HUỲNH BẢO TUÂN

KHOA HỌC THẦN KINH VỀ TÌNH YÊU (The Neuroscience of Love)

>>> Từ gặp gỡ đến tơ tưởng vấn vương và nhớ nhung da diết
Mỗi ngày chúng ta tiếp xúc từ vài người đến vài chục người khác giới, nhưng tại sao có những sự tiếp xúc lại mang đến cho chúng ta một vài nhớ nhung. Rồi đột nhiên một ngày nào đó gặp ai đó, ta không chỉ nhớ nhung một chút rồi thôi mà còn nhớ một cách da diết, nhớ đến mức chịu không nỗi phải làm một cái gì đó để giải tỏa sự nhớ nhung này. Phật giáo giải thích hiện tượng này là “tình duyên” hoặc “duyên tiền kiếp”, nghe có vẻ hơi duy tâm một chút, cứ như kiếp trước thiếu nợ người ta, kiếp này kéo tới đòi, nên mới có từ “duyện nợ”.
Ở góc độ của khoa học thần kinh não bộ, mỗi người chúng ta sinh ra và lớn lên có 3 tầng ký ức: ký ức tạm thời (sensory memory), ký ức đang được sắp xếp để cất giữ (short-term memory), và ký ức không thể nào quên được (long-term memory). Tương ứng với các hoạt động ký ức đó là sự phối hợp làm việc của nhiều vùng chức năng não khác nhau, nhưng vùng não limbic – vùng não cảm xúc đóng vai trò quan trọng nhất. Bộ não ghi nhớ chuyện gì đó thông qua nguyên lý tạo ra một mạng lưới liên kết các nơron có chủ đích, nghĩa là sự liên kết được thực hiện bởi các quá trình phóng thích các chất dẫn truyền thần kinh nào đó, mà vùng não limbic lại đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các chất dẫn truyền này.
Đơn giản một chút. Từ nhỏ đến lớn mỗi người trong não điều có lưu giữ những mẫu hình (pattern) của sự ngọt ngào êm ái, mến thương hay thù hận nào đó (episodic memory). Các mẫu hình đó có thể là giọng nói, hình dáng, mái tóc, đôi môi, ánh mắt, nụ cười, cách nói chuyện, quan điểm về cuộc sống …và nó có thể đến từ nhiều nguồn: cha, mẹ, film ảnh, hay những người có thể mang đến cho chúng ta sự yêu thương ngọt ngào, ngưỡng mộ,…Vấn đề quá trình này diễn ra mà chúng ta không hề biết. Chỉ 5% hoạt động của bộ não chúng ta nhận thức được, 95% còn lại nó tự diễn ra như một cổ máy âm thầm cần mẫn. Thậm chí khi chúng ta ngủ mới là lúc bộ não xếp sếp lại ký ức một cách mạnh mẽ nhất. Những gì được liên kết với cảm xúc cực độ được bộ não sắp xếp càng sâu với những liên kết nơrơn càng chặt, vùng não hippocampus đóng vai trò quan trọng của quá trình “sắp xếp” (consolidation) này.
Quá trình tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi là quá trình chúng ta tiếp nhận tín hiệu, những tín hiệu này sẽ kích hoạt vùng não hippocampus từ đó lục lọi và khơi dậy cảm xúc của chúng ta. Đó là lý do vì sao khi nói chuyện với ai đó, tổ hợp các tín hiệu từ người đó tạo cho chúng ta một cảm giác tin tưởng, vui vẻ, thoải mái, quen thuộc như những đã từng gặp nhau từ kiếp nào. Và đương nhiên người đó đi vào ký ức của chúng như thể đã đâu đó sẵn trong đó.
Tuy nhiên, nhớ về ai đó một cách quý mến, có thiện cảm chưa đủ để xác nhận đó là yêu. Đến khi từ nhớ đến nhung nhớ, đến nhớ da diết, đến mong chờ gặp mặt mới là tới chuyện, ngôn ngữ văn chương hay gọi là “rung động”. Bản chất của hiện tượng này là sự “xà quầng” (rumination) của vùng não limbic, các kích thích phóng thích dẫn truyền thần kinh diễn ra không thể ngăn chặn được, người như kiến cắn, cảm giác hồi hồp, bồn chồn bứt rứt khó chịu, nên “tương tư” được xác nhận như là một dạng bệnh, nếu nó kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của một người. Chính quá trình rumination thôi thúc hành vi hẹn hò, nhắn tin, tìm cách, viện cớ để được gặp mặt. Nếu như được sự phản hồi đồng ý cho buổi hẹn hò đầu tiên thì người lâng lâng vui sướng. Vì thế người đang hẹn hò rất dễ nhận biết, người tươi tắn, hát hò nghêu ngao, nói năng huyên thuyên, dopamin phóng thích ngập tràn trong não. Và cũng giải thích tại sao quá trình tán tỉnh và được chấp nhận tạo ra một cảm giác rất phấn khích có thể gây nghiện. Ngược lại, bị từ chối cũng dễ dẫn đến sự thất vọng, bực tức, cay cú. Nghiêm trọng hơn sự ích kỷ và cái tôi có thể dẫn đến việc tìm cách chiếm đoạt bằng mọi giá.
Yêu thôi thúc sự chiếm đoạt sở hữu, hay yêu hy sinh và chấp nhận là một ranh giới của Cái Tôi. Tiếng miền Nam thường dùng “anh (em) thương em (anh)” để nói lên một tình yêu không tranh đoạt, một tình yêu muốn cho người mình yêu có được hạnh phúc vui vẻ thật sự cho dù người đó đến với ai đi nữa. Từ “thương” trong “anh thường em” nó gần hơn với từ “tình thương” của cha mẹ với con cái, sẵn sàng hy sinh vô điều kiện miễn đứa con vui vẻ hạnh phúc. Khi ta thương nhau thì ta không còn cảm giác đau khổ khi không đến được với nhau nữa, cảm giác chấp nhận, cảm giác vui khi người thương vui với người khác là có thật, chứ không phải trên film.
>>> Tình yêu thiên trường địa cửu, kiếp nào cũng tìm thấy nhau
“Tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Chỉ khoảng 30% những mối tình khắc cốt ghi tâm đến được hôn nhân, cũng như chưa đến 1% mối tình đầu có thể được toại nguyên bên nhau. Nghĩa là đời người hầu hết mỗi người chúng ta điều chôn dấu những mối tình sống để vậy chết mang theo.
Khi một tình yêu đạt đến sự chánh niệm (mindfulness of love), nghĩa là một tình yêu không có cái tôi xuất hiện thì việc có được đón nhận, có được bên nhau hay không, không còn quan trọng nữa. Bởi nó đã đi vào tâm trí của chúng ta như một phần của ký ức không thể phai mờ. Nhớ về nhau trong từng hơi thở nhưng không kích hoạt sự bực tức, ghen tuông, hận thù, nuối tiếc, tìm cách cưỡng đoạt là một tình yêu thiên trường địa cửu, là một tình yêu mà chúng ta sẽ thầm hẹn nhau kiếp nào cũng tìm thấy nhau.
Đời người nếu ai không có một mối tình rung động thực sự, nhớ nhung da diết háo hức chờ mong được gặp nhau thật sự, cũng là một điều không may. Đôi khi, trong tình yêu, điều trọn vẹn không phải sự toại nguyện có nhau. Sự trọn vẹn lại là sự nhớ mong đến trọn đời trọn kiếp. Sự trọn vẹn đó không xuất hiện trong đời thực mà chỉ xuất hiện trong những giấc mơ.
Cho nên, cho dù khoa học công nghệ có tiến bộ đến mức nào, cho dù xã hội văn hóa thay đổi ra sao, hàng ngàn năm nay con người vẫn yêu và vẫn cứ yêu như thuở hồng hoang của nó, yêu bằng cả bản năng và sự dại khờ. Cho dù được đáp lại hay không đáp lại tình yêu, hãy cứ yêu như những gì bộ não phát ra tín hiệu của sự rung động. Hãy để cho sự rung động đó được diễn ra một cách tự nhiên như là một cơ chế của tạo hóa. Hàng ngàn năm tiến hóa của bộ não con người, rất nhiều vùng não mới được tạo ra, nhưng vùng não limbic vẫn giữ nguyên vai trò trung tâm của cảm xúc là như vậy.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Bốn + ba bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *