HUỲNH BẢO TUÂN

HỌC VĂN VÀ HỌC VĂN Ở VIỆT NAM

Lợi ích của học Văn đã có quá nhiều bàn luận trên toàn thế giới: nâng khả năng lập luận, rèn luyện tư duy phản biện, suy nghĩ sáng tạo, tăng khả năng sử dụng ngôn ngữ, nuôi dưỡng tâm trí nhân văn, rèn luyện khả năng đọc…Tuy nhiên, là người làm về vận hành, thói quen tư duy của tôi làm nhìn vào cách làm thực tế chứ không nhìn vào những gì ta mơ ước.
Học văn là nuôi dưỡng tư duy chứ không phải là khuôn mẫu hóa tư duy. Tư duy con người rất đa dạng, rất phóng khoáng, rất cần sự khác biệt, nghĩa là mục tiêu đo lường của việc học văn là con người ta có nghĩ khác nhau không chứ không phải là bắt con người nghĩ y chang nhau.
Khi tôi đi dạy quản lý, mỗi lần cho học viên thảo luận, tôi thường yêu cầu một nguyên tắc, người phát biểu sau không được nói trùng ý người đã nói trước. Nghĩa là ai đã nói cái gì rồi thì phải anh tìm cách nghĩ thêm điều gì đó mới mẻ để nói, không được ăn theo nói leo. Tại sao lại như vậy? Vì làm kinh doanh rất rất cần tư duy khác biệt, bắt chước và bắt chước không phân tích (không biết tại sao người ta làm như vậy) là con đường tự sát của người làm kinh doanh.
Trở lại chuyện học văn, nếu đúng nghĩa là học để phát triển tư duy con người thì làm sao chấm điểm! Bởi vì khi đó vai trò của ông thầy chấm điểm rất quan trọng, ông thầy sẽ dựa trên sự đánh giá của mình mà cho điểm và ông thầy có toàn quyền làm việc đó. Tiếc rằng, giáo dục VN ngày nay không còn tin và không còn có thể tin vào ông thầy nữa. Nên buộc người ta phải ra Barem chấm điểm cho môn văn, mà barem nghĩa là khuôn mẫu, nghĩa là cái gì là đúng, cái gì là sai, cái gì là có điểm, cái gì là không có điểm được định nghĩa một cách tường minh. Ai chấm sai barem hổng chừng bị bỏ tù.
Giảng dạy và chấm điểm đơn giản là đúng barem mà làm tới chả cần làm mới, chả cần sáng tạo gì cho nó mệt. Thầy giáo cũng như học trò cứ việc xúm nhau mà học thuộc barem. Đó chính là lý do vì sao, nghề giáo VN là nghề mà tương lai có khả năng bị thay thế bởi AI nhiều nhất. Bởi con người không thể có trí nhớ tốt như cái máy được.
Có một trường đại học lớn lên báo khoe rằng họ đã chuẩn hóa bài giảng, clip giảng điện tử và đưa cho hàng ngàn sinh viên học y chang như nhau. Tôi thật sự hết sức quan ngại rằng đây không phải là một sự đổi mới phương pháp giảng dạy tốt mà coi chừng là một sự bắt chước tai hại, có thể đó là con đường tận diệt sự sáng tạo của người thầy. Xin nhắc nhở ai đó rằng, rất nhiều ý tưởng mới về khoa học xuất hiện trong quá trình ông thầy tư duy giảng dạy trên bục giảng, quá trình tương tác với sinh viên, thậm chí là quá trình “bị truy bí”. Mỗi buỗi giảng với ông thầy, không buổi nào giống buổi nào mới là thành công. Ông thầy có một bài giảng đi hát quanh năm suốt tháng, tôi thật sự khuyên các anh chị tránh xa mấy ông thầy đó. Bật cái clip lên coi, hổng chừng hữu ích hơn.
Khi nào học văn thực sự là một sự khai phóng tư duy con người, người thầy được tin tưởng và trao quyền thực sự, và văn hóa học hành của VN không chạy theo điểm số và thành tích thì may ra chúng ta mới có được một sự tương quan nhân quả giữa học giỏi văn và tư duy tốt. Còn không thì coi chừng ngược lại! điểm văn cao là học thuộc lòng tốt, là làm theo khuôn mẫu, là ngoan ngoãn gạo bài, là tuân thủ theo từng bước mà barem đã vạch ra, là đừng có nghĩ cái gì khác hết cho nó lành. Xã hội sẽ thịnh vượng hơn nếu chúng ta đào tạo ra nhiều người như vậy chăng? Ngành y sẽ có nhiều bác sĩ có năng lực y khoa hơn với những người như vậy chăng? Doanh nghiệp sẽ có nhiều người có năng lực kinh doanh có khả năng cạnh tranh với nước ngoài với những người như vậy hơn chăng?
Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *