HUỲNH BẢO TUÂN

CÔNG CHỨC DÔI DƯ

Bài viết này có thể sẽ làm buồn lòng một số anh chị. Tuy nhiên, tôi không có ý định phê phán hay chỉ trích, mà chỉ là một vài lời khuyên từ góc nhìn của một người phát triển tổ chức cho các doanh nghiệp kinh doanh.

Dạo này tôi được nhiều chủ doanh nghiệp hỏi ý kiến tham vấn là nên tuyển dụng công chức dôi dư đợt này không. Cá nhân tôi không có ý quơ đũa cả nắm, ở môi trường nào cũng có người này người nọ. Tuy nhiên, khi một người làm công chức lâu năm, bước ra môi trường kinh doanh tư nhân cần lưu ý vấn đề thái độ như sau:

Thứ nhất, chủ động hơn trong công việc, không quan liêu, ngồi chỉ tay năm ngón. Khi làm công chức, bạn có một đặc quyền người ta kiếm bạn, cầu cạnh bạn để được việc người ta. Nên lâu ngày bạn có cảm giác muốn gì được đó. Ai đó cần gì phải đơn xin xem xét trình tấu các kiểu.

Điều này phải thay đổi. Làm kinh doanh tư nhân, bạn phải chịu hạ mình, hạ giọng, hạ cái tôi, hạ tự ái, hạ quyền uy để mà chủ động tìm hiểu mọi việc. Khách hàng, đối tác, sếp, đồng nghiệp không ai rảnh đi kiếm bạn để giải trình xin xỏ gì cả.

Thứ hai, đi làm việc là đi giải quyết vấn đề, không phải đi tạo vấn đề cho người khác giải quyết, hoặc chỉ đơn giản là tổng hợp thông tin báo cáo, xin ý kiến giải quyết rồi xong. Làm nhà nước, quy trình quy chế không cho phép người công chức linh hoạt uyển chuyển giải quyết vấn đề, tất cả chuyện gì ngoài trù hoạch phải tổng hợp, xếp hàng chờ ý kiến chỉ đạo giải quyết. Lâu ngày, người công chức mất đi khả năng nhận định vấn đề, phân tích và tìm kiếm thông tin giải pháp để giải quyết vấn đề. Rất thụ động ngồi chờ nguồn lực, ngồi chờ người khác ra quyết định rồi mới dám làm.

Điều này phải thay đổi. Kỹ năng giải quyết vấn đề một cách chủ động là yêu cầu cơ bản khi đi làm kinh doanh. Bạn được giao một mục tiêu và việc còn lại bạn phải tìm cách để hoàn thành mục tiêu đó. Trên hành trình hoàn thành mục tiêu, có vô vàn vấn đề xuất hiện, bạn phải nhận ra, nghĩ cách, tìm cách và đề xuất, tranh thủ phối hợp, kết hợp các nguồn lực khác nhau để giải quyết các vấn đề đó. Khi bạn gặp lãnh đạo doanh nghiệp, thứ họ muốn nghe không phải là kể lể khó khăn, lý do lý trấu, mà chúng ta đang đối diện chuyện gì, nó đáng để chúng ta giải quyết hay không, và nên giải quyết nó như thế nào, các anh cần lãnh đạo hỗ trợ chuyện gì.

Sự chủ động trong công việc, sự tự chủ, tự lên kế hoạch, tự triển khai, tự đánh giá, tự điều chỉnh, tự biết cái gì là đúng là sai, cái gì là đạt cái gì không đạt, cái gì cần phải tập trung nỗ lực, cái gì bỏ qua không cần chú ý nhiều,… tất cả là những kỹ năng mà có lẽ những năm tháng trong môi trường công bạn không quen lắm, không thực hành nó và dần mất đi những kỹ năng này.

Thứ ba, trách nhiệm kiếm tiền và trách nhiệm phát triển tổ chức. Làm công chức, bạn chỉ cần tuân thủ đúng quy định pháp luật, quy chế, quy định của cơ quan là đủ, cuối năm bình bầu chiến sĩ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm xong là xong. Nhưng với doanh nghiệp, cả công ty là chiến sĩ thi đua, danh hiệu đầy mình, nhưng công ty ko có tiền trả lương, ko có đầu tư phát triển, thì cái danh hiệu thi đua gì đó ko có ý nghĩa gì cả. Tổ chức kinh doanh là một nhóm người có cùng mục tiêu kiếm tiền để kiến tạo tương lai thịnh vượng chung. Trong tổ chức chỉ có hai dạng công việc: kiếm được tiền và không kiếm được tiền. Tương tự, chỉ có hai dạng người: kiếm được tiền cho công ty, không kiếm được tiền cho công ty, hết.

Cuối cùng là học tập liên tục cái mới. Khác với môi trường công trọng bằng cấp trình diễn, môi trường kinh doanh cần tri thức thật, hiểu biết thật, kỹ năng thật,… và đặc biệt nó mới liên tục. Các tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp luôn có một bộ phận Phát triển tổ chức, nơi đây chuyên đọc ra những năng lực mới mà tổ chức cần có, mỗi cá nhân cần có để tổ chức đối diện với các thách thức kinh doanh mới và không ai bị bỏ lại phía sau, cũng như tổ chức luôn đủ năng lực để trường tồn.

Môi trường phát triển tổ chức liên tục không vắt chanh bỏ vỏ, không không tổ chức huấn luyện đào tạo gì nhưng tổ chức những kỳ sát hạch để loại bạn, có năng lực thì ở lại, không có thì cho ít tiền đi đâu đó thì đi mặc kệ. Môi trường chuyên nghiệp không cho phép tổ chức làm việc kiểu đó. Trừ khi người ta đã dày công huấn luyện rồi, nhưng bạn vẫn không nỗ lực thay đổi năng lực, thì khi đó bạn trở thành gánh nặng gây trì trệ công việc chung, và do vậy bạn được mời ra khỏi tổ chức.

Tóm lại, mấu chốt của sự thay đổi của một người từ môi trường công qua tư là thái độ. Nhưng thay đổi thái độ không hề đơn giản, nó đòi hỏi sự thay đổi cách nghĩ, cách sống, cách đối nhân xử thế của bản thân khá là khó. Thay đổi được thái độ, sẽ thay đổi được tất cả.

Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Bốn + ba bằng mấy?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *