Khách hàng đang thay đổi, nhưng họ đang thay đổi như thế nào? Hậu Covid, rất nhiều thứ đã thay đổi, nhưng sự thay đổi nào đang diễn ra? Tác động của những công nghệ mới đang làm mọi thứ biến đổi, nhưng cụ thể là như thế nào? Liệu chúng ta chỉ thích nghi với sự thay đổi đó (tới đâu tính tới đó), hay nghĩ ra cách để kiến tạo ra những thứ định hình tương lai trong bối cảnh thay đổi này? Đó là những câu hỏi thường trực trong tâm trí của những người làm kinh doanh hiện nay.
Tầm Quan Trọng Của Phân Tích Dữ Liệu Trong Kinh Doanh Hiện Đại
Trong kinh doanh ở quy mô nhỏ, các quyết định về sự thay đổi chủ yếu dựa vào khả năng quan sát và trực giác của người sáng lập, người trực tiếp kinh doanh. Ở quy mô lớn hơn, không ai có thể bao quát được toàn cảnh của mọi ngóc ngách trong hệ thống kinh doanh. Chưa kể, kinh doanh ngày nay hầu hết diễn ra trong không gian “virtual” (ảo), nên không dễ dàng quan sát được mọi thứ như ngày xưa.
Vì vậy, việc trông chờ vào các báo cáo kinh doanh định kỳ ngày càng trở nên nguy hiểm: Thứ nhất, các báo cáo thường được cấu trúc tập trung vào tài chính (nhìn vào tiền để yên tâm, nhưng liệu còn khả năng tạo ra tiền hay không thì lại không biết!). Thứ hai, các báo cáo thường có độ trễ lớn so với những gì đang diễn ra ngoài thị trường (từ lúc thu thập dữ liệu đến khi báo cáo mất khoảng 3-6 tháng là quá muộn). Thứ ba, các báo cáo này thường đã được “chăm sóc” kỹ lưỡng trước khi trình lên ai đó đọc (ai cũng muốn đọc thành tích, không ai muốn đọc những điều tiêu cực)… nên các báo cáo nội bộ ngày càng trở thành công cụ của sự trì trệ, che đậy, tốn nhiều thời gian để “điều tra” nhau hơn là công cụ cho sự sáng tạo và cạnh tranh trên thị trường.
Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp ngày nay dành nhiều tâm sức để xây dựng nền tảng thu thập dữ liệu (data platform) và phát triển các đội ngũ chuyên sâu về phân tích dữ liệu (data analytics): marketing intelligence, operational intelligence, … Đây là những bộ phận được lập ra như là một bộ não độc lập cho tổ chức, các thành viên trong nhóm có thể truy cập vào nguồn dữ liệu và thực hiện khai phá dữ liệu (data mining) để đưa ra các báo cáo chuyên sâu (insight report), giúp tham vấn cho các quyết định thay đổi và cung cấp những hiểu biết mới nhằm thúc đẩy các ý tưởng mới cho tổ chức. Nói nôm na, tập trung năng lượng để khám phá điều gì đó mới mẻ, hướng sức mạnh ra bên ngoài hơn là ngồi đó chỉ trích nhau rồi cùng nhau suy kiệt.
Data Mining Và Machine Learning: Công Cụ Quyết Định Sáng Tạo
Data mining là quá trình chúng ta sử dụng các thuật toán để nhận diện những dạng thức (pattern recognition) ẩn sâu trong khối dữ liệu mà chúng ta đang có. Những dạng thức này chứa đựng những quy luật kết hợp, liên kết, sắp xếp nào đó mà thông qua đó chúng ta có thể phát hiện ra những hiểu biết mới đầy thú vị. Khai phá dữ liệu là một quá trình khám phá tri thức mới mẻ ẩn sâu xung quanh chúng ta, đầy thú vị. Việc khám phá ra các quy luật mới đồng nghĩa với việc chúng ta hiểu rõ hơn về thị trường, về khách hàng, về những thay đổi hành vi, và về những tín hiệu xu hướng mới đang chớm xuất hiện… tất cả những điều này đều là “vàng” trong kinh doanh ngày nay.
Với khối lượng dữ liệu ngày càng lớn, công việc khai phá dữ liệu này chắc chắn không thể thực hiện thủ công, do đó, người ta phải viết các thuật toán để máy tính tự thực hiện. Khi máy tính phát hiện ra quy luật, tổ hợp, kết hợp, liên kết nào đó, nó sẽ tự động thông báo cho chúng ta – đó gọi là Machine learning. Nhiều người lo ngại rằng, với cách này, một ngày nào đó “máy” sẽ “biết” điều gì đó mới mẻ sớm hơn con người và từ đó có khả năng điều khiển, lừa gạt, hay chi phối con người… Chuyện này cũng không khó hiểu và hoàn toàn có thể xảy ra nếu con người trao quyền cho máy quyết định mà không có các biện pháp kiểm soát từ con người.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng máy không có cảm xúc, không có lòng tham, máy không biết hưởng lạc hay sống sung sướng như con người, nên nó thống trị con người để làm gì! Vấn đề cốt lõi là có ai đó lợi dụng máy móc để chi phối con người vì mục đích cá nhân. Cuối cùng, bản chất vẫn là câu chuyện giữa con người với con người, còn máy móc chỉ là công cụ mà thôi.
Vài lời kết: Đổi Mới Sáng Tạo Để Dẫn Đầu
Bối cảnh hậu Covid, chiến tranh, biến đổi khí hậu, chính trị bất ổn… khiến người làm kinh doanh dễ rơi vào trạng thái lo âu. Chúng ta không nên ngồi đó nghĩ ngợi hay chạy theo ứng phó với sự hỗn loạn đó nữa. Cách tốt nhất là chúng ta tạo ra những gì chúng ta mong muốn, nghĩa là tương lai là do chúng ta định nghĩa từ hôm nay, đó chính là ý nghĩa quan trọng của chữ INNOVATION.
Bối cảnh này cũng lý giải vì sao phân tích SWOT ít được sử dụng trong kinh doanh hiện nay, khi sự đổi mới sáng tạo đã trở nên liên tục, thay vì diễn ra chậm rãi theo thời đoạn hay chu kỳ như trước đây. Chúng ta không nên dành thời gian suy nghĩ đối thủ cạnh tranh đang làm gì, cái gì đe dọa, cái gì là cơ hội, cái gì mạnh, cái gì yếu để phản ứng một cách thụ động.
Nói một cách đơn giản, điều chúng ta cần làm là nghĩ ra điều gì đó mới mẻ mỗi ngày. Nhiều người tưởng rằng sáng tạo liên tục chỉ có trong lĩnh vực nghệ thuật, thời trang. Nhưng thực tế, kinh doanh ngày nay, từ bán gạo, bán nước mía, bán rau má, bán cà phê đến bán sushi, bán ôtô, cung cấp dịch vụ sinh cao cấp, hay điều trị ung thư… tất cả đều phải đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ. Áp lực phải nghĩ ra cái mới liên tục có thể làm con người căng thẳng, nhưng cách để vượt qua căng thẳng không phải là chạy trốn mà là bồi đắp năng lực mới, đó là năng lực khai phá dữ liệu.
Trong xã hội số, các ý tưởng bị “copy” rất nhanh, ai làm điều gì hay, 3 ngày sau đã có người làm không chỉ giống mà còn cải tiến tốt hơn nhiều. Trước đây, người ta dựa vào luật pháp bảo hộ trí tuệ, bản quyền để ngăn chặn sự sao chép, nhưng đó là con đường không hiệu quả. Thay vì dùng nguồn lực để kiện tụng, ngày nay người ta tập trung vào sáng tạo. Bởi, cách tốt nhất để duy trì lợi thế dẫn đầu là sáng tạo liên tục, chứ không phải kiện tụng liên tục.
Chúc thành công!
Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?