HUỲNH BẢO TUÂN

MINDFUL COMMUNICATION – GIAO TIẾP CHÁNH NIỆM.

Giao tiếp tốt không phải là nói nhiều, nói luyên thuyên, nói sùi bọt mép, nói để lấn át người khác.

Giao tiếp đầu tiên là phải lắng nghe, lắng nghe một cách sâu lắng, lắng nghe tận tâm tư, lắng nghe từ cõi lòng. Đặt mình vào vị trí của người khác mà lắng nghe.
Muốn nghe được thì phải hỏi, đặt câu hỏi, đặt giả thuyết, đặt truy vấn, nhưng KHÔNG PHÁN XÉT. Hỏi đúng câu hỏi bằng nói 1000 câu không biết nói để làm gì. Tại sao? vì muốn hỏi đúng câu hỏi, phải hiểu bối cảnh, hoàn cảnh, viễn cảnh, mới hỏi được. Hỏi một câu hỏi như đi guốc trong bụng người khác. Hỏi một câu hỏi như là mở một cánh cửa cho người khác giải quyết vấn đề.
Hỏi và lắng nghe mới thật sự là tạo dựng mối quan hệ tốt, mới thật sự là người mà ai cũng muốn tới gần để giải bày ưu tư, tỉ tê tâm sự, mới thật sự ảnh hưởng được người khác. Chứ không phải nói để uy hiếp, để phủ đầu, để chụp mũ người khác làm cho người khác khiếp sợ mình là hay, nó chỉ tích tụ hận thù thôi.
Trong tổ chức, Giám đốc nhân sự là người rất cần GIAO TIẾP CHÁNH NIỆM. Là trung tâm của lòng người. Không phải để nghe kể lể, mà để thiết kế chính sách thuận lòng người.
Bác sĩ, điều dưỡng là những chuyên gia y học, thực hiện những chức trách chuyên nghiệp dựa trên năng lực chuyên môn đã được huấn luyện đào tạo. Bác sĩ không phải mẹ hiền, cũng không phải thánh thần, cũng không phải thầy cúng. Bác sĩ là một chức trách chuyên nghiệp.
Sự chuyên nghiệp của một bác sĩ trước hết thể hiện qua quá trình GIAO TIẾP với bệnh nhân. Không ai biết anh/chị học hành thế nào, bằng cấp ra sao, kinh nghiệm gì, họ chỉ nghe qua lời nói của người khác (danh tiếng/tai tiếng truyền miệng). Nhưng giao tiếp trực tiếp là cơ hội để họ xác nhận cái gì được gọi là danh tiếng hay tai tiếng.
Quá trình giao tiếp với bệnh nhân trước hết là một cơ hội cho một bác sĩ thể hiện sự chuyên nghiệp của mình. Thay đổi hình ảnh của mình với người khác (nếu có tai tiếng), và nâng cao hình ảnh chuyên gia để tạo dựng danh tiếng. Quá trình giao tiếp là quá trình chuyển giao 80% giá trị y khoa cho bệnh nhân. Quá trình giao tiếp cũng là quá trình tạo sự ảnh hưởng của chuyên gia lên bệnh nhân. Mối quan hệ của bác sĩ và bệnh nhân cần một sự tôn trọng kính nể về chuyên môn như một chuyên gia thì quá trình điều trị mới hiệu quả. Ấy vậy mà các bác sĩ nhà ta rất hay né tránh giao tiếp, rất hay lấy lý do bận bịu mà qua loa với bệnh nhân, thậm chí ruồng rẫy. Đó là sai lầm kinh điển của giới y khoa nước nhà.
Cần ít thời gian thì càng phải chuyên nghiệp, chuyên nghiệp trong cách đặt câu hỏi, chuyên nghiệp trong cách lắng nghe, chuyên nghiệp trong cách giải thích, hướng dẫn, trình bày và tư vấn. Chuyên nghiệp trong cách ghi nhận và chuyển giao thông tin một cách tin cậy và an toàn. Tất cả sự chuyên nghiệp đó điều được bộ não của bệnh nhân ghi nhận, ghi nhớ và ghi danh.
Dành 3-5 phút cho bệnh nhân và người nhà để thăm hỏi, để lắng nghe sâu sắc, để động viên chia sẻ. Chỉ có vậy thôi, là đủ để tạo dựng một hình ảnh chuyên gia ấm áp tình người rồi. Với y tế, khi bạn trở thành một chuyên gia ấm áp tình người mà bạn nghèo, thì bạn cứ đến hỏi tội tôi.
Chúc thành công.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Bốn + ba bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *