HUỲNH BẢO TUÂN

ĐẶT RA NHỮNG MỤC TIÊU THÁCH THỨC CHO TỔ CHỨC

Tại sao mục tiêu phải luôn thách thức

Một tổ chức không tiến về phía trước, không có những thành tựu khó khăn hơn đồng nghĩa là một tổ chức thụt lùi. Rất nhiều tổ chức “ngủ quên trên chiến thắng”, làm quá tốt rồi làm gì nữa bây giờ, trùm thiên hạ hết rồi, doanh thu, lợi nhuận và thu thập tăng bặt bặt thì quá sướng rồi, làm gì nữa bây giờ.

Chúng ta đang sống trong thời đại cạnh tranh, chỉ cần “dừng lại thở” cũng đủ làm người khác vượt qua cái ào rồi. Muốn có cuộc sống không cạnh tranh gì vẫn có tiền ào ào vào túi không lo nghĩ gì hết, không nhọc nhằn gì hết mà tiền không biết ở đâu vẫn điều đặn chạy đến, thì chỉ có một cách duy nhất đó ngừng thở và lên thiên đàng.

Hôm nay kiếm được tiền, ngày mai không còn kiếm được nữa là chuyện rất bình thường, lý do là vì năng lực cạnh tranh bị chững lại. Nên, một tổ chức không còn con đường nào khác là phải liên tục làm những việc khó hơn, thách thức hơn gấp nhiều lần trước kia. Làm việc khó không phải để khoe, mà đó là nâng cao năng lực của tổ chức.

Quá trình chinh phục các thách thức chính là quá trình trưởng thành của tổ chức. Quá trình làm cho con người trong tổ chức phá vỡ sức ỳ, sự ỷ lại, sự tự mãn. Phàm, ở đời ai cũng muốn làm cái gì trong tầm tay của mình cho bớt sợ. Nhưng không, là một lãnh đạo, chúng ta phải làm cho mọi người sợ, nhưng cái sợ, cái xì trét này là cái năng lượng cho phát triển. Cái xì trét có lợi cho tổ chức. Khi vượt qua được nó thì sự mọi người sẽ thấy mình lớn lên, bản lĩnh hơn rất nhiều.

Nếu nhà lãnh đạo nuông chiều tổ chức, chọn việc nhẹ nhàng yên vui, yên ổn cho xong cái nhiệm kỳ của mình. Khi mình không còn làm nữa sẽ để lại cho tổ chức một năng lực yếu kém què quặt và đương nhiên là suy sụp. Vậy thì chúng ta làm cho chính chúng ta (giữ ghế), chứ chả phải làm cho tổ chức tốt đẹp gì hơn.

Mục tiêu thách thức với hoang tưởng

Mục tiêu thách thức là mục tiêu dựa vào khách hàng, dựa vào người sẽ trả tiền cho chúng ta. Làm cái gì đó để khách hàng chúng ta tốt hơn đều là kim chỉ nam cho các tổ chức kinh doanh phát triển. Khách hàng sẽ chả bao giờ chê trách cái tổ chức nào đó ngày đêm quầng quật, hết sức, hết lòng, hết tâm, hết trí làm cái gì đó tốt hơn cho họ. Cho dù có những thứ “lực bất tòng tâm”, họ vẫn tưởng thưởng cho những nỗ lực của chúng ta.

Hoang tưởng là những mục tiêu tự sướng cho bản thân, không làm gì cho khách hàng hết nhưng mơ mộng giàu sang tột đỉnh. Nó chẳng khác gì mơ mộng viễn vong, chả làm gì mà có được thành quả, chả tài năng, chả trí tuệ gì hết mà muốn vượt tầm thiên hạ. Cái hoang tưởng đó bản chất là lừa đảo và mụ mị.

Mục tiêu tập trung vào khách hàng vs. tập trung vào tài chính

Đường nào rồi cũng dẫn về La Mã, cái đích của kinh doanh là kiếm tiền, không có tiền không làm được gì hết, càng không đi được vào tương lai. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu bằng câu hỏi làm sao để kiếm tiền, chúng ta sẽ lạc đường, sẽ đưa chúng ta đến chỗ ăn xổi thậm chí phạm pháp, luồn lách kẻ hở của luật pháp để bốc hốt cho nhanh.

Chúng ta nên bắt đầu bằng câu hỏi vấn đề của khách hàng chúng ta đang đối diện là gì và làm gi để mang đến nhiều giá trị hơn cho khách hàng của chúng ta. Tập trung vào khách hàng mà tạo ra giá trị rồi tiền sẽ tới là thánh kinh trong kinh doanh. Nhưng gần như chúng ta không có mục tiêu gì liên quan đến họ, trong khi muốn lấy tiền thiệt nhiều tự họ!

Vài lời cuối

Trong công việc, chúng ta thường ghét người mang áp lực đến cho mình, ép chúng ta làm những việc khó, việc mới, việc chúng ta cảm thấy hoảng sợ. Nhưng thực sự đó mới là người chúng ta cần mang ơn vì nhờ họ chúng ta có bản lĩnh để mà tồn tại. Đặc biệt là những người đặt cho chúng ta thách thức, đồng thời hướng dẫn chúng ta làm sao làm được nó.

Tuy nhiên, con người thường rất nghịch lý, phàm chúng ta lại thường yêu mến những người luôn vuốt ve, âu yếm trìu mến và nịnh nọt đội chúng ta lên đầu. Để rồi đến lúc nào đó chúng ta mới hiểu ra, đó mới là người hại chúng ta trở nên yếu kém để rồi bị đào thải. Nhưng tất cả đã muộn rồi. Chọn ai thì tùy vào duyên và phận của chúng ta thôi.

Cuộc đời tôi đã chứng kiến không ít những tổ chức vì cái hào quang trong quá khứ đỉnh cao mà lụn bại. Bạn thử tưởng tượng khi bạn 50 tuổi mà tổ chức của bạn suy sụp, trong khi bạn không được trang bị năng lực gì mới để có thể thích ứng, tồn tại và thay đổi chỗ mới. Thì bạn sẽ hiểu những dòng này của tôi được viết ra từ tự đáy lòng như thế nào. Thất nghiệp ở tuổi 50 thật sự rất đáng sợ! Và do đó hãy bước ra khỏi cái vùng an toàn ngay khi có thể nếu thấy cái tổ chức của mình không còn muốn phát triển nữa.

Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *