HUỲNH BẢO TUÂN

KỸ NĂNG ĐỌC VÀ CON ĐƯỜNG TÍCH LŨY TRI THỨC CỦA MỘT NGƯỜI

Điều đầu tiên là bạn có niềm tin tri thức sẽ thay đổi số phận của chúng ta không? Bao nhiêu câu chuyện trong cuộc sống này, từ những cậu bé/ cô bé bán vé số, đi làm mướn, nỗ lực tìm kiếm con chữ để vươn ra thế giới, trở thành giáo sư đầu ngành, có những đóng góp quan trọng cho nhân loại. Bạn có tin vào điều đó không?

Tích lũy tri thức trước hết là để trở thành người sống có ích, sống có giá trị và sống có ý nghĩa trong cuộc đời mỗi người. Đặc biệt là sống mà không gây hại và mang đến khổ đau cho người khác. Tri thức của nhân loại này được tạo ra là để giải quyết vấn đề cho con người, giúp con người vượt qua nghịch cảnh, vượt qua được số phận, sống tốt đẹp hơn, chứ không phải tri thức được tạo ra chỉ để liệt kê và đem cất, rồi bắt người khác phải suy tôn mình là bậc bề trên của xã hội. Không xã hội nào nuôi nỗi những đấng bề trên này.

Phương Pháp Đọc Hiệu Quả: Inquiry Learning Và Tư Duy Phản Biện

Muốn đọc được tốt, luôn luôn phải có trước câu hỏi trong đầu, vấn đề của chúng ta là gì và chúng ta muốn cải thiện điều gì. Không đọc ra được vấn đề của mình là gì, cũng là một vấn đề. Tự nhân thức bản thân (self-awareness) luôn là kỹ năng quan trọng nhất quyết định số phận của mỗi người chúng ta, quyết định đến khả năng thành công của chúng ta là sớm hay muộn. Chúng ta là ai, chúng ta thuộc về gì, chúng ta có thể làm tốt chuyện gì, và tâm trí của chúng ta tập trung toàn tâm toàn ý vào chuyện gì là sảng khoái nhất. Do đó, kỹ năng đầu tiên là kỹ năng networking, và xã hội số chính là nền tảng tuyệt vời nhất để thay đổi số phận con người. Chúng ta dễ dàng tìm được những người có cùng mối quan tâm với chúng ta hơn bao giờ hết. Hãy mở rộng neywork của mình, khi đó sẽ giúp bạn khám phá về mình nhanh hơn.

Tri thức đi vào đầu chúng ta là một quá trình hợp nhất (consolidation), nghĩa là chúng ta phải tương tác và suy nghĩ với những gì chúng ta tiếp nhận, chứ không phải là học thuộc lòng. Cho nên, phương pháp học tốt nhất là inquiry learning – học trong sự truy vấn. Cầm quyền sách lên đọc mà buồn ngủ là vì chúng ta không có những câu hỏi trước, những hoài nghi và những giả thuyết. Ví dụ: đọc tựa đề quyển sách hãy tưởng tượng xem nội dung của nó là gì, liên quan đến chuyện gì; đọc cái mục lục hãy hình dung xem liệu có gì mới mẻ ngoài những gì mình chưa biết không; đọc phần tóm tắt giới thiệu hay phần bàn luận, xem liệu có gì mới mẻ mang tính phản trực giác không. Dùng tư duy phản biện (critical thinking) để hoài nghi những gì sách nói, để xem họ đưa ra các nhận định trong bối cảnh nào và liệu nó có khác gì với những gì mình đã biết hay không.

Một quyến sách đặc sắc là mang đến những điều mới mẻ, gốc nhìn mới cho vấn đề, khám phá mới cho những gì chúng ta chưa biết, hay đặt ra những hoài nghi mới. Đặc biệt là nó giúp chúng ta tháo bỏ định kiến hay tránh được những lói mòn trong suy nghĩ, tránh được sai lầm. Nghĩa là nó đã thay đổi chúng ta mà chúng ta không biết. Đó là sự thẩm thấu và hợp nhất tri thức, để tri thức của nhân loại này trở thành tri thức của chúng ta lúc nào chúng ta cũng không nhận ra. Khi đó mạng lưới nơron thần kinh mới đã được hình thành và chúng ta đã có thể dùng tri thức mới như một phản xạ. Từ đó mới hình thành được năng lực tư duy của chúng ta, đó mới là cái đích của việc đọc và học.

Giá Trị Của Tri Thức Từ Chuyên Gia: Kết Nối Và Học Từ Những Người Dẫn Đầu

Nhiều sách có tựa hấp dẫn, rất dày và rất đẹp, nhưng trong đó giáo điều, sáo rỗng, câu chữ lộng lẫy như rỗng tuếch về tư duy, không có điểm nhấn, không sâu sắc, không có điều gì mới mẻ…vì người ta làm sách theo quy trình công nghiệp, xào nấu nội dung, chỉnh sửa câu từ, thay đổi hình ảnh minh họa,…là ra sách mới. Có tác giả, mỗi năm ra 3-5 cuốn sách thì chúng ta nghĩ xem có gì để đọc trong đó. Cho nên với sách ngày nay, đọc một quyển sách 300 trang tầm khoảng bao lâu. Sách hay và thú vị có thể đọc 1-2 ngày; nhưng cũng có thể là 30 phút nếu quyển sách đó có tựa đề hấp dẫn nhưng nội dung thì “muốn chửi thề”. Chỉ là mất thì gian và mất tiền đi mua!

Trừ những quyển giáo trình kinh điển là kiến thức nền trong chuyên ngành, có thể đi theo và ở lại với chúng ta vài chục năm trong đời, và thường những quyển đó là những công trình vĩ đại của nhiều người. Còn lại sách tham khảo hay sách bàn luận chuyện gì đó ngày nay có giá trị theo thời gian rất thấp. Và mỗi quyển động lại cho chúng ta vài ý tưởng gì đó cũng được rồi. Nên với sự phát triển của Gen AI những quyển này sẽ hết thời! Vì chúng ta chỉ cần yêu cầu Chat GPT trích xuất vài nội dung để đọc thử là biết có đáng bỏ tiền ra mua hay không. Và trong rất nhiều tình huống câu trả lời là không! Nên làm sách ngày nay coi chừng sạt nghiệp, trừ khi chúng ta muốn để lại vài kỹ niệm gì đó cho cuộc đời.

Một lời khuyên của tôi trong việc đọc ngày nay là đọc blog của các chuyên gia đầu ngành. Bạn quan tâm đến chuyện gì, muốn tăng tri thức cho chủ đề gì, chuyên đề gì, hãy networking với chuyên gia trong ngành đó, là những người thực làm, thực chiến, thực học,…bạn sẽ thấy những bài viết của họ có điểm nhấn, có ý tưởng, và có chiều sâu hơn hẳn, hàm lượng kiến thức mà họ viết ra trong một trang A4 có thể được trích ra từ vài quyển sách. Và để viết ra được nó, họ phải va chạm, trăn trở và suy tư rất nhiều, đọc và tìm tòi rất nhiều. Đó là cách đơn giản nhất để “đứng trên vai người khổng lồ”. Có những thứ người ta suy ngẫm vài năm để viết ra, nhưng bạn đọc mất 15 phút, vậy bạn không trở nên khổng lồ nữa thì trở thành gì? Thế thì tại sao các chuyên gia đầu ngành rất hay thích viết. Vì bạn biết không, chuyên gia càng sâu họ càng cô đơn! Họ viết vì họ muốn chia sẻ để giảm bớt nỗi cô đơn trong cuộc đời. Nên chỉ cần bạn để lại cho họ một lời cảm ơn, họ đã vui lắm rồi.

Điều cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là learning by doing hay problem – based learning. Cứ dấn thân vào công việc, cứ cho mình cơ hội thử sức nhiều điều mới mẻ, bước ra khỏi các vùng an toàn và quy cũ, và liều mình một chút cho những thử thách mới chưa có tiền lệ, chưa ai dám làm. Đó mới là cách học để trở thành người dẫn đầu. Vì khi đó, bạn sẽ là người viết ra cho người khác đọc. Phần thưởng sẽ luôn rất lớn cho những người dám tiên phong.

Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1 + 1 bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *