Một bác sĩ ngoại khoa được cầm dao mổ lần đầu, kế bên có người thầy đứng quan sát nhưng ít nói chỉ nhìn. Sau nhiều ca mổ, người thầy không còn đứng kế bên nữa. Vị bác sĩ ấy kể với bạn bè rằng “tao làm không, ổng có làm gì đâu, đứng cho có vậy mà”. Nhiều năm sau khi người bác sĩ ấy trở thành người thầy, thì người thầy cũ đã lên bàn thờ. Và những lời cảm ơn lúc này mới được gửi theo nhang khói.
Phàm ở đời, ai làm việc gì vất vả cũng muốn ôm trọn công lao về mình, bởi đó là sự tưởng thưởng cho nỗ lực cá nhân, điều đó rất hợp lý và không có điều gì đáng chê trách. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rằng, trong một tổ chức con đường phát triển một junior lên senior luôn phải có một mentor. Tại sao?
Mỗi ca mổ là một mạng người. Tổ chức không giao mạng người cho bạn mà giao cho thầy hướng dẫn của bạn. Nói nôm na nếu không có ông thầy này, không ai dám giao gì cho người chưa từng cầm dao hết.
Tương tự như vậy, trong tổ chức, mỗi dự án lớn là cơ hội thể hiện tài năng và sự đóng góp. Ai cũng muốn mình có công đầu trong các dự án đó, đặc biệt đó là cơ hội để bạn từ junior trở thành senior. Nhưng không ai dám giao cho bạn nếu không có một mentor kế bên. Vì người ta kỳ vọng người này sẽ giúp bạn xử lý những tình huống phức tạp phát sinh, để đảm bảo sự thành công cho dự án.
Yên tâm, mentor chuyên nghiệp không ai cướp công hay làm mờ danh tiếng của bạn hết. Vì người ta đủ khả năng làm mentor cho bạn thì cũng đủ khả năng làm trăm thứ chuyện khác, không ai rảnh ngồi tranh công với bạn. Mỗi mentor thường có cá tính khác nhau. Có người chỉnh chu, chi tiết, bắt bạn phải chi tiết hóa trước từng bước công việc, hiểu rõ từng việc phải làm trước khi làm. Có người cho bạn một không gian độc lập để tự xoay sở và âm thầm quan sát.
Mỗi bước bạn thực hiện đều được nhìn thấy và nếu mentor không nói gì đồng nghĩa “go ahead”. Chỉ cần bạn lệch hướng, người ta sẽ cho bạn lời khuyên để nghĩ cách. Lưu ý là một mentor “vì bạn” không ai cầm tay chỉ việc cho bạn, nhưng cứ bình tĩnh người ta đã tính toán dự phòng cho bạn 5-7 đường tiếp theo rồi, không ai buông tay cho bạn chết. Chính sự lão luyện đó, người ta mới trở thành mentor.
Sống ở đời điều quan trọng nhất là phải biết được ai là người thật lòng muốn mình tốt. Đến ngay cả việc này mà còn không nhận ra được thì làm sao ai dám giao trọng trách phức tạp gì cho bạn tiếp theo. Đừng để đến bên bàn thờ mà thắp nhang cám ơn. Nhưng muộn rồi.
Mỗi tổ chức luôn có một mạng lưới mentor ngầm. Nó thường không được phát biểu một cách chính thức. Nhưng điều bạn cần ghi nhớ rằng không có những người này, bạn khó có cơ hội bước được bước tiếp theo cho sự nghiệp của mình.
Cuộc đời tôi rất may mắn khi được làm việc với những mentor suốt ngày “dìm hàng” tôi, “mầy còn non lắm nha con, ra gió sẽ chết nghe con; thằng này chưa đủ chín để làm đâu; nó làm có ai coi nó không, chưa thả được đâu; sao giao cho nó vậy, cân nhắc kĩ chưa…”. Nếu bình thường nghe những lời này bạn có thể sẽ “lên tăng xông mà ói máu”. Nhưng với tôi, tôi hiểu người ta thương tôi thật lòng.
Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Bốn + ba bằng mấy?