HUỲNH BẢO TUÂN

HỌC VÀ LÀM VIỆC ONLINE.

Ngày nay, cách mạng số làm ta ngộ nhận ngồi trước máy tính là có thể “làm chủ cả thế giới”. Công nghệ thông tin phát triển cho chúng ta tiếp cận thông tin nhanh hơn, thậm chí dù chẳng cần tìm, sáng ngủ dậy là tự động thông tin mới đập vào mặt, đi toilet nó cũng đi theo, leo lên giường ngủ nó cũng nằm kế bên…

Thông tin bùng nổ là có lợi hay có hại cho trí não của mỗi người? đó là câu hỏi tầm bậy, dẫn đến câu trả lời tầm phào, từ đó bài xích “thế giới ảo xấu xa”. Chúng ta phải hiểu rằng bản thân phương tiện không có tội, phương tiện là phương tiện còn dùng thế nào cho có ích là việc của con người. Kỹ thuật số không tạo ra cám dỗ, con người tạo ra cám dỗ để dụ nhau nhằm mục đích trục lợi. Cho nên, trang bị kỹ năng làm việc trên môi trường số là cực kỳ quan trọng cho con người ngày nay.
Vậy, làm việc và học hành trên môi trường số cần lưu ý điều gì để cải thiện hiệu quả, hiệu năng và hiệu suất cho chúng ta.
1. Mind Wandering – Tâm trí lang thang.
Là hiện tượng trí não không thể tập trung vào một việc gì. Lúc nghĩ chuyện này, lúc nghĩ chuyện kia rất lộn xộn, mất kiểm soát, từ đó giảm hiệu quả làm việc. Ví dụ: tôi dự định soạn một bài thuyết trình, vừa mở PPT ra thì có tin nhắn zalo, báo có mail tới, thế là tôi phải xem coi ai nhắn cái gì… hậu quả là cả buổi tôi không soạn được slide nào, toàn loay hoay trả lời email, tin nhắn. Deadline thì chồng chất mà suốt ngày tâm trí cứ lang thang không làm được cũng rất dễ làm cho con người ta xì stress.
Mind wandering làm giảm hiệu quả học tập, hiệu suất làm việc kinh khủng, tăng mức độ sai sót trong công việc, từ đó gây ra thiệt hại đôi khi không lường hết được. Hệ sinh thái số càng phong phú, càng gia tăng mind wandering. Thử nghĩ, một nhân viên văn phòng dùng 1/2 thời gian cho shopping, săn deal, chat, vào các group trên mạng hóng chuyện, dành thời gian cho các vấn đề thời sự thị phi “lai trym của chị Hằng, truy tìm Diễm My”…, thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại thế nào. Một công nhân đứng máy, mà các group zalo cá độ bóng đá, số đề, kèo trên kèo dưới…nhấp nháy liên tục thì khả năng tai nạn lao động sẽ tăng rất nhanh.
Có một việc làm tôi rất lo ngại, một nhân viên y tế thường có nhiều group zalo trao đổi thông tin nội bộ và bên ngoài (gia đình, bạn bè). Gần như nó nhấp nháy liên tục ngày đêm. Nhắn nhau, dặn nhau chăm sóc người bệnh cũng có, gửi bệnh cũng có, thị phi trong bệnh viện, rồi cả đến việc xả stress chửi bới sếp, đủ cả…sự thuận tiện mang đến 1 phần, nhưng tác động gây mất tập trung sẽ rất lớn. Mà nhân viên y tế mất tập trung thì dễ xảy ra sai sót y khoa dẫn đến hậu quả thậm chí chết người. Nhầm lẫn, râu ông này cắm càm bà nọ, quên, đầu nghĩ việc này, tay làm việc khác thì rất rất là nguy hại. Không ai thống kê mỗi năm có bao nhiêu cái chết do nhầm lẫn , quên của nhân viên y tế, nhưng nó hiện hữu thường xuyên trong bệnh viện.
Nói thế không có nghĩa mind wandering là luôn tai hại. Tùy vào đặc điểm ngành nghề của chúng ta. Có ngành nghề cần sự cẩn trọng, tin cậy, chính xác. Nhưng cũng có ngành nghề đòi hỏi sự bay bổng, bâng quơ, lộn xộn để bật ra ý tưởng mới khác lạ. Những nhà biên kịch, nhà văn, nhà thơ, kiến trúc sư, nhà thiết kế đồ họa…những ngành nghệ thuộc lĩnh vực công nghiệp sáng tạo lại rất cần mind wandering!
Cho nên, nơi đâu cần phải “cắt kết nối”, nơi đầu cần phải được kết nối thường xuyên. Đó là sự vận dụng linh hoạt mà một giám đốc nhân sự cần phải thuyết phục nhân viên mình. Cá nhân tôi khuyên các anh chị NVYT đừng lạm dụng các group zalo trong công việc và các bệnh viện cần thể chế hóa các nhóm zalo này. Nghĩa là nó cần được quy định việc sử dụng nhằm mục đích hỗ trợ công việc như thế nào. Khi nhân viên y tế bước vào ca trực, ca mổ, ca hội chẩn, vào phòng lab, quầy phát thuốc,…(nhân viên vừa soạn thuốc vừa lướt FB thì tôi chắc rằng BV sẽ phải đi quỳ lạy xin lỗi) tốt nhất nên ngắt kết nối, chỉ nên giữ lại liên lạc điện thoại truyền thống.
2. Gia tăng nơron cho Google Brain, làm suy giảm nơron của chính mình.
Ngày xưa đi học, khi nghe một câu hỏi của thầy, suy nghĩ nát óc, thậm chí có khi nghĩ mấy ngày không ra. Nhiều người trách thầy ác. Nhưng thật sự thầy mới là người ơn cho đời ta, vì nhờ câu hỏi của thầy mà não ta gia tăng được vài trăm triệu kết nối. Ai cũng biết, suy nghĩ sẽ giúp gia tăng kết nối nơron cho não bộ từ đó giúp phát triển vô hạn trí tuệ con người. Suy nghĩ thường rất mệt, tốn nhiều năng lượng, chẳng vui sướng thoải mái như xem film, nghe nhạc, chơi game. Phàm là người không ai hoãn được cái sự sung sướng.
Ngày nay đi học, thầy hỏi gì, chả cần phải nghĩ, lên GG hỏi cho nó nhanh. Chúng ta cần hỏi GG, bộ não GG càng lớn mạnh, càng thông minh hơn, và càng thống trị ta nhiều hơn. Hệ thống AI của GG rất khoái chúng ta hỏi, vì câu hỏi của chúng ta chính là nhiên liệu cho cỗ máy Machine learning vận hành ngày càng hiệu quả hơn. Nhưng càng hỏi GG, não ta càng teo lại vì không phải suy nghĩ thì lấy gì có kết nối nơron để mà gia tăng chất xám cho não bộ. Các nghiên cứu về khoa học thần kinh não bộ đã cho thấy một sự khác biệt rất rõ ràng quá trình hình thành kết nối nơron giữa 2 nhóm thực hành brainstorming có sự trợ giúp của GG và không có sự trợ giúp.
Đây chính là vấn đề nghiêm trọng cho các cấp học nhỏ trong bối cảnh Covid hiện nay. Quan sát các đứa trẻ học online, tôi thực sự rất lo lắng, khi các đứa trẻ sử dụng thành thạo các công cụ của GG. Thầy cô hỏi là trả lời được ngay. Nhưng bộ não các đứa trẻ này không nở ra chút nào, đó chẳng qua là một quá trình transferring hời hợt thông tin từ GG qua lỗ tai cô giáo.
Không chỉ là cấp học phổ thông, sinh viên đại học cũng vậy, khi tôi đưa ra một tình huống thảo luận, điều làm tôi oải chè đậu nhất các bạn bê nguyên trên GG đọc lại để trả lời tôi. Còn các bài tập cá nhân, bài tập nhóm thì càng kinh khủng hơn. Có lẽ cái bàn phím của sinh viên, học hết 4 năm đại học, phím Ctrl-C, Ctrl-V là mòn nhiều nhất. Thật sự với một giảng viên đại học có làm nghiên cứu, câu trả lời sinh viên nói ra bằng ngôn ngữ suy nghĩ của người mới tiếp nhận tri thức, và những câu viết ra từ copywriter làm ad words trên GG, không khó để phân biệt. Cái mà tôi muốn nghe chính là những gì bạn nghĩ, chứ không phải những gì ai đó viết ra câu view trên internet. Môi trường internet tràn đầy kiến thức, nhưng các bạn không đủ khả năng sàng lọc đâu là kiến thức chuẩn tắc, đâu là cảm nghĩ cá nhân, đâu là viết ra để câu view câu like. Chỉ những chuyên gia sâu trong ngành, lĩnh vực mới đủ khả năng sàng lọc nó. Nên, với một sinh viên đại học, tra cứu tham khảo trên internet phải được thầy cô xác nhận nguồn gốc tin cậy. Một tiểu luận, luận văn có trích dẫn từ nguồn không rõ trên internet coi như là không có giá trị.
Một lời khuyên chân thành. Khi bạn gặp một vấn đề hóc búa (câu hỏi khó, vấn đề khó…) Đừng bắt đầu bằng câu hỏi cho GG. Nó sẽ làm bạn lệ thuộc GG và suy nghĩ của bạn bị dẫn dắt bởi ai đó, tự bạn đóng khung tư duy bạn thành tư duy người khác, rất dở. Hãy suy nghĩ trước và tìm câu trả lời trước. Phải cố gắng kềm chế! Sau đó chúng ta thử dùng GG để kiểm chứng lại. Nếu có quá nhiều khác biệt với mình nghĩ, đừng có lo lắng, biết đâu đó lại là chuyện đáng mừng. Thế giới này mong đợi người nghĩ khác các bạn ạ. Ngược lại, thấy quá xá giống mình nghĩ, nên nghĩ thêm để tìm cái gì đó khác đám đông suy nghĩ. Vì nghĩ giống người ta nghĩ chỉ mới là đám đông, chưa thể vượt ra khỏi đám đông.
3. Tương tác xã hội (social interaction) trong môi trường online, thành phần cảm xúc (emotion) bị vô hiệu hóa và để lại nhiều hậu quả chưa có cách khắc phục.
Cảm xúc là nguồn cội của động lực, sáng tạo và ký ức. Có sự lo lắng (lo hết tiền, hết gạo…), có sự cảm thông (thấy cha mẹ vất vả, vợ chồng vất vả…) thì chúng ta mới có động lực làm việc. Có sự thấu cảm, thấu hiểu thì mới có sự sáng tạo mang đến nhiều lợi ích hơn cho con người (xót thương nhiều người bệnh tật chết nên phát minh ra thuốc, phương pháp điều trị mới…). Có trải nghiệm vui buồn ghét giận thì mới có ký ức cho cuộc đời con người (mối tình đầu không phai…). Thử nghĩ đời ai đó mà không có ký ức thì khác nào bị chết não. Tuy nhiên, để sử dụng được cảm xúc như là một nguồn lực, một chất xúc tác cho năng lượng làm việc của con người chúng ta cần phải luyện tập để nâng cao trí thông minh cảm xúc.
Trí thông minh cảm xúc là khả năng nhận biết cảm xúc của mình, kiểm soát nó và nhận biết cảm xúc của người khác, và ảnh hưởng lên cảm xúc của người khác. Rất nhiều người hiểu sai khái niệm trí thông minh cảm xúc, thường quy kết cảm xúc với những điều tiêu cực trong cuộc sống như sự giận dữ, sự đả kích và sự buồn bã lo âu. Mỗi người chúng ta sống trong mối tương tác xã hội, chúng ta cần có cảm xúc, chúng ta cần biết vui, biết buồn, biết giận, biết sợ, biết lo…nhưng chúng ta đừng để nó dẫn dắt chúng ta đến với những hành vi mất kiểm soát. Một người mất hết cảm xúc, hoặc lệch lạc cảm xúc mới là bệnh tật đáng lo ngại. Các tội phạm giết người hàng loạt thường cảm thấy kích thích khi cắt cổ ai đó. Nếu bạn nhìn ai đó chết mà trong lòng không lo lắng gì. Đó là não bạn đạng bệnh rồi đấy. Nhưng từ sợ đến hành vi bấn loạn là một khoảng cách cần luyện tập cho trí não. Chúng ta biết sợ, nhưng chúng ta không được bấn loạn, vì bấn loạn không giúp chúng ta giải quyết bất cứ thứ gì.
Sự đồng cảm, thấu cảm sẽ đến khi bạn nhận biết được cảm xúc của ai đó và hiểu được vì sao họ có cảm xúc như vậy. Khi bạn đồng cảm và thấu cảm được với ai đó thì bạn mới có khả năng ảnh hưởng đến người đó.
Vấn đề nghiêm trọng hiện nay khi tương tác online là cảm xúc bị triệt tiêu. Bởi cảm xúc được cảm nhận bởi 5 giác quan chứ không đơn thuần chỉ là nhìn và nghe. Làm việc online không thể có ánh mắt cảm thông, động viên. Làm việc online không thể có cái vỗ vai tin cậy. Làm việc online không thể có cái mùi cơ thể để níu nhau bàn bạc thâu đêm…Tương tự như vậy khi đến lớp học. Giọt mồ hôi của người thầy là ký ức của học trò. Cãi nhau đỏ mặt tía tai vì những ý nghĩ khác biệt là chất xúc tác cho học hành, tìm tòi tri thức. Cái đập bàn của ông thầy nóng tính mới là động lực mạnh mẽ cho sự chuẩn bị bài thuyết trình chu đáo…tất cả những thứ đó, không có được trong môi trường online.
Hiện nay chưa có một nền tảng học tập, làm việc online nào khắc phục được chuyện này, và đó là lý do vì sao Metaverse ra đời. Nền tảng này hy vọng có thể truyền tải được thực hơn sự tương tác giữa người với người, trao gởi trọn vẹn hơn cảm xúc gữa người với người. Từ đó không làm mất đi vốn quý giá của con người đó là cảm xúc (emotional capital – xin lưu ý kinh tế học đã xác nhận cảm xúc là một loại vốn, như vốn xã hội social capital của con người).
>>> Vài lời cuối.
Học online vẫn còn nhiều thách thức. Nó vẫn chưa phù hợp với lứa tuổi phổ thông trở xuống (<18), vì lứa tuổi này cần nhiều sự nuôi dưỡng cảm xúc của người thầy/cô, cũng như sự tự giác chưa được rèn luyện đủ. Đặc biệt là chưa đủ sức chiến đấu với các cám dỗ của đội quân kiếm tiền bằng cách bán sự sung sướng thỏa mãn. Rất mong ngành giáo dục hiểu rõ điều này. Học online chỉ phù hợp cho các cấp học cao hơn như đại học, cao học hay học nâng cao chuyên đề ngắn sau khi ra trường đi làm.
Riêng làm việc online cũng chỉ phù hợp với các nhóm công việc mang tính chất ổn định, đơn giản đã có sẵn quy trình, mang tính các tác vụ mang tính chất tracking và routine. Các cấp độ giải quyết vấn đề phức tạp mang tính chiến lược vẫn cần được tương tác trực tiếp hơn là ngồi trước máy tính nhìn nhau qua màn hình.
Bài viết này được viết ra khi bất ngờ nhận được email mời tham gia dự án Metaverse từ FB để phát triển một vài nền tảng virtual reality (VR) cho học tập và làm việc online (một tác động bất chợt của mind wandering). Tiếc là mình không có thời gian nên đã từ chối, vì còn nhiều việc làm chưa xong. Cũng rất muốn biết FB sẽ giải quyết các vấn đề thách thức nêu trên bằng cách nào.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1 + 1 bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *