Hệ thống y tế vốn dĩ chẳng liên quan gì hệ thống chính trị. Dựa trên mật độ dân số, mô hình bệnh tật, khoảng cách di chuyển mà thiết kế hệ thống phòng khám, hệ thống bác sĩ gia đình, hệ thống đa khoa, hệ thống chuyên khoa sâu, trung tâm đột quỵ, trung tâm điều phối cấp cứu, trung tâm hỗ trợ sinh sản, trung tâm y học cổ truyền…
Bộ Y tế quy hoạch và thiết kế tiêu chuẩn cho toàn bộ hệ thống, thiết kế chính sách khuyến khích sự đầu tư toàn xã hội, hỗ trợ thuê đất dài hạn. Chỗ nào tư nhân không tham gia thì nhà nước đầu tư và đấu thầu vận hành. Tôi tin VN sẽ có nhiều công ty vận hành bệnh viện chuyên nghiệp ra đời.
Bên cạnh đó khuyến khích thuê ngoài và hình thành hệ sinh thái các công ty hậu cần cung ứng dịch vụ thuê ngoài cho bệnh viện: kiểm soát nhiễm khuẩn, môi trường, an ninh, bảo trì dưỡng tòa nhà, trang thiết bị,…
Hình thành mạng lưới sản xuất, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo từ trang thiết bị đến linh kiện vật tư, vật tư tiêu hao, thuốc, quản trị, IT, AI… phục vụ cho toàn ngành và khuyến khích tất cả các thành phần tham gia kể cả nước ngoài.
Tầng nấc y tế không liên quan gì đến tầng nấc chính trị. Và thực tế hệ thống chính trị địa phương chỉ đóng vai trò KIỀM SOÁT chứ chẳng hỗ trợ được gì cho sự phát triển hệ thống y tế. Chưa kể, hệ thống chính trị địa phương vì không có chuyên môn nên nhìn y tế như thời Hoa Đà hái lái đắp thuốc, và luôn muốn nhân viên y tế phải phụng sự vô điều kiện như thời chiến tranh… Sự trì trệ của hệ thống chính trị vô tình kéo theo sự trì trệ của hệ thống y tế! Và đây là nguyên nhân hàng đầu phá nát hệ thống y tế địa phương: bác sĩ bỏ đi, bệnh viện chết lâm sàng, nhân dân thì khốn khổ.
Nhân dịp đổi mới tận gốc rễ và vô cùng mạnh mẽ của đất nước này, thiết nghĩ ngành y nên làm luôn một cuộc cách mạng – độc lập, tự chủ – cho ngành mình để tạo một sự phát triển đột phá chưa từng có trong lịch sử!
Đọc thêm bài viết trên VnExpress: Bệnh viện gần dân nhất
Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1 + 1 bằng mấy?