HUỲNH BẢO TUÂN

3 GIÁ TRỊ VĂN HÓA THƯỜNG GẶP Ở CÁC TỔ CHỨC VIỆT NAM THÀNH CÔNG

Hơn 20 năm đi làm việc, có dịp trải nghiệm công tác và tìm hiểu với hơn 100 doanh nghiệp Việt, từ tư nhân đến nhà nước, từ sản xuất, nông nghiệp đến dịch vụ…xin ghi xuống đây vài dòng trăn trở.
Từ khi mở cửa, số doanh nghiệp Việt thành công rất nhiều, mang lại sự giàu có phồn vinh cho nhiều người. Tuy chưa được trường tồn và đang phải bán mình nhiều, nhưng mỗi giai đoạn hào hùng của tổ chức đều để lại dấu ấn của Văn hóa. Không có một văn hóa tốt yểm trợ, thực sự không thể tạo ra một tổ chức có thành tựu. Nhưng có giữ được các giá trị văn hóa đó theo thời gian hay không, lại càng quyết định đến sự trường tồn của nó.
Những giá trị văn hóa mà tôi ghi ra dưới dây, có thể nó cũng không còn ở những tổ chức mà tôi đã từng quan sát được, và do vậy đó là lý do vì sao tất cả từng bước phải đổi chủ cho người khác làm tiếp.

Chân thành với sứ mệnh, chân thành với đồng nghiệp

Ở thập niên 90, hầu hết các tổ chức Việt khởi sự kinh doanh từ hai bàn tay trắng. Có nơi vay tiền công đoàn 70 triệu, có nơi khách trả tiền lộn 30 triệu, có nơi ứng trước tiền của khách hàng 130 triệu … và lấy đó làm vốn nở nồi lên cả ngàn tỷ (mấy chuyện này có thể viết sách về lịch sử kinh doanh Việt!). Nói nôm na là tiề không có nhiều, thứ duy nhất mà họ có được từ những ngày đầu tiênlà những con người tràn đầy nhiệt huyết, mang trong người sứ mệnh thoát nghèo, thay đổi tình trạng yếu kém, chậm phát triển để bằng với người ta. Chả ai giao gì, nhưng họ tự gánh vác trọng trách với xã hội và đất nước.
Những con người này có thể có nhiều cá tính khác nhau, nhiều gốc nhìn khoa học khác nhau, nhiều quan điểm về cách phát triển khác nhau. Và đương nhiên là có nhiều sự xung đột với nhau trong quá trình làm việc. Tuy nhiên dù họ là ai, với cương vị nào, dù trong hoàn cảnh nào, họ cũng giữ được sự chân thành khi làm việc với nhau. Chân thành góp ý, chân thành xây dựng, chân thành dạy bảo nhau để cùng nhau tiến bộ. Tất cả đều hướng tới một sứ mệnh duy nhất, đưa tổ chức họ vươn lên mà không cần nghĩ mình sẽ được gì trong cái vươn lên này.
Có nằm mơ họ cũng chả bao giờ nghĩ họ có trong tay tài sản vài trăm, vài ngàn tỷ sao này. Đó là một sự thật của các thế hệ lãnh đạo các tổ chức kinh doanh giai đoạn này. Chính sự không toan tính dành riêng và sự chân thành đó đã giúp những con người có dù có địa vị gì trong xã hội cũng sẵn sàng và dễ dàng dẹp bỏ cái tôi mà ngồi lại với nhau, cùng nhau giải quyết mọi việc. Chính sự chân thành là sợi dây vô hình gắn kết họ lại với nhau và giúp tổ chức họ vượt qua tất cả khó khăn, tháo gỡ tất cả chướng ngại để một tổ chức có ngày hôm nay.

Luôn đặt khách hàng vào vị trí trung tâm của sự phát triển

Trong những tổ chức này không cần phải giáo huấn, hay có bài học gì về cái gọi là lấy khách hàng làm trung tâm. Bởi họ luôn lắng nghe, luôn đặt ưu tiên, đặt trong tâm trong tất cả những vấn đề gì liên quan đến khách hàng ra để mà giải quyết trước.
Khi đối diện với các vấn đề phức tạp của khách hàng. Tất cả nhân viên, không phân biệt vị trí, tuổi tác, tất cả đều quyết liệt làm được gì tốt nhất cho khách hàng, khả năng gì có được có thể làm được đều làm hết sức hết lòng. Không chậm trễ, không chần chừ, không nề hà tị nạnh. Làm bằng tấm lòng chứ thời đó cũng chẳng có phương tiện hay công cụ hiện đại gì để mà dùng. Tất cả sự quyết liệt đó đã lọt hết vào tầm mắt của khách hàng. Đọng lại trong tim họ niềm kính trọng, quý mến, cho dù không thỏa mãn được nhu cầu, họ vẫn đánh giá cao sự nhiệt tình cố gắng đó.
Khách hàng không tự nhiên đông lên do quyền lực độc quyền. Tất cả đều tự nguyện đến, mong muốn đến bằng sự tin tưởng, lòng tin được hình thành một cách tự nhiên. Mà lòng tin này không phải xây dựng bằng chúng ta có bao nhiêu cái máy hiện đại, bao nhiêu cơ sở vật chất, lòng tin được xây bằng sự quyết liệt của đội ngũ nhân viên với những vấn đề của khách hàng.

Dìu dắt và nâng đỡ sự kế thừa

Từ 1990 đến 2020, mỗi tổ chức đều phải trải qua một vài thế hệ lãnh đạo. Mỗi thế hệ hoàn thành nhiệm vụ, thế hệ mới đủ chín, đủ trưởng thành tiếp nhận. Sự chuyển giao thế hệ tại các tổ chức này luôn suông sẻ và thành công. Người sau giỏi hơn người trước, sóng sau cao hơn sóng trước. Đây có thể nói là điều tuyệt vời nhất, đỉnh cao nhất về giá trị mà các tổ chức này có được.
Nhà lãnh đạo tài ba, nếu chỉ riêng mình tài thì chỉ mới tài một nữa. Nữa còn lại là tạo ra người tài hơn cả mình. Người sau tài hơn người trước được xem như là một nguyên tắc không cần tranh luận. Đó là điều kiện tiên quyết để các tổ chức luôn phát triển bền vững, và không phụ thuộc vào một thế hệ nào. Nhưng để làm được việc này không đơn giản, không phải là ở năng lực, mà ở có thể vượt qua cái tôi không!

Vài lời kết

Doanh nghiệp VN đang đứng trước một giai đoạn mới, giai đoạn của sự giao thoa về văn hóa tổ chức và văn hóa quản trị mạnh mẽ. Nghĩa là trong doanh nghiệp, chủ sở hữu có thể đến từ nhiều quốc tịch khác nhau, nhân sự đến sự nhiều quốc gia khác nhau, …cho nên văn hóa tổ chức đã khác xưa rất nhiều, và đương nhiên là đối diện với nhiều vấn đề mới hơn, phứt tạp hơn.
Cuộc sống này chúng ta cần ghi nhận và tôn trọng quá khứ. Có thể quá khứ không lp lại nữa, và chúng ta cũng phải sẵn sàng với tương lai, được định hình mới mẻ hơn. Không quên quá khứ, không quên lịch sự, nhưng cũng không níu kéo và dằn vặt làm gì. Nhìn vào tương lai mà đối diện.
Cá nhân tôi cũng rất tự hào vì cũng đã từng là một phần quá khứ đặc biệt đó của doanh nghiệp Việt. Trong tôi cũng ngấm cái thứ văn hóa đó mà làm việc, thật sự rất tuyệt vời. Nhưng tiếc rằng tất cả phải nói lời chia tay để đối diện với thực tại mới mẻ hơn.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1 + 1 bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *