HUỲNH BẢO TUÂN

VĂN HÓA ĐỔI MỚI (INNOVATIVE CULTURE)

Vào những dịp gần cuối năm tôi hay nhận được câu hỏi của các bạn đang làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia: “thầy ơi có gì mới (về quản trị) không để em đưa vào kế hoạch năm”. Làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia, tiếp nhận cái mới là một điều hiển nhiên, thậm chí ai không được vào danh sách học cái mới thì cảm thấy hơi buồn và hơi lo.

Thay đổi tư duy, đón nhận cái mới

Tốc độ kinh doanh ngày càng kinh khủng, nên không ai có thể đứng yên. Cách đây hơn 10 năm, Samsung lần đầu tiên mời giám đốc Marketing của một hãng thời trang về làm giám đốc Marketing cho hãng đã tạo ra nhiều ngạc nhiên trong ngành. Giám đốc marketing ngành thời trang làm được cho ngành công nghệ sao? CEO Samsung khi đó đã trấn an cổ đông, sản phẩm công nghệ không khác gì sản phẩm thời trang, mỗi năm phải ra một mẫu mới so với ba năm như trước đây, nên chúng tôi cần người có cách nghĩ khác để chỉ cho chúng tôi cách làm khác thoát khỏi lối mòn của các nhà công nghệ.

Dẫn dắt một phần sự đổi mới sáng tạo của Samsung bởi một nhà thời trang, nghe cứ như là chuyện viễn tưởng về quản trị, bởi các đội nghiên cứu và phát triển của Samsung là các chuyên gia hàng đầu về công nghệ, giáo sư tiến sĩ, viện sĩ, đỉnh đỉnh đại danh, cây đa cây đề…kiểu gì cũng có, đều phải ngồi lại để nghe “đứa thời trang chả biết gì về công nghệ” dẫn dắt phải làm gì. Thông thường các ngành nghề khác nhau đều xem ngành khác, nghề khác với mình là chẳng biết cái quái gì!

Nghe rất đơn giản, nhưng tất cả là kỳ tích về quản trị. Kỳ tích thứ nhất là Samsung đã tạo được văn hóa phối hợp đa ngành, cùng một vấn đề nhưng khi được nhìn từ nhiều ngành khác nhau sẽ tạo ra cách nhìn mới, cách làm mới và phát hiện ra nhiều hướng mới. Kỳ tích thứ hai là họ đã thay đổi được tất cả con người trong Samsung, bất kể là ai cũng đều chịu khó lắng nghe và tìm hiểu cái mới. Kỳ tích thứ ba là tốc độ và sự tinh gọn trong quy trình làm việc, nếu ai đã làm trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mới đều biết, để phát triển một sản phẩm mới, khối lượng công việc là rất lớn, nhưng họ đã làm gọn gàng trong một thời gian kỷ lục.

Văn hóa đổi mới: Thách thức và cơ hội

Tập đoàn đa quốc gia là sách giáo khoa về quản trị, họ có được sự phát triển toàn cầu không phải do ăn may, do thời cuộc hay do có thế lực chính trị thân hữu nào đó yểm trợ, tất cả là do năng lực, do tài trí mà có được. Họ càng ở những tầng rất cao và rất xa về quản trị, họ càng thấu hiểu rằng học cái mới là một điều hiển nhiên, bất kể cái mới đó đến từ đâu miễn là giúp họ giải quyết được những bài toán cạnh tranh, bài toán kinh doanh mà họ đang đối điện, tất cả đều được lắng nghe một cách trọng thị. Với các tập đoàn đến từ các quốc gia Đông Á, đều đó càng là những kỳ tích.

Các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, Đài Loan là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Nho giáo, nghĩa là trong văn hóa của họ rất nặng nề kẻ dưới – bề trên, chiếu dưới – chiếu trên, tầng lớp tinh hoa khác chiếu khác mâm này nọ, đã ăn rất sâu vào văn hóa giao tiếp hay văn hóa ứng xử trong công việc. Gọi là kỳ tích là bởi, để phát triển được, họ đã phải nỗ lực rất lớn trong việc lột xác, tháo gỡ các rào cản văn hóa này để tạo ra một môi trường quản trị minh bạch, không còn tầng nấc trong trao đổi thông tin, trao đổi ý tưởng và dung nạp cái mới. Bất kể cái mới đến từ đâu miễn là giúp giải được bài toán kinh doanh, bài toán cạnh tranh đều được xem trọng và ưu tiên không phải là hô hào sáo rỗng mà luôn được thực thi.

Kinh doanh ngày nay bất cứ thứ gì cũng có thể tạo ra cái mới. Từ những chuyện rất cũ, những vấn đề rất cũ như đi xe ôm, ăn tô bún riêu cũng có thể có được giải pháp đi xe ôm mới, cách ăn bún riêu mới. Cho đến những vấn đề mới cần giải pháp mới như cách học mới ra sao để trí tuệ con người không bị trí tuệ của máy móc đào thải, hay chơi trên trái đất này quá chán rồi, thử một lần làm Hằng Nga-Chú Cụi chơi trên cung trăng coi thử ra sao. Cuộc sống luôn tạo ra rất nhiều bài toán mới có cơ hội “hái ra tiền” cho ai tìm ra được lời giải.

Học hỏi và thích nghi: Bí quyết tồn tại trong thời đại mới

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà rất nhiều người ngồi đâu đó ủ mưu tìm được cái gì đó mới sao cho lật đổ được cái cũ để đổi đời (start-up social). Nó cuốn chúng ta vào một cuộc sống mà mỗi ngày mở mắt ra là đi tìm cái mới, mỗi đêm trước khi ngủ kiểm điểm lại xem mình đã tiếp xúc được cái mới gì chưa. Một cuộc sống vô cùng áp lực, vô cùng xì – trét nếu trong tâm trí chúng ta chứa đựng sự phản kháng, xù lông nhím với cái mới. Để tồn tại được, không cách nào khác, chúng ta phải tập thích ứng, tập yêu cái mới, xem cái mới là hiển nhiên và luôn trong tâm thế phải tiếp nhận cái mới, thậm chí là phải nhanh hơn người khác.

Sẽ không có chuyện một tổ chức kinh doanh nào không tạo ra được cái mới gì cả mà có thể tồn tại được. Hãy quên đi giấc mơ kiếm tiền đều đặn mà không cần làm điều gì đó mới mẻ. Sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, khai phá thị trường mới, thay đổi quy trình kinh doanh mới,…tất cả mới, mới, mới sẽ liên tục diễn ra trong bất kỳ tổ chức nào nếu muốn phát triển. Để làm được chuyện đó, thay đổi văn hóa, thay đổi quy trình quản trị, thay đổi cấu trúc tổ chức, thay đổi cách chúng ta trao đổi thông tin, chia sẻ tri thức, thay đổi chính sách, thay đổi quy chế, thay đổi quy định … và quan trọng nhất là người lãnh đạo phải thay đổi chính bản thân của mình trước.

Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo để có được một tổ chức mà ở đó con người xem cái chuyện học cái mới, nghe cái mới, tiếp cận theo hướng mới, tiếp nhận hướng đi mới,…là một gì đó hiển nhiên như hơi thở. Và đó chính là nhiệm vụ quan trọng của một nhà lãnh đạo ngày nay.

Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1 + 1 bằng mấy?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *