Chuyên gia là người dành thời gian, tâm huyết, trí tuệ, sức lực của cả một đời người để đào sâu một mảng chuyên môn nào đó. Phải thật sự đam mê, có nghị lực, và rất nhiều nỗ lực cộng với một chút may mắn, cơ duyên thì một người nào đó mới có thể trở thành một chuyên gia được.
Chúng ta đến với chuyên gia theo quy chuẩn xã hội hay quy chuẩn của thị trường là câu hỏi đầu tiên mà chúng ta cần đặt ra. Quy chuẩn xã hội là chúng ta nhờ chuyên gia đóng góp vào một dự án có ý nghĩa xã hội nào đó, công sức và trí tuệ của chuyên gia tạo ra lợi ích cho xã hội, còn người mời chỉ là người tổ chức (facilitate).
Nếu chúng ta mời chuyên gia là việc ở góc độ xã hội, nhưng chúng ta lại kiếm lợi ích cho riêng mình, đó là chúng ta lợi dụng sự tín nhiệm của chuyên gia với mình. Phàm, chỉ lợi dụng được một lần, vì đã là chuyên gia thì họ không có ngu. Và nên nhớ, chuyên gia nào cũng có rất nhiều mối quan hệ với chuyên gia khác, bạn gạt một chuyên gia là coi như bạn bít cửa đến với chuyên gia khác.
Nếu chúng ta đến với chuyên gia theo quy chuẩn thị trường, thì việc đầu tiên chúng ta cần đưa ra một mô hình định giá, tôi cần gì ở anh/chị và nó đáng bao nhiêu. Tôi cần danh tiếng uy tín hình ảnh của anh/chị để làm đòn bẩy cho uy tín và hình ảnh của chúng tôi, tôi cần tri thức kinh nghiệm của anh/chị để gia tăng nhanh chóng năng lực cho hệ thống của chúng tôi, chúng tôi cần anh/chị dìu dắt đội ngũ của chúng tôi để họ nhanh chóng trưởng thành, chúng tôi cần anh/chị để gia tăng uy tín với đối tác để giúp chúng tôi vươn nhanh, xâm nhập nhanh vào một khu vực thị trường nào đó,…
Trong một mối quan hệ hợp tác, thời gian dành cho sự hiểu nhau, muốn gì ở nhau, và đáng cái giá bao nhiêu với nhau là thời gian lâu nhất. Có những nơi văn hóa trao đổi rõ ràng cụ thể, bộc trực, nhưng có những nơi, lòng vòng, văn vẻ, ẩn ý, ẩn dụ, chỉ đưa ra thông điệp nhiều ẩn ý và tự phải đoán lấy. Cho nên, khi chúng ta làm việc với chuyên gia, với vùng miền, với từng ngành, chúng ta phải hiểu cái văn hóa đó và thiết kế các quá trình trao đổi, tương tác và đàm phán cho phù hợp. Đã là chuyên gia thì họ rất là cá tính và dị biệt, nên chúng ta cần tìm hiểu và thông hiểu cái dị biệt đó.
LÀM GÌ ĐỂ KHUYẾN KHÍCH CHUYÊN GIA TẠO CHUYÊN GIA
Đã là chuyên gia, ai cũng muốn tạo ra chuyên gia khác, vấn đề là bạn thiết kế được hệ sinh thái cho chuyên gia đó hay không, và đó chính là công việc quan trọng trong phát triển tổ chức. Nếu chúng ta đầu tư hàng chục tỷ để thu hút chuyên gia nhưng không làm cho chuyên gia sản sinh chuyên gia khác thì tổ chức bạn sẽ thất bại.
Cử người xum xuê để học lóm chuyên gia là cách làm ngu ngốc và ấu trĩ nhất trong hành vi của tổ chức, nhưng lại rất thường gặp trong các tổ chức Việt. Nó vừa tổn thương lòng tự trọng của chuyên gia, mất lòng họ để họ ôm cục tức và tìm chỗ khác quay ngược lại cắn chúng ta, nó vừa thúc đẩy văn hóa đạp đổ nhau của những người mà chúng ta cử đi học để khi nào đủ cứng xúi nó đạp chuyên gia.
Muốn chuyên gia đào tạo và phát triển chuyên gia, không cần làm những việc ngu ngốc và gây thù chuốc oán vậy. Chỉ cần cho họ cảm nhận một tinh thần tôn sư trọng đạo, cho họ một sứ mệnh và cho họ lý do gắn kết vào tổ chức mà không nơi nào có thể tốt hơn để họ tạo được giá trị cho cuộc đời của họ. Chuyên gia nào cũng cần một ê-kíp làm việc, không ai làm việc một mình. Cho họ một niềm hãnh diện và lợi ích khi sóng sau cao hơn sóng trước thì chúng ta sẽ có chuyên gia giỏi để mà dùng một cách bền vững.
LÀM GÌ ĐỂ NUÔI DƯỠNG MƠ ƯỚC TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA
Phàm là con người ai cũng vì cái lợi trước mắt, tiền lâu dài phiêu lưu và rủi ro lắm, tiền nằm ngay trước mặt thì hốt thôi, hậu quả là gì và cho ai chuyện đó tính sau. Nỗ lực giáo dục con người trong tổ chức chính là chỗ này. Giáo dục con người hãm bớt cái tham lam, sân si; giáo dục con người có gieo thì mới có gặt; giáo dục con người học cách biết ơn và có trách nhiệm với sự biết ơn đó… là nền tảng giáo dục quan trọng nhất mà một tổ chức muốn phát triển bền vững.
Chuyên gia trước là tấm gương cho chuyên gia sau, nuôi dưỡng sự tôn trọng, biết ơn người đi trước, nghĩa vụ với đời sau là trọng yếu cho các tổ chức thâm dụng tri thức. Chuyên gia không phải là hàng hóa, có thể giao dịch dễ dàng, có thể cần thì cầm mớ tiền đi hốt về là có. Tổng kết lại, tổ chức của bạn sẽ không được lợi ích gì với sự làm việc với chuyên gia theo kiểu cầm tiền đi bắt về như vậy. Tất cả phải có chiến lược, lộ trình và dày công, tâm sức, trí để phát triển chuyên gia từ chuyên gia.
LỜI CUỐI
Giữa người và người luôn tồn tại một khả năng rạn nứt cho dù là thân thiết, thâm tình,… như thế nào đi nữa. Nên, làm việc với chuyên gia, ngay khi hợp tác bắt đầu, chúng ta cần ký với nhau một thỏa thuận “chia tay”, các tiêu chí cho sự “chia tay”. Văn hóa Việt rất ậm ờ chuyện này, mọi thứ cứ để trong lòng, gút mắc ngày càng nhiều, hiểu lầm ngày càng tăng, cộng thêm thị phi lời ra tiếng vào, dẫn đến lúc nào chúng ta thù nhau không biết…
Một sự hợp tác chuyên nghiệp lúc nào cũng định nghĩa các nút thoát rất rõ ràng, và khi giữa chúng ta ai đó va chạm vào các nút thoát này thì chúng ta cần phát tín hiệu cảnh báo và nếu tiếp tục nữa thì chia tay là cách tốt nhất để bảo vệ mối quan hệ cho hai bên.
Trong hợp tác với chuyên gia, hãy quên và đừng ngu ngốc khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta rất thông minh sẽ gạt, gài, lừa được chuyên gia làm không công cho chúng ta mà chả mất đồng nào hay chi rất ít mà lừa được họ cày như trâu cho mình. Chúng ta hý hửng, khoái chí với những thành tích như vậy là chúng ta triệt cái đường hậu cho mình. Đừng phách lối mà nghĩ rằng chúng ta có mạnh, chúng ta có chỗ dựa vững như bàn thạch, không ai làm được gì mình. Rồi sẽ một lúc nào đó chúng ta sẽ sụp đổ mà không kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chuyên gia họ đặc biệt thù dai hơn chúng ta nghĩ.
Chúc thành công.
Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?