HUỲNH BẢO TUÂN

OUT OF THE CRISIS, NẰM NGOÀI CÁC CUỘC KHỦNG HOẢNG

>>> Khủng hoảng chứ không phải tận thế!
Đặc trưng đầu tiên của khủng hoảng là nhu cầu sụt giảm. Hành vi con người phản ứng lo lắng với tương lại bất định là việc rất bình thường. Thắt chặt chi tiêu, giảm bớt những nhu cầu không thiết yếu, tiêu dùng cẩn trọng… Tuy nhiên, nhu cầu sụt giảm chứ không phải là nhu cầu kết thúc. Chính quá trình tiêu dùng kĩ lưỡng và thận trọng là lúc sàng lọc và là cơ hội vượt lên phía trước cho các doanh nghiệp phát triển trên nền tảng chất lượng! Người dùng sẽ ưu tiên chi tiêu cho những doanh nghiệp có độ tin cậy cao: sản phẩm ít hư hỏng, chức năng hoạt động ổn định; dịch vụ ổn định ít sai lỗi, cam kết không thất hứa; bảo hành bảo trì uy tín, xử lý khiếu nại nhanh chóng…
Nhu cầu càng sụt giảm càng phải tập trung vào chất lượng. Đó là cách duy nhất giữ vững thị phần! Chứ không phải càng khủng hoảng càng “bớt” chất lượng, đó là con đường tự sát! Các doanh nghiệp có nền tảng chất lượng tốt, uy tín sẽ sụt giảm ít hơn (<5% doanh thu) so với những doanh nghiệp có nền tảng chất lượng kém, “bớt” chất lượng (>30%), cái giá cho sự lừa đảo khách hàng là sự nghiệp của chính chúng ta. Bắt tay vào chất lượng không bao giờ là muộn! những việc phải làm được: giảm hư hỏng về bằng không, giảm làm đi làm lại, giảm sai lệch, giảm “hiểu sai khách hàng muốn gì” – đây là cái sai kinh điển và gây lãng phí nhiều nhất cho doanh nghiệp.
Đặc trưng thứ hai của khủng hoảng là chi phí đắt đỏ. Oái lạ, tiêu dùng sụt giảm nhưng tại sao chi phí lại tăng, nghe rất trái với các quy luật kinh tế. Hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế không có nguyên nhân từ kinh tế! mà đến từ nhân tai hoặc thiên tai, chiến tranh, mộng bá quyền, bệnh tật,…Trong một thế giới đang phân công lao động theo lợi thế năng lực và tài nguyên thì một chổ này gãy, chổ khác cũng khập khiểng theo. Trong một thời gian ngắn, phản ứng khan hiếm sẽ lan tỏa theo hiệu ứng bầy đàn, tạo ra sự tăng giá nguyên liệu cục bộ như là một sự phòng thủ, tự vệ hoặc trục lợi thời cơ.
Doanh nghiệp hoạt động với biên lợi nhuận thấp chắc chắn sẽ bị “sốc nhiệt” và nhiều khả năng bị thị trường khai tử, vì không đủ tích lũy để đầu tư tìm kiếm cơ hội khác trở mình. Cho nên, hoạt động với chi phí tối ưu hơn người khác, luôn luôn là mục tiêu tối thượng của bất cứ doanh nghiệp nào trong bất cứ thời đoạn nào, hoàn cảnh nào chứ không phải chỉ có lúc khủng hoảng mới lo cắt giảm chi phí một cách hoảng loạn. Càng cắt giảm chi phí, càng rối ren lòng người, càng nhanh hơn tới sự sụp đổ.
Trong mội lĩnh vực kinh doanh nào đó, khi khủng hoảng chi phí càng quét qua, 30% doanh nghiệp hoạt động có chi phí tốt nhất sẽ được ở lại, trở mình và vượt lên mở rộng phát triển hơn, chúng ta có muốn nằm trong số 30% đó hay là 70% “đắp mộ cuộc tình”. Hãy bắt tay vào tối ưu vào chi phí ngay lập tức, và không bao giờ là muộn. Và nên nhớ rằng tối ưu chi phí chứ không phải là cắt giảm chi phí! Bạn sẽ nói “chi phí của tôi đã tối ưu hết rồi không còn gì để tối ưu nữa đâu”. Các nghiên cứu đã cho thấy, bạn đã bị “điểm mù quản trị” chổ này, bởi có 70% chi phí có thể tối ưu được mà bạn không thấy được, bởi muốn thấy bạn cần phải có thêm nhiều hơn tri thức quản trị, đặc biệt là bạn cần những công cụ phân tích dữ liệu sâu hơn, những gì bạn thấy được và bạn đã cải tiến chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Đặc trưng thứ ba của khủng hoảng là hình thành nhu cầu mới. Con người luôn phải thích ứng để tồn tại, không ai trong gian nguy mà ngồi chờ chết, chính quá trình thích ứng sẽ tạo ra sự hủy diệt cái gì đó (sản phẩm, dịch vụ mô hình kinh doanh…), đồng thời nảy sinh ra những nhu cầu mới từ đó hình thành sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mới. Phần thưởng sẽ đến với ai sớm nhận ra những thay đổi này, đón trước nhu cầu và triển khai được những sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mới. Từ ý tưởng đến hiện thực là con đường của năng lực, chứ không phải là con đường của sự mộng mơ, hoang tưởng! Ngược lại, ai ù lì chậm chạm, ngồi oán trách số phận, ngồi chửi bới khủng hoảng, ngồi ta thán khó khăn,…người đó sẽ nhanh chóng bị hủy diệt nếu chẳng may sản phẩm, dịch vụ mình đang kinh doanh không còn phù hợp nữa. Nếu như cách đây 50 năm, việc thay đổi mang tính hủy diệt được tính bằng thập kỷ, nhưng nay nó có thể diễn ra trong vòng vài năm, thậm chí trong vòng một năm. Trong kinh doanh ngày nay, tổ chức kinh doanh không phải to hay nhỏ (quy mô, nguồn lực,…), mà là ai xoay trở nhanh hơn người khác mới là con đường tồi tại. To nhưng ù lì chậm chạm thì càng nhanh bị hủy diệt hơn vì đốt tiền nhanh và nhiều hơn.
>>> Đừng ngồi chờ khủng hoảng sẽ qua!
Thế giới này càng ngày càng không còn khái niệm “khủng hoảng đã qua”, làm kinh doanh không thể nín thở ngồi chờ cho khủng hoảng trôi qua được nữa, vì chắc chắn bạn sẽ tắt thở. Hôm nay thế giới có thiên tai này, ngày mai có chiến tranh kia, nay có hoàng đế này mộng bá quyền, mai có đại đế khác…chờ khủng hoảng trôi qua là ngồi chờ chết. Kinh doanh ngày nay cần tâm thế xem khủng hoảng là một phần của cuộc sống. Việc chúng ta cần làm là xây dựng một năng lực thích ứng nhanh để chúng ta nằm ngoài mọi khủng hoảng. Mặc kệ ông bà đại đế nào mộng mị, ngày nào còn con người, ngày đó chúng ta còn cơ hội kinh doanh.
Năng lực đó không tự dưng mà có, nó phải là một quá trình nổ lực xây dựng một tổ chức thích ứng. Không ai có thể làm được cái gì một mình, chúng ta cần một đội nhóm, cần một tổ chức có năng lực thích ứng, chứ không phải là một vài cá nhân ngồi la làng, than khóc rồi tất cả cùng nhau chờ chết.
Con đường xây dựng một tổ chức có năng lực thích ứng và nằm ngoài tất cả các cuộc khủng hoảng đặt trọng tâm làm cho mọi con người trong tổ chức hiểu và hành động theo ba điều then chốt sau:
– Lấy khách hàng làm trung tâm và cố gằng làm mọi thứ để hiểu khách hàng hơn chính họ hiểu họ. Không những phát hiện sớm hơn đối thủ cạnh tranh những thay đổi của khách hàng mà còn nhạy bén phát hiện ra những gì có thể tác động làm cho khách hàng thay đổi trước cả khi khách hàng có thể nhận ra họ phải thay đổi. Hiểu khách hàng, ngày nay, là một khoa học, và là khoa học thời thượng – khoa học dữ liệu. Ai năm bắt sớm được năng lực khoa học này, người đó sẽ vượt lên phía trước.
– Diễn dịch nhanh sự thay đổi và nhúng nó vào sản phẩm dịch vụ của chúng ta một cách sáng tạo nhất để khách hàng luôn bất ngờ vì những điều chúng ta làm luôn vượt hơn sự mong đợi của họ. Đó là năng lực thiết kế và năng lực triển khai những hoạt động mới của chúng ta một cách nhanh chóng. Cái gì đã không còn có thể dùng được ở tương lai thì mạnh dạn bỏ đi đừng luyến tiếc. Con người chỉ nên giữ những hồi ức trong quá khứ như những kỷ niệm, chứ đừng cứ muốn sống một cách như trong quá khứ, làm như trong quá khứ từng làm, đó là con đường của sự hủy diệt trong một thế giới thay đổi ngày nay. Nghĩa là chúng ta cần xây dựng một tổ chức mà sự giải thế hay thành lập mới một bộ phận nào đó là việc rất là bình thường, chứ chả có “lớn chuyện” gì cả.
– Xây dựng một hệ thống vận hành một cách tin cậy nhất để không phải tốn quá nhiều chi phí và thời gian để sửa những thứ mà chúng ta đã biết nó là không phù hợp. Thậm chí né tránh được những thứ có thể gây tổn thất càng sớm càng tốt. Đó là một tổ chức cảm biến và hành động như một bản năng chứ không phải để mọi thứ tè le từa lưa rồi mang ra bàn coi ai có tội. Một tổ chức không truy cứu và hồi cứu, một tổ chức luôn đặt mình ở thì tương lai, của triển vọng và kỳ vọng.
Chúc thành công!

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *