HUỲNH BẢO TUÂN

HỌC CÁI GÌ ĐỂ KHÔNG BỊ ĐÀO THẢI?

Ngộ nhận về học đại học

Dường như xã hội Việt Nam còn quá nhiều ngộ nhận về việc học đại học, trong khi các trường cũng không màng giải thích, cứ thể mọi thứ mập mờ về bằng cấp để kiếm tiền cho nó dễ chăng.
30 năm trước, đào tạo đại học Việt Nam là đào tạo tinh hoa, nghĩa là một số hữu hạn người nào đó có năng lực học tập vượt trội mới vào được đại học và từ đó trở thành tầng lớp tinh hoa trong xã hội. Cho nên ngày xưa thi đại học là trầy da tróc vẩy, chưa kể ai rớt đại học là đi nghĩa vụ ở Campuchia, nên thi đại học thời đó như đứng trước cửa sống cửa chết vậy. Rất kinh khủng. Nhưng đó là một quan điểm ấu trĩ còn sót lại của các triều đại phong kiến. Rất đáng bị lên án trong xã hội hiện đại.
Đại học ngày nay là mang cơ hội tiếp cận tri thức đến với tất cả mọi người một cách công bằng nhất. Không có bất kỳ ai có đặc quyền đặc lợi gì trong việc tiếp cận tri thức của nhân loại. Và internet đã giúp cho nhân loại này một cuộc cách mạng về tiếp cận tri thức. 40 năm trước, đi Tây học là oai phong lẫm liệt, nữa đời còn lại không cần phải lo gì, quyền chức, bổng lộc tận mây xanh. Nay, đó là chuyện của dĩ vãng, kể cho nhau nghe chơi cho vui, và cũng chả có gì ghê gớm để đem khoe tui học ở Tây về. Internet đã triệt tiêu tất cả niềm kiêu hãnh đó, phá bỏ tất cả các hàng rào do ai đó dựng lên để dành cho mình đặc quyền đặc lợi. Internet đã mang đến sự dân chủ trong học hành hơn bất cứ thời đại nào trong lịch sử của loài người.

Vậy học đại học để làm gì?

Học để biết cách học, học để đứng trên vai người khổng lồ mà đi tiếp, học để có cái vé đi vào cuộc đời. Không phải học cho có cái bằng rồi là có tất cả. Học đại học cũng là một cách để con người đầu tư vào tương lai của mình. Và dĩ nhiên con người có nhiều cách đầu tư khác miễn sao chúng ta sống trong cõi đời này một cách có ý nghĩa và mãn nguyện.
Có học đại học hay không, không sao hết, có vào được trường xịn hay không cũng không sao hết. Nhưng không học gì cả thì chắc chắn chết. Bởi cái đích của việc học là tri thức và dùng tri thức vào cuộc sống này. Một lần nữa internet đã phá bỏ tất cả các nền tảng giáo dục truyền thống, cung cấp một phương tiện cho tiếp cận tri thức một các cá thể hóa chưa từng có trong lịch sử của loài người.
Chưa bao giờ đại học bị thách thức như lúc này. Chưa bao giờ mối quan hệ giữa việc học đại học và tương lai đáp ứng thu nhập kỳ vọng là một mối tương quan yếu như lúc này. Nên, để có một tương lai không bị đào thải ở tuổi 50, chúng ta cần nhớ mấy việc.
Trường đại học là nơi cung cấp những tri thức đã được đúc kết bằng các quá trình nghiên cứu, tổng hợp, và hệ thống hóa từ thực tiễn. Không có cái thứ tri thức nào ở trên trời hết. Tất cả tri thức đều được quy nạp từ sự sinh sống của loài người. Nên bạn cần trường đại học vì đó là con người ngắn nhất, nhanh nhất để có được tri thức của nhân loại này.
Tri thức của trường đại học chưa có đủ để kiếm tiền. Ai cũng học xong đại học là giàu có thì xã hội không còn người nghèo khổ. Vì học đại học là chặn đường dễ nhất trong toàn bộ hành trình trong cuộc đời con người. Kiến thức của đại học là kiến thức chung của nhân loại mà ai cũng học được hết. Ngắn gọn, đại học không đủ cung cấp kiến thức để giúp cho chúng ta tạo sự cạnh tranh khác biệt.
Học ở đâu là quan trọng nhất? Đó chính là học trong tổ chức. Thứ tri thức mà tổ chức có được trong quá trình cạnh tranh và phát triển, đó mới là tri thức quý giá nhất. Cho nên, một trong những cách học hiệu quả và không bao giờ bị đào thải là xắn tay lên lao vào giải quyết các vấn đề cạnh tranh của tổ chức. Tổ chức cho chúng ta bài toán, từ bài toán đó, trong quá trình đi tìm lời giải cho nó, ta sẽ mở rộng tri thức cho mình và đóng góp cho tổ chức.
Tất cả những thứ Gen AI (chat GPT, Gemini…), Data analytics, IoT,…đều là những công nghệ được ra đời để phụng sự cho con người và giúp con người giải quyết bài toán cạnh tranh. Thứ gì giúp chúng ta gia tăng được năng lực cạnh tranh thì thứ đó đáng để học. Vì cho dù xã hội này thay đổi kiểu gì đi nữa, ai mạnh (có năng lực) vẫn là người ở lại với cuộc chơi. Mà muốn mạnh phải hấp thu được những năng lực mới nhanh hơn người khác.

Vài lời cuối

Tổ chức nào cũng cần người làm việc. Tổ chức nào cũng có hàng trăm vấn đề cần giải quyết. Ai là người sẽ không bao giờ bị đào thải. Rất đơn giản, đó là người chịu xắn tay lên, lao vào giải quyết nó một cách toàn tâm toàn ý, luôn xem việc của tổ chức là việc của chính mình, thì đó là người sẽ ở lại và có năng lực vượt trội một cách bền bỉ theo thời gian.
Ai là người sẽ bị đào thải, Xin thưa, là người rất thích có nhiều bằng cấp để được lương cao, nhưng tuyệt đối không muốn giải quyết cái gì thứ gì cho tổ chức hết. Không thấy việc, thấy việc nhưng không thấy nó là của mình, đùn đẩy việc cho người khác, né được thì né, cho nó khỏe, nghĩ chi cho mệt óc. Người như vậy có học thêm một chục cái bằng thì tổ chức nào cũng quỳ lạy mà tiễn, bởi thực chất không có năng lực gì mà tổ chức cần.
Không có cái trường nào dạy bạn nhiều tri thức hơn chính tổ chức mà bạn đang làm, làm ơn xắn tay lên mà giải quyết vấn đề của nó, chính là cách học bền vững nhất.
Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Bốn + ba bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *