HUỲNH BẢO TUÂN

CHUYÊN KHOA hay ĐA KHOA, LĂN TĂN và “LAO CHAO”

Từ chuyên khoa nổi bật đến đa khoa mờ nhạt

Bác sĩ chuyên gia trong một lĩnh vực chuyên khoa nào đó, có tinh thần khởi nghiệp, bước ra từ môi trường công và mở bệnh viện tư là câu chuyện thường gặp ở VN. Ban đầu với quy mô còn vừa phải, từ uy tín và kinh nghiệm xuất sắc trong chuyên môn, bệnh viện tư mà họ thành lập rất nhanh được biết đến, số lượt bệnh nhân đông dần, đi cùng đó là sự tích lũy tài chính khấm khá.
Tuy nhiên khi trở nên to hơn thì nhiều vấn đề chiến lược xuất hiện. Chuyên khoa làm nên cơ nghiệp nhanh chóng bão hòa vì miếng bánh có giới hạn và phải chia nhiều nơi, cộng với sự học hỏi rất nhanh từ đối thủ, làm cho lợi thế cạnh tranh nhanh chóng bị bào mòn. Nghĩa là, số lượt bệnh nhân đạt ngưỡng và lợi nhuận bắt đầu giảm. Các định hướng chiến lược bắt đầu trở nên lăn tăn & lao chao.
Trong kinh doanh chỉ có tiến về phía trước mở rộng quy mô hoặc là bị người khác mua lại để làm, chứ không có chuyện làm cầm chừng đủ ăn. Các nhà quản lý đều biết rõ điều đó. Cho nên, dưới áp lực phát triển, áp lực tài chính nuôi quân, áp lực cạnh tranh sát sàn sạt, không ít các nhà sáng lập bệnh viện bắt đầu nghĩ đến câu chuyện mở rộng đa khoa với kỳ vọng những chuyên khoa mới sẽ đa dạng hóa nguồn bệnh từ đó “có cái này cứu cái kia”, trong lúc cái này khó thì cái kia sẽ gánh. Một lý do thứ hai cho việc mở rộng đa khoa là để bổ sung các chuyên khoa khác hỗ trợ chuyên khoa chính, tạo nên sự an toàn và vững chắc cho chuyên khoa chính. Tất cả đều rất là “hợp lý và hợp tình” thế thì làm thôi!

Một vài lời khuyên nên cẩn trọng vì cơn ác mộng (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) sẽ bắt đầu:

– Sự phân tán nguồn lực trong đầu tư sẽ làm cho chuyên khoa chính giậm chân tại chỗ, lòng người hoang mang, nhân sự chủ lực tan rả. Chuyên khoa mới là trạm dừng chân của nhiều người đến góp vui vài bữa rồi “lực bất tòng tâm”. Trong y khoa, tất cả chúng ta đều biết, đầu tư một chuyên khoa không có nghĩa là mua một vài cái máy (thậm chí không cần mua máy, có người đến đặt), mời vài người bác sĩ, chạy chương trình quảng cáo rầm rộ là bệnh nhân đến rần rần. Ngay cả làm trung tâm thương mại cũng không dễ như ta nghĩ! Đừng nói đến y khoa. Cách suy nghĩ ngớ ngẫn này làm cho bệnh viện nào cũng muốn mổ mắt (lasik, cườm,…), làm thẩm mỹ và làm răng. Không có chuyên khoa nào được “chợ trời hóa” dữ dội như mắt, thẩm mỹ, nha tại VN, trải chiếu ra là mổ!
– Khi năng lực chuyên khoa không có, hệ thống quản trị chuyên môn không có, không làm chủ được công nghệ chuyên khoa thì…không đêm nào ngủ yên! Tỷ lệ tai biến, khám và điều trị không hiệu quả tăng lên, thế là bệnh viện phải sắm thêm một đội ngũ đi đàm phán thưa kiện. Các chuyên gia mời về thì có cam kết đồng hành trách nhiệm hay không thì hên xui. Lúc này ta mới thấm “không dễ ăn như ta tưởng”. Thế là tiến thoái lưỡng nan sẽ xuất hiện. Làm cho tới thì làm không nỗi, rút lui thì đồng nghĩa ném tiền qua cửa sổ. Trong kinh doanh, chúng ta tích lũy có thể phải mất 10 năm, nhưng ném thì 10 tháng là xong hết.
Trong hoạch định chiến lược, nhìn ra cơ hội kinh doanh là một phần, chín phần còn lại là hoạch định năng lực. Muốn làm gì cũng được nhưng phải trả lời câu hỏi cốt lõi “chúng ta cần làm gì để có được năng lực cạnh tranh cho cái thứ mà ta muốn làm một cách dài hạn”. Trả lời câu hỏi này là quá trình tìm kiếm một chiến thuật thông minh và sáng tạo. Có thể người ta mất 10 năm để đạt được tầm mức năng lực là 10, chúng ta cần 3 năm để đạt điều đó, không phải do chúng ta biết bay, mà do chúng ta nghĩ ra cách gì đó thông minh hơn.
Trong kinh doanh, đi sau là phải tìm cách đi khác. Đi sau mà bắt chước y chang người đi trước cũng được, nhưng phải có rất rất nhiều tiền. Vấn đề là tiền ở đâu ra? Với các quốc gia có nền tảng pháp lý “hơ hở, he hé” thì y tế rất dễ trở thành miếng đất màu mở cho rửa tiền. Thế thì bệnh viện đầu tư thì có vẻ xôm tụ, nhưng năng lực y khoa quốc gia có được gì không thì có trời mới biết. Cho nên, cốt lõi của chính sách là thúc đẩy phát triển năng lực, không phải chào mời rửa tiền.

Phân chia chuyên khoa: “Lát cắt” sinh học vs. cơ học

Cơ thể sinh học của con người vốn không có ranh giới. Tuy nhiên để có thể học được, con người phải “chia nhỏ cơ thể con người” ra để học và làm. Vấn đề là (1) cơ sở nào để phân chia những ranh giới này; (2) chia để học với cái chuyện tổ chức hoạt động khám chữa bệnh có nhất thiết phải như nhau không.
(1) Các chuyên khoa ngành y được phân chia một cách “cơ học” theo chức năng; theo bộ phận; theo cấu trúc và cấu tạo; theo vi mô, vĩ mô; theo công nghệ tiếp cận…nói chung là con người hiểu đến đâu chia theo đến đó. Tuy nhiên, chia kiểu nào không quan trọng, quan trọng là cách chia có thể giúp tiếp cận chữa trị bệnh tật con người một cách hiệu quả hơn hay không. Đó là một cơ hội cho người đến sau! Có nhất thiết phải đi theo cái lối mòn truyền thống kém hiệu quả của người đi trước hay không, hay kiến tạo nên những ý niệm mới hoàn hảo hơn cho việc giải quyết hiệu quả hơn bệnh tật của con người!
Ví dụ: có nhất thiết phải là bệnh viện phụ khoa, nam khoa (đi theo ngành học), mà tại sao không phải là bệnh viện sức khỏe sinh sản. Tiếp cận theo phụ khoa, nam khoa, tự nhiên vừa nhốt mình vào một cái hộp nhỏ xíu, vừa dùng cái lát cắt cơ học chia tách cái ranh giới về sinh học. Chúng ta phân chia nam và nữ để học nhưng việc gì cũng phải phân chia nam và nữ để giải quyết các vấn đề sinh sản chung của con người.
Bối cảnh y tế VN càng rối ren hơn khi có sự tham gia của cái lát cắt cơ học đầy quyền uy – chính trị. Không biết ở đâu ra cái lát cắt cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương. Không biết bệnh tật của con người về mặt sinh học có minh chứng gì cho sự khác biệt của thành phố trực thuộc trung ương, hay thành phố trực thuộc tỉnh hay không. Nhưng rõ ràng tổ chức một bệnh viện chuyên khoa của thành phố trực thuộc trung ương nó sẽ khác với thành phố không trực thuộc trung ương. Chưa hết, có nơi gom các “chuyên khoa lẻ” vào một cái bệnh viện mới nhỏ nhỏ cho nó dễ cấp đất!
Sự duy ý chí và sự phi lý của các lát cắt cơ học, tất cả sẽ dồn lên cho nhân dân hưởng thụ. Trong hàng nghìn xe cấp cứu đang chạy rần rần ngoài đường kia, bao nhiêu là cấp cứu, bao nhiêu là chuyển viện do những lát cắt cơ học đó. Khoa học dữ liệu ngày nay hoàn toàn có thể giúp chúng ta nhìn ra các ranh giới cho các lát cắt sinh học để tổ chức lại từ đó tối ưu hóa điều trị hay cực tiểu hóa các đoàn xe cứu thương chạy rần rần ngoài đường kia, nhìn có vẻ nghiêm trọng, nhưng thực chất đó là hệ lụy của sự yếu kém.

Con đường nào cho chuyên khoa

Việc đầu tiên chúng ta cần làm là dùng những hiểu biết mới nhất để phân tích và vẽ lại cái ranh giới sinh học liên quan đến chuyên khoa cốt lõi của mình. Nếu có những phát hiện mới thì không việc gì phải ngần ngại mà không đưa ra một mô hình hay khái niệm mới cho cái bệnh viện của mình. Trong kinh doanh, tiên phong cho cái mới (khả thi về mặt khoa học, khả thi về mặt thị trường) luôn nhận được dòng vốn đầu tư nhiều hơn và rẻ hơn.
Để giải bài toán tăng trưởng, đồng thời giải được bài toán năng lực cạnh tranh. Mô hình chuyên khoa nên được phát triển: một trung tâm xuất sắc và mạng lưới phòng khám len lỏi vào khu dân cư. Trung tâm xuất sắc đóng vai trò tạo dựng ảnh hưởng và dẫn dắt chuyên môn trong ngành, thu hút con người, đào tạo phát triển, hợp tác quốc tế,…Mạng lưới phòng khám chuyên khoa nhỏ len lỏi vào khu dân cư để tăng khả năng tiếp cận và tăng hiệu quả chẩn đoán bệnh lý nan y sớm. Nó vừa giúp người dân giảm chi phí, vừa tăng cơ hội chữa trị. Sức mạnh hệ thống: năng lực chuyên môn, thương hiệu sẽ tạo ra sự cạnh tranh ưu việt. Một thương hiệu y khoa uy tín và trường tồn là phải giải quyết được bệnh tật trong xã hội hiệu quả hơn bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào.

Con đường nào cho đa khoa

Sức mạnh của một bệnh viện đa khoa là điều trị bệnh tật một cách toàn diện, phối hợp các chuyên khoa để cùng giải quyết một bệnh tật phức tạp, hay dùng nhiều hướng, phương pháp điều trị khác nhau nhằm tối ưu hóa hiệu quả cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tất cả những điều này được xem là viễn tưởng, hoang đường, thậm chí là hoang tưởng trong điều kiện y tế VN. Chỉ mỗi cái mong ước đơn giản các chuyên khoa cùng kết hợp (đóng góp, phản biện) để xây dựng một phát đồ, một hướng dẫn điều trị cho nhóm bệnh lý nào đó, gần như là không thể thực hiện được.
Thực chất các bệnh viện đa khoa của VN cũng chỉ là các chuyên khoa đặt trên cùng một miếng đất. Mà tui hay nói vui không khác gì cách hoạt động của một trung tâm thương mại. Chia sẻ sử dụng chung hạ tầng (điện, nước, kiểm soát nhiễm khuẩn, lọc không khí, …), tấc cả những việc còn lại gần như mạnh ai nấy biết, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy lo, bệnh ai nấy trị và đương nhiên cái hậu quả của mạnh ai đó chính là bệnh nhân mạnh ai nấy chết, hên xui.
Không chỉ không thể tích hợp tri thức trong quá trình điều trị, các bệnh viện còn tranh giành nguồn lực trong việc phát triển mũi nhọn. Ai cũng muốn chuyên khoa mình ngon lành nhất trong bệnh viện. Và để làm điều đó, rất đơn giản, làm sao cho sếp khoa mình lên làm giám đốc là ngon. Cuối cùng rồi, mấy cái thứ như chiến lược phát triển chuyên môn gì đó, chỉ là thứ mà chỉ có trong sách. Không hề dựa trên một phân tích gì về đặc điểm bệnh lý bệnh nhân và những dự báo trong thời gian tới.
Muốn phát triển một bệnh viện đa khoa. Tìm cách hạn chế tác động của “sự tự trị”, tăng cường sự sự phối hợp một cách thực chất và hiệu quả nên được các nhà lãnh đạo bệnh viện đặt trọng tâm và quyết liệt thay đổi trước tình hình hiện nay. Các kỹ thuật phân tích dữ liệu dễ dàng giúp các bệnh viện đa khoa khám phá ra những chùm liên kết bệnh tật (cluster) đặt trưng. Từ đó hình thành những hướng đi mới, phát đồ mới, phương pháp cho những giải pháp điều trị tổng thể, toàn diện và tích hợp. Nói một cách ngắn gọn, chưa cần phải tốn tiền để đầu tư gì cả, thay đổi cách quản trị lâm sàng, hạ bớt vách ngăn của cái tôi, bệnh viện đã có thể gia tăng được năng lực cạnh tranh một cách vướ trội, và đương nhiên tiền sẽ tới.

Vài lời cuối

Khác với quá khứ, bệnh viện ngày nay muốn tồn tại cần đổi mới sáng tạo nhiều hơn. Phải chấp nhận bỏ đi những cái cũ lạc hậu đừng luyến tiếc nữa. Sẵn sàng tâm thế cho cái mới nhiều hơn, sẵn sàng cho sự thay đổi nếu chúng ta đã nhìn ra được cái mới ưu việt hơn. Sức ỳ, sự trì trệ, sự chậm chạp theo lối mòn đang là trở lực lớn cho sự phát triển.
Ngành y VN cần lưu ý rằng, sự cạnh tranh trong y tế ngày nay là xuyên biên giới, đừng nghĩ những gì chúng ta đang có trong tay là ngon. Y tế các nước không có đứng yên, ngày nào họ cũng ngồi nghĩ cách hút thêm không chỉ hai tỷ đô mà sẽ còn nhiều hơn nữa. Nhà nước phải chấp nhận một thực tại rằng y tế cũng là một ngành công nghiệp và chúng ta cũng đang bị cạnh tranh quyết liệt. Đừng chỉ quanh quẩn trong cái tư duy y tế chỉ mỗi cái việc an sinh xã hội nữa. Càng lún vào cái tư duy này, càng xây dựng những chính sách làm khó thêm cho bệnh viện, chứ chả giúp đỡ hay nâng đỡ gì. Hậu quả cuối cùng, nền y tế của các quốc gia xung quanh hưởng lợi nhiều nhất.

Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1 + 1 bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *