HUỲNH BẢO TUÂN

TỪ TỰ NHẬN THỨC BẢN THÂN ĐẾN ĐỊNH VỊ THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN

TỰ NHẬN THỨC BẢN THÂN (SELF – AWARENESS)

Bạn đã bao giờ tự hỏi mình là ai và mình thuộc về điều gì chưa? Nghe có vẻ ngớ ngẩn, rảnh quá á, nhưng bạn biết rằng để trả lời câu hỏi này đôi khi là cả đời người. Vấn đề là trả lời càng chậm đường thành công càng ngắn. Tại sao như vậy?
Ai sinh ra cũng muốn mình có thành tựu: thành tựu kiếm tiền, thành tựu khoa học, thành tựu nghệ thuật, thành tựu quản trị, thành tựu tạo dựng gia đình…để để lại cái gì đó cho không uổng phí kiếp người. Đó là một khát khao trong sáng của con người. Nhưng chỉ một số ít có thể chạm được những thành tựu mà mình mong muốn.
Tâm lý học cũng như Phật giáo cùng hội tụ một quan điểm, thành công của một con người không đến từ những gì bên ngoài chúng ta, mà ở trong chính nội tại mỗi người chúng ta. Bất kỳ ai cũng trở nên xuất sắc nếu chúng ta làm một điều gì đó bằng sự thôi thúc nội tại của mình. Mà để có sự thôi thúc nội tại đó bạn cần phải biết mình thuộc về cái gì, mình có những đặc điểm trí tuệ gì vượt trội, trí não của mình ưu thích với loại tín hiệu gì. Hoặc đơn giản hơn, khi làm một việc gì đó mà mình cảm thấy tập trung cao độ và cảm thấy sảng khoái, thích thú, làm quên ăn quên ngủ, quên thời gian.
Thử lắng nghe trí não của mình! Có người cầm cây bút lên vẽ là một cực hình, nhưng nghe tiếng đàn tranh róc rách, tí tách thì chìm đắm vào sự du dương của nó; có người cầm cái bảng tính lên là lòa con mắt, những ngồi bàn ý tưởng sáng tạo thì nói không bao nhiêu thời gian cho đủ; có người nhìn những con số muốn té xỉu, nhưng có người làm cho những con số lên tiếng, nó sướng tê người;…
Thế đó, mỗi người chúng ta khi chăm sai “thức ăn” cho trí não của mình thì cả đời mãi đi tìm kiếm cái gì đó, và cái gì đó không thuộc về mình. Một sinh viên kiến trúc phải bỏ học vì ngày nào cũng bị đày đọa bởi đống bản vẽ chết khiếp, nhưng lại thành danh quốc tế với cây đàn tranh của dân tộc; một người cảm thấy rất mệt mỏi khi giao tiếp với một đám đông, nhưng khi giao anh ấy một bảng dữ liệu, sự vui sướng ngời lên ánh mắt!; một người nghĩ mình sẽ dành cả đời cho phòng thí nghiệm để chiết tách chất này chất kia, chìm đắm trong những cấu trúc hữu cơ phức tạp, cả tuổi trẻ anh ta chả bao giờ nghĩ gì tới kinh doanh và quản trị, nhưng cuối cùng anh ta đã vận dụng những nguyên lý của các hợp chất thiên nhiên này vào trong …quản trị và trở thành một chuyên gia cố vấn về quản trị và kinh doanh.
Từ những năm 1900, phương Tây đã kêu gọi một nền giáo dục khai phóng chính là như vậy. Nền giáo dục tuyệt đối không được nhào nặn bất cứ thứ gì vào não con người. Giáo dục đơn giản là mở ra rất rất nhiều cánh cửa cho con người có nhiều hơn cơ hội tự nhìn vào sâu thẳm trong tâm trí của mình và chọn một cái gì đó thuộc về mình, xong! Chỉ cần bấy nhiêu đó, một quốc gia sẽ đầy ắp những con người mà mỗi người điều có một vài năng lực vượt trội gì đó trong người. Tự khắc xã hội sẽ phồn vinh.
Làm thế nào để biết mình thuộc về cái gì? Rất đơn giản, cho mình nhiều hơn những cơ hội để va chạm nhiều thứ, lắng nghe trí não của mình và tập trung vào làm những gì mà trí não của mình không có cảm giác mệt mỏi khi làm, càng làm càng phấn khích, càng làm càng sướng. Tôi thường khuyên sinh viên của mình tăng cường networking, chính mạng xã hội đã cho chúng ta vô vàn cơ hội để kết nối với nhiều người, nhiều nhóm, nhiều việc gì đó ai đang làm. Để một ngày nào đó sẽ đến, chúng ta tìm được chính chúng ta thuộc về cái gì!.

ĐỊNH VỊ THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN (PERSONAL BRAND POSITIONING)

Một điểm đen trong văn hóa Việt là sự háo danh (đây là cái nọc độc phong kiến để lại). Và chúng ta rất nhầm lẫn, nổi tiếng là tiền sẽ tới. Nên chúng ta suốt ngày thích nổi danh và nổi tiếng để kiếm thật nhiều tiền. Càng nôn nóng nổi tiếng, càng làm con mồi cho sự dụ dỗ và cám dỗ, để rồi đến ngày nào đó chúng ta thỏa hiệp với cái ác để trở thành kẻ bại hoại cho xã hội: lừa đảo, gian dối, xu nịnh, phỉnh phọt, trộm cướp công sức người khác… Người Việt cần phải thanh lọc cái văn hóa này trong xã hội.
Thứ chúng ta cần phải làm là tu luyện một vài năng lực vượt trội, có được những năng lực gì đó khác biệt và đột phá thì chúng ta sẽ có sự ảnh hưởng đến người khác, đến xã hội. Bằng những hiểu biết, kỹ năng vượt trội mà chúng ta đã lao động cật lực mà có, chúng ta lan tỏa ra cộng đồng và từ đó nhiều người tiếp nhận được những tri thức, kỹ năng đó, họ sẽ thay đổi nhận thức, hành vi, quan điểm, cách nghĩ cách làm…đó là sự ảnh hưởng. Có sự ảnh hưởng mới có được con đường đi được vào tâm trí của con người, ở lại trong đó và có một vị trí nào đó ở đó để người ta nhớ nhung.
Rất nhiều người nhầm lẫn thương hiệu (Brand) là sự nổi tiếng! thưa không, khi một ai đó nghĩ đến bạn và liên tưởng được những đặc điểm mà bạn ảnh hưởng đến người ta, nghĩa là trong tâm trí người ta bạn có một vị trí nào đó rõ ràng và đặc trưng thì khi đó bạn mới thật sự có được một thương hiệu. Khi nói đến thương hiệu là phải nói đến sự định vị là như vậy. Còn không thì chỉ là nổi tiếng chung chung mà không biết có gì hay ho không?! Cái nổi tiếng đó đích thực là sự tự làm nổi, làm lố gì đó cho nhiều người biết đến mà thôi.
Xã hội này không cần người nổi tiếng theo kiểu làm nổi làm lố, có chăng chỉ là giúp người khác giải trí làm xàm. Xã hội này rất cần những người có ảnh hưởng từ nhiều lĩnh vực khác nhau để góp phần tạo dựng sự văn minh dựa trên tri thức và trí tuệ, lan tỏa nhiều hơn những điều có ích cho con người.
Tóm lại, cốt lõi của sự định vị thương hiệu cá nhân là hãy dành hết tâm trí và sức lực để tu luyện một môn nội công tâm pháp gì đó thật là tuyệt chiêu, rồi cứ lan tỏa cái công lực đó ra cộng đồng để người đời thưởng thức. Đời người chỉ cần luyện một vài tuyệt chiêu mà đi được vào tâm trí người khác, ở lại trong đó với một vị trí đáng trân trọng, là đủ!

Vài lời cuối

Trong tâm lý học người ta ghi nhận 2 giai đoạn khủng hoảng về sự nghiệp: tuổi 30 và tuổi 50. Tuổi 30, sau khi ra trường hơn 10 năm nhìn lại bạn bè sao nhiều đứa làm được chuyện này chuyện nọ dữ dội quá, mình thì lèo tèo và bèo nhèo…; sau 50 khi bước vào tuổi mà sức khỏe bắt đầu có tín hiệu cho thấy muốn làm cũng không nỗi nữa, thì sự thỏa mãn, mãn nguyện, hay bực tức, buông xuôi, chán chường, rồi chấp nhận… sẽ xuất hiện.
Ai thì đến cuối đời cũng phải biết chấp nhận cho dù kết quả là gì. Nhưng để cuộc đời đừng phải hối tiếc, giá như là tôi biết được chuyện này sớm hơn…tôi có thể đã khác. Thì ngay từ hôm nay chúng ta hãy dành thời gian để lắng nghe trí não của mình, để tìm chính mình. Nếu tìm không ra, không sao từ từ tìm tiếp, nếu tìm ra thì làm ơn đừng trì hoãn, đừng hứa hẹn, hãy bắt tay ngay vào làm những gì tâm trí mách bảo. Để không phải một ngày nào đó ngồi đó và hối tiếc “giá như”.
Cuộc đời là duyên, nhưng duyên không có tự đến, mình phải tự gieo duyên.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *