HUỲNH BẢO TUÂN

LÀM NHÀ NƯỚC, LÀM TƯ NHÂN, RA LÀM RIÊNG

Là người Việt, có lẽ ai cũng phải quyết định ít nhất một lần việc này trong đời.

Ngày xưa, làm nhà nước được xem là không lo thất nghiệp. Chỉ là môi trường văn hóa công hơi đặc thù một chút, nhưng nếu hiểu được “nguyên lý” và nhẫn nhịn tốt thì cũng có thể yên ổn mà sống hết đời. Tuy nhiên, nay mọi thứ đã khác. Môi trường công sắp tới sẽ sàng lọc khắc nghiệt hơn cả môi trường tư nếu muốn “có công ăn việc làm”.

Con số hàng triệu công chức ăn lương ngân sách, sáng cắp ô đi, chiều xách ô về, sẽ giảm nhanh. Với công nghệ số, một chính quyền đạt tầm 1 công chức cho 5.000 dân thì không có gì là khó. Việt Nam chỉ cần 20.000–30.000 công chức là đủ. Thứ thiếu nhất của Việt Nam là các chuyên gia am hiểu sâu chuyên ngành và có tầm nhìn toàn cầu để thiết kế chính sách. Chất lượng của chính sách là điểm nghẽn mấy mươi năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có gì sáng sủa. Nó vừa chưa cho thấy tầm nhìn kiến tạo tương lai, vừa chưa thoát được sự cài cắm lợi ích.

Môi trường tư ngày xưa nổi tiếng là thiếu ổn định. Chủ tư nhân mở ra cơ sở kinh doanh đa số ăn xổi ở thì, gom tiền tích tụ bất động sản càng nhanh càng tốt, kiếm mớ tiền, sống nước này không được thì ra nước khác sống. Khái niệm “phát triển bền vững” bị xem là tào lao và “chẳng biết gì về kinh doanh”. Sống trong môi trường kinh doanh như vậy, ai cũng tranh thủ bóc hốt, thay đổi doanh nghiệp xoành xoạch. Sống chết mặc bay, miễn có tiền bỏ túi để làm cha thiên hạ là được.

Cái thời buôn chuyến, chạy áp phe, dựa hơi chụp giật đã kết thúc. Tổ chức tư ngày nay kinh doanh có tính sứ mệnh hơn, nhiều hoài bão gầy dựng một cơ nghiệp trường tồn hơn. Các tập đoàn mang tính sở hữu đại gia tộc ngày càng nhiều. Phát triển căn cơ dựa trên năng lực cạnh tranh — mà năng lực cạnh tranh xây dựng dựa trên công nghệ và tri thức — chứ không phải là tranh thủ quan hệ, móc nối cửa sau hay lợi ích nhóm. Và đó là tín hiệu tốt cho đất nước. Bởi khi doanh nghiệp thực sự có được năng lực cạnh tranh, đất nước mới có thể phát triển.

Ba mươi năm trước, mở doanh nghiệp kinh doanh được xem là liều lĩnh, điên rồ, “điếc không sợ súng”, chưa biết chết là gì, hai bàn tay trắng làm nên… đống nợ. Gia đình, bạn bè khuyên can, ngăn cản, dè bỉu… Nhưng nay mọi thứ đã khác. Việc mở – đóng, làm chủ một doanh nghiệp không còn là giấc mơ xa vời hay gàn dở gì nữa với một người bình thường. Thậm chí, một sinh viên vẫn có thể nuôi dưỡng và tích lũy kiến thức để mở doanh nghiệp.

Xã hội Việt Nam trong hai mươi năm nay đã cởi mở hơn rất nhiều về doanh nghiệp và kinh doanh. Kinh doanh không chỉ là tạo công ăn việc làm. Nó còn đóng vai trò thay đổi xã hội, thay đổi cách con người sinh sống thông qua sự đổi mới sáng tạo về sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh… Không có doanh nghiệp, khoa học không thể đến được với đời sống. Không có động lực thương mại hóa, hàng ngàn nhà khoa học không có lý do để tìm tòi khám phá. Và do vậy, khoa học cũng không thể phát triển.

Doanh nghiệp ngày nay có hàm lượng tri thức cao hơn gấp trăm lần so với doanh nghiệp trăm năm trước vốn dựa trên sức lao động và khai thác tài nguyên. Học tập và nghiên cứu trong doanh nghiệp thậm chí còn chuyên sâu và hiệu quả hơn trong các trường đại học. Doanh nghiệp ngày nay là cái nôi của sáng tạo và khai phá tri thức, chứ không chỉ trường đại học mới làm điều đó. Với một con người, 20% tri thức và kỹ năng học tại trường, 80% học tại doanh nghiệp.

Thế giới ngày càng ít phân biệt giữa công – tư – riêng. Tất cả đều tập trung và đánh giá theo khả năng tạo sinh tri thức của một tổ chức, và từ tri thức đó để tạo ra giá trị. Làm công, làm tư, làm riêng gì cũng được, miễn là tạo ra được tri thức và dùng tri thức đó để tạo ra tiền là được.

Do vậy, điều quan trọng nhất không phải là làm công, làm tư hay làm riêng, mà là: làm sao để có được tri thức một cách hiệu quả nhất. Còn làm cho ai, đôi khi là cái duyên của cuộc đời mà chúng ta cũng không thể kiểm soát hoàn toàn được.

Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1 + 1 bằng mấy?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *