Ra quyết định một cách cảm tính
Trong một buổi tiệc tất niên, khi cô thư ký xinh đẹp hát một bài giọng cổ ngọt ngào, vị giám đốc cầm cành hoa bước lên sân khấu tuyên bố thưởng nóng 5 triệu (năm 2010). Qua Tết, có hai anh kỹ sư xin nghỉ việc, tôi hỏi thăm hai anh bảo tui làm ở đây 10 năm, sáng chế rất nhiều cải tiến cho công ty, chưa bao giờ giám đốc hỏi thăm và khen ngợi câu nào chứ đừng nói là thưởng nóng, thưởng nguội.
Một ban giám đốc dành cả buổi sáng ngồi bàn luận xem coi mua chiếc xe gì tầm 5-7 tỷ đi cho ngon, nào là Land Cruiser, BMW, Mer,… và đồng thuận đồng lòng ra quyết định cái rụp hốt 25 tỷ đi sắm xe cho dàn lãnh đạo. Trong khi một đề xuất nâng cấp công nghệ hơn 2 tỷ, phải giải trình tầng nấc 4-5 cuộc họp, ông này đá qua ông kia, ông kia đá qua ông nọ, 6 tháng trời không ai quyết định.
Một dàn lãnh đạo dành cả tuần lễ ngồi sửa từng câu từng chữ, từng tấm hình trong kỷ yếu 20 năm thành lập. Nhưng xin lịch họp để thảo luận hướng đi và tháo gỡ các vướng mắc cho các mô hình vận hành thông minh dựa trên các mô hình tiên lượng và thuật toán mới thì xin cả nửa năm không ai quan tâm, ai cũng nói rất bận, nhiều việc, và để chuyện vận hành thông minh gì đó từ từ tính sau,… chưa biết đi mà đòi biết chạy.
Nhiều lãnh đạo dành rất nhiều thời gian cho các hoạt động thiết kế trang trí nội thất văn phòng, cảnh quan sân vườn, trang trí phong thủy bể cá,… nhưng rất mất tập trung, ngồi không yên trong các buổi brainstorming về ý tưởng chiến lược, kế hoạch, hoạch định công việc cho bán hàng, marketing hay kỹ thuật công nghệ…
Những ví dụ trên nằm trong vô vàn thực tiễn diễn ra trong doanh nghiệp khi người lãnh đạo dựa trên sự “ưa thích” của bộ não của mình mà làm việc. Sự ưu tiên và các quyết định của người lãnh đạo bị dẫn dắt bởi sự bốc đồng, cảm hứng, sự thiên lệch tình cảm, sự ưu ái cảm tình và đặc biệt là nuông chiều sự thỏa mãn của bản thân mình.
Hậu quả của sự nuông chiều này không quá khó để dự đoán, những công ty mà tôi vừa kể trên hiện đang lâm nợ, sa thải nhân viên và gần như không còn khả năng cứu vãn. Chết lâm sàng, chờ ngày giải tán, thậm chí có thể dính líu đến pháp lý.
Ra quyết định một cách trực giác
Một nữ doanh nhân học hết lớp năm, lăn lội sang tận Đức, không biết tiếng, càng không hiểu mấy ông Đức giới thiệu cái khỉ gì về công nghệ mới. Nhưng dám bỏ ra hơn 2 triệu USD (năm 2010) nhập dây chuyền công nghệ tối tân nhất trong lĩnh vực chế biến thực phẩm về để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
Một vị chủ tịch hội đồng quản trị hơn 80 tuổi vẫn hàng ngày ngồi trong các buổi họp của công ty nhưng không phải ngồi canh me, cản trở hay khuyên can, dạy đời mà ngồi lắng nghe, quan sát, động viên và sẵn sàng trao cho các thế hệ U30-U40 những dự án hàng trăm tỷ để triển khai.
Một chủ doanh nghiệp hàng ngày ăn trứng chiên, canh rau mồng tơi, uống café đen, trong các bếp ăn tập thể với công nhân, lao công, vệ sinh công nghiệp… mỗi ngày chi tiêu không quá 200 ngàn nhưng khi qua Nhật, qua Hàn, qua Trung,… nhìn thấy giải pháp công nghệ tiên tiến thì quyết định và chuyển tiền đặt cọc ngay lập tức 50 – 100 tỷ. Đôi khi ông huy động 500-700 tỷ tiền mặt trong một hai ngày để chớp thời đàm phán nhanh với đối tác.
Hầu hết các quyết định vừa nêu trên là dựa trên trực giác, quyết định khi chưa kịp lý giải tại sao lại quyết định như vậy một cách rõ ràng. Nó không phải được sự cân nhắc cẩn trọng theo kiểu cân đo đong đếm một cách tường minh. Nhưng nó cũng không phải là sự cẩu thả cảm hứng bốc đồng nhất thời. Trực giác bản chất là một quá trình tiên lượng ở cấp độ mà các kết nối nơ-ron trong não diễn ra với cường độ dưới ngưỡng tuyệt đối. Đó là các quá trình tư duy mà chúng ta không ý thức được sự hiện diện của nó. Và do vậy nó thôi thúc các quyết định một cách không kịp lý giải!
Trực giác không phải từ trên trời rơi xuống. Chỉ những người luôn trăn trở, luôn tìm kiếm thông tin, tìm kiếm giải pháp, cách thức gì đó để giải quyết vấn đề… Từ các quá trình suy tư này, bộ não hình thành những mô hình tiên lượng ở cấp cực nhỏ, nhỏ hơn khả năng nhận biết của chính người ra quyết định đó.
Các công ty trong các câu chuyện mà tôi vừa kể trong phần này, hiện đều là những công ty phát triển bền vững, vượt qua mọi bão giông của thị trường, họ luôn là người ở lại cuối cùng và lớn mạnh thêm sau mỗi mùa giông bão. Đời sống nhân viên cải thiện theo thời gian, ai cũng tích lũy của cải nhà cửa và có đời sống phồn vinh, ý nghĩa và giá trị.
Ra quyết định một cách thấu cảm
Điểm khác biệt lớn nhất của cảm tính và trực giác là khả năng thấu cảm. Nghe rất mâu thuẫn. Tại sao người cảm tính lại ít thấu cảm. Nhưng người trực giác lại giàu khả năng thấu cảm!
Thấu cảm là khả năng quan sát và thấu hiểu cảm xúc của người khác, hiểu được tại sao người ta có cảm xúc như vậy. Quá trình thấu cảm là quá trình mà bộ não học những “patterns” (các tổ hợp nhân quả) về hành vi con người, nên người thấu cảm tốt học rất nhanh những gì liên quan đến con người. Tại sao thấu cảm lại quan trọng trong kinh doanh và quản lý, lý do rất đơn giản vì khách hàng chúng ta, nhân viên chúng ta đều là con người. Người thấu cảm tốt luôn trăn trở với những vấn đề mà khách hàng hay nhân viên đang đối diện, và họ luôn trăn trở tìm kiếm cách để giải quyết nó. Đó là lý do vì sao khi bắt gặp “những lời giải còn lờ mờ” họ phát hiện nhanh chóng và ra quyết định rất nhanh.
Người cảm tính bản chất là người nuông chiều chính cảm xúc của bản thân mình, người càng nuông chiều bản thân thì lại càng ít đặt mình vào người khác mà nghĩ, từ đó càng ít thấu hiểu hay thấu cảm người khác. Nên, bản chất của người cảm tính là người ích kỷ và lấy mình là trung tâm của vũ trụ.
Vài lời cuối
Một người làm lãnh đạo, cốt lõi là có vì người khác hay không, có vì tổ chức hay không. Nếu người lãnh đạo vì một lý do gì đó cho dù là công hay tư được đưa lên làm lãnh đạo, mà chỉ có biết mỗi bản thân mình, sống nuông chiều cảm xúc và lợi ích của bản thân mình thì tổ chức sớm muộn gì cũng sụp đổ, bất kể đó là công hay tư.
Đó là lý do vì sao trong các tổ chức tư nhân, các tập đoàn gia đình, người ta muốn nuôi dưỡng thế hệ lãnh đạo kế thừa, người ta nuôi dưỡng sự dấn thân, sự hy sinh bản thân vì tổ chức, tinh thần trách nhiệm và dám đánh đổi bản thân với sự mạo hiểm vì tổ chức.
Chúc thành công.
Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1 + 1 bằng mấy?