HUỲNH BẢO TUÂN

XUNG ĐỘT GIÁ TRỊ CỐT LÕI

Xung Đột Giá Trị Cốt Lõi: Nguyên Nhân Chính Gây Đổ Vỡ Quan Hệ

Đây là loại xung đột có thể gây đổ vỡ bất cứ mối quan hệ nào, từ bạn bè, tình yêu, hôn nhân đến hợp tác làm ăn, sự gắn bó giữa con người và tổ chức, thậm chí giữa các lãnh đạo chủ chốt trong một tổ chức… Điều đáng buồn là trong cuộc sống hiện đại, xung đột giá trị cốt lõi xảy ra ngày càng nhiều. Và khi nó xảy ra, điều mà chúng ta mong muốn nhất là giảm thiểu tối đa tổn thất cho các bên liên quan.

Giá trị là những nguyên tắc, niềm tin hoặc tiêu chuẩn mà mỗi người chúng ta coi là quan trọng và có ý nghĩa. Giá trị cốt lõi là tập hợp những giá trị nền tảng, bất biến và quan trọng nhất đối với một cá nhân. Chúng định hình cách chúng ta suy nghĩ, hành động và đưa ra quyết định. Chính vì vậy, khi chúng ta có những giá trị cốt lõi khác nhau, chúng ta sẽ nghĩ khác nhau, hành động khác nhau và quyết định khác nhau cho cùng một vấn đề. Đó là căn nguyên của rất nhiều xung đột trong cuộc sống và trong tổ chức hiện nay.

Bối cảnh lịch sử, chính trị, xã hội Việt Nam đã định hình nên những nhóm kinh doanh rất đặc trưng, với các giá trị cốt lõi khác nhau: nhóm làm cho nhà nước, nhóm làm cho tư nhân, nhóm làm cho nước ngoài, nhóm du học Đông Âu, nhóm du học Mỹ… Giá trị cốt lõi khác nhau dẫn đến thủ pháp kinh doanh, hành vi, và cách thức phát triển rất khác biệt. Có nhóm xem việc xây dựng mối quan hệ thân cận với chính trị là quan trọng trong môi trường kinh doanh Việt Nam; có nhóm thì nghĩ ngược lại, không muốn gắn sự nghiệp kinh doanh với rủi ro phe cánh nhiệm kỳ chính trị…. Có nhóm xem việc tận dụng kẽ hở chính sách là thủ pháp kinh doanh quan trọng, thể hiện sự khôn ngoan; có nhóm lại muốn đặt trọng tâm kinh doanh dựa trên năng lực cạnh tranh thị trường và khách hàng nhiều hơn…

Cách Giải Quyết Xung Đột Giá Trị Cốt Lõi Trong Tổ Chức Và Gia Đình

Trong các công ty gia đình, thế hệ thứ hai, thứ ba thường xảy ra xung đột giá trị cốt lõi với thế hệ sáng lập, thậm chí trong cùng một thế hệ cũng xung đột với nhau khá nhiều. Có người muốn phát triển doanh nghiệp gia đình theo hướng “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, tôn trọng giá trị truyền thống; có người thì làm gì cũng được miễn sao có tỷ suất sinh lời cao, tích tụ tài sản nhanh. Có người đeo đuổi ý nghĩa xã hội trong kinh doanh; có người đeo đuổi quy mô, danh tiếng và sản nghiệp. Có người muốn phát triển kinh doanh trong những lĩnh vực thiết yếu, cơ bản, lâu dài, trường tồn; có người muốn mạo hiểm với những lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật, giải trí, tìm kiếm vinh quang trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, hậu thế kệ nó…

Tình yêu, hôn nhân sau giai đoạn ân ái của cảm xúc sẽ bước vào giai đoạn chia sẻ hoặc xung đột các giá trị sống. Có người lấy tri thức làm giá trị, dành thời gian và sức lực cho đam mê tích lũy trí tuệ; có người lại muốn có một cuộc sống đa dạng trải nghiệm, di chuyển khắp nơi để khám phá thế giới. Có người đeo đuổi địa vị và danh giá, muốn xuất hiện ở đâu cũng được ngưỡng mộ; có người lại không cam chịu khi thấy người khác có gia sản quá lớn, cuộc sống quá sang trọng mà mình lại không. Có người muốn con cái được tự do phát triển trong khuôn khổ đạo đức và phẩm giá; có người lại muốn con cái đạt được những thành tựu mà ngày xưa mình ao ước, hay tránh những sai lầm mà mình đã mắc phải và hối tiếc.

Trong cuộc sống này, trừ khi chúng ta là một Robinson trên đảo hoang, chúng ta không thể tránh được xung đột giữa người với người. Hãy xem xung đột là một phần cơ bản của cuộc sống. Rất khó để phán xét giá trị cốt lõi của nhau, vì đó là kết quả của cả một quá trình sống, môi trường và trải nghiệm của mỗi người: gia đình, giáo dục, môi trường sống, tri thức, và cả cơ duyên… Hình thành nên quan điểm về giá trị. Vì vậy, điều chúng ta cần làm là hiểu được giá trị cốt lõi của người khác mà không phán xét. Thay vào đó, chúng ta nên tự hỏi liệu mình có thể chấp nhận sự khác biệt về giá trị cốt lõi đó hay không.

Và cũng như mọi thành phần cơ bản khác của cuộc sống, hãy luôn sẵn sàng cho một kịch bản “chia tay” ngay khi mối quan hệ mới bắt đầu hình thành. Nghe có vẻ trái tai, như thể vừa cầu hôn ai đó mà đã bàn đến chuyện nếu sau này ly dị thì làm sao. Nhưng đó là cách sống đối diện với thực tế. Hãy tập thói quen định nghĩa một “nút thoát”, một tâm thế cho sự “không còn có nhau trong đời” cho bất kỳ mối quan hệ nào, từ gia đình đến xã hội.

Một nhóm người hùn hạp làm ăn, lúc đầu ai cũng hăm hở, nhiệt huyết, san sẻ vì chưa có gì cả (tiền bạc, danh tiếng…). Ban đầu chẳng ai muốn bàn đến chuyện nếu sau này ai đó muốn rút vốn thì sao, hoặc nếu không đồng quan điểm về chiến lược, sách lược kinh doanh thì làm sao. Vì vậy, ngay từ lúc mới bàn chuyện hợp tác, hãy bàn luôn về những nguyên tắc này, thậm chí cả “nút thoát” cho sự ra đi, nghĩa là cái cách mà ai đó muốn rút vốn thì sẽ phải làm gì, khi nào, và như thế nào! Thậm chí là các cam kết không phá nhau nếu rút vốn.

Tương tự, trong doanh nghiệp gia đình, nhà sáng lập càng phải làm việc quan trọng đó là xây dựng các giá trị cốt lõi của gia tộc kinh doanh, định nghĩa rõ ràng những việc cần làm, việc không được làm, và cả một lối thoát cho xung đột các giá trị cốt lõi. Nghĩa là, định nghĩa ai là người phải ra đi và được mang gì khi ra đi, cũng như không được làm gì khi ra đi.

Trong các tổ chức kinh doanh hiện nay, các lãnh đạo chủ chốt thường ít khi trao đổi thông tin một cách tin cậy với nhau. Việc hiểu về các giá trị cốt lõi của nhau gần như là không thể, và càng không bao giờ có chuyện ngồi lại để định nghĩa “nút thoát”. Thế nên, thể chế và pháp chế là vô cùng quan trọng để tránh các cuộc xung đột giá trị cốt lõi gây chia rẽ tổ chức. Đáng tiếc là các doanh nghiệp Việt ít dành thời gian cho việc này, từ tổ chức công đến tư. Các mối quan hệ và chính trị nội bộ vô cùng phức tạp, lợi ích và xung đột nội bộ rất khó đoán. Vì vậy, chiến lược và sách lược phát triển của các tổ chức này thường rất mơ hồ, tù mù. Đùng một phát, khi quyền lực nghiêng về nhóm nào thì chiến lược, sách lược phát triển nghiêng theo nhóm đó, thay đổi 180 độ cũng là chuyện bình thường.

Trong tình yêu, hôn nhân gia đình, ông bà thường nói phước phần của mỗi người sẽ quyết định sự bình yên hay sóng gió. Muốn có một gia đình bình yên, có lẽ cầu nguyện tổ tiên và Phật trời phù hộ là phương cách nhiều người lựa chọn để an yên tâm hồn. Tuy nhiên, việc còn chịu cầu nguyện vì nhau cũng là còn chấp nhận hy sinh giá trị cốt lõi của mình để giữ cho gia đình bình yên, để không tổn hại đến những đứa trẻ mà chúng ta đã tạo ra. Đó cũng là một giá trị cốt lõi: giá trị gia đình, giá trị của tình thương. Dành thời gian cho những thảo luận để tìm kiếm những điểm chung và điểm khác biệt về giá trị cốt lõi giữa hai người là việc đáng làm, và cũng đáng để hy sinh vì những đứa con của chúng ta.

Vài lời cuối

Xung đột là một phần của cuộc sống, nhưng để xung đột dẫn đến hậu quả nghiêm trọng lại là câu chuyện của sự chuyên nghiệp và bản lĩnh tâm trí mỗi người. Chúng ta không thể trốn tránh xung đột, chúng ta phải đối diện và tìm cách rút ngắn sự khác biệt về giá trị cốt lõi trên tinh thần không phán xét, không lôi kéo người khác phục tùng giá trị cốt lõi của mình. Chúng ta chỉ cần hiểu và chấp nhận sự khác biệt đó hay không. Tuy nhiên, xung đột giá trị cốt lõi không hề dễ chịu, nó cứ như bắt chúng ta phải sống bằng một con người khác, không được sống với chính mình. Nên, nếu không thể, hãy cho nhau một “nút thoát” êm ái nhất có thể để không làm tổn thương hay để lại hậu quả cho ai khác.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Bốn + ba bằng mấy?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *