Ngành y thường dùng từ kỹ thuật (engineering) trong tình huống: học kỹ thuật mới, chuyển giao kỹ thuật,… nhưng đó là cách dùng từ chưa cho thấy được vai trò của bí quyết (know-how) để thực hiện các kỹ thuật đó. Nên, từ công nghệ (technology) sẽ phản ánh đầy đủ bản chất của sự việc, từ đó có phương pháp ứng xử thấu đáo hơn, bởi mục đích của chúng ta là làm chủ công nghệ chứ không đơn giản là đi mua một dàn máy móc thiết bị.
Công nghệ được định nghĩa là những bí quyết kỹ thuật nhằm tạo ra một kết quả vượt trội, từ đó tạo ra năng lực cạnh tranh khác biệt cho một tổ chức. Trong y tế, công nghệ bao gồm: máy móc thiết bị tiên tiến, vật tư y tế, linh kiện đi kèm, kỹ năng chuyên môn của con người và hệ thống hạ tầng, hệ thống chuyên môn, quản lý của bệnh viện. Trong đó, kỹ năng chuyên môn của cá nhân đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tạo ra kết quả cuối cùng của công nghệ. Nói nôm na, nếu máy móc hiện đại cỡ nào, bệnh viện có đầy đủ phương tiện thế nào nhưng không có chuyên gia xử lý thì vẫn không tạo ra kết quả vượt trội cuối cùng cho người bệnh.
Ngày xưa, thời y tế còn bao cấp, công nghệ tiên tiến trong y tế được “phân bổ theo kế hoạch” từ trên xuống theo tuyến. Nói nôm na, tuyến trên cao thì công nghệ hiện đại hơn tuyến dưới. Tương tự, dòng tiền đầu tư công nghệ trong y tế cũng được rót từ trên cao xuống thấp. Đặc biệt, những người giỏi nhất, đủ năng lực tiếp nhận những công nghệ phức tạp trong một chuyên ngành nào đó cũng theo một trật tự tương tự từ trên xuống.
Tuy nhiên, từ khi y tế được xã hội hóa, y tế tư nhân xuất hiện, y tế công tự chủ, bài toán công nghệ y tế không đơn giản là theo tinh thần “chỉ đạo tuyến” mà giữa các bệnh viện với nhau: công – công, công – tư, tư – tư, hình thành nên các “giao dịch chuyển giao công nghệ”. Hay nói cách khác, ngành y đã hình thành nên một thị trường công nghệ với độ lớn không hề nhỏ! Do vậy, chi phí và năng lực chuyển giao cũng như năng lực tiếp nhận, và bài toán đầu tư của một bệnh viện cần phải được đặt ra và quản lý một cách hiệu quả.
60–80% giá trị y khoa đến từ công nghệ và càng ngày tỷ trọng này càng cao; cá biệt một số lĩnh vực, con số này có thể lên đến 90% (chi phí điều trị một ca bệnh 100 triệu thì chi phí liên quan đến công nghệ có thể lên đến 90 triệu), nhưng chủ đề và bài toán quản lý công nghệ chưa được đặt ra một cách tường minh trong các bệnh viện hiện nay. Nó tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài sản trí tuệ (theo con người đi nơi khác) và đầu tư công nghệ không hiệu quả có thể gây phá sản, cũng như phát triển tầm nhìn về công nghệ để chuẩn bị cho “bước tiếp theo là gì” gần như chưa bao giờ là chủ đề cho các chương trình nghị sự trong bệnh viện hiện nay.
Trong suốt hơn 10 năm làm việc với y tế, tôi chưa từng thấy một bệnh viện công nào có xây dựng chiến lược phát triển cụ thể, rõ ràng và đạt được sự thông hiểu trong dàn lãnh đạo chủ chốt. Càng không thể nhìn thấy một bệnh viện nào, cả công lẫn tư, xây dựng một chiến lược công nghệ cho bệnh viện mình. Thời gian nhiều nhất của lãnh đạo bệnh viện là họp hội xử lý sự vụ liên quan đến công việc vận hành hàng ngày và… đi họp với cấp trên!
Tôi chưa từng thấy một bản phân tích nào trả lời các câu hỏi: Công nghệ trong bệnh viện của chúng ta đang ở đâu? Trong lĩnh vực chuyên môn hẹp này, sắp tới công nghệ thay thế là gì? Công nghệ chúng ta đang có có được khai thác hiệu quả không? Tiền tích lũy đủ đầu tư cho công nghệ mới thay thế chưa? Và chúng ta cần đóng gói và chuyển giao công nghệ như thế nào để tăng hiệu quả đầu tư, để còn có tiền tích lũy tiếp nhận công nghệ tiên tiến hơn?… Tất cả hình như nằm trong ý định rời rạc của các cá nhân nào đó, chứ không hề là một chương trình phát triển chính thức của bệnh viện. Tất cả mờ mờ ảo ảo hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác.
Ở góc nhìn của công nghệ, bệnh viện tương lai sẽ phân thành hai nhánh:
Nhánh 1: Những bệnh viện có tiềm lực khoa học và đội ngũ chuyên gia đầu ngành sẽ tham gia cùng các hãng phát triển công nghệ ở giai đoạn cuối (thử nghiệm lâm sàng, củng cố chứng cứ,…), tiếp nhận những công nghệ mới nhất trong ngành và từ đó chuyển giao công nghệ lại cho các bệnh viện khác. Đây là đặc trưng của một Center-of-Excellence (CoE) trong một chuyên ngành nào đó. Nguồn thu của một CoE đến từ bệnh nhân dưới 80%, trên 20% là từ chuyển giao công nghệ. Nghiên cứu trong bệnh viện không chỉ có công bố bài báo mà còn sáng tạo ra giải pháp hữu ích (patent), sáng tạo ra kỹ thuật, quy trình, phác đồ mới, hội nghị khoa học ở tầng thượng đỉnh, không phải là hội nghị khoa học theo kiểu giảng bài hay là chỗ để báo cáo cho đủ chỉ tiêu nghiên cứu khoa học…
Để đi theo nhánh một, văn hóa đổi mới sáng tạo, tiên phong, văn hóa nghiên cứu đột phá, văn hóa kết nối mạng lưới trong và ngoài nước để tạo ra những điều chưa có tiền lệ trở thành đặc trưng của các CoE này. Đội ngũ chuyên gia phải chấp nhận “buông bỏ” những công nghệ gần lên đến đỉnh, bão hòa để tiếp nhận cái mới. Phải chuyển giao công nghệ để có tiền tiếp nhận công nghệ mới. Phải tính ra được một công nghệ tiếp nhận chi phí bao nhiêu và cần phải chuyển giao bao nhiêu để huề vốn… Nói nôm na, phải xem chuyển giao công nghệ là một nghề. Không phải có vài món bí kíp rồi giữ đó xài cả đời. Các chuyên gia ở tầng đỉnh thì không giấu nghề vì họ luôn có khả năng tiếp nhận và sáng tạo ra cái mới (để đi chuyển giao tiếp). Chỉ có chuyên gia không có thực lực mới giấu nghề vì chỉ có vài món trong tay, chỉ cho thiên hạ biết thì mình sống bằng gì. Càng không có thực lực sẽ càng giấu nghề, và như thế lại càng không có thực lực. Những chuyên gia như vậy sẽ bị đào thải rất nhanh trong thời buổi công nghệ không còn độc quyền tiếp cận như thời bao cấp nữa.
Nhánh 2: Là những bệnh viện không có năng lực sáng tạo công nghệ và khả năng tiếp nhận công nghệ hạn chế, nhưng lại có lợi thế là có thể thu hút nhiều bệnh nhân, đa dạng môi trường bệnh lý và lâm sàng. Các bệnh viện dạng này sẽ lựa chọn và tính bài toán đầu tư công nghệ dựa trên khả năng thu hút bệnh nhân, thu hút bác sĩ, và huy động vốn. Trong đó, khả năng thu hút bệnh nhân là trọng yếu.
Nắm bắt nhu cầu, lập dự án đầu tư, triển khai dự án, quản lý dự án và đánh giá dự án đầu tư công nghệ là một điểm yếu hiện nay của các bệnh viện công lẫn tư. Vì chúng ta sống một thời gian quá dài trong nền y tế bao cấp nên mất đi độ nhạy bén của người làm kinh doanh. Mất đi khả năng quan sát thị trường, khả năng bồi tụ nguồn lực. Và luôn làm việc trong tâm thế phải có nguồn lực đủ mới làm được, chứ không phải là chủ động tìm kiếm nguồn lực. Nền quản trị công đã để lại một sức ỳ rất nặng nề cho hệ thống quản trị bệnh viện hiện nay, cả công lẫn tư. Bị động và ngồi chờ (không biết là chờ cái gì!) là căn bệnh nan y và là cục máu đông khó trị của ngành y.
Thói quen quản trị bệnh viện theo kiểu “đối nhân”, nghĩa là dựa vào niềm tin một ai đó mà giao trọng trách tiếp nhận công nghệ cho bệnh viện, đã và đang tạo ra nhiều xung đột trong cộng đồng y tế. Giữa người với người, hôm nay mặn nồng ân ái, ngày mai cơm không lành canh không ngọt chẳng có gì là quý hiếm. Từ những case “ăn cháo đá bát” tạo ra suy nghĩ chung cho ngành “không cần phải đầu tư vào con người, chỉ cần dùng tiền lôi kéo là được”. Từ đó dẫn đến một môi trường tri thức đầy thị phi và thù hận. Mối quan hệ giữa bệnh viện và chuyên gia công nghệ trở nên nghi ngại và phòng thủ nhau theo kiểu “có ai rồi mới có ai”. Không có bệnh viện đầu tư thì sao anh có cơ hội học công nghệ đỉnh cao, nhưng không có người đủ giỏi thì làm sao có thể làm chủ được công nghệ đỉnh cao!
Con người là thách thức cốt lõi cho quản trị công nghệ trong bệnh viện. Công nghệ là tài sản của tổ chức, bao gồm luôn cả tri thức, bí quyết của các cá nhân tham gia vào vận hành công nghệ đó. Nghĩa là anh được giao trách nhiệm tiếp nhận công nghệ, vận hành công nghệ và phải phục vụ theo hoạch định phát triển của tổ chức, chứ không phải dùng nó như là một tài sản riêng rồi quay lại làm eo, làm sách, mặc cả ngược lại với tổ chức. Cụ thể, việc bệnh viện cần làm là xây dựng một chính sách đào tạo, huấn luyện công nghệ cho cá nhân một cách tường minh, có điều khoản mang tính nghĩa vụ, trách nhiệm rõ ràng. Anh được đầu tư gì và anh cần làm gì cho tổ chức cần nói cho rõ, không cả nể, không úp mở, không “tế nhị”…
Ở cấp độ quốc gia, chiến lược đàm phán với các hãng công nghệ đang sở hữu công nghệ độc quyền và khuyến khích sự cộng tác, cộng sinh cùng phát triển là quan trọng và cấp bách. Làm được điều này sẽ giúp giảm chi phí công nghệ hiện nay cho toàn ngành và ngăn chặn vỡ quỹ BHYT hiệu quả nhất. Tình trạng các hãng công nghệ móc nối với một số bệnh viện để tạo trend marketing “máy đời mới” cần phải bị lên án để bảo vệ lợi ích chung cho toàn ngành.
Chúng ta “dạy” cho xã hội này đến với bệnh viện vì cái máy “đời mới” là chúng ta tàn phá cả ngành y, và hậu quả là chúng ta sẽ “ở đợ” cho các hãng công nghệ cao. Chuyện này không quá khó hiểu nếu chúng ta làm trong ngành. Các hãng sẽ liên tục nâng cấp đời máy và tạo ra một cuộc đua mua sắm thay thế máy móc, và chỉ một số ít là có lời, còn lại hầu hết sẽ lỗ. Chúng ta ngồi tiêu diệt nhau và người thắng hết tất cả là các hãng công nghệ. Chuyện này chỉ có ở những quốc gia mà văn hóa kinh doanh đạp đổ lẫn nhau, ghen ghét ganh tị, chứ không hề cộng tác cộng sinh để cùng phát triển. Và thứ văn hóa kinh doanh này của người Việt đang bị các hãng nước ngoài lợi dụng và khai thác triệt để. Chuyện này đã được cảnh báo mấy mươi năm rồi nhưng xem ra trong ngành y vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể.
Vòng đời công nghệ của trang thiết bị không phải lúc nào cũng có cái mới mang tính đột phá. Rất nhiều trong đó chỉ là cải tiến, nâng cấp, bổ sung. Đâu là vòng đời nâng cấp mang tính công nghệ đột phá, đâu chỉ là các cải tiến nâng cấp nhỏ, đâu xứng đáng là một version mới, đâu chỉ là cải tiến mẫu mã, thêm màn hình cảm ứng cho nó sang, đâu là những bổ sung tính năng rất hay, có thêm lợi ích cho bệnh nhân và bác sĩ, đâu chỉ là thêm một chút tiện ích, tiện dụng để nâng giá,… tất cả mờ mờ ảo ảo, tung hỏa mù truyền thông marketing ra xã hội để dẫn dắt người dân, mà không có một sự phản biện hay lưu ý nào thì cả xã hội này sẽ phải chi trả chi phí để vỗ béo cho hệ thống thương mại bán hàng công nghệ và các công ty công nghệ. Công nghệ trong y tế mà thay đổi theo kiểu thời trang, hãnh diện, lấy tiếng lấy le như ngành ô tô – ba năm phải thay máy mới cho nó oai – thì bao nhiêu tiền xã hội này làm ra sẽ đi “ở đợ” cho các hãng và không quỹ bảo hiểm nào chịu cho thấu.
Người Việt có văn hóa kinh doanh rất xấu, xấu hơn các dân tộc khác trên thế giới rất nhiều (Nhật, Hàn, Trung Quốc, Thái,…), nên đó là lý do vì sao chúng ta rất dễ bị lợi dụng. Chuyện này đã được bàn mấy mươi năm nay rồi, không mới mẻ gì. Chúng ta cần phải thay đổi điều này, và nó càng không thể tồn tại trong một môi trường đầy tri thức như ngành y được.
Kính chúc thành công!
Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?