chính là con đường hiệu quả nhất để giải quyết được nỗi đau bệnh tật của con người. Gần như tất cả tinh hoa công nghệ của tất cả các ngành đều có cái đích ứng dụng vào ngành y, từ năng lượng nguyên tử đến dữ liệu lớn, từ tâm lý học đến văn hóa lịch sử kinh tế chính trị. Động lực của sáng tạo công nghệ từ tình thương nhân loại hay thương mại hóa kiếm tiền đều có.
Công nghệ không thể trên trời rơi xuống, thậm chí còn được xem như là những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia hiện nay. Ai sở hữu công nghệ người đó hiệu lệnh thiên hạ, y tế cũng không thể nằm ngoài cuộc. Chi phí cho công nghệ mới ngày càng đắt đỏ do tính chất độc quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ bí mật quốc gia. Do vậy để tránh sự lệ thuộc quyền chi phối công nghệ gây áp lực lên chi phí trong tương lai, các quốc gia đã hình thành các liên minh chiến lược trong việc hợp tác nghiên cứu phát triển công nghệ và chia sẻ quyền sử dụng những công nghệ mới với các tập đoàn công nghệ. Đây là việc cần tầm nhìn và trí tuệ vượt bậc ở cấp quốc gia.
Hậu quả của những cuộc chiến công nghệ trong y tế không khó để nhận biết. Ngày xưa khoảng 30% tổng chi cho y tế đến được với người nhân viên, nhưng ngày nay ngày càng giảm và hiện nay còn khoảng 15%, trong khi tổng chi cho y tế toàn xã hội tăng rất nhanh qua các năm. Điều đó nghĩa là chi công nghệ đã lớn và lớn rất nhanh. Vấn đề là xu hướng này không thể đảo ngược vì không có công nghệ nhân viên y tế cũng chỉ ngồi ngó thôi chứ làm được gì. Cho nên, nếu không có chiến lược tổng thể ở cấp quốc gia thì y tế sẽ mãi trông chờ ngân sách nhà nước cho đầu tư công nghệ mới. Và y tế tư nhân thì càng ngày càng xa tầm với với công nghệ mới.
Các nước phát triển hiểu rất rõ chuyện này cho nên đã từ lâu họ đã chiếm lĩnh gần như toàn bộ sở hữu trí tuệ trong công nghệ y tế và đặt ra rất nhiều điều luật ngăn chặn sự chuyển giao hay đánh cắp. Từ đó từ từ “phân phối” lại cho các nước phát triển để tái đầu tư! Đến nay, VN gần như hoàn toàn không có bất cứ một chiến lược nào cho công nghệ y tế, có lẻ công nghệ đang được xem như cái máy, à cần thì vác tiền đi mua chăng!
3. Y tế như ngành công nghiệp dịch vụ toàn cầu.
Trên thế giới này chỉ có vài quốc gia đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ là có đủ độ lớn thị trường để tự nuôi dưỡng cho sự phát triển nội địa hóa công nghệ. Hầu hết các quốc gia đều phải nghĩ cách mở rộng biên giới cung cấp dịch vụ y tế để có thể đủ quy mô cho nuôi dưỡng công nghệ mới. Singapore là một quốc gia bé hơn Sài Gòn nên để đủ nuôi sự đầu tư cho ngành y, họ phải lấy tầm nhìn Đông Nam Á trong đó Việt Nam là cứ địa quan trọng! Và họ đã đạt được điều họ muốn!
Y tế VN, phân khúc cao phải cạnh tranh với khu vực như Sing, Thái. Cao hơn nữa phải cạnh tranh với Nhật, Hàn và đang nổi lên là Israel. Phân khúc thấp thì sẽ là cuộc đổ bộ của Ấn Độ và TQ. Trong khi ta thì vẫn còn xà quầng với bảo hiểm y tế và mua sắm đồ đạc làm sao cho bớt tiêu cực – đó là chuyện của thế kỷ 20.
>>> 27.2 Tri ân là cần làm gì
Tri ân bằng những bài diễn văn sửa số năm, bằng những lãng hoa rực rỡ, bằng những lời tâng bốc tận mây xanh, để rồi ngày hôm sau ta bàng hoàng sống lại với hiện thực “gói thầu xong chưa mấy anh?, hết thầu đóng cửa ngồi ngó chứ làm gì!”. Tương tự như người chồng năm nào cũng tặng hoa chúc mừng sinh nhật vợ, dặn tiệm hoa ngày đó tháng đó cứ giao tới anh bắn tiền, xong! Xin thử một lần người chồng ấy không tặng hoa mà hỏi vợ mình rằng “cuối cùng rồi em sống với anh em có vui vẻ gì không?, anh cần thay đổi gì để em hạnh phúc hơn”
Thấu hiểu cảm thông có không? Chưa biết! Nhưng quan tâm thì rất nhiều thể hiện qua họp hội báo cáo tối ngày. Thế thì đó là kềm kẹp hay quan tâm? 24 năm của thế kỷ 21 rồi, nhưng nhận thức về sự phát triển của ngành của cấp cao hơn có thay đổi gì không?, tầm nhìn tư duy để phát triển có gì đột phá không?. Hành động để thay đổi thể chế chính sách, kiến tạo thể chế để kiến tạo năng lực có theo kịp với sự phát triển không?. Nếu không trả lời được thì tương lai gần như là mù mờ, thế thì có trồng một vườn bông, sáng tác nhạc làm thơ âu yếm nhau, rồi cũng chỉ để nhìn và khóc thôi chứ để làm gì.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1 + 1 bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *