HUỲNH BẢO TUÂN

DÒNG CHẢY CỦA TÂM TRÍ – FLOW.

Chào mừng Flow đã được biên dịch và phát hành tại VN.

Khái niệm dòng chảy xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, từ kỹ thuật đến quản trị, và flow trong trường hợp này là dòng chảy của tâm trí con người – tâm lý học.
Mihaly Csikszentmihalyi là Giáo sư Tâm lý học tích cực (positive psychology), sau này là tâm lý học hạnh phúc (happiness psychology), và mình rất mê ông này dù mình đọc cái tên ông không ra, ai biết cách đọc cái tên ông ấy chính xác chỉ dùm!
Để hiểu về Tâm lý học tích cực, cần một chút tìm hiểu về Phật giáo.
Sứ mệnh mà Đức Phật tự giao cho mình là tìm cách để con người thoát khỏi khổ đau. Nên trong suốt cuộc đời, Đức Phật đi truy tìm cội nguồn của đau khổ, và Đức Phật đã phát hiện chính cái tôi (tham, sân, si) của chúng ta gây ra đau khổ chứ không phải là cái gì khác. Cho nên Ngài đã phát triển nhiều phương pháp tu tập để giúp con người thoát khỏi bản ngã, từ đó thoát khỏi khổ đau. Rất nhiều người bình thường không quan tâm đến Phật giáo, nhưng đến khi trong cuộc đời có những trắc trở, biến cố, sầu muộn, đau khổ thì bắt đầu tìm đến Phật giáo như tìm đến một điểm tựa tinh thần để cuộc sống an nhiên hơn. Nhà chùa là nơi Lan nghĩ đến khi bị Điệp quất ngựa truy phong, chứ nếu Điệp không làm chuyện đó chắc Lan cũng không nghĩ đến chùa để làm gì! Đó là giai đoạn 1000 năm đầu của Phật giáo – được xem như Tâm lý học ngày nay. Giai đoạn 1000 năm sau của Phật giáo gần với Triết học hơn khi tham gia giải thích sự tồn tại của con người và vũ trụ từ đó phát triển rất nhiều học thuyết tích hợp trong hàng vạn bộ Kinh, mà đến nay con người còn chưa nghiên cứu hết, chưa hệ thống hóa nỗi. Còn giai đoạn Phật giáo hiện nay chắc là gần với Kinh tế học hơn, khi phát kiến nhiều mô hình kinh doanh tâm linh siêu lợi nhuận!
Tâm lý học tích cực là một trường phái tâm lý học có cách đặt vấn đề đối lập với Phật giáo. Nghĩa là tại sao ta lại đi nghiên cứu về đau khổ, mà lại không đi nghiên cứu về điều gì đó làm cho con người hạnh phúc hơn! Nhìn vào mặt tích cực của vấn đề mà nghiên cứu. Nên các nghiên cứu theo trường phái Tâm lý học tích cực luôn đặt các câu hỏi nghiên cứu ở khía cạnh tích cực. Ví dụ: làm gì để có tình bạn lâu bền hơn, làm gì để hôn nhân hạnh phúc hơn, làm gì để con cái thương yêu cha mẹ hơn…và một trong những chủ đề ngàn năm của loài người là làm gì để con người chúng ta hạnh phúc hơn, nên Tâm lý học tích cực được xem là Tâm lý học Hạnh phúc.
Cách đặt vấn đề này của Tâm lý học tích cực được Khoa học thần kinh và não bộ ủng hộ khi có nhiều bằng chứng cho thấy nó giúp cải tạo bộ não chúng ta tốt hơn, hiệu quả hơn. Từ đó mang tính trị liệu tâm lý và thần kinh tốt hơn cho các bệnh viện ứng dụng, Mindful Based Reduce Stress là một trong số đó. (Mindful trong MBRS là Mindfulness Phương Tây rất khác Mindfulness Phương Đông hẹn một dịp khác để chia sẻ cùng mọi nghười về chủ đề này)
Lấy một ví dụ để chúng ta dễ hình dung sự khác biệt trong cách tiếp cận của Tâm lý học tích cực. Gia đình nào cũng có mối quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Khi con chúng ta học yếu, phản xạ suy nghĩ mà chúng ta thường gặp là “tại sao con mình học yếu”, từ đó chúng ta sẽ lần ra: internet, máy tính bảng, game online, tiktok…là những “nguyên nhân gốc rễ”, và đương nhiên giải pháp sẽ là cắt và cấm. Tâm lý học tích cực sẽ không bắt đầu bằng câu hỏi Why như vậy, mà sẽ tiếp cận bằng câu hỏi How? Làm gì để con chúng ta học tốt hơn? Làm gì để tri thức thú vị hơn với con mình, làm gì để mỗi ngày học hành là một niềm vui, làm gì để giúp con thấy được mối liên hệ giữa tri thức và các vấn đề của cuộc sống, khi có tri thức cách chúng ta hành xử sẽ khác đi, tại sao tri thức mới là phương tiện để chúng ta có được cuộc sống tốt hơn…khi bạn làm cho con mình thấy được sự thú vị của tri thức thì khi đó máy tính bảng, internet, FB,…lại là một phương tiên tuyệt vời, chứ không phải là kẻ thù của gia đình chúng ta nữa!
Hai cách nghĩ khác nhau, sẽ dẫn đến cách bộ não chúng ta vận hành khác nhau. Cách nghĩ thiêng về hướng truy tìm nguyên nhân gây thất bại sẽ tạo ra nhiều tác động tổn thương cho não bộ chúng ta nhiều hơn, từ đó dẫn đến stress nhiều hơn, hiện tượng rumination diễn ra nhiều hơn, thậm chí bệnh lý tâm thần sẽ xuất hiện sớm hơn với những người có bộ gien vốn yếu ớt về việc chịu đựng các áp lực của cortisol. Cách nghĩ thiêng về tìm cách gì để có thay đổi tình trạng tốt hơn sẽ giúp cho bộ não tiết ra nhiều hocmon tạo sự phấn khích hơn, dopamine chẳng hạn, từ đó giúp bộ não chúng ta phát triển tốt hơn. Đó gọi là positive spins.
Tóm lại, khi đứng trước một vấn đề trong cuộc sống. Bạn nên luyện tập một thói quen: thay vì bắt đầu từ “Why is it worse?” (phản xạ bản năng của não bộ), chuyển sang bắt đầu từ “How is it better?”. Thói quen này sẽ thay đổi cấu trúc não bộ của bạn từ đó thay đổi tư duy (mindset) và cuộc đời bạn, đó gọi là Neuroplasticity.
Đảo một vòng để chúng ta hiểu hơn về giá trị của quyển sách Flow. Trong quyển sách này Mihaly Csikszentmihalyi sẽ hướng dẫn cách chúng ta cần làm để tâm trí đạt trạng thái dòng chảy – trạng thái mà ở đó Thân – Tâm – Trí hòa quyện là một và ở đó con người phát huy tột đỉnh năng lực hiện có của mình (optimal experience). Khi bạn phát huy được năng lực bản thân, nghĩa là bạn cảm nhận sự mãn nguyện, cảm thấy mình sống một cách có ý nghĩa trong cuộc đời này, sống có ích cho người khác, đó là con đường tìm kiếm được hạnh phúc của mỗi chúng ta.
Giống như khi một bác sĩ phẫu thuật tập trung cao độ cho một ca mỗ khó (thay tim trẻ em chẳng hạn), đó là lúc tâm trí đạt trạng thái dòng chảy. Như một nhạc sĩ dương cầm trình diễn một bản sonate dưới ánh trăng trên sân khấu, đó là lúc tâm trí anh ta đạt trạng thái dòng chảy. Như một cô giáo đang tập trung giảng bài cho học sinh trên bục giảng, đó là lúc cô ta đạt trạng thái dòng chảy. Những giây phút đó là những giây phút mà con người chúng ta cảm giác mãn nguyện, ý nghĩa và hạnh phúc nhất.
Một trong những phát hiện mà tôi rất thích của Tâm lý học Hạnh phúc đó là chúng ta sẽ sống thọ và hạnh phúc hơn nếu chúng ta có những mối quan hệ vui vẻ thoải mái, mối quan hệ mà ở đó chúng ta có thể ngồi xuống nói đủ chuyện trên đời, hát những bài hát yêu thích, nhâm nhi chút rượu, tách trà, kể cho nhau nghe những câu chuyện của đời nhau… Chất lượng mối quan hệ chứ không phải là số lượng mối quan hệ quyết đinh đến hạnh phúc của con người.
Xin mời thưởng thức quyển sách và trân trọng cám ơn nhà xuất bản Firstnews đã đưa quyển sách này về gần hơn với nhiều người Việt.
P/S: tôi đang ngồi đây để viết những dòng này, cũng là lúc tâm trí của tôi đạt trạng thái dòng chảy. Hãy mang tri thức mà bạn có cơ duyên phát hiện được, chia sẻ nó ra, đó là lúc bạn cảm nhận được sự hạnh phúc.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *