Tôi hay nói vui, nếu AI có thể thay thế được lao động trong bệnh viện thì điều dưỡng sẽ bị thay thế cuối cùng. Công việc của điều dưỡng cần nhiều kỹ năng, cả kỹ năng cứng (kỹ năng chuyên môn) và kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp). AI có thể vô địch về kiến thức, nhưng kỹ năng thì còn mất nhiều thời gian, đặc biệt là kỹ năng giữa người với người (đồng cảm, thấu cảm, thấu hiểu, cảm thông, trắc ẩn,…).
Kiến thức là sự hiểu biết, phân biệt về một sự vật, sự việc gì đó. Đo lường kiến thức của một người không khó, chỉ cần cho bài thi là có thể đánh giá được. Kiến thức có được bằng cách học, mà học từ người khác là trên 99.9%. Ai trong đời tạo ra được 0.1% đóng góp kiến thức cho chuyên ngành của mình, đáng được vinh danh là bậc thầy (guru).
Kỹ năng là sự thực hành một cách thành thạo, giải quyết vấn đề và ra quyết định xử trí tình huống một cách tối ưu trong bối cảnh, điều kiện hiện có. Kỹ năng có được không chỉ nhờ học mà còn phải làm, và làm một cách tận tâm tận trí thì mới thành thạo được; làm lớt phớt thì cũng chẳng ra gì. Quá trình thực hành tận tâm sẽ hình thành kinh nghiệm, là những phương cách xử trí hợp lý và tối ưu trong từng bối cảnh cụ thể. Kinh nghiệm cộng với sự tận tâm dần dần đúc kết thành trực giác. Chuyên gia càng lão luyện, càng làm việc bằng trực giác, thoáng qua một phát là đã thấy kết quả. Rất nhiều điều dưỡng lão luyện “thấy kết quả” nhanh hơn bác sĩ là nhờ trực giác đó.
Tường minh hóa kinh nghiệm và trực giác của chuyên gia là quá trình nghiên cứu khoa học quan trọng, đặc thù trong ngành y, đó là nghiên cứu lâm sàng, dựa trên các giả thuyết (thường mang tính trực giác) và kiểm chứng giả thuyết để thành chứng cứ. Các kỹ thuật thống kê hỗ trợ cho quá trình kiểm chứng này nhằm hình thành sự “thực hành dựa trên chứng cứ”, nghĩa là thực hành dựa trên độ tin cậy đã được kiểm chứng.
Thách thức của các bệnh viện trong việc quản lý điều dưỡng hiện nay là:
Thách thức đầu tiên là chuyên sâu hóa từng người trên từng vị trí điều dưỡng hay đa dạng hóa kỹ năng của điều dưỡng để làm được nhiều vị trí hơn. Nói nôm na, ai làm vị trí gì thì làm cho chuyên, cho sâu hay là luân chuyển, điều động đa dạng vị trí của điều dưỡng. Ngày xưa, thời bao cấp, chúng ta thường theo hướng ai làm gì chuyên sâu cái đó, có người làm một vị trí điều dưỡng suốt 10-20 năm. Nhưng ngày nay, do sức ép về chi phí lương, chúng ta buộc phải đa kỹ năng cho điều dưỡng, nghĩa là đòi hỏi một điều dưỡng phải làm được nhiều vị trí công việc hơn để tối ưu chi phí.
Thách thức thứ hai là nguồn đào tạo điều dưỡng ngày càng đa dạng và có sự sai biệt khá lớn về chất lượng đào tạo giữa các trường. Bên cạnh đó là sự “ra – vào” khá thường xuyên của các điều dưỡng vì nhiều lý do, thu nhập hay sự thích ứng,… Điều này dẫn đến việc chất lượng chăm sóc sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Sự dao động trong chất lượng chăm sóc ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và hình ảnh của bệnh viện không thua kém sự ảnh hưởng của chất lượng điều trị.
Để giải quyết hai thách thức trên, phòng điều dưỡng các bệnh viện cần thực hiện hai việc quan trọng:
1. Xây dựng ma trận kiến thức và kỹ năng trên từng vị trí điều dưỡng.
2. Chuẩn hóa năng lực của điều dưỡng trên từng vị trí dựa trên ma trận kiến thức, kỹ năng này (chứ không đơn thuần là bằng cấp và kinh nghiệm).
3. Khi điều động một điều dưỡng từ vị trí này sang vị trí khác, phải chỉ ra những kiến thức và kỹ năng cần hoàn thiện và phải được thẩm định năng lực trước khi vào vị trí.
4. Xây dựng tiêu chuẩn năng lực và phân cấp điều dưỡng dựa trên ma trận kiến thức, kỹ năng.
5. Tiêu chí phân cấp dựa trên mức độ thành thạo ở nhiều vị trí hơn là ít vị trí mà chuyên sâu.
Cho dù biến động nhân sự thế nào, thì ổn định năng lực, đào tạo, huấn luyện và phát triển năng lực điều dưỡng là trọng tâm nhiệm vụ của phòng điều dưỡng. Nghĩa là, CNO (Chief Nursing Officer) phải đảm bảo rằng chúng ta có đủ năng lực của điều dưỡng đáp ứng cho chiến lược phát triển của bệnh viện. Lưu ý rằng, tuyển người chỉ là một giải pháp; đào tạo, huấn luyện liên tục mới là giải pháp căn cơ.
Tôi thường nói với các CNO bệnh viện rằng, các anh chị cứ tưởng tượng chúng ta dời trường điều dưỡng về đặt tại bệnh viện vậy. Trang bị dụng cụ và phương tiện để huấn luyện tại chỗ, biên soạn tài liệu, clip, hình ảnh,… huấn luyện tại chỗ, đánh giá giám sát thực hành bằng những hệ thống thông minh, so sánh hình ảnh thao tác với thao tác chuẩn để chỉ ra điểm cần tái huấn luyện,…
Do vậy, bộ tài liệu mà UMC đã dày công biên soạn là một bộ tài liệu không thể thiếu cho các bệnh viện vì nó sẽ giúp chúng ta xây dựng ma trận kiến thức, kỹ năng, đào tạo, huấn luyện và đánh giá từng quy trình, thao tác kỹ thuật cụ thể và rành mạch. Đặc biệt là nó dựa trên chứng cứ, đó là phần giá trị nhất, giúp chúng ta rút ngắn rất nhiều thời gian trong việc tìm tòi và làm rõ những hoài nghi trong quá trình thực hành.
Rất cảm ơn Phòng Điều dưỡng của Bệnh viện Đại học Y dược, đặc biệt cảm ơn CNO Hồng Minh trong nỗ lực làm ra bộ sách này.
Kính chúc thành công.
Vui lòng trả lời câu hỏi sau: 1+1=?