HUỲNH BẢO TUÂN

ĐỊNH MỨC VÀ QUẢN LÝ ĐỊNH MỨC

Là một người có hơn 20 năm làm quản lý công nghiệp, nhưng điều tôi rầu nhất là người ta mang cái cách quản lý một nhà máy vào trong Y TẾ và GIÁO DỤC. Nhưng áp dụng một cách máy móc và đầy quan liêu.

Định mức vật tư, định mức lao động, định mức năng lượng…tất tần tật các loại định mức đều là bài toán thống kê. Nhưng cái thống kê nào nó cũng bao gồm 2 giá trị Trung bình và Độ lệch chuẩn. Nên người ta thường dùng công thức: trung binh +/- 2 x độ lệch chuẩn để kiểm soát xác suất 95 % dao động của định mức.
Kiểm soát nghĩa là theo dõi và phát hiện những bất thường để cải tiến. Phát hiện những bất thường nhưng phải điều tra nguyên nhân gốc rễ để biết đâu trong cái bất thường đó tri thức mới xuất hiện. Nghĩa là người ta xem outlier là cơ hội học hỏi chứ không phải là tội đồ.
Trớ trêu thay, trong thời bao cấp, những vị quản lý đầy quan liêu lại bày ra cái gọi là KHOÁN ĐỊNH MỨC. Bản chất nó là một quá trình xin cho ban phát chứ chả có xác suất thông kê cái chi ráo. Khoán định mức là cái bùa của mấy anh kế toán quản trị lười biếng sau này để hạch toán vào giá thành cho nó khỏe, cho nó đảm bảo không thủng ngân sách, đảm bảo an toàn tài chính.
NHƯNG trong công nghiệp, sự dao động của hệ thống thường thấp, nên đó là cách quản trị tạm chấp nhận cho yên chuyện được.
CHẲNG MAY cho thế gian này, người ta mang cái tư duy Khoán định mức quan liêu đó vào trong Y TẾ, và GIÁO DỤC đầy tai hại cho nhân gian.
Trong y tế người ta khoán từ viên thuốc đến sợi chỉ, khoán từ cây kim đến bông gạt để đảm bảo bảo toàn đồng tiền. Cách làm quan liêu này đang xem y khoa là một ngành khoa học như sản xuất cái áo, sản xuất cái bóng đèn. Mọi thứ cứ y khuôn mà chạy. Xin thưa quý vị, nếu quá trình sinh một đứa bé mà như quá trình sản xuất cái bóng đèn thì loài người chúng ta chỉ có thể là robot mà thôi. Thế gian này chả cần bác sĩ chi cả, máy móc robot sẽ khám và chữa bệnh cho chúng ta.
Trong giáo dục người ta cũng khoán định mức cho giảng viên bao nhiêu tiết dạy, bao nhiêu giờ nghiên cứu khoa học, bao nhiêu bài báo…rất là khổ tâm. Người ta vốn dĩ chẳng đo lường và đánh giá được trí lực của một người làm khoa học và giảng dạy được đo thế nào cho tốt. Chẳng đánh giá được thế nào là một giảng viên giỏi. Chẳng biết làm sao để đánh giá được ai làm nghiên cứu giỏi. Nhưng sẵn cái cốt quan liêu trong người người ta chả cần tìm hiểu, nghiên cứu chi cho nó mệt, cứ khoán tới, cứ khoán cái gì cho nó dễ, cứ đếm tiết, cứ xua giám thị đi canh me giảng viên ghi tên bắt phạt như đứa trẻ mẫu giáo. Nhưng với cái hệ thống quan liêu trời cho nên xem ra họ chả biết họ đang làm gì cho tốt hơn hay tệ hơn cho người làm việc tri thức. Kết hợp với độc tài độc đoán xem ra họ còn khoái trá với những gì đang làm, và còn đang dự định mở rộng ra khoán những thứ khác.
Khổ tâm lắm. Y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực rất đặc thù về tri thức. Nhà quản lý cần học cách quản lý tri thức. Khổ lắm!

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Bốn + ba bằng mấy?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *