Con người, ai đã từng đi qua những đoạn trường cay đắng thường hay nói những lời mang tính cảnh báo và rất khó nghe. Một Tập đoàn đã đi đến đỉnh cao doanh thu thị phần, tại sao lại rơi vào khó khăn, nó có thiếu tiền, thiếu vốn và thiếu người không? Không! với những công ty có vài ngàn tỷ tiền tươi làm vốn lưu động, nó không thiếu “anh tài xuất chúng”.
Văn hóa sẽ “ăn tươi nuốt sống” chiến lược. Bao nhiêu chiến lược hay ho, bao nhiêu tầm nhìn vượt thời đại, nhưng nó chỉ nằm trong suy nghĩ của một vài người, nó không thể trở thành sức mạnh, không thể trở nên năng lực để làm, bởi vì văn hóa xấu độc nó phá nát hết, nó làm suy yếu và suy sụp một tổ chức nhanh hơn chúng ta nghĩ. Thứ văn hóa độc nhất trong các tổ chức lớn là văn hóa cung đình. Tất cả giăng hàng ngang đấu đá, chỉ cần ngán một người duy nhất là được. Hàng ngang càng xung đột càng tốt! Càng không ai coi ai ra gì càng tốt. Ai cũng tranh nhau được lòng một người là đủ.
Văn hóa cung đình trong quản trị có xuất phát từ trong chính trị của người anh em thiện lành bên kia biên giới. Để duy trì vị thế độc tôn của người lãnh đạo, người ta không cho phép bên dưới đoàn kết. Bên dưới đoàn kết là bên trên sẽ chết sớm! Nhưng người ta cũng không thể duy trì sự xung đột quá mức để nó quánh lộn nhau đến một mất một còn. Duy trì một sự xung đột vừa đủ để kềm cặp là nghệ thuật của thứ văn hóa này. Các học thuyết lãnh đạo trong chính trị, khi được vận dụng vào quản trị thì tan nát tổ chức. Tranh công là biểu hiện đầu tiên của văn hóa này. Cản thằng khác không cho nó lập công là màu sắc đặc trưng. Để cuối cùng ngồi canh và cản chứ không phối hợp gì cả là con đường “chờ” để đối thủ cạnh tranh vượt qua.
Tổ chức kinh doanh khác với chính trị. Tổ chức kinh doanh chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, nó phải thích nghi nhanh, phải phản ứng với sự thay đổi của bối cảnh kinh doanh nhanh, nó phải đổi mới sáng tạo liên tục. Văn hóa cung đình làm cho tổ chức, dù rất nhiều anh tài, nhưng rất ì ạch và dành nhiều năng lượng để đấu đá nhau rất dữ. Sự phối hợp hàng ngang gần như là bằng không, trừ khi được bật đèn xanh của người duy nhất. Có những bài học quản trị được trả giá bằng đời người, thậm chí là tù tội. Chúng ta không phải trả giá, nhưng chúng ta có được bài học. Nếu còn không học, không tránh được vết xe đổ của người khác, đó là yếu kém của chúng ta.
Khi một tổ chức sụp đổ, nhân viên là khổ nhất, thất nghiệp tuổi 50 đầy ra đó. Lãnh đạo không mất gì, làm cho đã cái tôi của mình, đến khi nào nát hết thì thôi.
Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Bốn + ba bằng mấy?