HUỲNH BẢO TUÂN

THỰC HÀNH SỰ TỈNH THỨC TRONG CHĂM SÓC VÀ TƯ VẤN CHO BỆNH NHÂN. (mindful caring & mindful counseling)

Mindful – Tỉnh thức (dịch theo Tâm lý học Nhận thức) hay Chánh niệm (dịch theo Phật giáo), là sự tập trung vào từng khoảnh khắc ở hiện tại, nhận thức mọi thứ xung quanh một cách toàn diện, và KHÔNG PHÁN XÉT.

>>> Tại sao Mindful là quan trọng cho tâm trí con người thời nay.

Xã hội càng phát triển thì con người càng đối diện với nhiều vấn đề phức tạp. Công nghệ càng phát triển, đem đến nhiều tiện ích cho con người, nhưng lại gia tăng Sự quấy nhiễu tâm trí (mind wandering).

Khi tâm trí bị quấy nhiễu thường xuyên, thì khả năng tập trung bị giảm sút nghiêm trọng.

Sự quấy nhiễu tâm trí gây ra bởi các vấn đề thường gặp của con người & xã hội:

–          Rumination: cảm xúc tiêu cực lan tỏa, gặm nhấm và khuếch đại không ngừng, làm não bộ phóng thích rất nhiều hóc môn giúp duy trì trạng thái cân bằng cho hệ thần kinh, nhưng đồng thời cũng tiêu diệt tế bào não, gây quên và gây mất tập trung.

–          Judgement: phán xét bất cứ thứ gì tiếp nhận được là một thói quen rất có hại cho trí não. Từ phán xét nó kích hoạt cho cảm xúc tiêu cực (ghét, thù, buồn, giận,…), từ đó nó dẫn đến rumination nếu thói quen này vẫn duy trì liên tục.

–          Mạng xã hội làm cho thông tin nhiều và nhanh hơn. Đồng thời cũng lan tỏa thông tin tiêu cực nhiều hơn (cường độ thông tin tiêu cực lan tỏa mạnh gấp 4 lần thông tin tích cực). Làm gia tăng tần suất phán xét, và là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến sự quấy nhiễu tâm trí của con người ngày nay. Nói như vậy không có nghĩa là đổ tội cho mạng xã hội. Mà cái phương tiện công nghệ gì cũng có mặt trái. Và mặt trái đó là do con người gây ra chứ không phải công nghệ. Nhiệm vụ của chúng ta là thích nghi chứ không phải là cấm đoán. Dùng mạng xã hội nhưng không để nó quấy nhiễu tâm trí (gia tăng cảm xúc tiêu cực, và phán xét, rumination) là một kỹ năng sống quan trọng trong thời hiện đại.

–          Môi trường tương tác đặc thù: tương tác trực tiếp giữa người với người không thể tránh khỏi phán xét và kích hoạt cảm xúc. Nếu người nào đó làm việc trong môi trường tương tác cảm xúc tiêu cực cường độ cao và liên tục, mà không thể kiểm soát được sự phán xét. Thì tự bản thân người đó tự đày đọa mình trong bể khổ. Ví dụ: mỗi ngày bạn giao tiếp với 200 người, và mang 50 cái bực tức vào người mình, thì tự bạn sẽ tự hủy diệt mình trước chứ không ai khác.

Thói quen phán xét, trước hết là ảnh hưởng đến Khả năng tập trung vào công việc, học tập…(sau đó là bệnh lý), cho nên nó trở nên là vấn đề nghiêm trọng trong quản trị ngày nay khi sự gia tăng của không gian tương tác ảo (mỗi người tham gia trên 20 groups Zalo, FB, …). Nó gây nên sai lỗi, quên, nhầm lẫn, giảm năng suất, xung đột (do cảm xúc), kém sáng tạo… cho doanh nghiệp. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp đã đưa Mindfulness Meditation vào huấn luyện nhân viên như là một chương trình huấn luyện nhân sự thường niên. Và test các trạng thái tâm lý, cảm xúc mỗi khi nhân viên có dấu hiệu khác thường về hành vi.

>>> Tại sao Mindful là vấn đề thực hành quan trọng trong y tế.

Thực hành y khoa đòi hỏi sự tập trung cao độ. Bởi nhận định – phán đoán – kiểm chứng – ra quyết định xử trí và thao tác chuẩn, là một quá trình phối hợp tổng thể thông tin – kiến thức – kỹ năng, giữa nhiều con người với nhau. Với y khoa, nó đòi hỏi sự CHÍNH XÁC và KỊP THỜI. Trong tích tắc quyết định mạng người, trong tích tắc có thể lấy đi sự nghiệp của một người mà mất vài chục năm khổ luyện mới có được.

Nên nếu nhân viên y tế không tập trung, bị quấy nhiễu tâm trí nhiều. Đặc biệt là bị quấy nhiễu tâm trí bởi thói quen phán xét và bị cảm xúc tiêu cực ngự trị thường trực (rumination), thì hậu quả rất là nghiệm trọng cho cả bệnh nhân và cả nhân viên y tế.

Ngoài ra, sự thiếu kiểm soát cảm xúc còn dẫn đến những lời phán xét như xé tim người khác:

–          Bệnh nhân bị phát hiện ung thư, phán “sao để muộn thế, giai đoạn cuối rồi”.

–          Thấy đứa nhỏ đưa vào viện với tình trạng tím tái vì hóc dị vật, phán “cha mẹ kiểu gì mà để con như thế”.

–          Thấy cụ già được đưa vào viện với trạng thái không còn khả năng sinh tồn vì đột quỵ. Phán “con cái kiểu gì mà đưa cha mẹ cấp cứu chậm trễ thế, có biết thời gian vàng là gì không”.

–          Thấy bệnh nhân bụng phệ đi khám, phán “nhậu lắm à, bụng vượt mặt là mệt rồi nghe”…

–          Trong phòng ICU, thấy bệnh nhân bị viêm tủy cấp nguy kịch, phán “nói người nhà đem về đi, không cứu được đâu” (không ngờ người nhà đứng gần đó nghe thấy).

–          …

Rất hy vọng, những lời phán kiểu này, chỉ là những cá biệt trong một phút thiếu kềm chế nào đó.

>>> Thực hành Mindful trong y tế – vài góp ý.

  1. Việc đầu tiên và quan trọng nhất là NGỪNG PHÁN XÉT. Nhiệm vụ của nhân viên y tế là cải thiện SỨC KHỎE, không phải là cải thiện ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI. Nhưng ngừng phán xét không phải là MACKENO, vô cảm, bỏ mặc sự đau đớn, bất hạnh.

Cốt lõi của Tỉnh thức (hay Chánh niệm) là phải cảm nhận mọi thứ xung quanh, cái gì đang diễn ra, một cách kỹ lưỡng, nhưng không kích hoạt cảm xúc tiêu cực trong tâm trí, vì :

–          hành vi bị dẫn dắt bởi cảm xúc cực đoan thường gây hậu quả nghiêm trọng;

–          cản trở các tín hiệu kích hoạt trực giác, làm nhiễu sự phán đoán dẫn đến xử trí sai hoặc không kịp thời. Và thường là bỏ qua những dấu hiệu bệnh lý nghiêm trọng dẫn đến không kịp trở tay.

Thực hành Tỉnh thức sẽ cho chúng ta sự chú ý tập trung vào những gì cần chú ý, cho dù đang ở trong bất cứ tình huống rối loạn, với rất nhiều yếu tố gây nhiễu nào. Đó là một trạng thái đỉnh cao của trí tuệ (wisdoms).

  1. Hoạch định các kịch bản, ứng phó 80% các loại tình huống thường xảy ra trong chăm sóc và tư vấn.

Cũng giống như phân tích mô hình bệnh tật. Nguyên tắc 80-20 cần được áp dụng.

80% bệnh nhân đến bệnh viện thường lặp đi lặp lại với 20% mặc bệnh cho một chuyên khoa nào đó. Nên ta chỉ cần xây dựng 10-20 phát đồ/chuyên khoa là đủ giải quyết 70-80% các vấn đề bệnh tật thường gặp nhất.

 80% các vấn đề rắc rối, rối ren, gây sự trong quá trình chăm sóc và tư vấn, thường liên quan đến 20% trường hợp bất thường nào đó, tại một khu vực nào đó. Việc chúng ta cần làm là hệ thống hóa 20% trường hợp này, xây dựng một kịch bản ứng phó chuẩn, đụng chuyện cứ thế mà làm, không phải rối ren bấn loạn. Làm được chuyện này là ta đã mang đến sự an lành nhiều lắm cho bệnh viện rồi.

Ví dụ các trường hợp bất thường cần xây dựng kịch bản:

–          Khoa cấp cứu: đánh nhau, án mạng, không có thân nhân, yêu cầu cấp cứu không cần thiết, không chịu trả tiền – đòi BHYT chi trả, cấp cứu hàng loạt, thông báo tin xấu…

–          Nội trú: quấy rối tình dục, bỏ trốn, nhảy lầu, thông báo tin xấu…

–          Ngoại trú: chửi bác sĩ, không chịu trả tiền, không hài lòng khi tư vấn…

–          Chuẩn đoán hình ảnh: không tuân thủ quy định, chờ đợi lâu bức xúc, sai người, …

–          Xét nghiệm: sợ rút máu, trẻ con không rút được máu,…

–            ….

Mỗi khoa phòng liệt kê các tình huống, chuẩn hóa quy trình ứng phó và huấn luyện. Không để việc xử trí tình huống một cách tùy tiện, lúng túng, dựa trên sự phán xét của cá nhân, dựa trên cảm xúc nội tại của một ai đó. Từ rối ren này nó dẫn đến rối ren khác. Hậu quả nhân viên y tế hoặc xà quầng với rối ren, không còn thời gian, tâm trí cho những việc khác, hoặc sống vô cảm bỏ mặc, né cho yên chuyện. Dần dần bệnh viện trở nên, và trở thành nơi “oán thù chồng chất”, chứ không còn là nơi của tình người, nơi của sự sẻ chia đồng cảm, nơi của niềm tin và “cho dù có ra đi cũng thanh thản”.

  1. Cần hình thành những bộ phận ngoài y khoa hỗ trợ một cách chuyên nghiệp.

Một bệnh viện chuyên nghiệp là bệnh viện không để cho bác sĩ, điều dưỡng đi lo cái chuyện trốn viện, đòi tiền, cải lộn vì BHYT, đánh bác sĩ ở khoa cấp cứu…

Một bệnh viện chuyên nghiệp là không để bác sĩ , điều dưỡng chửi tay đôi với thân nhân bệnh nhân, thậm chí là đánh nhau, lôi nhau nhục mạ nhau trên mạng xã hội.

Một bệnh viện chuyên nghiệp là bệnh viện mà người làm chuyên môn chỉ chuyên tâm vào chuyên môn, chỉ tiếp nhận thông tin, dữ kiện để phục vụ cho các đánh giá về chuyên môn. Không thu nhập dữ liệu dữ kiện của bệnh nhân nhằm phục vụ sự phán xét, trục lợi cá nhân.

Một bệnh viện chuyên nghiệp là bác sĩ và điều dưỡng khi tiếp xúc với người bệnh, thực hành các cấu trúc thăm hỏi, tư vấn một cách chuyên nghiệp, được chuẩn hóa và huấn luyện trước. Với đầy đủ nội dung, thông tin, thấu cảm, và lấy bệnh nhân làm trung tâm, bệnh nhân là người quyết định dựa trên khả năng của họ, bác sĩ là người tham vấn, không áp đặt.

Một bệnh viện chuyên nghiệp là nơi không để cho sự vui buồn thất thường của nhân viên y tế ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc hay tư vấn. Thích thì tư vấn nhiều, không thích thì chả nói gì. Thích thì giải thích vài câu, ghét thì chả nói gì. Giận cá chém thớt, đem bực mình chổ này nện vào chổ khác. Làm việc mà như cả thế giới này mắc nợ mình. Bệnh nhân như là một gánh nặng đáng ghét. Thường xuyên phán xét bệnh nhân tào lao kém hiểu biết, giàu làm phách, nghèo liều mạng,….bla bla..

Một bệnh viện chuyên nghiệp là khi bác sĩ, điều dưỡng thấy có những dấu hiện bất thường lộn xộn ngoài chuyên môn là ấn nút và có bộ phận chuyên nghiệp hỗ trợ ngay lập tức:

–          Bệnh nhân không có tiền. Ấn nút, bộ phận công tác xã hội đến xử lý. Với những quy định, hướng dẫn đã được tiên liệu các kịch bản.

–          Bệnh nhân chửi bới tại sao không được thanh toán bảo hiểm. Ấn nút, bộ phận bảo hiểm mời lên phòng nói chuyện, giải thích.

–          Bệnh nhân mổ không có người thân. Ấn nút, bộ phận chăm sóc khách hàng đến đưa ra các phương án hỗ trợ.

–          Bệnh nhân bức xúc đòi đánh bác sĩ. Ấn nút, bộ phận an ninh đến mời đến phòng riêng để trao đổi.

–          Bệnh nhân tai biến khiếu nại, đòi kiện. Ấn nút, bộ phận giải quyết khiếu nại, sự cố y khoa đến thực hiện tuần tự trình tự đã được phê duyệt.

–          ….

>>> Vài lời cuối

Để xây dựng một môi trường bệnh viện có trải nghiệm chánh niệm (mindful experience). Trước hết chúng ta phải nhận ra đó là vấn đề của cảm xúc và sự kiểm soát cảm xúc, thói quen phán xét và sự phức tạp ngày càng tăng của xã hội. Đòi hỏi những bản lĩnh và kỹ năng mới.

Những năm gần đây các phương pháp tập luyện của Phật giáo trở nên phổ biến hơn. Nó cho thấy con người đang tìm kiếm các cách thức giải quyết cho các vấn đề về tâm trí nhiều hơn, đặc biệt là từ khi mạng xã hội trở nên phổ biến hơn. Doanh nghiệp được cấu thành bởi con người và xã hội, nên khoa học quản trị cũng mang nhiều khái niệm của Phật giáo vào để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Mindful Leadership, Mindful Organizing, Mindful Experience, Mindful Consumption…

Sứ mệnh của Phật giáo là giải thoát con người khỏi khổ đau. Mà khổ đau là do chính tâm trí của mỗi chúng ta tạo nên cho chính mình chứ không ai khác. Nên con đường giải thoát là con đường đi tìm sự bình yên trong tâm trí của chính mỗi người. Và tự mỗi người phải tìm ra nó. Đó là tu luyện. Niết bàn là sự an yên trong cuộc sống mà không bị quấy nhiễu bởi bất cứ thứ gì. Niết bàn không phải là cõi xa xôi đâu cả, chính là ở trong thực tại mỗi người chúng ta. Có được Niết bàn thì mới có được trí tuệ.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Bốn + ba bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *