HUỲNH BẢO TUÂN

TINH THẦN SÁNG NGHIỆP NỘI BỘ (INTRAPRENEURSHIP) VÀ TẠI SAO NÓ QUAN TRỌNG CHO DOANH NGHIỆP NGÀY NAY

Mùa làm kế hoạch kinh doanh năm nay mình đã chia sẻ nhiều với các doanh nghiệp về design thinking, với mong muốn chúng ta thay đổi cách thức tư duy “Ấn Độ” (ấn ấn độ độ đại đại) truyền thống để làm kế hoạch kinh doanh cho năm mới. Kinh doanh ngày nay, mỗi năm mới là mở ra một “trận địa” mới, cái cũ lặp lại theo thói quen, “ăn quen” làm hoài, càng ngày càng ít dần.
Nhân viên trong các công ty làm kế hoạch năm, dần dần như làm bài tập nộp cho đúng deadline. Vừa mất thời gian, tiêu tốn nguồn lực vào những thứ hình thức vô bổ, vừa làm hại cái não. Nó tập cho mọi người một sức ỳ, lười suy nghĩ giải quyết vấn đề, lười sáng tạo, tăng nghĩ cách đối phó. Từ đó dẫn đến sự chậm chạp trong thích nghi và thậm chí phản kháng cái mới, phản kháng sự thay đổi. Đó là một tình trạng “đông cứng” thường gặp tại các doanh nghiệp. Và đương nhiên, tổ chức nào rơi vào sự đông cứng này, cái ngày phá sản đang đến gần. Nó cũng như cơ thể con người đang tích tụ các cục máu đông, chờ đến ngày lật ngang tê liệt. Tuy nhiên, ít khi nào người ta để xảy ra đột quỵ như vậy, thường thì thấy nghẹt nghẹt dòng tiền là người ta bắt đầu tìm cách bán nó, cho người khác thay máu, đả thông kinh mạch và hồi sinh. Trên 80% doanh nghiệp Việt bị buộc phải bán là vì triệu chứng cục máu đông được tích tụ qua năm tháng này, và chính do lãnh đạo doanh nghiệp tạo ra tình trạng đó.
Tinh thần sáng nghiệp (entrepreneurship) là một người mong muốn tạo dựng một sự nghiệp gì đó cho riêng mình. Tại VN, rất nhiều người làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia hay công ty lớn một thời gian tích lũy kinh nghiệm, quan hệ, bước ra khởi nghiệp, mở công ty với hy vọng mình làm chủ một sự nghiệp gì đó cho riêng mình, mặc dù biết rằng nó không hề đơn giản. Nhưng cái ý chí, cái sự thõa mãn làm được cái gì đó có thành tựu cho riêng mình thôi thúc con người chúng ta kiên cường vượt qua rất nhiều gian nan vất vả. Kết quả của quá trình nỗi lực này hầu hết là có thành tựu. Khoảng 50% giới trung lưu VN trong 20 năm nay là đi từ con đường này mà ra.
Tuy nhiên, tinh thần sáng nghiệp nội bộ (intrapreneurship) có một chút khác biệt, nó có hai biến thể.
Thứ nhất, trong các tập đoàn kinh doanh theo hướng sở hữu gia đình, các công thần khai quốc cho tập đoàn thường được khuyến khích ra mở một cơ ngơi riêng nằm trong hệ sinh thái của tập đoàn (thường là công nghiệp phụ trợ cung cấp linh kiện vật tư đầu vào). Tập đoàn có thể hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ cho giai đoạn đầu. Nó vừa giải quyết được chuyện các công thần dùng quyền lực ảnh hưởng gây cản trở sự kế vị của các thành viên trong gia đình; vừa gắn kết được lợi ích của các đại công thần này để các vị ấy không làm tổn hại đến lợi ích tập đoàn; và đặc biệt là bảo mật được công nghệ một cách hiệu quả. Mô hình này lý giải vì sao các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tham gia vào hệ sinh thái của các tập đoàn đế chế kinh doanh lớn trên thế giới. Cho nên, chính sách của các quốc gia về chuỗi cung ứng, công nghiệp phụ trợ, chuyển giao công nghệ thường bị phá sản với các tập đoàn có mô hình gia đình sở hữu.
Thứ hai, các doanh nghiệp ngày nay cần khuyến khích các bộ phận kinh doanh (khu vực, ngành hàng, đơn vị con,…) hoạt động một cách tự chủ như một đơn vị kinh doanh nhỏ linh hoạt và sáng tạo. Ví dụ một công ty có nhiều chi nhánh ở nhiều khu vực địa lý khác nhau (miền Nam, Trung, Bắc, Tây Nguyên,…) hay có nhiều ngành hàng khác nhau (gia dụng, mỹ phẩm, điện tử, chăm sóc nhà cửa, thiết bị công nghiệp,…).
Các công ty lớn, trưởng thành thường hay tập trung xây dựng chiến lược kinh doanh, marketing, chính sách bán hàng…nhất quán cho toàn thể công ty. Đây là một sai lầm, hậu quả của việc này làngày càng gây nên tình trạng đông cứng cho hoạt động của doanh nghiệp. Tầng nấc quản trị ngày càng nhiều, trình tự phệ duyệt cấp bậc từ dưới lên, vừa mất thời gian, vừa tạo sự chờ đợi bị động của nhân viên các cấp. Trong thế giới thay đổi nhanh ngày nay, không ai có thể làm một kế hoạch gì đó hoàn chỉnh một lần mà không có sự điều chỉnh khi thực thi. Ấy vậy mà mỗi lần muốn thay đổi, điều chỉnh để thích ứng phải qua rất nhiều tầng nấcý kiến xem xét, các tầng nấc này thường không đủ thời gian, thông tin nên phải giải trình rất mệt, mất thời gian, thậm chí dẫn đến quan liêu và xin cho ngay trong các tập đoàn kinh doanh.
Việc chúng ta cần làm trong thời đại VUCA ngày nay là phi tập trung hóa chiến lược và chính sách, khuyến khích các vùng miền, ngành hàng tự xâm nhập vào từng hoàn cảnh kinh doanh cụ thể và phát triển các ý tưởng kinh doanh trong từng bối cảnh hẹp và đặc thù. Tạo cho các đơn vị kinh doanh một sự chủ động và linh hoạt, nhưng trong một hành lang kiểm soát được nào đó. Đặc biệt là khuyến khích và trao quyền, tạo cơ chế cho họ thử nghiệm những ý tưởng mới mà họ đọc ra được trong quá trình thấu hiểu khách hàng. Nếu thử nghiệm thành công thì nhanh chóng học hỏi lẫn nhau nhân rộng
>>> Vài lời cuối
Khuyến khích tinh thần tự chủ, sáng nghiệp nội bộ không phải là khuyến khích nhân viên có kinh nghiệm ra ngoài mở cơ ngơi kinh doanh riêng, cũng không phải là giao khoán rồi trích nộp lợi nhuận, hay mô hình công ty mẹ con liên kết nhau bởi quan hệ tài chính, nhưng độc lập về quản trị thường gặp.
Tinh thần sáng nghiệp nội bộ là chúng ta vẫn ở trong một công ty, vẫn cùng môi trường văn hóa và định hướng làm việc. Chúng ta chỉ phân quyền và cho phép sự tự chủ hoạch định trong công việc ở cấp chiến lược (mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm/dịch vụ mới, …) nhiều hơn, vừa thúc đẩy nhân viên sáng tạo, vượt qua sức ỳ, vừa làm cho con người ta cảm thấy “đi đâu nữa bây giờ khi ở đây tôi đã có thể làm được điều mà tôi muốn!” nghĩa là cho họ một sự thỏa mãn với nghề nghiệp và cuộc đời của họ – đó là cốt lõi của tinh thần sáng nghiệp nội bộ, cần được diễn ra bên trong một tổ chức đã trưởng thành ngày nay.
Mỗi người đi làm việc không phải ai cũng muốn làm chủ. Mà có muốn làm chủ cũng phải đối diện với việc kiếm ai đó cùng làm với mình. Thế gian này không ai làm gì được chỉ với mỗi một mình mình. Chúng ta cần có nhau, chúng ta cần một tổ chức, chúng ta cần những con người với nhau. Tổ chức cần nhìn ra những con người tuy không muốn làm chủ, nhưng họ muốn có chủ kiến, muốn có khả năng ra quyết định quan trọng, muốn có sự hoạch định và định hướng riêng của mình, va đương nhiên cũng muốn tự phải chịu trách nhiệm với các quyết định của mình, hãy tạo một hành lanh tự chủ cho những con người này để họ phát huy – đó là những con người có tinh thần sáng nghiệp nội bộ, rất rất cần thiết để làm tươi mới, tạo sự thay đổi cho các tổ chức kinh doanh ngày nay.
Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1 + 1 bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *