HUỲNH BẢO TUÂN

ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐẶC ĐIỂM DOANH NHÂN VIỆT. VÀ VÌ SAO HỌ KHÓ CÓ THỂ BƯỚC CHÂN RA THẾ GIỚI.

Đầu tiên, cái bệnh chung của doanh nhân Việt là kinh doanh đa ngành, theo kiểu tập đoàn đế chế kinh doanh bành trướng như một vương quốc để thỏa mộng làm vua.
Đây là tư tưởng kinh doanh của thế kỷ 16-18. Tựu chung là cái nọc phong kiến chưa dứt, thích làm vua, thích ngồi trên ngai vàng lẫm liệt oai phong ra chiếu chỉ!
Làm ô tô, bất động sản, nông nghiệp, khoáng sản, du lịch, trường học, bệnh viện bla bla…thứ gì ta cũng thích. Và thiếu tiền thì ta làm thêm cái ngân hàng để hút vốn bá tánh, quá đã. Nhưng khi bất động sản đóng băng là lúc sụp đổ dây chuyển và bá tánh là người lãnh đủ, lại quá đã.
Giai đoạn 2000-2020 sở hữu chéo ngân hàng kiểu này đã làm lụn bại nền kinh tế, đẩy đất nước vào cảnh vô cùng khó khăn, vì đường nào thì cũng phải dùng tiền thuế của dân để cứu đại tập đoàn đa ngành kiểu này, bởi nó thông với cái ngân hàng. Cứu ngân hàng là cứu tập đoàn, ngân hàng không thể không cứu. Chiêu thức này của tài phiệt Việt là vô cùng, vô cùng và vô cùng khốn nạn.
Không ít tài phiệt còn xem bệnh viện là cái cửa hút tiền tươi (cash), vì chả ai đi bệnh viện mà thiếu chịu! Hút chuyên gia, quảng cáo rầm rộ như gánh hát. Tiền tươi hút về ỳ đùng nhưng lương thiếu chịu không trả, vật tư y tế thiếu chịu không trả,…lại một lần nữa tiền của của bá tánh lại đi nuôi đa ngành! cho thỏa cái mộng đế vương. Đầu tư để hút cash và đầu tư để làm y tế thực sự, bá tánh bình dân có lẻ là khó nhìn ra, nhưng người trong ngành liếc qua là biết liền. Lại một lần nữa, cuối cùng bá tánh cũng sẽ là người lãnh đủ!
Thật ra ban đầu con đường đưa doanh nghiệp lớn đến với tập đoàn đa ngành chả có gì khó hiểu.
Lúc đầu kinh doanh cái gì đó có vẻ thành công, có tiền tích lũy. Nhưng nhìn không ra đường mở rộng thị trường, có vẻ bão hòa, càng không dám bước chân ra nước ngoài. Thế là để duy trì tốc độ tăng trưởng, ta phải mang tiền vốn tích lũy của ngành ngày đi nuôi ngành khác, với kỳ vọng ngành khác sẽ đơm hoa kết quả.
Bản năng con người ta luôn đứng này trông núi nọ làm như vậy, chả lo làm cái gì cho nó tới tận cùng của nó như là nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Cứ như vợ hàng xóm lúc nào cũng nhìn chảy nước dãi vậy. KIA mất 40 năm làm từ cái căm xe đạp thành chiếc Sorento lừng danh toàn cầu. Trường Hải đi với KIA nhưng xem ra chả học được thứ gì từ tập đoàn này.
Khi bước qua một lĩnh vực khác, cái tôi và cái tự cao tự đại sẵn có ngự trị trong đầu, ta làm được thành công cái này thì sẽ thành công tất cả cái khác, lại một lần nữa bị dẫn vào bẫy của các chuyên gia nổ banh trời đất. Tại sao? rất đơn giản, bởi khi anh bước qua một ngành khác anh phải tìm chuyên gia trong ngành, và dần qua dớt lại, xác suất anh dớt được chuyên gia “mồm to” nhiều hơn là chuyên gia thực sự có những ý tưởng khác biệt trong ngành. Anh bước vào một ngành, mà anh làm y chang người trong ngành thì chả khác nào lấy trứng chọi đá. Người anh cần tìm là người trong ngành nhưng chất chứa và trăn trở với những ý tưởng mới. Nhưng anh tìm không ra vì những người này thường rất ít nói ra thứ mà họ ấp ủ!
Đầu tư đa ngành rốt cuộc đa phần là thất bại vì không tạo dựng được năng lực cốt lõi của ngành (y tế là năng lực tạo sinh tri thức chuyên môn, giáo dục là năng lực sản sinh tri thức, nông nghiệp là năng lực kiểm soát chất lượng thực phẩm,…), bỏ một đóng tiền đầu tư xong học được vài bài học thất bại gì đó là bật ngửa…vì hết tiền! Ah, nhưng không sao, kinh doanh ở VN luôn có bá tánh khoan dung đại lượng, đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn gánh hết.
Kinh doanh trong lĩnh vực gì cũng vậy, khi bạn càng bắt đầu có vị thế trên thị trường cũng là lúc bạn phải nhìn ra cách để mở rộng miếng bánh. Không phải là đi giành miếng ăn của người khác, mà là mở ra miếng bánh mới để làm người tiên phong. Đó là năng lực đổi mới sáng tạo trong ngành của mình. Năng lực cốt lõi, năng lực công nghệ của bạn là trong ngành phương tiện giao thông vận tải, bạn nhìn không ra con đường để đi tiếp trong ngành này, bạn không có đóng góp sáng tạo gì trong ngành này, không mở ra được thì trường gì trong ngành này cả, thì lỗi là ở năng lực đổi mới sáng tạo của bạn quá kém.
Cuối cùng, tử nguyệt của mọi tử nguyệt của doanh nhân Việt là làm nhỏ thì không ai thèm quan tâm, nhưng bắt đầu bạn chạm đến nghìn tỷ thì đó là lúc bạn phải tìm kiếm sự hậu thuẫn của chính trị. Không có chổ dựa hơi, bạn không đường nào bước tiếp. Mà dựa hơi chính trị đồng nghĩa bạn đưa vào cho doanh nghiệp mình thêm một biến số cực kỳ ảnh hưởng bởi thời thế của chính trường! mà thời thế chính trường thì còn tùy nhiệm kỳ! Riêng cái việc bạn xà quầng với thời thế chính trường thì bạn đã không còn sức để làm cái gì khác và đương nhiên bạn không còn quyền để quyết định cái gì cả cho doanh nghiệp của mình nữa.
Bối cảnh kinh doanh của VN rất đặc biệt. Tạm chia ra 3 thế hệ doanh nhân, tương ứng với từng thời kỳ kinh doanh của đất nước. Và không giống ai trên trái đất này.
Thứ hệ đầu tiên, kinh doanh thời bao cấp, nói ra sẽ rất có tội với các bậc tiền bối, đó là thời xách giỏ đệm đi buôn lậu, do tình trạng ngăn sông cấm chợ, hàng hóa được phân bổ theo kế hoạch gây ra. Thế hệ doanh nhân này đa phần khởi nghiệp từ “đường cùng của túng quẫn”, quá nghèo, quá khổ, không làm không còn đường sống. Bối cảnh lịch sử này cũng sản sinh ra tham nhũng, hối lộ như là một phần của quá trình kinh doanh, và hiển nhiên nó phải như vậy. Thậm chí làm cái gì đó mà không bôi trơn, lót tay bị xem như “mầy có điên không”.
Thế hệ thứ hai, tạm gọi là thế hệ của luật doanh nghiệp 1990, thế hệ của cởi trói, bung lụa, vừa chạy vừa xếp hàng, dò đá qua sông, tới đâu tính tới đó, có gan “‘bỏ môi trường công”, thoát khỏi vùng an toàn, dám bước ra làm kinh doanh thì hầu hết là thành công. Bởi làm cái gì bán cũng thắng, mở dịch vụ gì cũng có người dùng, vì mọi thứ quá khan hiếm. Thế hệ này cực giàu, nhưng không phải từ ngành nghề kinh doanh của họ, mà giàu từ ĐẤT. Bao nhiêu tiền làm ra điều đem đi mua đất, có 5 chỉ mua miếng nhỏ, có 5 cây mua miếng đất to to chút, mua riết bao nhiêu miếng đất không nhớ nỗi. Nhưng đừng quá tham mua cả phường, tham quá là dựa cột!
Tất cả những thứ đó là quá khứ của dân tộc, muốn không muốn gì thì nó cũng đã qua và quan trọng là đừng để những điều độc hại lưu trữ như những nguyên lý kinh doanh cho thời đại này.
Thế hệ thứ ba, tạm gọi là thế hệ kinh doanh toàn cầu hóa. Rõ ràng thế hệ này không thể dùng những chiêu thức của cha ông được, không buôn lậu được, không gom đất được, không đút lót suốt ngày được. Thế hệ này phải đối diện với áp lực gay gắt của cạnh tranh toàn cầu, phải thực sự xem kinh doanh là là bán tri thức không còn là bán thân, bán bản mặt nữa.
Tiếc thay, thế hệ tri thức ngày nay chọn con đường ra đi, di dân nhiều hơn, họ không thể và không muốn dấn thân vào con đường kinh doanh bán thân như cha ông được nữa. Và viễn cảnh toàn bộ nền kinh doanh VN rơi vào tay của tập đoàn đa quốc gia không khó dự đoán, vì người ta chắc chắn sẽ không dám làm khó các ập đoàn này được . Và đương nhiên chúng ta cũng có công ăn việc làm, nhưng chỉ đủ ăn, đủ sống, khó mà giàu được.
Càng đừng mơ VN có được một doanh nghiệp nào đó có trí lực thật sự để có thể làm ra sản phẩm dịch vụ mà người dùng toàn cầu công nhận và sử dụng một cách khâm phục.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1 + 1 bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *