HUỲNH BẢO TUÂN

BỆNH NHÂN CÓ SẴN LÒNG CHI TRẢ CHI PHÍ TƯ VẤN CHO BÁC SĨ

Anh bạn giám đốc bệnh viện hỏi tôi có mô hình định giá khám bệnh nào không cho anh ấy tham khảo. Tôi chần chừ chưa trả lời. Gửi cho anh ấy một mô hình của thế giới đã làm thì tôi thấy áy náy, vô trách nhiệm. Rõ ràng y tế VN rất khó bắt chước với các quốc gia khác ở câu chuyện “giá”, vì nó không giống ai cả.
Một thời gian dài người Việt đã quen với “giá khám bệnh rẻ mạt” để nhận được sự thăm khám qua loa, hời hợt, thậm chí làm cho có của các bác sĩ. Trả 50-80 ngàn đòi khám kĩ bao lâu? Cái giao dịch cay đắng này đến từ những chính sách y tế sai lầm suốt một thời gian dài và để lại một hệ lụy quá lớn cho nền y tế VN: bệnh nhân không còn cảm thấy tri thức y khoa của bác sĩ có giá trị gì nữa. “Lấy mấy trăm ngàn, dòm dòm ngó ngó, hỏi hỏi mấy câu, chả biết làm gì, khám như cướp!”, những phán xét tôi nghe không ít trong các bệnh viện.
Ai trong chúng ta cũng biết rằng, giá trị tri thức không thể tính được bằng thời gian, một phút ra quyết định của một chuyên gia y tế dày dặn kinh nghiệm cứu được mạng người, một phút ấy lượng giá làm sao!? Nhưng để có được một phút quyết định đó, chuyên gia y tế phải làm việc cật lực vài chục năm trong cuộc đời mình. Một bác sĩ chuyên gia tư vấn một liệu trình thông minh có thể giúp bệnh nhân tránh được một vài thảm họa về sức khỏe tốn tiền trăm triệu. Việc này không có gì là hiếm gặp. Nhưng tất cả không được bệnh nhân và xã hội ghi nhận, vì có biết cái gì đâu mà ghi nhận.
Trong marketing có một thuật ngữ không phải ai cũng hiểu được một cách sâu sắc “communicate value”, chúng ta cần để cho người bệnh hiểu giá trị của y khoa, bởi họ hiểu được giá trị của chúng ta, họ mới sẵn lòng chi trả nó một cách xứng đáng. Tiếc rằng chúng ta không chọn con đường giáo dục cho xã hội hiểu giá trị của y khoa một cách trọn vẹn để họ hiểu rằng thứ mà họ chi trả cho bác sĩ là một sự nuôi dưỡng cho tri thức và trí tuệ. Chúng ta lại chọn con đường u u mê mê cái gì cũng rẻ, để rồi chúng ta hốt tiền lại bằng những cách thức dối trá nhất dựa trên sự thiếu hiểu biết của người dân: hù bệnh moi tiền, bán thực phẩm chức năng, chỉ định vô tội vạ để lấy huê hồng các hãng dược, thiết bị, vật tư y tế. Nghĩa là cái giá mà bệnh nhân phải trả không hề rẻ tí nào khi bác sĩ ra chiêu rút tỉa, móc túi trên hành trình điều trị bệnh tật để lấy lại những gì đáng có. Vô tình bôi nhọa thêm hình ảnh người chuyên gia lao động trí tuệ nhưng bị nhìn như kẻ móc túi.
Nếu tôi khuyên anh bạn tôi sửa tên “giá khám bệnh” thành “chi phí tư vấn y khoa”, tăng chất lượng tư vấn (chuẩn hóa quy trình tư vấn và kiểm soát nó), cho người bệnh thấy được chất lượng tư vấn tốt có thể giúp họ tăng hiệu quả khám chữa bệnh thế nào, thì có thể bệnh viện anh bạn tôi sẽ phá sản! Những nếu như tui xúi anh ấy cứ hạ giá sát sàn để tạo sự cạnh tranh thu hút rồi từ từ mình lấy lại cho đủ (chả ai biết đâu!) thì tôi góp phần đen tối hóa môi trường bệnh viện. Hậu quả cuối cùng của nó là bác sĩ sẽ làm việc cho bệnh viện nhưng nhận lương từ các hãng dược, trang thiết bị vật tư, và dành cả đời học hành của mình phụng sự cho bán hàng đa cấp thực phẩm chức năng,…thì mới có cuộc sống sung túc giàu có như thiên hạ được.
May thay trong dịch vụ, công cụ quan trọng của nó là phân luồng đối tượng khách hàng để từ từ dạy lại cho xã hội này người ngồi trước mặt họ là một chuyên gia và họ làm việc bằng trí não, họ không phải là anh thợ ngồi đó nhìn cái máy làm việc chứ ảnh chả biết làm gì (nên người ta cứ muốn trả tiền cho cái máy chứ không phải là trả tiền cho ông bác sĩ, đó là do chúng ta dạy đừng trách ai cả). Bệnh viện nên có những luồng khám mang tính chất tư vấn chuyên gia – cá thể hóa, chi phí vài triệu một lần trao đổi tư vấn; và những luồng khám mang tính chất “quy trình công nghiệp” – công nghiệp hóa, vài trăm ngàn một lần khám. Nghe rất là phân biệt đối xử, nhưng biết làm sao được khi cả xã hội đã ăn sâu vào tiềm thức “giá khám bệnh vài chục ngàn”. Tôi tin rằng từ từ xã hội sẽ hiểu ra giá trị và thay đổi thói quen “khám vài chục ngàn”. Cho dù bệnh viện có chiến lược chi phí thấp đi nữa, việc chúng ta lấy phí tư vấn bao nhiêu tiền đi nữa, chúng ta cũng phải cho bệnh nhân hiểu được giá trị của mình, tránh cách nghĩ “của rẻ là của ôi” trong y tế.
Nếu một bác sĩ có kỳ vọng thu nhập 30-50 triệu một tháng. Bình quân mỗi bệnh nhân chịu chi trả cho trí tuệ tư vấn của anh ấy 300-500 ngàn. Thì mỗi ngày anh ấy chỉ cần khám 5-10 bệnh nhân là đủ, để thời gian học tập nghiên cứu nâng cao kiến thức kỹ năng. Nghe rất là hoang đường trong điều kiện của VN đúng không ạ. Những nếu chúng ta không cải thiện điều này, y tế mãi sẽ là một vũng bùn, vì coi chừng anh ấy cũng sẽ làm cái gì đó để lấy lại đủ 30-50 triệu đó một cách bất chấp đạo đức con người vì miếng cơm manh áo. Và để ngăn chặn hành vi phi đạo đức đó, hàng đóng luật lệ, hàng ngàn con người được dựng lên để ngồi rình coi khi nào anh ấy làm bậy. Cứ thế, xã hội sẽ xà quần trong vũng bùn.
Giá trị chân thật luôn tạo cho xã hội chi phí thấp nhất. Dối trá chỉ dẫn đến luồng lách, và cuối cùng bác sĩ và bệnh nhận bị thiệt hại nhiều nhất. Bệnh nhân không được khám và điều trị hiệu quả, bác sĩ có kiếm được tiền nhưng bị người đời coi khinh khi bệnh nhân phát hiện ra họ bị móc túi. Giáo dục lại cho xã hội giá trị chân chính của người chuyên gia y học – bác sĩ là điều vô cùng gian nan lúc này, nhưng không thể không làm nếu như muốn bệnh nhân có điều kiện ngừng mang tiền ra nước ngoài khám bệnh. Mỗi năm, 2 tỷ USD, người VN chi nuôi nền y tế các nước khác để khám chữa những bệnh mà hầu hết bác sĩ VN có khả năng xử lý. Chỉ cần tăng khả năng tư vấn chuyên nghiệp cho đội ngũ chuyên gia y tế, VN có thể giữ lại được ít nhất mỗi năm 10% dòng ngoại tệ này mà không cần làm bất cứ điều gì khác.
Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *