HUỲNH BẢO TUÂN

DOANH NHÂN VÀ KỸ SƯ

Tôi thường nói với sinh viên Bách Khoa, nếu không có doanh nhân và kỹ sư, khoa học không thể đến với đời sống con người.

Mỗi năm Hoàng gia Thụy Điển đều trao giải Nobel cho những nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng mang đến lợi ích to lớn cho con người. Nhưng tiếp theo ai sẽ là người cụ thể hóa những tiềm năng đó? Nếu không phải là kỹ sư và doanh nhân. Năm 2022, hóa học Click được vinh danh. Nếu là dân tổng hợp hóa hữu cơ, ai cũng sẽ hiểu tiềm năng ứng dụng và lợi ích của công trình này to lớn như thế nào với thế giới loài người. Nhưng tất cả ở “tiềm năng”, sẽ không có cái gì sờ được, ngó được, nếm được, xài được, bán được…nếu không có doanh nhân và kỹ sư.
Nhà khoa học say sưa nghiên cứu, công bố các kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học, đóng góp vô vàn tri thức cho nhân loại. Ai cũng có quyền tiếp cận để đọc và học. Thước đo của nhà khoa học là các công trình công bố trên tạp chí khoa học uy tín, và sự ảnh hưởng của các công trình này thể hiện qua mức độ trích dẫn của các nghiên cứu tiếp theo (Impact Factor).
Kỹ sư là người hiểu và vận dụng các nguyên lý khoa học vào thực tiễn để giải quyết các bài toán, các vấn đề gần gủi với cuộc sống con người, và đương nhiên con người muốn dùng phải trả tiền cho việc đó tùy vào mức độ đáng đồng tiền bát gạo (pay for value). Vậy thước đo của kỹ sư là gì, đó là phát minh sáng chế (patent), là sở hữu trí tuệ (Intellectual Property). Cuộc đời của một người kỹ sư có được 5-10 phát minh coi như thành công, có một cuộc đời đáng sống, có ích cho xã hội, và là niềm tự hào cho con cháu…
Nhưng, kỹ sư sẽ không thể ra đường hứng không khí mà phát minh được, người kỹ sư cần một môi trường kinh doanh, môi trường cạnh tranh khốc liệt để biết mình phải giải quyến vấn đề kỹ thuật gì, vấn đề khách hàng gì, vấn đề kinh doanh gì. Chính doanh nghiệp, trong quá trình phát triển sản phẩm dịch vụ sẽ đặt hàng “bí quyết” (know-how) cho bài toán cạnh tranh, từ đó làm động lực thôi thúc kỹ sư sáng chế, chế tạo, phát kiến, phát minh ra những giải pháp hữu ích để tạo dựng năng lực cạnh tranh cho tổ chức mình đang tham gia. Chính vì vậy, tổ chức là chủ sở hữu của phát minh, còn cá nhân kỹ sư có quyền đồng tác giả, tất cả là tài sản của tổ chức và được pháp luật bảo vệ. Giữa kỹ sư và tổ chức kinh doanh là một mối quan hệ cộng sinh, tổ chức đóng vai trò là hệ sinh thái, kỹ sư đóng vai trò thực thể cấu thành hệ sinh thái. Kỹ sư mang tri thức của mình đóng góp vào Tri thức tổ chức, và Tri thức tổ chức cũng nâng cao năng lực trí tuệ cho kỹ sư. Sự phát triển liên tục của tri thức của tổ chức là yếu tố then chốt cho sự phát triển trường tồn của một tổ chức. Người kỹ sư học ở trường đại học 5 năm, nhưng học ở tổ chức kinh doanh là CẢ ĐỜI. Ở trong trường, kỹ sư học về Engineering, trong doanh nghiệp kỹ sư là người tạo ra Technology.
Cuối cùng, vậy ai là người tạo nên một tổ chức kinh doanh nếu không phải là doanh nhân. Doanh nhân, đầu tiên là người có năng lực quan sát cuộc sống, nhận ra những nhu cầu của con người, phát hiện những vấn đề hiện tại, tiềm ẩn, hay sẽ diễn ra trong tương lai mà con người cần (mà chưa có) phương cách để giải quyết. Kế đến, doanh nhân sẽ gầy dựng lên một tổ chức để có thể tạo ra sản phẩm dịch vụ mà thông qua nó để giải quyết những vấn đề đã, đang và sẽ xảy ra cho con người. Doanh nhân là người kiến tạo ra các giá trị cho cuộc sống. Giá trị kiến tạo càng lớn, lợi ích mang đến cho con người càng lớn, giải quyết những vấn đề càng hóc búa, thì tổ chức mà doanh nhân gầy dựng đó càng có giá trị cho xã hội, và đương nhiên càng có giá trị về kinh tế, càng phồn vinh và thịnh vượng. Tạo giá trị cho xã hội trước, rồi sự thịnh vượng chung cho tổ chức sẽ tới, không ngừng kiến tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội để tổ chức mãi trường tồn – đó là doanh nhân sáng nghiệp (Entrepreneurs). Quốc gia nào, càng nhiều doanh nhân sáng nghiệp, quốc gia đó càng thịnh vượng, … và ngược lại.
Nuôi dưỡng niềm đam mê sáng chế, nuôi dưỡng hoài bão mang đến nhiều hơn giá trị cho cuộc sống, chính là sứ mệnh của giáo dục. Giáo dục từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Mỗi con người là một thực thể khác biệt, có tiềm năng khác biệt, nhiệm vụ của giáo dục không phải là nặn khuôn mà là tạo điều kiện cần thiết để phát huy hết khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người – đó là giáo dục khai phóng. Nền giáo dục tốt sẽ sản sinh ra nhiều nhà khoa học, nhiều kỹ sư, nhiều nhà sáng nghiệp, thì đất nước sẽ phồn vinh,…VÀ NGƯỢC LẠI!
(*) Bài viết này là một nén hương tiễn biệt Giáo sư Phạm Phụ, người đã sáng lập nên Khoa Quản lý công nghiệp – một khoa Quản trị đặt trong một trường kỹ thuật – Bách Khoa, với sứ mệnh kết nối giữa Kỹ sư và Doanh nhân. Lúc tôi ngồi viết bài này, thân xác ông đang từ từ trở về tro bụi, tinh trí ông đã hòa tan vào hư không, nhưng tinh thần của ông sẽ còn mãi mãi.
——————
TOP 10 inventors of all time
Thomas Edison. …
Archimedes. …
Benjamin Franklin. …
Louis Pasteur and Alexander Fleming. …
the Montgolfier brothers and Clément Ader. …
Nikola Tesla. …
Auguste and Louis Lumière. …
Tim Berners-Lee.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *