HUỲNH BẢO TUÂN

LÃNH ĐẠO CÁC “CHUYÊN GIA”

Thách thức trong các tổ chức thâm dụng tri thức như bệnh viện, trường đại học là quản lý rất nhiều chuyên gia! Đã là chuyên gia thì ai cũng rất giỏi, đầy thành tích, và do vậy cái tôi ngất trời. Cái tôi càng cao thì ai cũng nghĩ mình đủ khả năng làm lãnh đạo, nên cớ gì phải có ai làm lãnh đạo mình!

Làm thế nào để kết nối các chuyên gia, để phục vụ quá trình phát triển? hay loay hoay sa đà vào giải quyết, dàn xếp và thỏa hiệp cái tôi của các chuyên gia, rồi khi hết thời gian nhìn lại, thấy chưa làm được gì, là những thất bại thường gặp! Có một lực lượng hùng hậu nhưng có làm ra được kết quả gì đột phá không còn tùy thuộc vào khả năng của người lãnh đạo trong việc xúc tác sự cộng lực giữa họ. Nguồn lực con người luôn ở dạng tiềm năng, nó rất cần phải làm nhiều việc hơn nữa mới có thể cày xới nên thành tích. Và đó là lý do vì sao tổ chức nào, dù con người ở đó giỏi cách mấy, cũng cần có người làm lãnh đạo.

Dành năng lượng cho các mối đe dọa bên ngoài sẽ từ từ giảm năng lượng cho “giải quyết ân oán” bên trong.

Con người rất lạ, bình thường ngồi xăm xoi, xói xỉa nhau từng chút một, nhưng khi có cùng mối đe dọa họ sẽ từ từ bỏ qua và gắn kết lại để bảo vệ cái chung. Chuyên gia hơn ai hết, là những người rất thông minh, nên họ cũng dễ dàng nhận ra rằng, thế gian này không ai có thể làm cái gì đó một mình. Dù cái tôi anh như trời, đứng một mình anh cũng chỉ là cây đinh giữa trời giông bão.

Lãnh đạo một tổ chức nhiều “cái tôi”, việc đầu tiên chúng ta cần làm là cho mọi người nhìn thấy cái viễn cảnh đầy sự đe dọa từ bên ngoài, để từ đó thúc đẩy mọi người dành năng lượng “hướng ra bên ngoài” thay vì dành năng lượng “chiến đấu” với nhau.

Không ai muốn chúng ta giỏi lên cả, nên nhớ rằng trong thế giới cạnh tranh, ai cũng rất mong chúng ta suy yếu. Một tổ chức có nhiều cái tôi ngồi kình nhau và chả chịu làm gì là phước lành cho đối thủ cạnh tranh. Đừng ngồi đây để “ban phước” cho đối thủ cạnh tranh nữa.

Làm cho miếng bánh lớn lên đã, thì ai cũng có phần to hơn.

Lợi ích, vâng, ai cũng chiến đấu vì lợi ích, đó là động lực cốt lõi. Nhưng lợi ích có từ việc giành nhau, hay lợi ích có từ việc làm cho miếng bánh lớn hơn là một bước chuyển về nhận thức kinh doanh. Thông thường con người thường dễ nhìn ra những lợi ích trước mắt và do vậy giành cái gì trước mặt sẽ dễ hơn.

Là một người lãnh đạo, chúng ta không phải trở nên “anh minh thần võ” trong việc chia cho đều cái đang có, có bao nhiêu cho đủ để mà chia, mà phải vẽ ra được cái lợi ích lớn hơn khi chúng ta mở rộng được nhu cầu. Kinh doanh ngày nay kiếm tiền không nhất thiết phải đi giành của người khác, chúng ta có thể tạo ra sản phẩm/dịch vụ mới để tạo ra thị trường mới và miếng bánh mới. Nghĩa là đổi mới sáng tạo luôn là cốt lõi trong các tổ chức của những cái tôi. Và do vậy ý tưởng về cái mới phải luôn luôn được thúc đẩy và tận dụng.

Đừng mang quá khứ vào tương lai, hãy đứng ở tương lai và nhìn lại hôm nay chúng ta cần làm gì

Con người ai cũng có bao nhiêu tiếng trong ngày để làm việc. Dành bao nhiêu tiếng để nghĩ cách làm gì đó cho ngày mai tốt hơn hay dành bao nhiêu tiếng truy vấn và dằn vặt quá khứ, sức mạnh của mỗi cá nhân và tổ chức nằm ở đó. Dằn vặt quá khứ chỉ làm thêm đau khổ, mệt mỏi, nhưng chả giải quyết được gì, thay vì nghĩ về tương lai sẽ vui vẻ hơn và có nhiều niềm tin hơn.

Lãnh đạo phải là người truyền được ngọn lửa tương lai này cho tổ chức, thì tự dưng những năng lượng xung đột sẽ nguội dần và có thể tắt luôn. Còn nếu lãnh đạo lại sắn tay lên để chiến đấu với cái quá khứ đó thì chỉ có một con đường là xé cái tổ chức mình ra thêm, và do đó chúng ta sẽ ngày càng suy yếu thêm do dành quá nhiều năng lượng để chiến đấu với nhau. Nghĩa là, tự dưng chúng ta đã tạo điều kiện, cơ hội tuyệt vời cho đối thủ cạnh tranh.

Cách nghĩ về tương lai của tổ chức ngày nay cũng phải khác. Không phải là đứng ở hiện tại, suy nghiệm từ quá khứ đến hiện tại để cùng nhìn về tương lai. Mà phải tượng tượng ra chúng ta đang ở tương lai, ở đó đang diễn ra cái gì, từ đó nhìn ngược về hiện tại để nghĩ xem để đi đến tương lai chúng ta cần làm gì ngay hôm nay.

Mỗi một thứ muốn xuất hiện ở tương lai, đều phải bắt tay ngày hôm nay để làm ra nó. Ai muốn cùng viết ra tương lai, mời lên tàu, ai không muốn “mời xuống tàu”, xin lỗi vì tàu phải chạy không thể đợi ai đó cản trở mọi người. Một tổ chức có hàng ngàn con người, phía sau lưng là hàng ngàn gia đình, rất xin lỗi vì tàu phải chạy, ai không đi xin mời đứng qua một bên để tàu kịp giờ khởi hành.

Vài lời cuối

Tổ chức nào cũng cần có phải người lãnh đạo. Và người đó không phải là người giỏi nhất, nhiều thành tích nhất, mà là người có cái tôi ít nhất, nhưng là người nghĩ về tổ chức nhiều nhất, và nhìn ra viễn cảnh tương lai của tổ chức tốt nhất.

Lãnh đạo là người nghĩ về hàng ngàn con người (phía sau là hàng ngàn gia đình) nhiều nhất hơn bất kỳ ai trong tổ chức, và đó là lý do vì sao, cho dù chúng ta là ai, giỏi cỡ nào đi nữa, chúng ta cũng cần gắn kết xung quanh người này để làm gì đó tốt hơn cho tổ chức mình, để mình là một phần của nó, và cùng nó viết lên lịch sử của tổ chức, cũng là viết nên lịch sử của chính mình.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Bốn + ba bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *