HUỲNH BẢO TUÂN

JCI (JOINT COMMISSION INTERNATIONAL) – WHY AND HOW?

WHY?

Người bệnh (khách hàng) không đủ thông tin và kiến thức để đánh giá chất lượng và sự an toàn của một bệnh viện. Nên họ cần một bên thứ ba có uy tín, có năng lực, có hiểu biết sâu sắc đứng ra để cho họ biết một bệnh viện có đạt được một số chuẩn mực nào đó trong hệ thống quản trị, cơ sở vật chất, quy trình vận hành, tiêu chuẩn thực hành của bác sĩ…để từ đó cũng cố cho niềm tin và quyết định lựa chọn của họ.

Các định chế bảo hiểm trong một xã hội đóng vai trò quan trọng để giải quyết bài toán tài chính y tế. Bất cứ ai cũng muốn giảm thiểu rủi ro bệnh tật, để không làm mất đi khối tài sản mà mình dày công xây dựng và muốn để lại cho con cái. Do vậy, song song với dịch vụ y tế, các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến y tế là một thị trường có giá trị hàng ngàn tỷ USD trên toàn cầu, và ngày càng lớn hơn vì cho phí cho y tế ngày càng tăng cao.

Quá trình cạnh tranh làm cho công ty bảo hiểm càng ngày càng chuyên nghiệp hơn trong việc thẩm định chất lượng và an toàn của một bệnh viện. Vì chỉ có bệnh viện có chất lượng và có sự an toàn thì mới làm cho phần chi trả bảo hiểm của họ được thấp nhất mà vẫn mang lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh. Không khó để tìm kiếm các chứng cứ về kinh tế y tế cho thấy một quá trình điều trị kém an toàn sẽ gia tăng chi phí cho bệnh nhân, bệnh viện và xã hội như thế nào. Thế nên, chính các công ty bảo hiểm mới là cơ chế tốt để thúc đẩy các nỗ lực làm cho bệnh viện an toàn hơn chứ không phải là tuyên truyền đạo đức y khoa.

Đó là lý do vì sao thế giới này cần các tổ chức độc lập xây dựng các tiêu chí đánh giá dựa trên các chứng cứ khoa học, và có một đội ngũ chuyên gia đủ năng lực, đủ sự chuyên nghiệp để có thể thẩm định một hệ thống y tế hoạt động đạt được những mức độ nào đó trong các tiêu chí đã được xem xét kỹ lưỡng khi đưa ra.

Thế giới có rất nhiều hệ thống các tiêu chuẩn được xây dựng phục vụ cho việc này. Đồng thời mỗi quốc gia cũng có xây dựng bộ tiêu chuẩn cho phù hợp bối cảnh năng lực và trình độ quản trị của các quốc gia đó. Việt Nam có 83 tiêu chí, và có JCI, ACHSI…và sẽ có thêm nhiều hệ thống nữa. Vậy một bệnh viện dựa trên tiêu chí gì để lựa chọn một bộ tiêu chuẩn cho bệnh viện mình? Đây là một câu hỏi thuộc về sự lựa chọn chiến lược của bệnh viện. Có thể gợi ý một vài tiêu chí sau:

– Đối tượng khách hàng mục tiêu mà bệnh viện nhắm tới: nội địa, nước ngoài, y tế du lịch…

– Mức độ nhận biết của khách hàng với hệ thống tiêu chuẩn

– Mức độ uy tín với các công ty bảo hiểm

– Chứng cứ khoa học mà các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của hệ thống vận dụng

– Ngân sách đầu tư và khả năng thu hồi vốn

Mỗi hệ thống tiêu chuẩn sẽ phù hợp với mỗi bối cảnh chiến lược của một bệnh viện. Nghĩa là chúng ta nên xem việc áp dụng hệ thống nào là một giải pháp cho chiến lược chứ không phải là làm theo phong trào nghe người này nói, nghe người kia nói. Hay dựa trên phán xét cảm tính, thích thì khen, ghét thì chê.

Đến thời điểm này, JCI là hệ thống mà hầu hết các bệnh viện của Mỹ áp dụng, thậm chí bệnh viện nào không có JCI coi chừng phá sản, là hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và an toàn người bệnh toàn diện nhất; xây dựng dựa trên chứng cứ khoa học tốt nhất; được sự nhận diện của xã hội nhiều nhất và được các công ty bảo hiểm “khuyên dùng”. Đương nhiên, xã hội sẽ tốt hơn nếu có bộ tiêu chuẩn nào đó chứng tỏ được họ tốt hơn JCI! Có cạnh tranh thì mới có tiến bộ.

HOW?

Khi triển khai một hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, chúng ta cần nhận thức rằng, bản chất là một quá trình tái cấu trúc và kiện toàn hệ thống vận hành. Các bệnh viện trong quá trình phát triển vừa chạy vừa xếp hàng với thể chế đã để lại rất nhiều lỗ hổng của hệ thống quản trị: thiếu quy trình, phác đồ, thiếu đo lường đánh giá, thiếu cải tiến, thiếu các hoạt động ngăn chặn rủi ro nguy cơ,…

Công việc hàng ngày cuốn các nhà quản lý vào xử lý sự vụ rất nhiều, việc xây dựng hệ thống quản lý luôn bị trì hoãn. Hệ thống càng vận hành một cách tùy tiện do thiếu tiêu chuẩn, thiếu quy trình, càng làm cho phát sinh sự vụ cần giải quyết nhiều hơn, càng cuốn lãnh đạo đốt thời gian vào gỡ rối cho hệ thống nhiều hơn. Cái vòng lẫn quẫn đó càng kéo dài càng làm cho tổ chức suy yếu. Thậm chí ở những tổ chức mà đội ngũ nhân sự rất giỏi nhưng vẫn bùng nổ một khối lượng công việc rất lớn cần lãnh đạo ngồi để gỡ rối.

JCI chính là một công cụ, một sức ép hiệu quả cho chuẩn hóa, cũng cố hệ thống vận hành. Làm JCI là một quá trình tái cấu trúc, lột xác cho tổ chức của mình, nâng hệ thống quản trị lên một tầm cao mới để phát triển vươn xa hơn, không chỉ loay hoay với ao làng, mà còn “có vai vế” hơn trong các hợp tác quốc tế. Các đối tác tốt luôn có nhiều lựa chọn, và đương nhiên họ sẽ chọn nơi nào chuyên nghiệp hơn, và JCI chính là cái vé thông hành minh chứng cho sự chuyên nghiệp.

Triển khai JCI, như tôi thường hay nói vui với các anh chị lãnh đạo chủ chốt, giống như làm Tiến sĩ. Có người làm 2-3 năm xong, có người làm 10 năm không xong. Đó không phải do năng lực trí tuệ yếu kém, mà do mức độ tập trung và ưu tiên của chúng ta. Cả bệnh viện như đi thi, tập trung quyết liệt làm 2 năm cho xong, dành mọi ưu tiên cho nó, tập trung và tập trung. Bàn ra, bàn tới bàn lui, kiếm lý do để trì hoãn, lưỡng lự, chần chừ, nản lòng, mệt mỏi…không có chỗ cho quá trình triển khai JCI.

Năng lực con người sẽ được mở rộng nếu được đặt vào một sức ép hợp lý, ngược lại nuông chiều sự dễ dãi là cách tốt nhất để hủy diệt năng lực của hệ thống. Ban đầu, khi chưa biết nó là gì và làm thế nào, thường mọi người sẽ hoang mang và lo lắng. Biểu hiện của sự lo lắng là “bàn ra” và “bàn lùi”. Sức ỳ của con người luôn làm cho hệ thống “giữ nguyên trạng thái hiện nay” và “không làm gì mới” và đó là con đường hủy diệt của mọi tổ chức. Muốn làm thì tìm cách, không muốn làm tìm lý do. Và đương nhiên tìm lý do sẽ dễ hơn rất nhiều so với tìm cách.

Lộ trình triển khai bất cứ hệ thống tiêu chuẩn nào cũng bắt đầu bằng huấn luyện đào tạo, phương pháp làm việc và công cụ để làm cho nhanh và hiệu quả. Khi đã được tập huấn và hướng dẫn, mọi việc sẽ được khai thông. Khi đã hiểu và biết được cách làm thì mọi người sẽ không còn ta thán hay bàn ra, bàn lùi nữa. Việc còn lại làm lên kế hoạch để mỗi người một việc triển khai rồi ráp lại cho đúng và khớp. Không ai làm cái gì một mình. Việc càng phức tạp càng cần được chia nhỏ để mọi người cùng làm. Do đó, vai trò then chốt của phòng Quản lý chất lượng bệnh viện lúc này là vai trò điều phối, kết nối và thúc đẩy các công việc chạy kịp tiến độ.

Chi phí triển khai JCI thường được bận tâm nhiều. Nó có ba nhóm chi phí

– (1) Chi phí cho thẩm định đánh giá của tổ chức JCI: chi phí này phụ thuộc vào quy mô của bệnh viện và có parem rõ ràng minh bạch.

– (2) Chi phí cho tư vấn: hiện nay tại VN đã có một mạng lưới chuyên gia tư vấn có nhiều kinh nghiệm và cung cấp các dịch vụ tư vấn với chi phí hợp lý cho bệnh viện.

– (3) Chi phí cho cải tạo hạ tầng và chi phí bồi dưỡng cho nhân viên để làm. Bản chất chi phí này là chi cho nhân viên mình (nâng cao năng lực), cho bệnh viện mình (cải tạo hạ tầng). Có JCI hay không thì chi phí này cũng phải chi, nên nó không nên được xem là chi phí làm JCI. Mà thậm chí nên xem là có JCI để có lý do để chi cho đúng chỗ!

Cho nên nếu chỉ nhìn vào nhóm chi phí (1) và (2) thì JCI vô cùng rẻ và là khoản đầu tư có ROI (Return on Investment) >> 10. Nghĩa là bỏ ra 1 đồng thu lại hơn 10 đồng là cái chắc, thu hồi vốn cực nhanh, một khoản đầu tư vô cùng hiệu quả cho các bệnh viện. Ngoài thước đo về tài chính, còn danh tiếng niềm tin, uy tín xã hội, uy tín với đối tác, sự tự hào của nhân viên,…những thứ này rất lớn và khó đo lường.

Vài lời cuối

Bất kỳ một bệnh viện nào ở VN cũng có thể làm được JCI nếu trả lời tường tận được câu hỏi Why. Nghĩa là đó có phải là giải pháp chiến lược cho sự phát triển của bệnh viện chúng ta không. Trả lời và thông suốt được câu hỏi Why ở tầng quản lý chủ chốt sẽ là động lực để mọi bệnh viện làm được tất cả mọi việc. Năng lực của con người sẽ không có giới hạn nếu chúng ta cùng nhau hiểu rõ được tại sao chúng ta phải làm điều gì đó, đặc biệt là với bối cảnh của bệnh viện, một môi trường của tri thức. Kiến thức y khoa còn học được thì không có cái thứ kiến thức gì trên trái đất này làm khó được người ngành y!

Khi chiến lược đã vạch ra cần phải làm JCI thì triển khai nó là một phép thử về năng lực quản trị. Kỹ năng quản lý dự án, sự cam kết, sự tập trung và sự quyết tâm của người lãnh đạo là yếu tố then chốt để triển khai JCI thành công ngay lần đầu tiên và đúng tiến độ, không phát sinh nhiều chi phí ngoài dự toán.

Một lời khuyên của tôi là các bệnh viện chuyên khoa (mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt…) , công lẫn tư, nên lên kế hoạch làm JCI. Vì các bệnh viện chuyên khoa không quá phức tạp về quy trình vận hành, đặc biệt là hệ thống phác đồ điều trị đơn giản hơn bệnh viện đa khoa. Ngoài ra, bệnh viện thiêng về nội khoa càng dễ làm JCI hơn là bệnh viện đặt trọng tâm là ngoại khoa. Và tôi nghĩ 1/3 các bệnh viện VN (công, tư) có chứng nhận JCI cũng không có gì là ngoài sức tưởng tượng, nó hoàn toàn nằm trong tầm tay. Vấn đề nằm ở câu hỏi cốt lõi “Tại sao chúng ta cần phải đạt chứng nhận JCI”.

Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1 + 1 bằng mấy?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *