HUỲNH BẢO TUÂN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÀM SAO KIẾM TIỀN

Vâng, dù muốn hay không, dù có né tránh thì “kiếm tiền” vẫn là câu chuyện thực tế mà ta phải đối diện hàng ngày. Chối bỏ nó là sống không thực tế, viễn vông, mơ mộng và thụ động chờ người giải cứu.
>>> Nguồn tiền nào đến với trường đại học:
1. Học phí: không trường đại học nào đủ kinh phí phát triển nếu chỉ dựa trên học phí. Học phí chiếm tối đa không quá 30% nhu cầu về kinh phí của một trường đại học. Nếu một trường đại học chỉ sống bằng học phí của sinh viên, thì tôi khuyên bạn nên tránh xa những trường đại học đó. Bởi, đó không phải là trường đại học, mà chỉ là một nơi “lật sách ra dạy rồi cấp bằng”, đó đích thị là một trường phổ thông cấp 4.
2. Nghiên cứu khoa học: sứ mệnh của người đại học là SẢN XUẤT RA TRI THỨC, chứ không phải chỉ là giảng dạy. Không sản xuất được tri thức thì dạy cái gì. Đương nhiên là phải mượn tri thức người khác để dạy, nhưng đồng thời cũng phải tạo ra tri thức để đóng góp vào cái kho tri thức chung của nhân loại. Chứ chỉ có lấy ra xài thì thiên hạ coi ra gì. Cho nên, khả năng SẢN XUẤT TRI THỨC LÀ CÁI BRAND của một trường đại học, là uy tín, là thể hiện sự đóng góp, và từ đó trường đại học được tôn trọng, kính nể trong cộng đồng. CÁI NÀY MỚI GỌI LÀ ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ đây quý vị ạ. Làm mấy cái kiểm định chất lượng, mà thiên hạ ai cũng làm được, chỉ mình thấy khó, mà bảo là đẳng cấp quốc tế là tự ru ta vào mộng ạ.
Nhưng vấn đề là tiền đâu nghiên cứu khoa học. Đây là câu chuyện khó chịu của người làm khoa học. Bởi nhà khoa học trước giờ mặc định rằng ai đó phải lo tiền cho chúng tôi nghiên cứu, chúng tôi làm khoa học không phải làm kinh doanh, chúng tôi không có nhiệm vụ kiếm tiền. Và nhà khoa học hờn dỗi vì không có tiền để thỏa sức khám phá. Và nhà khoa học sẽ tìm kiếm bến đỗ nhiều tiền cho ta nghiên cứu.
Hãy quên chuyện đó đi. Tìm kiếm nguồn tài trợ cho nghiên cứu của mình là một PROFESSIONAL SKILL của một nhà khoa học. Kỹ năng tìm kiếm nguồn tài trợ, kỹ năng thuyết phục người khác rót tiền cho mình nghiên cứu, kỹ năng cạnh tranh ý tưởng để giành tiền về mình là cái thứ mà nhà khoa học phải tu luyện.
Và hãy quên những bến đổ nhiều tiền đi. Trên đời này không có bữa ăn nào miễn phí. Với một nhà khoa học tôi khuyên các anh chị một điều. Môi trường, văn hóa khoa học là quyết định đến hiệu suất, và hiệu quả nghiên cứu của các anh chị. Các anh chị có ôm một đóng tiền mà không có sự hỗ trợ từ môi trường nghiên cứu thì hậu quả là anh chị sẽ tìm cách đi buôn công trình khoa học và anh chị sẽ trở thành con buôn khoa học. Nếu anh chị thích thì cứ làm. Nhưng xã hội này chả ai kính trọng những con buôn đó.
Trường đại học sẽ được gì từ sự săn tiền tài trợ chuyên nghiệp của nhà khoa học. Trước hết, một nhóm người trong dự án khoa học sẽ có kinh phí làm việc, kế đến là cơ sở vật chất của trường được hưởng lợi, rồi kết quả nghiên cứu, rồi bài báo, rồi danh tiếng…Cho nên, đừng có đặt vấn đề trích huê hồng với các nhà khoa học có kỹ năng săn tiền cao. Sự lan tỏa tác động đến trường không hề nhỏ đâu. Đừng làm giảm nhuệ khí của họ, đừng làm tuột mood, giảm động lực của họ vì những chính sách tài chính nghĩ ngắn như vậy.
Đừng cố ra sức làm mọi cách để kiểm soát nguồn tài chính này. Sẽ có tác dụng ngược, cản trở nhiều hơn là thúc đẩy.
Nguồn tiền từ nghiên cứu khoa học sẽ giải quyết khoảng 30% nhu cầu thu nhập của một giảng viên là rất đẹp. Nghĩa là trường không phải đi lo chuyện này. Nên nhớ, cái cuối cùng là thu nhập, không phải là tiền lương.
3. Chuyển giao công nghệ, và dịch vụ công nghệ: Nếu một trường đại học kỹ thuật mà không kiếm được tiền từ hoạt động này, đó thực sự là một điều hết sức lo ngại. Nhóm trường đại học mang nặng tính khoa học cơ bản thì hiển nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn, và cần phải có sự trợ giúp của nhà nước. Vì các ngành công nghiệp không có tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, họ chỉ tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng, giải pháp công nghệ, hay dịch vụ công nghệ.
Làm cái gì cũng có tính cạnh tranh. Nhưng muốn thắng trong cạnh tranh không phải là tăng cường thủ đoạn, mà phải tăng cường chuyên nghiệp.
Từ một giảng viên đại học đến một chuyên gia tư vấn chuyển giao công nghệ chuyên nghiệp là một hành trình mang tính sự nghiệp của cả một đời người. Từ việc định vị, định hướng nghiên cứu công nghệ, cho đến xây dựng kỹ năng, uy tín tác phong chuyên gia, cho đến xây dựng personal brand, cho đến khẳng định đẳng cấp và bản sắc trong môi trường cạnh tranh…là một hành trình gian nan và vô cùng thách thức.
Nhưng nếu muốn kiếm tiền, và sống thịnh vượng một cách tử tế thì sự gian nan đó là đáng, là đúng, là gian nan nhưng thanh tâm an lạc.
Tùy mỗi người lựa chọn riêng cho mình những phương thức và thủ pháp kiếm tiền từ hoạt động chuyển giao công nghệ.
Tất cả phải đo sự thành công dựa trên khả năng chúng ta tạo giá trị cho người khác là bao nhiêu.
Mỗi giảng viên đại học có nguồn tiền từ chuyển giao công nghệ, dịch vụ công nghệ đóng góp khoảng 40% nhu cầu thu nhập đáp ứng yêu cầu cuộc sống là đẹp. Và đương nhiên, chúng ta phải có nghĩa vụ đóng góp cho trường đại học đã tạo ra mình và hỗ trợ cho uy tín của mình. Tỷ lệ đó là từ 10-20% là đẹp, tùy vào tình nhóm ngành công nghệ.
Thương hiệu và uy tín của một trường đại học là do hàng chục ngàn con người đóng góp tạo nên. Nếu người đi sau chỉ biết xài, không biết đóng góp thì ta rất nhanh xài hết cái mình có.
4. Startup và Spinoff: đây mới thực sự là nguồn tiền lớn, và quan trọng nhất với các trường đại học trong tương lai. Cách đây khoảng 8 năm, trong một buổi họp với nhiều quan chức, mình có phát biểu rằng “trường đại học phải tạo ra được doanh nghiệp để bán”, và nhiều vị đã phản ứng gay gắt về chuyện này. Với suy nghĩ, trường đại học không lo đi dạy cho tốt mà lo kinh doanh…
Ối trời ơi, ta muốn nhiều thứ lắm mà cái đầu chúng ta không chịu mở thì chịu chết. Nên 8 năm nay mình chẳng dám hó hé gì, vì đôi khi muốn làm điều gì đó phải đợi, đợi cho sự thay đổi tư duy và nhận thức được hội tụ.
Bây giờ thì chuyện này chả ai bàn ra nữa rồi. Nhưng từ nhận thức đến thực thi phải qua cái ải thể chế. Và trường đại học học lại tiếp tục chờ, chờ thể chế, chờ nghị định, chờ thông tư, chờ hướng dẫn. Nhiều người sẽ bảo có hết rồi mà chờ chi. Dạ thưa, có nhưng không đúng cái đang cần. Mà cái chổ đang cần đó mới là cái chổ người ta sợ (tù) nhất, đó chính là các nút thắt về thể chế tài chính, giữa công và tư…
Thế thì trường đại học kiếm tiền từ startup và spin up thế nào: một ý tưởng công nghệ lóe sáng lên chỉ ở dạng tiềm năng, nó phải được nuôi dưỡng và phát triển qua một giai đoạn. Thế thì ai sẽ làm việc này, không ai khác chính là các vườm ươm công nghệ. Trường đại học đứng ra tổ chức, lựa chọn, kết nối, hỗ trợ … gọi là ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, nếu thành công thì cổ phần của trường đại học trong các startup và spin off này là một tỷ lệ nhất định và nếu bán đi thì số tiền không nhỏ tí nào.
Triển khai để làm là không khó vì thế giới làm nhiều rồi, đi học riết rồi về không làm được gì sinh bệnh. Cái khó nhất hiện nay là các quy định về tài chính công trong câu chuyện này không dễ tí nào, mà đặc biệt là chẳng ai đoái hoài biên soạn, chẳng ai đứng ra để gỡ cái nút thắt này, mà người ta chỉ thích ngồi đó hô hào, nói chuyện trên mây.
Những vấn đề về tài chính trường đại học có nói 3 tuần cũng không hết chuyện. Cho nên, do nothing và tiếp tục chờ là phương án an toàn nhất.
Có điều, chờ đến khi mọi thứ đầy đủ thì thiên hạ ăn hết rồi.
5. Nguồn tiền đóng góp từ cựu sinh viên.
Trên thế giới nguồn tiền này rất là lớn, đặc biệt với các trường đại học uy tín. Nhưng tại sao ở VN, các cựu sinh viên thành đạt sẳn sàng bỏ ra hàng ngàn tỷ xây chùa chứ đóng góp vài tỷ vào trường đại học (xây phòng thí nghiệm, quỹ học bổng…) thì lại nhăn nhó.
Họ cảm thấy không đáng? Họ nghĩ rằng ai đó xài tiền của mình phung phí? Họ cần cái gì?…
Chưa có câu trả lời rỏ ràng cho vấn đề tại sao cựu sinh viên thành đạt (tài sản hàng ngàn tỷ) rất ít đóng góp cho trường đại học, mà xu hướng là xây làng, xây mồ mả, xây chùa… ?
>>> Lời kết
Tự chủ đại học là phải giải được bài toán tiền đâu tồn tại và phát triển. Cho nên, động lực cho tự chủ đại học không phải nằm ở Bộ GDĐT, mà nằm ở Bộ KHCN, và Bộ Tài Chính.
Cụ thể là phải giải quyết được nút thắt tài sản, tài sản trí tuệ, …và mức độ quyền hạn mà Ban Giám hiệu một trường đại học công được quyết định trong những vấn đề tài chính này.
Giải được nó là giải được bài toán kiếm tiền cho trường đại học, là giải được bài toán tự chủ cho đại học công.
Ngày nào chưa giải được, ngày đó cũng chỉ là tự chủ nữa vời. Nói nôm na là cai sữa và tự kiếm đường mà sống. Nhưng trái ngang ở chổ là không biết đường nào mà sống, nên cai sữa đồng nghĩa với thắt cổ.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1 + 1 bằng mấy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *